Những Điều Cần Biết Về Nhật Bản Và Kinh Nghiệm Giao Tiếp Thương Mại Với Người Nhật
(Hết hàng)
Tác giả: Trần Anh Phương Thể loại: Khoa học xã hội ISBN: 200369 Xuất bản: 4/2009 Trọng lượng: 210 gr NXB: Chính trị quốc gia Số trang: 204 trang, khổ 14,5x20,5 cm Giá bán: 29,000 đ |
|
ĐCSVN) – Đó là nội dung cuốn sách của Tiến sĩ Trần Anh Phương vừa được NXB Chính trị quốc gia ấn hành, đúng vào thời kỳ quan hệ Việt Nam - Nhật Bản có những bước tiến triển rất tốt đẹp, đặc biệt sau chuyến thăm Nhật Bản của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (tháng 4/2009) và của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang diễn ra trong những ngày này. Cuốn sách “Những điều cần biết về Nhật Bản và kinh nghiệm giao tiếp thương mại với người Nhật” là công trình nghiên cứu tiếp theo cuốn sách “Thương mại Việt Nam- Nhật Bản trong tiến trình phát triển quan hệ giữa hai nước” của Tiến sĩ Kinh tế chính trị học Trần Anh Phương vừa được NXB Chính trị Quốc gia ấn hành tháng 3/2009. Cuốn sách có phạm vi nghiên cứu khá rộng, không chỉ cung cấp những kiến thức tổng quan về “Nhật Bản học”, nhất là thông tin về đất nước – con người Nhật Bản, mà tác giả còn dành một phần quan trọng để trình bày những kinh nghiệm cơ bản về thực tiễn tiễn hành các hoạt động giao lưu thương mại với người Nhật và những địa chỉ tìm kiếm thông tin cần thiết về Nhật Bản. Mục tiêu nghiên cứu, phản ánh của cuốn sách nhằm giúp cho các doanh nhân Việt Nam nói riêng và tất cả những ai muốn có thêm những hiểu biết về đất nước – con người Nhật, biết cách ứng xử, giao tiếp chung với người Nhật trong quan hệ giao lưu trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trong các hoạt động thương mại. Thông qua cuốn sách, mong muốn của tác giả là được “góp phần nhỏ bé của mình” vào việc giúp người Việt Nam chúng ta khắc phục những thiếu hụt cơ bản nhất về kiến thức “Nhật Bản học”, khiến cho đó đã là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản dù đã đạt nhiều tiến triển khả quan song vẫn còn không ít hạn chế, bất cập so với tiềm năng và nhu cầu phát triển chung của cả hai nước. Cuốn sách dày 202 trang, ngoài lời Nhà xuất bản, lời tác giả, phụ lục và danh mục tham khảo, nội dung chính được kết cấu thành hai chương: Chương I: Tổng quan về Nhật Bản. Chương II: Những điều cần biết trong giao tiếp thương mại với người Nhật. - Trong Chương I “Tổng quan về Nhật Bản”, tác giả đã cung cấp nhiều thông tin về nước Nhật như: điều kiện tự nhiên, con người, lịch sử, văn hoá, chính trị, xã hội, khoa học - kỹ thuật, và đặc biệt là kinh tế…Tác giả đã nêu rõ nét từng lĩnh vực cụ thể, phân tích khá sâu về những lợi thế của tính cách con người Nhật Bản. Con người Nhật có những đức tính quý báu, đó là tính hiếu kỳ và nhạy cảm với văn hoá nước ngoài; có ý thức tập thể cao; có lòng tôn trọng thứ bậc và địa vị; có óc thẩm mỹ;… nhưng Nhật Bản hiện nay lại đang có những bức xúc lớn về vấn đề dân số, vì tốc độ gia tăng dân số ở Nhật Bản so với năm 2000 đã giảm mạnh chỉ còn 0,05%, tỉ lệ này là thấp nhất thế giới hiện nay, đây rõ ràng là khó khăn, thách thức rất lớn đối với nước Nhật về nguồn nhân lực. Về văn hoá, tác giả đã nêu “...Nhật Bản có nền văn hoá đa dạng nhưng giàu bản sắc dân tộc” được biểu hiện ở những lĩnh vực: Tôn giáo; các lễ hội và một số biểu trưng văn hoá truyền thống như: Trà đạo, hoa đạo, trang phục truyền thống Kimono, núi Phú Sĩ (Fuji)… Về chính trị, tác giả đã khái quát một số nét cơ bản về hệ thống chính trị ở Nhật Bản hiện nay, đường lối đối nội, đường lối đối ngoại (quan hệ Nhật Bản với Mỹ, với Trung Quốc, với Liên bang Nga, với ASEAN, và với EU…). Về xã hội, tác giả đã phản ánh về các vấn đề gia đình, dân số Nhật Bản, mức sống của người dân Nhật và vấn đề bảo hiểm xã hội. Đặc biệt, riêng với vấn đề giáo dục, tác giả đã nêu khá cụ thể về thực trạng của cải cách giáo dục – đào tạo Nhật Bản hiện nay đang nhằm