TỪ BẾN SÔNG NHÙNG
Tác giả: Phạm Quốc Toàn Thể loại: Truyện dài - Tiểu thuyết ISBN: 9786046853367 Xuất bản: 1/2019 Trọng lượng: 470 gr NXB: VĂN HÓA - VĂN NGHỆ TPHCM Số trang: 395 trang - khổ: 20.5 x 14.5 cm Giá bán: 139,000 đ |
|
“Soi vào nội dung cuốn sách của Phạm Quốc Toàn, tôi mạnh dạn gọi nó là tiểu thuyết chân dung - lịch sử? Một diện mạo mới của nền báo chí cách mạng Việt Nam với nhiều gam màu sáng là chủ đạo, nhưng đã và đang bộc lộ cũng như tiềm ẩn nhiều nguy cơ xuống cấp về đạo đức nghề nghiệp báo chí, mà tác giả cùng dư luận xã hội đang cảnh báo và phê phán. Điều đó cắt nghĩa vì sao trong gần 400 trang tiểu thuyết, tác giả tập trung miêu tả, phân tích, lý giải hai câu hỏi cực kỳ quan trọng đang hiện hữu trong thực tiễn báo chí hôm qua và hôm nay: Nhà báo, bạn là ai?; Những tố chất nào cấu thành đạo đức nghề nghiệp nhà báo? Tác giả đã kỳ công sưu tầm, chắt lọc, tìm cách thể hiện chiều sâu những tư liệu, sự kiện, chi tiết đắt giá thông qua nhiều diễn biến hệ trọng của đời sống đất nước và quốc tế cùng thực tiễn tác nghiệp phong phú, đa dạng của đội ngũ làm báo, đã tác động trực tiếp tới suy nghĩ và việc làm nhiệt huyết, bền bỉ của nhân vật Phan Hoàng nhằm góp sức tìm câu trả lời có sức thuyết phục hai câu hỏi lớn nêu trên. Tôi coi đây là thành công quan trọng thứ hai của cuốn tiểu thuyết. Thành công của cuốn tiểu thuyết, ngoài nội dung thời sự, thì cách thức xây dựng nhân vật điển hình, chọn chi tiết điển hình; cách cấu trúc chương mục hợp lý; sự diễn đạt các sự kiện theo thời gian đan xen quá khứ và hiện tại… để làm nổi rõ chủ đề, quả thật là vấn đề không dễ chút nào, nhất là khi tác giả xây dựng nhân vật Phan Hoàng lấy từ nguyên mẫu của làng báo Việt Nam qua 70 năm hành nghề đầy sôi động. Với cách diễn đạt nhẹ nhàng, uyển chuyển, có điểm dừng, tác giả đã kết hợp hài hòa giữa miêu tả và tự sự, giữa bình luận và đối thoại, giữa hoài niệm và hiện tại… tạo nên những trang viết sống động, hấp dẫn, nhất là những đoạn miêu tả nội tâm nhân vật khi về thăm lại bến sông Nhùng, nhớ về ông, bà, cha mẹ, anh em một thời gian khó; những chuyến về nguồn; những kỷ niệm khó quên với các nhà văn Chế Lan Viên, Nguyễn Văn Bổng, Giáo sư Hoàng Trinh, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương…; các nhà báo, nhà văn quốc tế lừng danh, như Wilfred Burchett, Jean Lacouture, Jacques Danois, Alain Decaux; cựu chủ tịch Liên đoàn báo chí Thái Lan, ông Bandhit Rajavadhanim… Đặc biệt là lời góp ý chân tình, sâu sắc của Bác Hồ khi Người đọc bài viết của Phan Hoàng về chuyến thăm và làm việc của Bác tại một tỉnh đồng bằng; những cuộc gặp, làm việc với Tổng Bí thư Trường Chinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh… chung quanh “chuyện bếp núc” của báo chí…, đã là nguồn nhựa làm nên hồn báo, hồn văn của Phan Hoàng. Nói rộng ra, đó là căn nguyên để diễn đạt chiều sâu cái nghề thật quang vinh, cao quý, nhưng vô cùng gian nan, thậm chí nhiều khi gặp hiểm nguy của chiến tranh, hoặc sự gian manh, đố kỵ của chính một số đồng nghiệp với lương tâm, động cơ không trong sáng… Thành công trong khắc họa nhân vật Phan Hoàng, tác giả có may mắn được thừa hưởng những trang nhật ký; những tư liệu sống động trong hàng chục cuốn sách của Phan Hoàng; những cuộc trò chuyện “gan ruột” về đời, về nghề giữa tác giả và nhân vật - điều đó là “chất bột” làm nên các trang viết có hồn, có sức cuốn hút. Nhưng nếu xử lý các tư liệu ấy không “cao tay” rất dễ sa vào tình trạng kể lể, ghi chép dài dòng. Đây là làn ranh mong manh của người viết tiểu thuyết loại này”. (Theo nguoilambao.vn)
Minh Khai trân trọng giới thiệu |