Nữ Công Tước Marianna Ucrìa
(Hết hàng)
Tác giả: Dacia Maraini. Dịch giả: Trần Thanh Quyết Thể loại: Văn học ISBN: 210061 Xuất bản: 12/2009 Trọng lượng: 410 gr NXB: Văn học Số trang: 404 trang, kích thước 13x20,5 cm Giá bán: 65,000 đ |
|
Nữ công tước Marianna Ucrìa Được đặt trong bối cảnh không gian xứ sở Sicilia thế kỷ 18, tiểu thuyết "Nữ công tước Marianna Ucrìa" đã trở thành thiên trường ca về niềm khao khát và sự chịu đựng bền bỉ, chứ không đơn thuần là câu chuyện về cuộc đời một con người. Marianna Ucrìa, nàng công tước xứ Bagheria, bị câm điếc từ nhỏ, luôn giao tiếp với người xung quanh bằng các mẩu giấy viết. Nàng được Dacia Maraini khắc hoạ không khác gì so với những phụ nữ cùng tầng lớp thời đó. Cũng trải qua thời thơ ấu ngắn ngủi, bị gả cho một người giàu có với mục đích làm đầy thêm tài sản của gia đình khi mới 13 tuổi, sống chỉ với nhiệm vụ gần như là duy nhất: sinh nở. Thế nhưng Marianna Ucrìa là Marianna Ucrìa chứ không phải bất kỳ bà công tước nào khác, cam chịu sống cuộc đời tẻ nhạt và sớm úa tàn. Nàng sống cuộc sống vô vọng của mình với những niềm hi vọng cháy bỏng, với những đam mê, những khao khát tự do cho tâm hồn đang bị cầm tù. Nàng đấu tranh với xã hội giả dối, với sự kệch cỡm của giai cấp bằng chính sự dửng dưng câm lặng của mình. Tác phẩm được Dacia Maraini viết như một thiên trường ca - mỗi trường đoạn ứng với một giai đoạn cuộc đời của Marianna. Giọng văn của tác giả nhẹ nhàng và buồn man mác như chính cuộc đời Marianna vậy. Phong cảnh xứ Sicilia hiện lên dưới ngòi bút tác giả đẹp đến lạ lùng nhưng vẫn mơ hồ mang vẻ câm lặng. Dường như chính vì chúng ta đang cảm nhận nó qua những cảm quan khiếm khuyết của Marianna. Trên cái nền phong cảnh thơ mộng, xã hội thượng lưu Sicilia thế kỷ 18 hiện ra đầy giả dối và kệch cỡm, với những nhân vật điển hình như công tước Signoretto, cha của Marianna hay công tước Pietro - người bác ruột về đằng mẹ, đồng thời là chồng của Marianna... Những con người dường như chỉ lay lắt sống nhờ địa vị và lòng kiêu hãnh gia tộc. Họ ôm chặt trong mình những lễ giáo, hủ tục cổ xưa, khinh thường người phụ nữ trong gia đình, tàn bạo với kẻ hầu người hạ. Dacia Maraini đã tài tình vẽ nên bức tranh về một xã hội phù phiếm và nhơ nhuốc dưới những tấm áo chùng dài thanh cao, quý phái qua đôi mắt của Marianna, và qua những lời nói của bà bác già Manina ác khẩu. Marianna đấu tranh với xã hội đó bằng thứ vũ khí câm lặng của riêng nàng. Nàng dành tình thương hết mình cho những người con, dành sự quan tâm cho người hầu kẻ hạ, mang sự bao dung và lòng trắc ẩn đến cả hầm ngục u tối lạnh lùng dưới những lâu đài hoa lệ. Và trong sa mạc cằn cỗi của tâm hồn con người, nơi chỉ có trách nhiệm và sự cam chịu, thì sự trong sáng và bao dung của nàng công tước xứ Bagheria nở bừng lên như đoá hoa hồng rực rỡ kiêu sa nhất. Marianna câm và điếc, nhưng nàng biết cách sử dụng khứu giác và thị giác của mình để mở thêm ra những cánh cửa mới bước vào cuộc sống. Nàng quan sát thế giới bằng đôi mắt, lắng nghe và thấu hiểu suy nghĩ của người khác bằng cả trái tim. Không giống những nhân vật khuyết tật trong các tác phẩm văn học khác, luôn cố gắng đấu tranh để vượt qua khiếm khuyết của mình, Marianna chung sống với khiếm khuyết như chúng vốn là một phần cuộc sống. "Nữ công tước Marianna Ucrìa" không phải một tác phẩm đề cao nghị lực sống mà là một tác phẩm tôn vinh cái đẹp trong tâm hồn con người, dù cho tâm hồn đó phải chịu đựng những giày vò tàn khốc. Trong tác phẩm, người đọc rất ít nhận thấy sự lãng mạn của tình yêu, một món gia vị phổ thông mà những nhà văn khai thác cùng đề tài và bối cảnh thường sử dụng để dội nước mát lên tâm hồn độc giả. Độc giả chỉ thoáng bắt gặp thần tình yêu qua mối tình kiên quyết của Giuseppa, con gái Marianna, và chút gì đó như thể tình yêu nhưng cuối cùng đã không thành hình của Marianna với Saro và với viên công tố Don Giacomo Camaleo. Marianna chưa thể yêu, thứ tình yêu trai gái bình dị, cũng như nàng chưa thể nói. Dacia Maraini để cho Marianna câm lặng vĩnh viễn trong lòng độc giả, và gieo trong lòng mỗi chúng ta, những người đã dõi theo cuộc đời nàng công tước đến trang sách cuối cùng, một sự thoả mãn đau xót. Marianna kiêu hãnh ngắm nhìn cuộc sống của riêng nàng bằng sự câm lặng vĩnh hằng. Đó dường như là cái kết viên mãn nhất mà Dacia Maraini gieo vào trong tác phẩm. Và Marianna vẫn câm lặng... Một sự câm lặng huy hoàng... Thanh Hải (Theo eVan) |