CÔI CÚT GIỮA CẢNH ĐỜI - TIỂU THUYẾT MA VĂN KHÁNG
(Hết hàng)
Tác giả: Ma Văn Kháng Thể loại: Truyện dài - Tiểu thuyết ISBN: 5105100759935 Xuất bản: 9/2012 Trọng lượng: 300 gr NXB: Văn học Số trang: 304 trang - khổ: 13.5x20.5 cm Giá bìa: Giá bán: 51,000 đ |
|
Thật tình tôi không hiểu rằng đời mình sẽ ra sao, nếu như cách đây mười năm, khi tôi năm tuổi, tôi không có bà nội tôi. Bà nội tôi, năm ấy đã ngoại sáu mươi, tóc đã bạc quá nửa, gầy gùa như thân hình tượng La Hán chùa Tây Phương, nhưng gân cốt dẻo dai, tinh anh, nhanh nhẹn. Cả thân hình và cốt cách bà được đúc nên từ cuộc đời lam lũ cực nhọc nhưng tràn đầy hào hứng của bà. Tôi còn nhớ như in gương mặt, vóc hình bà tôi lúc đó. Mặt bà tròn trịa, mảnh dẻ như phiến lá sen. Tóc bà cuộn trong một mảnh khăn nhung thành một vành khăn nhỏ, đặt nghiêng nghiêng trên mái đầu năng chải hiện rő một đường ngôi thẳng tắp chia đều mái tóc sang hai bên. Mặc dù chân tay bà bé nhỏ, gần như chỉ là một làn da bánh mật bọc các lóng xương, bà vẫn thoăn thoắt trong các công việc và dáng đi đứng vẫn rất hoạt bát, tự nhiên, mạnh mẽ. Bà đi đi lại lại nhanh nhẹn, hai ống quần có lúc bên thấp bên cao chạm nhau loạt xoạt, nói lên thói quen tất tả, muốn dứt dóng chóng vánh mọi việc của bà. Trên gương mặt mảnh mai của bà, hàm răng nhuộm đen đều tăm tắp luôn luôn sáng lên một ánh cười ấm áp, hóm hỉnh, tỏa ra một niềm tin đến độ thấy nét cười ấy tôi lại trở lại tin cậy, dẫu đang nao núng trong mung lung. Trí óc non nớt, con mắt ngờ nghệch của tôi hồi ấy quả thật đã không thể hiểu nổi cái gì đã xảy ra và trở thành một sự kiện xoay đổi cả đời tôi. Người lớn có những bí ẩn riêng mà trẻ thơ chẳng khi nào hiểu nổi. Tuy vậy, ký ức thơ dại của tôi lúc đó đã in dấu và sau này còn vang vọng mãi tiếng kêu não lòng xé ruột của bà: - Thụy ơi, thật không ai như con đâu, con ạ ! Thụy là tên mẹ tôi. Tiếng kêu ấy là khúc mở đầu của một đoạn đời bi đát của bà cháu tôi. Tôi có thể nói như thế vì đến hôm nay, thì trí nhớ tuổi thơ đậm đà ấn tượng của tôi đã được rọi chiếu bằng hiểu biết của tuổi mười lăm, tuổi mười lăm biết thao thức, nghĩ ngợi. Tuổi mười lăm cố dựng lại thiên hồi ức với tất cả sắc màu thật của nó, cái đoạn đời tôi chập chững giữa cői đời trong bàn tay dắt dìu, cưu mang của bà tôi. Tôi còn nhớ rất rõ cái hình ảnh mẹ tôi khựng lại ở ngoài sân khi nghe thấy tiếng kêu đứt ruột ấy của bà. Cái áo mưa xanh cứng quèo mẹ khoác khe khẽ quẫy động trong màn mưa thu xám nhờ. Một tay xách cái túi quần áo lép kẹp, một tay đưa lên gạt nước mắt. Một phút ngần ngừ. Một phút xót xa. Rồi sau đó, mẹ tôi quay ngoắt đi, cắm cúi bước, rồi dún chân chạy gằn ra phía cái dốc đỏ rẽ từ đường cái vào khu nhà ở của chúng tôi - cái cách chạy như là trốn lẩn, đau đớn vật vã, cực chẳng đã thế nào ! ở đỉnh cái dốc đỏ ấy, bà tôi biết, có một chiếc xe tải lớn, loại xe Din cánh trả, đã đậu từ sớm, trên ca-bin có một ông lái ria mép rậm đen như nhọ nồi, ngồi ghếch chân lên cửa kính, đốt thuốc lá liên tục, kiên nhẫn đón chờ mẹ tôi. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không hiểu nổi lý do gì mà mẹ lại bỏ tôi lại cho bà, ra đi theo cái ông lái xe tải nọ. Bà nội đã già và tôi thì còn quá bé bỏng. Cả hai đều đang cần người nương tựa, đỡ nâng. Tôi không hiểu vì sao mẹ tôi, người phụ nữ ba mươi tuổi thông minh, tươi đẹp bỗng dưng gần như là vô cớ từ bỏ một đời sống gia đình ấm êm, vui vẻ mà khối người ao ước chẳng được. Bố tôi nhập ngũ ngay sau khi tôi mới chào đời, vào miền nam được ít lâu thì sang chiến đấu giúp nước bạn Cam-pu-chia. Mẹ tôi là thợ dệt. Sáng sáng xách cái cặp lồng cơm, bế tôi đến vườn trẻ của xí nghiệp. Chiều về, cơm nước đã có bà tôi lo toan. Mẹ chẳng bận bịu về tôi. Đêm tôi ngủ với bà. Là con trai, tôi sớm cứng cáp, không hay vòi vĩnh, khóc nhè. Chưa bao giờ tôi khóc thét lên rồi bám díu lấy mẹ để các cô ở vườn trẻ phải giựt ra đưa vào nhà trẻ mỗi sớm mai. Mẹ tôi xinh xắn, là thợ giỏi, lại có giọng hát hay. Quen với bố tôi rồi hai người yêu nhau vì bố tôi là thợ tiện bậc sáu trên bảy cùng một phân xưởng, cùng sinh hoạt trong đội văn nghệ xí nghiệp. Hai người, theo lời của bạn bè, thật vừa lứa xứng đôi. Bà nội tôi vốn người hiểu biết, xưa cũng từng là thợ dệt. Cái thời thợ dệt nam còn đi guốc mộc, thợ dệt nữ còn mặc váy, làm ở Nhà máy dệt Nam Định thuộc Công ty bông vải sợi Bắc Kỳ, chủ nhất là một thằng tư bản Tây. ấy là bà nội tôi kể vậy. Hiểu biết, hiền hậu, ăn ở với mọi người hết sức vẹn toàn, chu tất, không có cảnh xích mích, lủng củng mẹ chồng con dâu. Không có chuyện khác máu tanh lòng. Chỉ có sự thuận hòa, trong ấm ngoài êm, trên kính dưới nhường. Và do khéo ăn thì no khéo co thì ấm, nên gia đình thợ chúng tôi những năm đó sống cũng không đến nỗi nào. No đủ nên càng êm ấm. Bà tôi còn bảo: gia đình như thế thì còn đòi hỏi gì nữa. Cô Quyên nói thêm: thật thế, việc gì phải buồn khổ day dứt nữa, thật chẳng bù cho con. Rồi cô thở dài. Nhưng, tôi vẫn nhớ rõ là mẹ tôi đã gục đầu vào cái gối sa-tanh xanh mướt thêu hai con chim bồ câu trắng ở đầu giường, rũ rượi: - Con khổ lắm, mẹ ơi ! Trông, nghe rõ, nhưng tôi thật không hiểu nổi nỗi khổ của mẹ tôi có hình sắc gì, nó là thế nào? Tôi ngẩn ra một lúc rồi lại tiếp tục chơi bi một mình ở giữa nhà. Còn bà tôi, nghe mẹ tôi than khóc, miệng đang lúng búng miếng trầu vội nhả ra, ngập ngừng thương cảm: - Mẹ hiểu lòng con, Thụy ạ. Dưng mà bi giờ dẫu có thế nào cũng còn đỡ hơn cái thời con mới nở mấy ngày đã phải bồng thằng Duy đi sơ tán, rúc hầm chui hố chứ ! Ngừng một lát, vứt miếng bã trầu đi, bà tôi tiếp: - Mẹ nào muốn con cam chịu mãi cảnh đầy ải, hở con? Bặt tin bố nó thì mẹ biết rồi. Lòng mẹ nhiều lúc cũng ngẩn ngơ, rầu rĩ lắm. Dưng mà, mẹ chỉ muốn khuyên con: đừng có tin hẳn vào quẻ bói, con ạ. ừ, thì có lúc có người bói đúng. Nhưng chính mẹ thấy ở chùa Bà Đanh đồn là thiêng lắm, có chị đi xin thẻ ba lần, ba lần quẻ bảo là chồng đã hy sinh ở ngoài mặt trận. Dùng dằng mãi, đành phải tin, để đi bước nữa. Nào ngờ đúng cái hôm làm cưới tái giá, thì chồng đeo ba-lô về... Mẹ tôi vẫn day mái tóc xõa vào mặt gối, xút xít đau khổ. Bà tôi thêm: - Nếu quả thật như quẻ bói, tâm địa nào mà mẹ giam hãm con. Còn như chưa rõ ràng sự thật mười phần thì mẹ chỉ sợ con cạn nghĩ, tham con đỏ, bỏ con đen, rồi lỡ làng ra thì còn khổ gấp đôi, con ạ. ..... Xin trân trọng giới thiệu. |