Gọi Con Người (Tiểu Thuyết của Hòa Bình)
(Hết hàng)
Tác giả: Hòa Bình Thể loại: Văn học ISBN: 194258 Xuất bản: 3/2009 Trọng lượng: 240 gr NXB: Hội Nhà Văn Số trang: 202 trang, kích thước 13x24 cm Giá bán: 45,000 đ |
|
Trong khi các nhà văn nam ra sức tìm tòi, thể nghiệm hình thức trong văn chương, hoặc đào sâu vào quá khứ, thì các nhà văn nữ lại tỏ ra đặc biệt nhạy cảm với hiện thực. Tiếp theo "Cánh đồng bất tận" (truyện vừa) của Nguyễn Ngọc Tư và "Gia đình bé mọn" (tiểu thuyết) của Dạ Ngân, nhà văn nữ Hòa Bình đã ghi dấu ấn bằng những cuộc sống nhỏ bé trong tiểu thuyết đầu tay "Gọi con người". Cuộc sống đơn thuần chỉ xoay quanh sinh hoạt của mọi gia đình nhỏ trong nó, vậy thì có gì khác đâu ngoài việc hai người xa lạ yêu nhau, lấy nhau, làm tình, có con, rồi lao vào đi làm, kiếm tiền để mưu sinh... Thế nhưng cuộc sống không bao giờ chỉ giản đơn như vậy, họ luôn làm khổ nhau bởi sự nghi kị, căm thù hoặc mê cuồng, yêu hận... và rồi chính họ cũng không biết họ là ai, thực sự tồn tại để đi về đâu trong sự bất tận và vô nghĩa lý của kiếp người. Họ yêu nhau. Hẳn nhiên, họ đến với nhau bằng tình yêu cùng những cơn cuồng dại của tuổi trẻ, trong men rượu, tiếng đàn và lời hát say đắm. Rồi họ lấy nhau và có con như bao kết thúc đẹp của mọi cuộc tình nồng cháy. Thế rồi họ cách xa nhau, trong tâm tưởng, ngay trên cái giường mà họ chia sẻ chăn gối, bấn loạn và bất lực khi làm tình với người khác bởi điều đơn giản, họ chỉ thèm khát nhau. Chẳng ai có thể hiểu được cơn ghen tuông của người chồng bắt đầu từ duyên cớ nào kể từ khi anh ta tự cho phép mình theo dõi vợ để bắt quả tang ngoại tình. Thậm chí còn săm soi cả chiếc quần lót của vợ để tìm một dấu tích nào đó chẳng may còn sót lại. Người vợ hẳn nhiên cũng không phải thánh nữ, vật lộn trong dòng xoáy gia đình, công việc, ước ao thầm kín, những cơn yêu đương, ghen tuông kinh khủng của chồng, cùng căn bệnh của đứa con nhỏ… yêu và ghét cứ thế quấn quyện lấy nhau tựa như hai mặt của cuộc sống rối ren này vậy. Chỉ có đứa con nhỏ bé với căn bệnh tim bẩm sinh tựa như một thiên thần trong ngôi nhà ấy. 5 tuổi, bé Bông chưa bị những bài học hay kinh nghiệm làm người chồng chất lên, tất cả với em đều nguyên sơ, trong sáng, rõ ràng, đen - trắng không lẫn lộn. Và bé luôn cho đi một tình yêu không vụ lợi. Nhân vật của Hoà Bình luôn mang trong lòng nỗi hoài nghi về thân phận như thế. Tưởng là nam, hoá ra không phải nam, rõ là nữ mà lại chẳng là nữ, họ cũng chẳng ở giới tính thứ ba, cũng không vô tính. Tất nhiên không phải tác giả lẫn lộn giới tính. Chị dừng ở đấy để nói về sự "lạc loài", vong thân trong mỗi con người hiện đại, về việc không tìm được đúng chỗ đứng của mình trong xã hội. Đến ngay cả nhân vật bé Bông mới 5 tuổi cũng không được chỉ rõ là trai hay gái. Câu chuyện đan cài với nhau bởi cả 3 đều là nhân vật chính. Tuy nhiên độc giả vẫn dễ dàng nhận ra dòng tâm sự của mọi nhân vật. Và rồi từ những thân phận ấy, có một giọng nói dịu dàng cất lên, kêu gọi bạn hãy tự nhìn lại chính con người mình, sâu thẳm trong trái tim mình, hãy tôn vinh chữ "người", níu giữ cho mình lòng nhân ái, vị tha, trái tim hướng về ngả từ bi, và thành thật với chính tình cảm của bản thân. Có lẽ lúc đó số phận mới thật là bạn. Không nói về những giấc mơ danh vọng lớn lao, hoặc lý tưởng xa vời vợi, "Gọi con người" gợi cho độc giả hình dung về một cuộc sống thật vụn vặt và lỡ cỡ. Mọi câu chuyện của mọi nhân vật trong cuốn tiểu thuyết mỏng này đều giống như những mảnh ghép rất nhỏ, những chi tiết tinh vi của cả một bộ máy phức tạp mang tên xã hội. Đầy chủ ý, tác giả chia cuốn sách ra thành 35 phần mà độc giả có thể bắt đầu cuộc hành trình từ bất cứ phần nào cũng có thể hiểu được chiều sâu ẩn trong nó. Chị gọi đó là những "cửa chữ". Thời gian tiểu thuyết không miên man theo mạch truyện hoặc dòng tâm trạng của bất cứ nhân vật nào, xáo trộn đấy nhưng lại không làm rối trí. "Gọi con người" gợi nhớ tới "Từ điển Khazar" của Milorad Pavic ở một mức độ nào đó, nhưng tất nhiên là không đồ sộ, tinh vi và khó đọc như thế. 35 cửa chữ tựa như 35 lát cắt ngang về cuộc sống của một gia đình nhỏ, 35 lối vào mở ra bí mật, khát khao, tâm sự thầm kín của con người. 35 cánh cửa cũng là những cách đọc khác nhau cho ai đó tò mò, tuy không cố ý khám phá về mặt hình thức, nhưng tác giả Hoà Bình đã tự tạo ra cho mình một thách thức không dễ. Bởi trò chơi kết cấu này chưa phải là không có người thực hiện, và kết quả thường là làm cho độc giả mệt mỏi. Tuy nhiên "Gọi con người" đã vượt qua mọi sự làm rối, xáo trộn ấy bằng chính sự giản đơn và mộc mạc trong con chữ cũng như cách hành văn hết sức tự nhiên. (Trích: CAND Online) |