Nhà Lao An Nam Ở Guyane
(Hết hàng)
Nhiều tác giả Thể loại: Khoa học xã hội ISBN: 187831 Xuất bản: 10/2008 Trọng lượng: 210 gr NXB: Trẻ Số trang: 160 trang, khổ: 14,5x20,5 cm Giá bán: 31,000 đ |
|
Loạt bài viết đăng trên Tuổi Trẻ về dấu tích của nhà tù thực dân trên đảo Guyane - nơi giam giữ những chiến sĩ yêu nước Việt Nam trong phong trào giải phóng dân tộc đầu thế kỷ 20 - gây xúc động nhiều bạn đọc, trong đó có những bạn trẻ. Nhưng nó cũng gây nhiều suy nghĩ cho những người viết sử chúng tôi. Nhà báo viết loạt bài này nhân cuộc phóng vệ tinh Vinasat-1 diễn ra tại chính hòn đảo Guyane xa xôi, cách đất nước ta nửa vòng trái đất. Và quả thật nếu không có cơ hội này, câu chuyện về những người đồng bào tiền bối của chúng ta sẽ mãi mãi vùi sâu trong quên lãng. Điều đó cũng nhắc nhở rằng còn rất nhiều di sản lịch sử của Việt Nam chưa được khai thác để bổ sung vào ký ức dân tộc những trang sử, những gương mặt, những bài học vẻ vang và sâu sắc. Phải thừa nhận rằng giới sử học làm việc trong các thiết chế của Nhà nước khó mà có điều kiện để thực hiện những đề tài tương tự ở những vùng đất xa xôi ấy. Có một sự thật là thế hệ những tù nhân bị lưu đày, những người lính phải "nộp thuế máu" tại chính quốc và những nông dân phải đi làm cu li trong các đồn điền, hầm mỏ ở hải ngoại, lại chính là thế hệ đầu tiên tạo nên cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài mà đến nay do nhiều hoàn cảnh lịch sử khác nhau, Việt Nam đã trở thành một dân tộc có một cộng đồng đáng kể sống ở nước ngoài. Họ là một bộ phận không thể tách khỏi dân tộc của mình cho dù đã có nhiều thế hệ gắn bó và trở thành những công dân của các quốc gia họ cư ngụ. Chính vì thế cộng đồng ấy phải là một phần của lịch sử dân tộc Việt Nam. Cách đây khá lâu, tôi đã được biết đến một nhà điện ảnh người Pháp là Patrick Barberis đã cùng với một vài vị Việt kiều lão thành đang sống ở Paris cộng tác làm bộ phim về những người Việt thuộc thế hệ đã tham gia vào đạo quên ONS (tạm gọi là lính thợ) tùng chinh sang "mẫu quốc" trong cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất rồi lần thứ hai. Nhóm làm phim ấy cũng tiếp tục đề tài về thế hệ những "chân đăng" - tên gọi những người Việt Nam đã ký hợp đồng đi làm phu ở các lãnh thổ hải ngoại của Pháp, chủ yếu là tại các hòn đảo thuộc địa của Pháp ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Tôi còn biết đến hai mẹ con một Việt kiều định cư ở Mỹ dành dụm tiền bạc và rất nhiều thời gian để đi khắp các kho lưu trữ hồ sơ liên quan đến Việt Nam ở nhiều nước và nhiều lần lặn lội ra đảo Tahiti thu thập tài liệu để chiêu thuyết cho tổ tiên của mình là Phụ chính Nguyễn Văn Tường một thời bị coi là phái chủ hòa trong triều đình, nay đã đủ sức thuyết phục là người đã cộng sự cùng Tôn Thất Thuyết chủ trương Cần vương cứu nước. Và vào thời điểm này tôi biết một nhóm làm phim của nhà thơ Nguyễn Duy đang thực hiện một ký sự lịch sử về ba vị "vua yêu nước" là Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân. Những vị vua này cũng từng bị thực dân đày ra các lãnh thổ hải ngoại của nước Pháp và bổ sung những trang sử tốt đẹp về cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Rồi ở những giai đoạn sau của lịch sử, chúng ta biết đến những phong trào của Việt kiều trong thời vận động cứu nước, trải qua hai cuộc chiến tranh chống thực dân với biết bao nhiêu câu chuyện và tấm gương sâu sắc. Và ngay cả thế hệ những người Việt ra đi trong một hoàn cảnh bi thảm do những biến cố lịch sử ở nửa sau thế kỷ 20 đang gắng gượng từng bước hòa giải với quá khứ để gắn kết lại với đất nước trong đổi mới và hội nhập. Câu chuyện về nhà lao An Nam ở Duyane mà Tuổi Trẻ đăng tải như một lời nhắc nhở, một chất men kích thích đối với những người quan tâm đến lịch sử về trách nhiệm đối với một cộng đồng đã làm nên một lịch sử không kém phần ý nghĩa đối với dân tộc: lịch sử cộng đồng người Việt Nam ở hải ngoại. Nhà sử học Dương Trung Quốc |