Quyền Lực Tuyệt Đối (Tiểu Thuyết, Bìa Cứng)
(Hết hàng)
Tác giả: David Baldacci. Dịch: Đỗ Tuấn Anh Thể loại: Văn học ISBN: 108088 Xuất bản: 1/2009 Trọng lượng: 1030 gr NXB: Văn Hóa Thông Tin Số trang: 624 trang, kích thước 16x24 cm Giá bán: 130,000 đ |
|
QUYỀN LỰC KHÔNG CHE ĐƯỢC SỰ THẬT (PGS TS PHẠM VĂN TÌNH) "Không có gì bất thường cả… Rồi chúng tôi nghe thấy tiếng Tổng thống hét lên và chúng tôi lao vào. Con dao khi đó chỉ còn cách ngực Tổng thống có vài phân. Lúc đó chỉ có nổ súng ngay mới kịp". Đó là lời của Burton, một trong hai viên mật vụ Mỹ báo cáo với sếp của mình về cái chết của bà vợ tỉ phú Walter Sullivan (do chính mật vụ Mỹ bắn chết). Nghe có vẻ hợp tình hợp lí. Điều trớ trêu là lúc đó, cả người đàn bà (cô vợ của Sullivan) và người đàn ông bên cạnh (Tổng thống) đều trần như nhộng. Và câu chuyện đi tìm sự thật mới chỉ bắt đầu. Hai nhân viên mật vụ báo cáo nhanh với Gloria Russell - nữ Chánh Văn phòng của Nhà Trắng - về lí do họ phải ra tay kết liễu kẻ đang "định sát hại" Tổng thống Alan Richmond - nhân vật được coi là quyền lực số 1 của nước Mỹ. Quả là một sự kiện động trời. Có rất nhiều uẩn khúc cũng như những nghịch lý không thể cắt nghĩa được. Tại sao cặp tình nhân kia lại vật lộn, thậm chí định giết nhau khi đang ở trong tư thế hai kẻ ái ân? Tại sao những diễn biến điều tra phức tạp và bế tắc đến thế? Cả một bộ máy điều tra hùng mạnh của Mỹ đều tỏ ra bất lực. Quả là một câu chuyên li kì, chứa đựng tất cả "âm mưu và tình yêu". Có rất nhiều nhân vật dính líu tới vụ này. Và thực tế là người ta đã không thể học được chữ ngờ vì những diễn biến kì quặc không cho phép bất cứ một nhà điều tra nào hé tìm ra sự thật ngay đằng sau các sự kiện nghe có vẻ rất tường minh ấy. Xã hội Mỹ trong cuốn tiểu thuyết chứa đựng nhiều mâu thuẫn, rối ren, biến ảo khôn lường. Nhưng phải chăng, đó là câu chuyện của nghị trường, chính trị chứ chuyện trăng hoa của Tổng thống đa tình dẫn đến cái chết của một cô gái "bồ bịch" kia có lẽ cũng chỉ là chuyện quan hệ tình ái thôi chăng? Ấy thế mà từ đây, người ta nhìn ra không biết bao nhiêu sự kiện chồng chéo, hư hư thực thực. Các nhà điều tra như luật sư J. Graham cũng bó tay bởi các thông tin hoàn toàn bị nhiễu. Điều trớ trêu thứ nhất là, vị Chánh Văn phòng nhà Trắng đạo mạo Gloria Russell kia lại trở thành nhân vật chính khi xảy ra vụ án này. Thay cho việc tìm hiểu để tìm ra chân lí sự thật, bà ta đã đưa cả hệ thống điều tra vào rắc rối. Việc giấu con dao dính máu tại hiện trường đã kéo theo một loạt diễn biến khác liên quan tới chứng cứ rất quan trọng trên. Người đứng ra điều tra bảo vệ công lý lại là kẻ sau này trở thành bị can. Thật lạ lùng hết mức. Điều trớ trêu thứ hai là, một kẻ trộm siêu hạng như Luther Whitney lại trở thành người giữ vai trò quan trọng để chỉ ra chi tiết sự kiện vụ án mạng trên. Chỉ cần hắn khai ra những điều hắn trông thấy, sự thật sẽ được phơi bày. Bởi khi lẻn vào nhà Sullivan ăn trộm, Whiney tình cờ chứng kiến mọi vụ việc. Khốn nỗi, hắn đang nằm trong tầm ngắm của mật vụ Mỹ. Thế là, hắn trở thành người "biết mà chẳng dám nói ra". Điều trớ trêu thứ ba là, A. Richmond - vị tổng thống có quyền lực và quyền năng vô biên - lại trở thành kẻ cố tình phá hỏng cuộc điều tra (để giữ thể diện, bịt đầu mối) bằng cách cho thủ tiêu khá nhiều nhân vật. Trong đó có cả chồng của người xấu số (ngài W. Sullivan) và khá nhiều mật vụ tài danh khác. Sullivan lại từng là ân nhân của tổng thống (trong việc quyên góp tiền tranh cử) cơ đấy! Mà với kẻ quyền lực vô biên như thế, chả có gì mà không làm được. Thế mà… Thế mà nhà độc tài kia cũng "chạy trời không khỏi nắng". Chân lí vẫn luôn luôn chỉ có một. Một bàn tay không che nổi mặt trời. Thám tử tư Jack Graham và đồng sự đã khéo léo truy tìm ra ngọn nguồn sự kiện. Chả sự kiện nào logic với sự kiện nào. Cái bẫy của J. Graham tung ra đã làm lộ mọi tung tích của mật vụ và những kẻ khác. Hoá ra, chân lý được đưa ra ánh sáng không phải từ chính cơ quan thi hành công quyền. Oái oăm thay! Có rất nhiều nghịch lí, câu chuyện, bi kịch xảy ra theo lời kể chậm rãi, li kì, hấp dẫn của D. Baldacci. Bằng một lối viết nhẩn nha, bí hiểm, ông đã dẫn người đọc vào một mê cung sự kiện. Tôi vốn đã từng đọc khá nhiều tiểu thuyết trinh thám những năm gần đây mà vẫn không giấu nổi sự hiếu kì, hồi hộp... Nhưng cuốn sách của D. Baldacci không để thoả mãn sự hiếu kì đơn thuần. Đằng sau đó là một thông điệp "đa thanh" mà tác giả gửi gắm. Đó là sự rắc rối khó đoán định của hiện thực. Đó là cái giá phải trả cho sự truy tìm công lí trong một xã hội hiện đại với nhiều bất trắc. Không phải ngẫu nhiên mà cuốn tiểu thuyết Quyền lực tuyệt đối của D. Baldacci lại hấp dẫn bạn đọc đến thế. Quyền Lực Tuyệt Đối cũng nằm trong dòng sách best seller dành cho dòng tiểu thuyết hình sự. Đúng như nhận định của tờ New York Times Book Review: "Baldacci mang vào trong tác phẩm sự hiểu biết của một người trong cuộc". Ông đã thành công trong việc tạo dựng một chân dung một nhà tiểu thuyết mới. |