Cuộc Chiến Ngầm: Bí Sử Nhà Trắng 2006 - 2008
(Hết hàng)
Tác giả: Bob Woodward. Người dịch: Đức Anh - Yên Minh. Hiệu đính: Hoàng Yến Thể loại: Danh nhân - Tác giả - Hồi ký - Tiểu sử - Tự truyện ISBN: 192889 Xuất bản: 1/2009 Trọng lượng: 1000 gr NXB: Văn Hóa Thông Tin Số trang: 520 trang, kích thước 16x24 cm Giá bán: 130,000 đ |
|
Những thông tin tối mật, sự lắt léo của các hoạt động bên lề, những bóng đen hoài nghi và những mâu thuẫn nội bộ len lỏi trong nội các Mỹ từ năm 2006 đến năm 2008... được thể hiện trong cuốn sách... 990.000 cuốn- đó là con số xuất bản kỷ lục trong lần đầu ra mắt tác phẩm mới của nhà báo huyền thoại Bob Woodward. Những thời điểm căng thẳng nhất, những thông tin tối mật, sự lắt léo của các hoạt động bên lề, những bóng đen hoài nghi và những mâu thuẫn nội bộ len lỏi trong nội các Mỹ từ năm 2006 đến năm 2008 đều được thể hiện trong cuốn sách. Bức tranh tổng thể sống động của Cuộc chiến ngầm - Bí sử Nhà Trắng 2006-2008 trở nên hấp dẫn và hồi hộp dưới ngòi bút sắc sảo của nhà báo mắt tinh, tai thính bậc nhất trong các nhà báo tại Nhà Trắng. Cuốn sách thứ 4 này trong bộ sách gần đây nhất của Woodward về nhiệm kỳ của Tổng thống Bush với cuộc chiến I-rắc đã chính thức ra mắt công chúng vào ngày 8/9/2008 vừa qua tại Mỹ. Với 487 trang, độc giả có thể nhận thấy ý thức muộn màng của chính quyền Tổng thống Bush trước thất bại ban đầu của Mỹ tại Iraq. Đồng thời, những hồi ức về sự sa lầy của Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam cũng luôn được nhắc tới và hình ảnh Việt Nam có ảnh hưởng khá sâu rộng trong từng bước tiến quan trọng của cuộc chiến rối ren, đầy thương vong và bất ổn tại đất nước Trung Đông nhỏ bé này. Có thể tóm lược nội dung chính của cuốn sách như sau: Năm 2006, làn sóng bạo loạn tại chiến trường I-rắc leo thang tới mức đáng báo động. Đồng thời, ngay trong nội bộ của chính quyền Bush, một cuộc chiến thứ hai, một cuộc chiến ngầm nóng bỏng cũng ập xuống. Những cuộc đấu đá quyền lực không chỉ bùng nổ giữa các Đảng đối lập mà ngay cả trong Đảng Cộng hòa. Trước tình trạng sa lầy của cuộc chiến Irắc, Nhà Trắng đã tiến hành cuộc đánh giá chiến lược một cách bí mật mà không hề có sự tham gia của quân đội. Lúc này,Tổng chỉ huy mặt trận Irắc, Tướng George Casey nghi ngờ Tổng thống Bush chưa thực sự hiểu thấu tình hình chiến sự Irắc. Ông và nhiều tướng lĩnh khác muốn từ từ rút lực lượng Mỹ về và chuyển giao trách nhiệm cho người Irắc. Vị Tổng tham mưu đồng thời bí mật tiến hành một cuộc đánh giá lại chiến lược song chẳng thu được kết quả gì. Đối mặt với nguy cơ nổi loạn, các nhân vật chóp bu của Quân đội Mỹ thực sự lo ngại rằng quân đội sẽ phải chịu trách nhiệm trước thất bại tại Irắc. Bề ngoài, Tổng thống Bush và nhiều người ủng hộ Tổng thống công khai cho rằng mọi diễn biến của cuộc chiến đều rất tốt và không có kế hoạch thay đổi chiến lược. Tuy nhiên, sự thật không hề như vậy. Nhiều cố vấn hầu như không dám bày tỏ quan điểm thẳng thắn với Tổng thống.Thậm chí, chính Phụ tá của Hội đồng An ninh Quốc gia, sau nhiều lần quanh co nói dối, cuối cùng, đã phải thú nhận sự thực với Tổng thống rằng Irắc là ‘địa ngục’. Còn Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice đã phản đối gay gắt quyết định tăng quân. Lòng tin giữa Tổng thống Bush và các Tư lệnh Mỹ tại chiến trường bị rạn nứt. Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ bất hòa đến mức ông trùm của Lầu Năm góc Donald Rumsfeld phải nhường chiếc ghế Bộ trưởng cho Robert Gates. Bush, các cố vấn thân cận của ông và Nhóm nghiên cứu I-rắc đã có nhiều ngày tháng nghiên cứu tranh luận, băn khoăn liệu rút quân khỏi I-rắc có đúng không? Có nhất định phải từ bỏ cuộc chiến này không? Và Thủ tướng Nouri Al-Maliki có phải là con ngựa ngoan để giật dây không? Trong số các lựa chọn trên bàn thảo luận, việc xây dựng lực lượng tạm thời để tăng cường an ninh trong và xung quanh Baghdad, thường được biết đến như là “chiến dịch tăng quân”, dành được sự ủng hộ rộng rãi nhất ở Nhà Trắng. Tuy nhiên, trong thực tế, quyết định dẫn đến việc tăng quân xuất phát từ Nhà Trắng và các cố vấn hàng đầu của Bush, chứ không phải từ Hội đồng Tham Mưu Trưởng Liên quân hoặc từ các Tướng ở Irắc. Và mùa xuân năm 2007, chiến dịch tăng quân được thực hiện dưới sự chỉ huy của tướng H. Petraeus. Bạo lực tại Irắc giảm đi đáng kể. Cuốn sách còn vẽ nên một bức tranh toàn cảnh về tình hình cực kỳ phức tạp ngay tại I-rắc. Xung đột ngay trong nội bộ Irắc khiến đất nước này rơi vào thảm cảnh giết chóc. Cuộc tranh giành quyền lực giữa các đảng phái tôn giáo, giữa người Shia và Sunni, những người thuộc Đảng Baath của tổng thống Saddam, bạo loạn do các phần tử cực đoan, những phần tử vũ trang được sự hậu thuẫn từ Iran…. Để giải quyết các vấn đề này, người Mỹ đã và sẽ phải làm gì?, làm như thế nào?, và tại sao người Mỹ làm như vậy?. Ngay sau khi xuất hiện trên văn đàn, quả bom tấn Cuộc chiến ngầm đã gây xôn xao dư luận. Liệu phát hiện của Bob Woodward về việc Mỹ theo dõi và nghe lén các đồng minh ở I-rắc có gây ảnh hưởng tới quan hệ giữa Mỹ và I-rắc hay không? I-rắc đã yêu cầu Mỹ giải thích xung quanh những thông tin mà cuốn sách này đề cập tới. Được biết, Để viết được cuốn sách này, nhà báo Bob Woodward đã phải tiến hành 2 cuộc phỏng vấn Tổng thống Bush vào tháng 5/2008 và hơn 150 cuộc phỏng vấn với những nhân vật chủ chốt khác có liên quan tới cuộc chiến Iraq. Trong đó, một quan chức giấu tên tiết lộ với nhà báo rằng, Chính phủ Mỹ biết rõ tất cả những gì Thủ tướng Nouri al-Maliki và Chính phủ Iraq đã tuyên bố và hành động. Bằng việc tung ra một tác phẩm như thế này, Bob Woodward thêm một lần nữa khẳng định tài năng viết về thể loại điều tra và an ninh quốc gia của mình. Sau khi khui ra vụ xì căng đan về sự kiện Watergates dẫn đến việc từ chức của Tổng thống Mỹ Richard Nixon, ông đã viết 12 cuốn sách chính luận được ưa chuộng và có báo cáo đóng góp gấp đôi vào những nỗ lực nhằm dành giải thưởng Pulitzer cho tờ Bưu điện Oasinhtơn nơi ông đang giữ trọng trách Phó Tổng biên tập. Sau “Bush lâm chiến”, cuốn tiếp theo của ông, “Kế hoạch tấn công” đã được The New Yorker đã viết rằng đây là cuốn sách hay nhất của Woodward trong một vài năm gần đây và “Woodward được chào đón như một nhân chứng công bằng”. Đến “Quốc gia phủ quyết” Peggy Noonam của Tạp chí Phố Wall viết, “nó có thể là cuốn sách tuyệt vời. Nó được viết dày đặc, thành thật, thậm chí thấu đáo, và là sự đóng góp thực sự cho lịch sử trong đó nó đem lại cho lịch sử điều mà nó đòi hỏi nhiều nhất, bằng chứng con người đầu tiên. Nó được dẫn chứng hay, với nhiều chú giải.” Và chúng ta hãy chờ xem, Cuộc chiến ngầm sẽ được đón nhận và đánh giá như thế nào? Cuộc chiến ngầm, một bí sử Nhà Trắng với rất nhiều thông tin bí mật và hấp dẫn ngay từ trang mở đầu cho tới phần kết, một pho lịch sử với những nhân vật, sự kiện, những người thật, việc thật, những thông tin khiến độc giả không thể nào bỏ qua. (Theo VietNamNet) |