Những Công Ty Đột Phá
(Hết hàng)
Tác giả: Keith R. McFarland. Dịch giả: Trần Hoàng Anh Thể loại: Quản trị kinh doanh ISBN: 209774 Xuất bản: 10/2009 Trọng lượng: 390 gr NXB: Tri Thức Số trang: 368 trang, kích thước 13x20,5 cm Giá bán: 64,000 đ |
|
Làm thế nào để chuyển biến từ một công ty nhỏ thành một công ty đột phá? Khi cầm cuốn sách Những công ty đột phá trên tay, ý nghĩ đầu tiên đến với tôi là: Liệu đây có phải là một cuốn sách nữa trong hàng nghìn cuốn sách nói về những công ty khổng lồ như GE, IBM hay Wall Mart? Liệu tôi có cần đọc thêm một cuốn sách như vậy nữa không? Lật giở những trang đầu tiên của cuốn sách, tôi đã có câu trả lời: Đây không phải là một cuốn sách ca ngợi những người khổng lồ đó, đây là một cuốn sách nói về một điều mà rất nhiều doanh nhân tìm kiếm: Làm thế nào để chuyển biến từ một công ty nhỏ thành một công ty đột phá. Không phải ai cũng có thể khởi sự và phát triển được một công ty khổng lồ như Microsoft, nhưng luôn vượt qua được những cạm bẫy quản trị và ảo tưởng chiến lược để trở thành một công ty đột phá trong lĩnh vực mình tham gia. Nếu đó là ấn tượng đầu tiên khi đọc những trang đầu của cuốn sách, thì cảm xúc cuối cùng khi gấp lại cuốn sách này đối với bất cứ độc giả nào có lẽ là sự khâm phục khả năng tổng kết của tác giả: Keith R. McFarland đã chuyển hóa các kết quả nghiên cứu dày đặc về số liệu và các cuộc phỏng vấn trong nhiều năm về 9 công ty đột phá, được lọc ra từ hơn 7.000 công ty thành một cuốn sách gọn gàng hơn 300 trang, được trình bày bằng thứ ngôn ngữ rất giản dị và dễ hiểu đối với người đọc ở bất cứ thang bậc kiến thức và kinh nghiệm nào, từ một sinh viên ngành kinh tế đến một giám đốc doanh nghiệp hay một nhà nghiên cứu lâu năm. Ở giữa ấn tượng đầu tiên và cảm xúc cuối cùng chính là những ngạc nhiên thú vị cho người đọc khi đi qua từng chương của cuốn sách, và đó cũng chính là sự ngạc nhiên của chính tác giả khi đi sâu vào tìm hiểu tại sao một công ty bình thường có thể trở thành công ty đột phá. Trong kinh nghiệm đầu tư và tư vấn quản lý cho các công ty ở Việt Nam, tôi đã gặp những vấn đề tương tự với những công ty được tác giả phân tích tại đây, những vấn đề có tính chất đặc trưng của bất kỳ công ty nào trên thế giới, như việc vượt qua khủng hoảng tạm thời, phát huy những nguồn lực nội tại và ngoại vi chứ không phải làm cạn kiệt các nguồn lực này, hay giải quyết mâu thuẫn kinh điển của việc đưa ra chất lượng sản phẩm tốt nhất - ở mức độ chi phí tiết kiệm nhất - và tốc độ đưa ra thị trường nhanh nhất tam giác kinh doanh Bermuda. Điểm khác biệt giữa cuốn sách này và các cuốn sách khác không phải là việc đưa ra lời giải, vì thực tế luôn cho ta rất nhiều lời giải, mà ở chỗ tác giả đã diễn giải được bằng lời những điều mà ta lờ mờ cảm thấy được nhờ kinh nghiệm nhưng không thể diễn giải sáng rõ thành những quy luật cụ thể. Xây dựng “đặc tính công ty” là một ví dụ như vậy: Trong kinh nghiệm quản trị thông thường, ta thường đối mặt với vấn đề tạo dựng “giá trị công ty” hay xây dựng “văn hóa công ty”, nhưng thường thấy bối rối vì việc tạo ra những giá trị vô hình như vậy không dễ dàng, và đôi khi còn làm phức tạp hóa quá trình quản trị vốn đã phức tạp. Các nhà quản trị thường cảm thấy bế tắc khi đưa ra những tuyên bố giá trị đẹp đẽ nhưng hóa ra không hữu dụng vì dường như các hoạt động diễn ra không đúng theo các giá trị được đề ra, hay thứ văn hóa công ty được xây dựng hóa ra không giống cách công ty thực sự vận hành. Ranh giới mong manh giữa “giá trị” và “đặc tính” được thể hiện ở sự tổng kết ngắn gọn của tác giả: “Đặc tính của một công ty được đo lường không phải bằng điều họ nói họ ủng hộ mà qua cách họ thực sự vận hành”, hay nói cách khác là “Đặc tính công ty = Các giá trị được thể hiện thành hành động”, tức là biến những giá trị vô hình thành đặc tính hữu hình. Tôi đã gặp những doanh nghiệp Việt Nam không cần phải đưa ra khẩu hiệu “năng suất chất lượng hiệu quả” mà tập trung vào một nguyên tắc nội bộ cụ thể được đề ra là: việc thông tin qua lại giữa các nhân viên cùng cấp phải đảm bảo được phản hồi trong vòng 1 giờ và sự phản hồi giữa cấp cao nhất và thấp nhất phải được thực thi trong vòng 24 tiếng. Chính một nguyên tắc nhỏ như vậy được thực thi chặt chẽ đã đẩy mạnh năng suất lao động một cách tự nhiên, qua đó tạo nên đặc