Đi! Đây Việt Bắc!
(Hết hàng)
Tác giả: Trần Dần Thể loại: Thơ - Bình thơ - Nghiên cứu - Tiểu luận - Phê bình văn học ISBN: 211891 Xuất bản: 12/2009 Trọng lượng: 220 gr NXB: Hội Nhà Văn Số trang: 136 trang, kích thước 15x23 cm Giá bán: 30,000 đ |
|
Tác phẩm "Đi! Đây Việt Bắc!" được chính nhà thơ Trần Dần xếp vào thể loại hùng ca - lụa (Epopée sur soie) được Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn phát hành. "Đi! Đây Việt Bắc!" được sáng tác trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 9/1957, gồm 14 chương, trong đó nhịp hô "Đi!" trở đi trở lại trong 12 chương như một lời thúc giục đi tới, vươn tới mãi. Tác phẩm ca ngợi biểu tượng Việt Bắc như đất phát tích cách mạng, ca ngợi những hy sinh gian khổ của nhân dân trong suốt tiến trình kháng chiến - từ thu đông 1947 đến trận Điện Biên lịch sử - và những chiến tích từ bình thường đến kỳ vĩ đã làm nên chiến thắng. Tác phẩm "Đi! Đây Việt Bắc!" được viết theo lối thơ bậc thang - một dòng (chữ) thơ được viết thành nhiều dòng (chữ) thơ với những vị trí lệch nhau tạo hình ảnh những bậc thang. Về hình thức "Epopée sur soie" (hùng ca trên lụa), nhà lý luận phê bình Lại Nguyên Ân cho rằng, có lẽ được Trần Dần phóng tác từ nguyên gốc "Peinture sur soie" (tranh vẽ trên lụa). "Dùng chữ "lụa" để định tính cho hùng ca, Trần Dần cũng muốn tặng cho "Đi! Đây Việt Bắc!" một đặc trưng của thể loại "tranh lụa" cổ truyền: hình vẽ trên lụa được rửa bằng nước, rồi lại được vẽ lại, rồi lại rửa… nhiều lần như vậy, cho đến khi mầu ăn chặt vào từng thớ lụa, giặt cũng không đi." Về tác phẩm này, ông Lại Nguyên Ân viết: "Đi! Đây Việt Bắc!" được viết vào thời điểm từ kháng chiến chuyển sang thời bình, mà cuộc sống thời bình thì đang bộc lộ cái bộ mặt "văn xuôi" nhí nhách của cái hàng ngày, vừa như "mốc meo", "ngưng đọng", lại vừa như "con thò lò ngày đêm / hai mặt đói meo / còn quay tít / trên / kiếp người hạ giá". Cảm nhận tình thế ấy, nhân vật trữ tình của trường ca này nhớ về thuở kháng chiến đã qua, tuy gian khổ nhưng đầy tình người, đầy những hy sinh xả thân mà biểu tượng chung là Việt Bắc, là thiên hùng ca Điện Biên. Trường ca mở ra như mời gọi người đọc theo chân tác giả làm một cuộc đi trong tưởng tượng trở lại vùng đất Việt Bắc, nơi còn đọng lại trong "đáy dạ thời gian" cả một lịch sử thời cách mạng và kháng chiến. Mạch nhớ về quá khứ ấy được xen lẫn với đôi ba cảm nhận thoắt nhói lên thoắt lặng đi về hiện tại với đôi nét như "mùa xuân / bị hắt hủi / mùa hạ / bị gạt lừa", v.v… Nhưng mạch hồi ức vẫn mạnh hơn, lấn lướt hơn; và đồng thời với dòng hồi ức về quá khứ là sự nổi dậy của điệp khúc "Đi!" như tâm tình, như khuyến nghị, như mệnh lệnh; "Đi!" như là phương cách hành động duy nhất giải thoát hiện tại "ỳ", "mốc meo" và vô số sắc thái đáng ngán khác; "Đi!" như thời Việt Bắc đã đi qua gian khổ khó khăn giành chiến thắng." Sau một số lần được đăng báo hoặc xuất bản từng phần, đây là lần đầu tác phẩm được in trọn vẹn. Từng là một thành viên của nhóm "Nhân văn giai phẩm", trong những năm gần đây, những đóng góp của Trần Dần (23/8/1926 - 17/1/1997) cho văn học liên tục được ghi nhận. Tác phẩm "Cổng tỉnh" được xuất bản năm 1994, sau đó được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007 và giải Thành tựu trọn đời của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2008. Năm 2009, tác phẩm "Trần Dần - THƠ" do NXB Đà Nẵng và Nhã Nam xuất bản được trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Thủ đô. Danh Anh (Theo vietnamnet.vn) |