Bà Vua
(Hết hàng)
PEARL S. BUCK (Tác giả), LƯƠNG THỊ THẬN - HỒNG THẨM (Dịch) Thể loại: Văn học ISBN: 184414 Xuất bản: 6/2008 Trọng lượng: 580 gr gr NXB: Số trang: 536 trang, khổ:14,5x20,5 cm Giá bán: 80,000 đ |
|
Bối cảnh lịch sử của tác phẩm là nước Trung Hoa vào giữa thế kỷ XIX, khi Trung Quốc đã trở thành nửa thuộc địa, dưới quyền cai trị của người Mãn Châu, và vào lúc chế độ phong kiến Trung Hoa bước vào kỳ thối nát, suy sụp: bên trong thì vua hèn, quan lại tham nhũng, lạc hậu, bảo thủ, dân chúng đói khổ; bên ngoài thì các thực dân đế quốc (Anh, Pháp, Mỹ) xâm lăng, quấy nhiễu, áp bức. Trong bối cảnh lịch sử ấy, Tzu Hsi (Từ Hi) một thiếu nữ người Mãn Châu, bị chọn làm cung nữ cấp thấp, đã tìm cách thoát ra khỏi cuộc sống nô lệ, tù túng, mất nhân tính của một người hầu thiếp trong cung cấm, để giành lấy quyền hành của nhà vua, vì không tìm thấy tình yêu và sự kính phục đối với ông vua hèn nhát, yếu đuối này, và vì lòng kiêu hãnh của một phụ nữ, mà xã hội Trung Hoa thời bấy giờ cho là không thể nào cai trị được đất nước, căn cứ vào các gương xấu của Võ Tắc Thiên, Vi Hậu hay Dương Quý Phi vào đời Đường. Nhưng một khi đã nắm được quyền hành, Tzu Hsi (Từ Hi) vẫn không thoát ra khỏi quan niệm bá quyền của Trung Hoa từ mấy nghìn năm trước, tự cho mình là trung tâm điểm của cả thế giới, cùng với những thói tàn bạo, ích kỷ, tham lam, xa xỉ của những nhà cầm quyền phong kiến thời trước. Tuy vậy, trong tác phẩm "Bà Vua" này, Pearl S. Buck không giới thiệu Tzu Hsi như là một nhân vật lịch sử thuần túy, cũng không xem Tzu Hsi như là một "Bà Vua" tàn bạo, dâm đãng quá mức, như các sách sử Trung Hoa và phương Tây thường mô tả, mà chỉ trình bày Tzu Hsi, như là một nhân vật tiểu thuyết khá đặc biệt, có nhiều tài năng, nhiều tham vọng và nhiều cá tính mâu thuẫn. Bà là một phụ nữ, cũng khao khát yêu đương nhưng hoàn cảnh không cho phép bà được yêu như những con người bình thường, cũng có những lúc yếu mềm, những ghen tị nhỏ nhen, nhưng đồng thời bà cũng mang cá tính mạnh mẽ, dũng cảm, cương quyết trong hành động. Bà được nhiều người gọi là "Phận Bà Quan Âm" nhân đức, rộng rãi, nhưng cũng có khi người ta coi bà như một "con hổ cái", tàn nhẫn, không biết thương xót. Cái xấu và cái tốt hòa lẫn với nhau trong con người bà ở những khía cạnh cực đoan của chúng. Ở cương vị một "Bà Vua", bà chống lại mọi sự thay đổi, chừng nào có thể được, vì bà tin, như mọi nhà phong kiến Trung Hoa thời ấy, rằng cái cũ tốt hơn cái mới. Đó là nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của bà nói riêng, và của triều đại Mãn Thanh nói chung. Tất cả những khía cạnh tâm lý ở Tzu Hsi được mô tả và phân tích một cách sinh động và tinh vi, trong bối cảnh xã hội Trung Hoa với các vấn đề, các phong tục tập quán thời bấy giờ. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. |