Gương Mặt Kẻ Khác (Các Tiểu Luận Ngắn)
(Hết hàng)
Tác giả: Ngô Tự Lập Thể loại: Văn học ISBN: 200452 Xuất bản: 3/2009 Trọng lượng: 160 gr NXB: Phụ nữ Số trang: 196 trang, kích thước 13x19 cm Giá bán: 28,000 đ |
|
Nhìn ta trong gương mặt kẻ khác TT - Với ý niệm "gương mặt kẻ khác", Ngô Tự Lập không chỉ nêu lên những cái nhìn bằng sự khác biệt mà còn có ý thức nhận biết vấn đề một cách toàn diện hơn, để cuối cùng nhìn người khác thực chất là nhìn vào chính mình. Khi đến Kuala Lumpur, quan sát lối sống của công dân đô thị nơi đây, Ngô Tự Lập nhận ra bản chất của một sự xuống cấp: “Bản chất của sự xuống cấp đó không phải là ta đang đánh mất cái riêng trong lối sống của người Hà Nội xưa, mà là sự xa rời lối sống chung của các thành phố lớn” (Về lối sống Hà Nội). Cái gọi là “nét độc đáo” của Hà Nội bây giờ là người ta vẫn vô tư vứt chuột chết ra đường; chửi nhau nháo nhào ngoài phố; ngang nhiên chiếm đất công, kể cả trường học, chùa chiền, mồ mả và cứ vô tư bẻ cành vặt hoa ở các lễ hội... Tất nhiên danh sách còn dài. Có nhiều lý giải về sự xuống cấp lối sống đó. Nhưng Ngô Tự Lập lại bảo: “Đó là do lỗi của chính quyền”. Nhận định đó thoạt nghe có vẻ cực đoan nhưng tác giả không áp cái nhìn chủ quan, mà phát biểu dựa trên những kiến thức nền tảng về quản lý đô thị. Phải có những nhà quản lý tự do, lãnh đạo bằng những nguyên lý phổ quát thì “người Hà Nội sẽ trở lại giống người dân những thành phố văn minh khác”, đó là điều mà Ngô Tự Lập tin chắc mà như ao ước. Đi nhiều, tiếp xúc, va chạm nhiều, nhưng những trang viết của Ngô Tự Lập ít lan man “trà dư tửu hậu” mà nén chặt ý nghĩ và cái nhìn. Có những hình ảnh thoạt nhìn đã như mắc lại sự trắc ẩn như con bồ câu mù ở Leningrad, nhưng có hình ảnh gợi sự thông suốt vẫn mắc lại cái nhìn ưu tư, như những ngôi nhà không có hàng rào ở Mỹ. Nhỏ bé và lớn lao, cá thể và toàn cầu, VN và thế giới... tất cả cái nhìn bằng tâm cảm hay rọi vào tư duy đều hàm chứa một sự vận hành, thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội. Đặc biệt quan tâm đến giáo dục, Ngô Tự Lập đã có nhiều tiểu luận sắc sảo về đề tài này như: Immanuel Kant: trường đại học duy lý và ý tưởng tự trị đại học, Khủng hoảng giáo dục, đáng mừng hơn lo, Người Việt có mê đọc sách?... Không chỉ có những bài viết phản biện bằng tư duy sắc sảo, Ngô Tự Lập còn đưa ra những dẫn chứng xác thực, những câu chuyện có thật khiến chúng ta phải suy nghĩ. Chẳng hạn đó là câu chuyện về cô gái con đồng nghiệp của Ngô Tự Lập, sau khi tốt nghiệp phổ thông đã xin được học bổng ở Mỹ. Trường đại học Mỹ đánh giá cao hồ sơ của cô, họ đề nghị cô viết một bài luận văn bằng tiếng Anh với chủ đề tùy ý. “Vị đồng nghiệp của tôi gọi điện cho tôi ngạc nhiên: “Nhỡ tôi viết hộ hay nhờ ai viết hộ thì sao?”. Tôi phải giải thích với ông rằng đơn giản là ở Mỹ không ai làm như thế. Không ở nước nào bố mẹ lại dạy con lừa đảo hay ăn cắp. Mà viết hộ hoặc thuê người viết hộ, tức đạo văn, thì đích thực là lừa đảo và ăn cắp. Rõ ràng, có những điều tưởng chừng bình thường, nhưng thật ra nó chỉ bình thường với chúng ta mà thôi” (Nguồn gốc của văn hóa đạo văn). TRẦN NHÃ THỤY (Nguồn: Tuổi Trẻ Online, Thứ Sáu, 13/02/2009, 07:00 (GMT 7)) |