tới các mục tiêu cơ bản: Hướng tới hoàn thiện giáo dục nhân cách; thực hiện chế độ trường học có khả năng phát huy cá tính và tạo cho học sinh những cơ hội lựa chọn đa dạng; xúc tiến việc chấn hưng nghiên cứu và cải cách giáo dục đại học theo hướng phù hợp hơn với vị thế cường quốc của Nhật. Về khoa học - kỹ thuật ở Nhật Bản, tác giả đã nêu nhiều về chính sách, chiến lược đầu tư, mục tiêu phát triển khoa học - kỹ thuật của Nhật Bản từ sau Chiến tranh thế giới thứ II đến nay. Đặc biệt, sự thành công ngoạn mục của mô hình kinh tế Nhật Bản trước thập niên 90 của thế kỷ XX và những bất cập, hạn chế của nó từ đầu những năm 1990 đến nay đã được tác giả phân tích sâu trong phần cuối chương I của cuốn sách này. - “Những điều cần biết trong giao tiếp thương mại với người Nhật” là nội dung Chương II của cuốn sách. Trong chương này, tác giả đã đưa nhiều thông tin có giá trị thực tiễn như: Tập quán sinh hoạt và kinh doanh của người Nhật, biểu hiện ở lối sống hàng ngày: Thể hiện tình cảm, kính ngữ (lễ phép, kính trọng hoặc khiêm nhường), ngồi quỳ trên chiếu, cúi người khi chào…. Cách ứng xử trong công việc và trong kinh doanh: Ứng xử qua điện thoại, giữ đúng hẹn, coi trọng hình thức, con dấu và danh thiếp, thoả thuận trong kinh doanh, văn minh thương mại… Phần cuối Chương II, tác giả đã đưa ra nhiều giải pháp thực tiễn “Để hàng Việt Nam vào được thị trường Nhật Bản”. Trong đó, cần phải nắm vững được một số đặc điểm cơ bản về nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng của người Nhật Bản (đòi hỏi cao về chất lượng, nhạy cảm với giá cả tiêu dùng hàng ngày, thời trang và thị hiếu màu sắc, nhạy cảm với sự thay đổi theo mùa, ưa chuộng sự đa dạng của sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái…). Phải nắm chắc được nguyên tắc khi thâm nhập thị trường Nhật Bản là bảo đảm thời gian giao hàng và duy trì chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, tác giả đã nêu ra những vấn đề chung cần chú ý khi xuất khẩu hàng hoá vào thị trường Nhật Bản: Nhãn hiệu hàng hoá, cách trình bày và đóng gói sản phẩm, các tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá, luật lệ thương mại; hệ thống ngân hàng Nhật Bản và các vấn đề thanh toán xuất nhập khẩu, hệ thống phân phối của Nhật Bản… mà các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm vững trong quan hệ thương mại với người Nhật. Đồng thời tác giả cũng đã cung cấp những thông tin cần thiết đến các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đang có quan hệ thương mại với người Nhật về một số hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam đang có thế mạnh ở Nhật Bản như : thuỷ sản (nhiều nhất là tôm); đồ nội thất (làm từ gỗ, mây tre, kim loại); gạch lát và đá xây dựng. Và cuối cùng tác giả đã nêu ra một số tư vấn đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong việc xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang thị trường Nhật Bản. - Cuối cùng, ở phần phụ lục là những thông tin nhằm giúp người đọc hiểu biết thêm về “Chất lượng sống Nhật Bản trong so sánh với một số nước phát triển khác”; “Hoa anh đào và Hội ngắm hoa anh đào ở Nhật Bản”; và “Nét đẹp văn minh thương mại của người Nhật” và địa chỉ một số trang web cung cấp thông tin về Nhật Bản. Tin rằng, thông qua cuốn sách nhỏ này nhưng sẽ hữu ích cho những ai quan tâm đọc nó, nhất là với các doanh nhân, doanh nghiệp nuớc ta đang có hoặc sẽ có quan hệ quan hệ đối tác thương mại với người Nhật. Và như mong ước của tác giả: Cùng với cuốn sách “Thương mại Việt Nam - Nhật Bản trong tiến trình phát triển quan hệ giữa hai nước”, cuốn sách này – “Những điều cần biết về Nhật Bản và kinh nghiệm giao tiếp thương mại với người Nhật” sẽ là “góp phần nhỏ bé” của người viết vào việc tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị, toàn diện giữa hai nước đã và đang ngày càng khởi sắc tốt đẹp hơn. Xin giới thiệu cùng các bạn. |