tính của công ty mà bất cứ ai cũng có thể nói được rõ ràng và thực hiện hàng ngày. Cũng có những công ty thành công nhờ việc đảm bảo các nhân viên của mọi cấp luôn có ý thức được rằng họ có thể không bao giờ làm ra được những sản phẩm hoàn hảo tuyệt đối, nhưng luôn luôn có thể tạo ra những sản phẩm tốt hơn đối thủ cạnh tranh dù chỉ là tốt hơn 1 đến 5%: khi tất cả mọi người cùng ý thức được như vậy thì sản phẩm cuối cùng sẽ tốt hơn hẳn đối thủ cạnh tranh, và đó chính là tiền đề để chuyển hóa thành công ty đột phá như những công ty đã được tác giả tìm hiểu trong cuốn sách. Công ty cũng như con người, không bao giờ có thể tạo ra sự phi thường chỉ qua một đêm, như Bob Kierlin, CEO của Fastenal, một trong 9 công ty đột phá được tác giả bàn đến trong cuốn sách này chia sẻ: Đừng tìm kiếm những người phi thường, hãy tạo nên một nơi mà những người bình thường có thể làm nên những điều phi thường. Những gợi ý về xây dựng “đặc tính công ty” và những gợi ý khác mà tác giả đưa ra không nhằm mục đích đem lại một công thức cho việc phát triển một công ty từ quy mô nhỏ thành một công ty đột phá, mà thật sự là những kinh nghiệm đầy gợi mở giúp ích cho doanh nhân có thể ứng dụng trong doanh nghiệp để tạo ra phong cách đột phá của riêng mình. Tác giả không dùng cuốn sách để nhắc lại những bài học quản trị kinh doanh cơ bản, mà đưa cho người đọc những góc nhìn thấu đáo về những cách thức đã được kiểm chứng thành công để đưa một công ty bình thường thoát khỏi cạm bẫy “thiển cận” và “sức ỳ” để phát triển thành một công ty tăng trưởng vượt bậc. Có những gợi ý tưởng như đơn giản như “Đặt công ty lên hàng đầu” nhưng hóa ra không phải ai cũng biết cách thực hiện đúng điều này. Gợi ý về “Tranh thủ những chuyên gia phê bình” không phải nhà lãnh đạo nào cũng làm được, do vướng phải cái tôi cá nhân khó thay đổi, hay vì ảo tưởng rằng nền tảng của công ty đủ mạnh để chấp nhận một vài sai lầm - nên mong muốn sử dụng những chuyên gia tuân thủ hơn là những chuyên gia phê bình. Doanh nghiệp đã thật sự biết “đặc cược” đúng lúc đúng chỗ chưa để dịch chuyển từ một công ty phải “thắng-bằng-mọi-giá” thành một công ty “thắng-chỗ-cần-thắng” cũng là những bài học được phân tích sâu sắc. Người đọc, đặc biệt là các doanh nhân, sẽ tìm thấy mình ở trong cuốn sách và cũng sẽ nhận ra mình có thể rũ bỏ rất nhiều ảo tưởng về bản thân doanh nghiệp của mình sau khi đọc cuốn sách để hướng tới việc xây dựng một doanh nghiệp đột phá. Cuốn sách Những công ty đột phá đến với bạn đọc Việt Nam trong một thời điểm khá đặc biệt là thời gian ở giữa cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009. Cùng với những yếu tố khác, “Trưởng thành từ những thời kỳ chuyển đổi khó khăn” chính là một trong những yếu tố cơ bản để xác định công ty đột phá. Rất hy vọng rằng bạn đọc sẽ tìm ra nhiều gợi ý quan trọng cho mình để góp phần cùng doanh nghiệp vượt lên từ thời kỳ khủng hoảng, dù ở vị trí CEO hay bất kỳ vị trí nào khác trong doanh nghiệp. Một điều khá thú vị mà bạn đọc cũng có thể đặt ra là: Khi cuộc khủng hoảng kinh tế này qua đi, 9 công ty đột phá được mô tả trong cuốn sách này có trở nên mạnh mẽ hơn không dựa trên chính những đặc tính đột phá của mình, hay sẽ bị yếu đi vì còn chưa hội đủ những đặc tính đột phá cần thiết mới Rất hy vọng Keith R. McFarland sẽ cho chúng ta biết điều đó trong lần tái bản của cuốn sách này! - Dẫn theo Lời giới thiệu cuốn sách "Những công ty đột phá" của ông Nguyễn Hồng Trường, Giám đốc Phát triển Kinh doanh và Công nghệ - Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Ventures Vietnam) "Cuốn sách dường như đạt đến trình độ kinh điển... McFarland đã giải quyết thành công câu hỏi muôn thuở của tất cả các doanh nghiệp đang khao khát phát triển: Đó là làm thế nào để trở nên to lớn – và nổi trội?" - Steve Forbes, chủ tịch, CEO và Tổng biên tập, Forbes Thông tin về tác giả: Keith McFarland tốt nghiệp MBA trường Đại học Pepperdine University, là cựu CEO của Inc.500 và Nivo International. Ông là người sáng lập công ty hợp tác McFarland Strategy Partners tại Sandy, Utah - công ty chuyên tư vấn cho hàng trăm tập đoàn phát triển và lãnh đạo của các tập đoàn lớn như Microsoft, Motorola và Morgan Stanley. Hiện nay, McFarland đang phụ trách một chuyên mục trên tờ Business Week và viết bài cho New York Times. |