Nước Mắt Một Thời (Tiểu Thuyết)
(Hết hàng)
Tác giả: Nguyễn Khoa Đăng Thể loại: Văn học ISBN: 208033 Xuất bản: 9/2009 Trọng lượng: 310 gr NXB: Hội Nhà Văn Số trang: 304 trang, kích thước 13x19 cm Giá bán: 50,000 đ |
|
Nước mắt của lòng khoan dung
Sau mấy năm trầy trật xin giấy phép, cuối cùng nhà văn Nguyễn Khoa Đăng cũng đã có thể thở phào, sung sướng khoe với bạn bè cuốn truyện Nước mắt một thời vừa được NXB Hội Nhà văn ấn hành và ra mắt bạn đọc gần xa trong tháng 9 này.
Nước mắt một thời là những giọt nước mắt oan ức, tủi nhục của dòng họ Nguyễn Đức do những sai lầm của những người thực hiện cải cách ruộng đất gây nên.
Ông Cả Lân là đảng viên, từng tham gia kháng chiến chống Pháp tại địa phương. Cụ Hàn Bằng, thân sinh của ông Cả Lân, từng là một người giàu có và có chút chức tước do triều Nguyễn ban tặng. Thế nhưng, cái danh cái tước ấy của cụ là do … mua mà có, bản thân cụ lại đã bị phá sản từ lâu sau một vụ kiện tụng. Vì thế, ông Cả Lân, tuy có cái tiếng là con cụ Hàn Bằng nhưng chẳng hơn gì con cái những nhà nghèo, đã từng phải vào miền Nam, sang Campuchia làm phu đồn điền cao su. Khi trở về làng, vợ chồng ông đã phải nai lưng làm lụng, buôn bán cật lực mới tậu được ít ruộng đất. Nếu xét theo luật cải cách ruộng đất, gia đình ông Cả Lân không thuộc thành phần địa chủ.
Nhưng khi đội cải cách về, gia đình Cả Lân và gia đình những người em của ông đều nhanh chóng tan tác mà như tác giả gọi là “bão năm Mùi” quét qua. Họ bị đội cải cách quy oan thành địa chủ, bị nhiều người nông dân do lòng tham và sự đố kỵ đứng lên “tố điêu” là bóc lột nông dân thậm tệ, làm tay sai chỉ điểm cho Pháp bắn giết người làng ... Không chỉ bị mất gần như toàn bộ nhà cửa, ruộng vườn, tài sản, gia đình ông Cả Lân còn phải chịu đựng những giày vò, hành hạ cả về thân xác lẫn tinh thần. Cả nhà họ vốn trước đây được người làng kính trọng thì giờ lại bị làng xóm xa lánh, khinh bỉ. Bà Cả Lân bị bắt giam nhiều ngày rồi bị kết án tù treo 3 năm. Ông Cả Lân bị quy oan tội làm gián điệp cho Pháp và bị đem ra xử bắn. Đứa con gái út do thiếu sự chăm sóc của cha mẹ mà bị chết vì bệnh tật… Gia đình những người em và họ hàng của ông Cả Lân cũng lâm vào tình trạng thảm thương, dù trên thực tế, họ chẳng phải là địa chủ, cường hào ác bá.
Cái oan khuất của gia đình ông Cả Lân và họ Nguyễn Đức, cũng giống với những nỗi oan khuất mà ta có thể bắt gặp trong những tác phẩm khác đã từng viết về những sai lầm của cuộc Cải cách ruộng đất. Đó là Đội Khoảnh - cán bộ cải cách độc ác và đê tiện; đó là Kền - người nông dân tham lam, đố kỵ, độc ác, điêu ngoa và phản trắc; rồi những phiên toà đấu tố địa chủ, không khí nghột ngạt của xóm làng trong những ngày cải cách ruộng đất...
Nhưng Nước mắt một thời, dù được dẫn chuyện bằng nhân vật “tôi” – con ông Cả Lân, một nạn nhân trực tiếp của những kẻ cố ý làm sai tinh thần của cuộc cải cách ruộng đất, lại không hề mang cái giọng hằn học, mỉa mai. Thay vào đó là một cái nhìn đầy bao dung, độ lượng về một thời đã qua, qua lời trăng trối của nhân vật Én với “tôi”: “Đọc anh, nhất là đọc những gì anh viết về một quá khứ đau buồn, em sáng ra một điều là anh không hề có ấn tượng nặng nề, không hề hằn học, cay cú với những biến cố làm gia đình anh tan nát. Trái lại, anh còn tỏ ra thông cảm, độ lượng khi gọi đó là Nước mắt một thời, là Cơn sốt vỡ da hoặc nữa là Bão năm Mùi”.
Cái nhìn bao dung, độ lượng ấy của người dẫn chuyện, được lồng vào trong một chuyện tình yêu đi xuyên suốt từ đầu tới cuối tác phẩm này. Đó là mối tình thơ ngây, trong sáng của “tôi” và Én. Mối tình ấy lẽ ra đã có một kết quả đẹp là cuộc hôn nhân giữa hai người. Thế nhưng, cũng cái cơn “bão năm Mùi” đã lạnh lùng thổi phăng đi tất cả. Khi đội cải cách chưa về, sự “không môn đăng hộ đối” giữa hai gia đình đã là một trở lại cho cuộc tình này. Nhưng trở ngại ấy dầu sao họ cũng có thể vượt qua. Còn khi gia đình “tôi” bị quy địa chủ, gia đình Én là bần cố nông, thì trong cái không khí làng xã của thời Cải cách ruộng đất ấy, cái rào chắn giữa họ đã trở nên cao vời vợi.
Ác nghiệt hơn nữa, Kền (anh trai của Én) lại là người đưa ông Cả Lân tới chỗ chết khi hắn vu cáo ông làm chỉ điểm cho Pháp và đích thân hắn bổ lưỡi cuốc vào đầu ông Lân khi ông chưa bị chết hẳn sau loạt đạt xử bắn của du kích. Những biến cố ấy đã khiến cho Én phải bỏ làng ra đi, mãi mãi chịu mang tiếng là phụ tình để đi theo Đội Khoảnh. Để rồi, mãi mấy chục năm sau, tới lúc qua đời, cô mới giãi bày được tất cả qua một cuốn băng ghi âm gửi lại cho “tôi” - người con trai duy nhất mà cô mãi mãi yêu thương.
(Nguồn:
http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/11/11/11/40085/Default.aspx