Chỉ Cần Có Nhau (Tiểu Thuyết)
(Hết hàng)
Tác giả: Anna Gavalda. Dịch giả: Trần Vân Công Thể loại: Văn học ISBN: 190976 Xuất bản: 11/2008 Trọng lượng: 810 gr NXB: Hội Nhà Văn Số trang: 564 trang, kích thước: 16x24 cm Giá bán: 100,000 đ |
|
Cuốn sách này không kể gì khác ngoài một câu chuyện tình. Một câu chuyện tình giữa bốn con người bị gạt ra ngoài lề cuộc sống. Camlille, Franck, Philibert và Paulette. Những kẻ vô tích sự, những số phận chìm nổi, những tấm lòng thuần khiết. Bốn que diêm chụm lại trên một ngọn lửa. Và, phù… Tất cả bốc cháy. Câu chuyện của họ, đó là lý thuyết về những quân domino, nhưng theo chiều người lại: Thay vì làm nhau ngã, họ giúp nhau đứng dậy. Báo chí giới thiệu: Theo Báo Người lao động Chỉ cần có nhau – và bắt đầu cuộc sống (Chủ nhật, 23/11/2008 09:12:13 AM) Anna Gavalda không phải là một cái tên lạ, nhà văn nữ người Pháp này đã từng được biết đến với hai tác phẩm Giá đâu đó có người đợi tôi và Bố đã từng yêu. Lần này trở lại với tác phẩm Chỉ cần có nhau (Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn, 2008), Anna Gavalda lại thêm một lần nữa chinh phục độc giả bằng một tác phẩm cần đọc trong một sự tĩnh lặng của riêng mình. Khó tránh khỏi cảm giác đắng đót khi đọc Chỉ cần có nhau. Ở đó, có những cuộc đời bị chà đạp, có những cuộc đời sống không mục đích. Họ nghèo, đói và cô đơn – lạc lõng ngay cả khi công việc thường nhật vắt kiệt sức lực họ. Nhưng rồi trong dòng chảy bất tận, nghiệt ngã và vô tình ấy, bốn mảnh đời đã gặp nhau. Sự sẻ chia làm ranh giới gắn kết họ lại với nhau. Chị lao công, ông đầu bếp, gã vô công rồi nghề và bà già quê lẩm cẩm – bốn cuộc đời bốn nỗi đau riêng, họ đã từng sống trong căm lặng. Nhưng cuộc sống này, không ai có thể sống đơn độc mà trọn vẹn một cuộc đời. Chỉ cần có nhau – một câu chuyện tình yêu đẹp được dệt lên từ những sợi tầm gai đau khổ. Nhưng nỗi đau đã không đi đến ngõ cụt, cũng như cuộc sống này không có đường cùng... Hàn Đông (Nguồn: Báo Người Lao Động) Theo VnExpress Chỉ cần có nhau (Thứ ba, 18/11/2008 01:19:26 PM) Cuốn sách của những điều khiến người ta thích lặng lẽ ngồi đọc trong một góc nào đó, xa rời mọi ồn ào. Cuốn sách lập tức kéo tuột bạn trượt đi như một chiếc xe không phanh. Rồi, “kịch” một cái, rơi tuột xuống đáy. Nơi đây chẳng đào đâu ra chất thơ hay những giai điệu tình ca sóng sánh. Chỉ có những con người cùng khổ đang lầm lũi bên nhau. Và sống, rất thật, với những bộ mặt có phần méo mó, dị hình của mình. Camille, một nữ lao công gầy gò như xác ve, làm quần quật ở những chốn bẩn thỉu nhất, trong những khoảng thời gian vốn được xem như giờ nghỉ ngơi. Franck, một tay đầu bếp bị vắt kiệt sức vì món xốt cho nhà hàng ăn. Filibert, một gã vô dụng không bao giờ cất lên nổi câu nói theo suy nghĩ, đi đứng toàn theo lối “đá thúng đụng nia”. Paulette, một bà già tỉnh lẻ tính nết lẩm cẩm hệt như sức khỏe hiu hắt của mình. Họ, gần như không sống như con người, gấp gáp như để vùi quên mình dưới dòng chảy thời gian, không ý thức mình là ai và chẳng chút mảy may yêu lấy bản thân. Họ, nghèo, đói thảm hại, cuộc sống không thể bần cùng hơn, luôn trong cảm giác tuyệt vọng mà chẳng tìm nổi một nơi để bấu víu. Họ, như thể bị quẳng ra ngoài rìa cuộc sống, những mảnh đời bị vắt đến kiệt quệ… Và đó chính là nơi Camille, Franck, Filibert và Paulette cất lên tiếng nói của mình. Gần 600 trang toàn những lời thoại ghép nối vào. Lời lẽ ngắn không thể lược giản hơn, dường như chẳng ai buồn nói hay đại loại chẳng nói nổi. Song chính những câu thoại cụt ngủn này là con đường để độc giả chạm vào từng nhân vật, lần tới nỗi đau của Franck khi bị mẹ bỏ rơi đến hai lần và một tuổi thơ bị tổn thương đến mức chỉ muốn quên; chạm vào cảm xúc của Camille với một bà mẹ thường xuyên tìm cách tự tử còn người cha bị chết trong một tai nạn thảm khốc; chia sẻ với tính nết quá đỗi vụng về của một chàng hầu tước chịu lối giáo dục nhầm thế kỷ khiến Filibert không làm sao hòa đồng với mọi người; hiểu hơn về nỗi buồn ẩn giấu sau những nếp nhăn thời gian của một người vừa đóng vai trò là bà, vừa kiêm người mẹ của Paulette… Lẽ thông thường, khi bốn con người đó gặp nhau, họ sẽ ngã dúi dụi xuống như những quân cờ domino. Thế nhưng, chính những mảnh đời khắc khổ ấy đã hé mở những điểm mấu nối với nhau. Từ chính nơi được coi là khô cằn ấy, cái cây tình yêu được gieo mầm một cách chật vật. Và họ cũng bám vào nhau một cách khó khăn như thế. Bởi họ đều trong cảnh khốn cùng nhất, tuyệt vọng nhất, đang dựa dẫm vào nhau. Anna Gavalda không đơn giản kể một chuyện cổ tích trong Chỉ cần có nhau. Ở đó, đượm sự cảm thông trong góc nhìn bao dung và tinh tế của nữ nhà văn trước số phận con người. Họ cũng chẳng cần ai thương hại, mà chỉ cần được hiểu về mình. Và khi họ càng đến gần nhau, họ càng khám phá được nhau, về bản thân, và về những hy vọng cần phải được lóe lên đâu đó. Chỉ cần có nhau là một câu chuyện tuyệt diệu về tình yêu. Những ai đã từng đọc các cuốn sách trước đó của Anna Gavalda sẽ nhận ra chất hài hước một cách tự nhiên trong cuốn tiểu thuyết này. Những điều cảm động xuất phát từ những chi tiết thật đơn giản, chân thực, giống như chiếc mũ cùng cái khăn mà bà Paulette đã cặm cụi ngồi đan trong trại dưỡng lão tặng Camille. Tài hoa của Anna Gavalda nằm ở cách miêu tả mọi điều trong cuộc sống một cách nhẹ nhàng nhưng chân thực. Tờ Elle nhận xét: "Gần 600 trang sách sẽ khiến chúng ta mỉm cười, trái tim chúng ta thắt lại, thậm chí tan vỡ, rồi chúng ta cười sảng khoái". Phương Trâm (Nguồn: báo Vnexpress) |