Sự Trở Lại Của Kinh Tế Học Suy Thoái Và Cuộc Khủng Hoảng Năm 2008
(Hết hàng)
Tác giả: Paul Krugman. Người dịch: Nguyễn Dương Hiếu - Nguyễn Trường Phú - Đặng Nguyễn Hiếu Trung - Nguyễn Ngọc Toàn Thể loại: Kinh tế học ISBN: 198188 Xuất bản: 6/2009 Trọng lượng: 300 gr NXB: Trẻ Số trang: 256 trang, kích thước 14,5x20,5 cm Giá bán: 50,000 đ |
|
Mười năm trước, nhà kinh tế Mỹ Paul Krugman đã viết cuốn sách nhỏ tựa đề The Return of Depression Economics (Kinh tế học suy thoái đã trở lại) cảnh báo viễn cảnh đại suy thoái kinh tế toàn cầu. Cuốn sách ấy không gây được tiếng vang, dù đã phân tích được các nguyên nhân khủng hoảng tài chính của Nhật, các con hổ châu Á và châu Mỹ La-tinh, đồng thời vạch rõ những điểm dễ tổn thương của Mỹ. Cuộc khủng hoảng châu Á 1997 – 1998 đã được cứu vãn nhanh chóng khi IMF nhận ra nguyên nhân không phải do các chính phủ và khi Mỹ can thiệp vào các thị trường tài chính. Những vấn đề của nền kinh tế Nhật trong thập niên mất tăng trưởng 1990 là đặc thù riêng biệt. Còn sụp đổ của bong bóng dot-com thời 2000 – 2001 chỉ là sụt giảm sản lượng hơn là suy thoái. Bây giờ Krugman cũng đã trở lại với một giải Nobel Kinh tế 2008, một cuộc khủng hoảng tài chính còn lớn hơn cuộc khủng hoảng Đông Á. Ấn bản thứ hai có bổ sung của cuốn sách 10 năm trước với tựa đề dài hơn – The Return of Depression Economics and the Crisis of 2008 (Sự trở lại của kinh tế học suy thoái và cuộc khủng hoảng 2008). Một cuốn sách hơn 200 trang nhưng đầy tham vọng. Krugman đưa ra ba luận đề. Luận đề thứ nhất phác họa những phương cách mà nguồn vốn tài chính ở châu Á và Mỹ La-tinh gây ra suy thoái đột ngột, lạm phát tăng liên tục, mất giá tiền tệ – hay cả ba khủng hoảng ấy cùng lúc. Luận đề thứ hai đối chiếu những gì đã xảy ra ở châu Á và Mỹ La-tinh cùng những gì hiện đang xảy ra ở Mỹ, châu Âu và những quốc gia đã phát triển. Luận đề thứ ba lại ẩn chứa trong những lập luận rải rác khắp cuốn sách đề cập đến những biến đổi của “nền kinh tế thực” – những doanh nghiệp thực sự sản xuất, vận chuyển và thiết kế sản phẩm. Những biến đổi ấy đang định hình các thị trường tài chính hay bị các thị trường tài chính định hình? Rất nhiều chính phủ đang bế tắc giữa hai lựa chọn khó khăn: chịu đựng suy thoái và để cho thường dân khốn khổ bây giờ, hay in thêm tiền, không khuyến khích đầu tư để cho thường dân khốn khổ về sau. Cuốn sách của Krugman kê toa cho chứng nhức đầu kinh niên ấy. Trần Ngọc Đăng Nguồn: Sài Gòn Tiếp Thị |