Năm Thìn Nói Chuyện Rồng
(Hết hàng)
Tác Giả: Hoàng Nghĩa Thể loại: Phong thủy - Kinh dịch - Nhân tướng học ISBN: 8935209613152 Xuất bản: 2/2012 Trọng lượng: 200 gr NXB: Thời đại Số trang: 167 trang - khổ: 14.5x20.5 cm Giá bán: 33,000 đ |
|
Trong 12 con giáp, rồng không thuộc thế giới động vật mà chúng ta có để nuôi. Xuất xứ của rồng không giống các con vật khác. Không có rồng trong thực tế. Con rồng tượng trưng cho sự cao cả, anh hùng, sức mạnh phi thường có trong tưởng tượng của con người. Thìn: Âm gốc Hán đọc là thần, từ chỉ thời gian mở đầu buổi sáng mỗi ngày. Từ nghĩa đó, “thần” còn được chỉ mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Năm Thìn là năm ứng với con rồng. Chữ rồng âm Hán Việt gọi là long. Rồng là con vật tưởng tượng, hư cấu từ những hình tượng của những con vật có thực. Không chỉ ở VN mà ở nhiều quốc gia có biểu tượng con rồng với nội dung khác nhau. Trong cuốn Bách khoa toàn thư sớm nhất của Trung Quốc miêu tả: “Rồng là loài động vật có vảy, lúc ẩn lúc hiện, có thể nhỏ có thể to, có khi ngắn có khi dài, mùa xuân thì bay lên trời, thu đến thì chìm sâu dưới nước...”. Các nhà nghiên cứu đều cho rằng rồng là vật bắt nguồn từ rắn xưa kia. Rồng chính là con rắn, “rắn thêm bốn chân thú, đầu ngựa, đuôi linh cẩu, sừng hươu, móng chó, vảy và râu cá...”. Con rồng chuyển hoá, tượng trưng cho quyền uy tối thượng. Chỗ ở của vua gọi là “long cung”, giường vua ngủ là “long sàng”, mình vua là “long thể”, mặt vua là “long nhan”, áo vua mặc là “long bào” thêu con rồng năm móng... Trong dân gian, rồng tượng trưng cho linh thiêng và điềm lành. Năm rồng là năm đại cát, ai tuổi rồng thì sẽ thành đạt, vẻ vang. “Mả táng hàm rồng” là ý chỉ người nào đó có hồng phúc. Hình tượng con rồng có muôn vàn dáng vẻ, màu sắc rực rỡ, không những thấy trong thơ ca, tiểu thuyết, hội hoạ, đồ mỹ nghệ, điêu khắc, kiến trúc chùa chiền, cung điện qua các thời đại mà còn đi sâu vào phong tục tập quán dân gian. Những ngày lễ, tết, hội hè đều có hình bóng con rồng. Ở VN, con rồng cũng mang đầy đủ ý nghĩa của rồng phương Đông. Rồng trong đời sống tâm linh con người. Rồng không chỉ là huyền thoại về dòng giống của người Việt mà còn là biểu tượng của thủ đô nước ta. Theo Sử biên niên, ngày sáng lập ra triều đại nhà Lý có con rồng xuất hiện nên thủ đô có tên là Thăng Long. Rồng không những là biểu tượng của vua, của sự thiêng liêng, rồng còn là biểu tượng của thân hình đất nước: Từ Bái Tử Long, Hạ Long, Bạch Long Vĩ, qua Thăng Long đến Cửu Long. Mường tượng đất nước VN như một con rồng thì khúc đầu là miền Bắc, khúc giữa là miền Trung, khúc đuôi là Nam Bộ. Tuy rồng là biểu tượng của mạnh mẽ, nhưng cũng mang tính chất hung dữ. Vòi rồng là luồng gió xoáy có sức mạnh phá hoại ghê gớm, có thể cuốn hút các vật nặng hàng tấn, quăng xa vài trăm mét như đàn trâu bò, ôtô, toa tàu... Trong sản xuất nông nghiệp người xưa tin rằng rồng đen lấy nước thì được mùa, rồng trắng lấy nước thì báo điềm hạn hán (Rồng đen lấy nước được mùa/ Rồng trắng lấy nước thì vua đi cày). Rồng trong thành ngữ tiếng Việt. Con rồng khiến người ta tưởng tượng ra nhiều hình tượng độc đáo và thể hiện ra bằng tranh vẽ, truyện kể, điệu múa (múa lân), đặc biệt là trong ca dao, thành ngữ VN. Một số câu quen thuộc như: “Gái ngoan lấy được chồng khôn. Cầm như cá vượt vũ môn hoá rồng”; “rồng đến nhà tôm”; “ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo”; “con rồng cháu tiên”; “như mây gặp rồng” v.v... Rồng trong luận tuổi tác. Người tuổi Thìn nóng nảy, gấp gáp, cuồng nhiệt và luôn chứa đầy khát vọng rất thích làm những việc lớn, quan trọng, luôn coi mình là nhân vật trung tâm, dù họ rất võ đoán, yêu cầu cao, họ vẫn có nhiều kẻ tôn sùng. Tuy là kẻ tự cao tự đại, song họ luôn hiếu thuận với người trên, bất luận họ có xung đột gì với gia đình, chỉ cần gia đình cần sự giúp đỡ thì họ sẽ giúp đỡ ngay. Họ ít khi để tình cảm xen vào công việc. Rất thẳng thắn, đi thẳng vào vấn đề, không cần rào trước đón sau, công khai biểu lộ quan điểm của mình, không biết ân hận về những gì mình đã làm. Xin trân trọng giới thiệu. |