Thơ Đến Từ Đâu
(Hết hàng)
Tác giả: Nguyễn Đức Tùng Thể loại: Văn học ISBN: 214055 Xuất bản: 12/2009 Trọng lượng: 640 gr NXB: Lao động Số trang: 572 trang, kích thước 15x22 cm Giá bán: 85,000 đ |
|
“Thơ đến từ đâu” - cuộc trò chuyện lý thú về thẩm mỹ TP - Nhà xuất bản Lao Động vừa cho ra mắt cuốn sách “Thơ đến từ đâu” của nhà thơ Nguyễn Đức Tùng - bác sĩ, Việt kiều sống ở Canada. Xung quanh cuốn sách này đã sớm xuất hiện những dư luận nhiều chiều do những vấn đề được đặt ra và không ít vấn đề trong đó còn khá mới lạ với đời sống văn học trong nước. Sau đây là bài viết của nhà văn Trần Thị Trường, đưa ra một cách tiếp nhận cởi mở. Cuốn sách, tập hợp những bài phỏng vấn từ 2006 trở lại đây, mặc dù là một tập hợp chưa đầy đủ, của Nguyễn Đức Tùng. Đó là những cuộc trò chuyện lý thú giữa tác giả và các nhà thơ trong nước và hải ngoại, thuộc nhiều thế hệ khác nhau, phong cách khác nhau, quan niệm về thơ khác nhau. Bằng nhiều câu hỏi thay đổi, anh dẫn người đối thoại và người đọc đến với chủ đề trung tâm “Thơ đến từ đâu”, và qua chủ đề đó, làm bộc lộ những vấn đề thẩm mỹ của thơ Việt Nam hiện nay. Đối với câu hỏi, cũng là tựa đề cuốn sách, dường như bất cứ ai cũng có thể trả lời một cách dễ dàng, nhưng đối với cùng một câu hỏi thì mỗi người, cũng như mỗi thi sỹ trong tập sách này, lại có một câu trả lời riêng. Với hơn năm trăm trang in, tôi nghĩ tác giả của nó- người phỏng vấn- và các nhà thơ khác- đồng tác giả- không chỉ đơn giản sắp xếp những câu hỏi đáp đó lại mà thực đã tìm được cách thật tuyệt để tạo ra một cuộc chơi chung. Nhà thơ, vừa là người rất minh định cái căn nguyên từ đâu mà sinh ra thơ, vừa là người đôi khi mông lung, mơ hồ về nó. Đặt ra những câu hỏi cũng là cách đi tìm câu trả lời cho chính mình. Và cho người khác. Các nhà thơ Việt Nam có mặt, mặc dù chưa thể nói là đại diện hoàn toàn cho các khuynh hướng, phần nào phản ánh khuôn mặt của thơ ca Việt Nam trong mấy chục năm trở lại đây, họ được biết đến trên văn đàn trong và ngoài nước, không kể tuổi tác, vị trí được xếp hạng hay không xếp hạng. Đặt câu hỏi đã khó, trả lời câu hỏi cũng không dễ. Tôi được tác giả cho biết rằng sau cuốn sách này, anh sẽ còn tiếp tục những bài phỏng vấn khác nữa, với các nhà thơ và nhà phê bình khác, và hy vọng in tập hai, tập ba. Tôi mong và tin rằng các bài đó sẽ giữ được phong độ như hiện nay. Có thể coi cuốn sách như một biên niên sử một thời kỳ, thời chúng ta đang sống. Tìm được chủ đề “thơ đến từ đâu” thì thú vị, nhưng đi theo nó với ngần ấy gương mặt thơ, ngần ấy tính cách và không gian sống của các nhà thơ là việc chẳng dễ dàng, thậm chí rất dễ đứt hơi, dễ đi vào bế tắc, lặp lại, hời hợt và nhàm chán. Nhưng thú vị thay, tác giả đã vượt qua điều đó một cách ngon lành, anh đem đến cho chúng ta một cuốn sách hết sức hấp dẫn. Tôi xin lấy những chữ trong sách để làm kết cho bài viết này, rằng “Mừng vui còn có hôm nay... Người đi chưa đủ về quanh chiếu ngồi... Hy vọng, một ngày kia tất cả những người ra đi sẽ về lại bên nhau đầy đủ, ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn, mang theo cả những người không bao giờ còn có thể về lại được nữa. Chia sẻ và thấu hiểu, kính trọng và tha thứ. Trên chiếc chiếu của tình tự dân tộc và của thơ ca Việt Nam”. Trong suy nghĩ đó, tôi tin rằng “Thơ đến từ đâu” có khả năng đưa chúng ta, những người Việt yêu thơ và yêu quê hương từ khắp năm châu bốn biển, bất chấp những khác biệt do lịch sử và hoàn cảnh, đến gần với nhau hơn. Trần Thị Trường (tienphong.vn, Chủ Nhật, 06/12/2009, 14:46) |