Hòn Đất - Anh Đức
(Hết hàng)
Tác giả: Anh Đức Thể loại: Văn học ISBN: 5105101631209 Xuất bản: 1/2011 Trọng lượng: 350 gr NXB: Thời đại Số trang: 388 trang - khổ: 14,5x20,5 cm Giá bán: 66,000 đ |
|
Chương 1 Quyên nói: - Chị Ba, bây giờ chị tin em chưa, em đã nói anh Ba ảnh có quên chị đâu. Thơ ảnh viết đọc thiệt mới cảm động làm sao. Mà ảnh gởi về mười tám cái thơ rồi chớ ít ỏi gì. Đó, vậy mà chị cứ ngỡ thế này thế nọ... Thôi, thơ ảnh lạc hết rồi, còn thơ chị cũng chẳng tới tay ảnh cái nào đâu! Em ức quá, ở ngoài Bắc thì cũng là ở trong nước mình, vậy mà bảy năm trời bao nhiêu thơ gởi đều lạc mất. Thiệt là ức... Nhưng, nhưng bữa nay chị hết thắc mắc rồi, phải không? Kẻo chị cứ nói: - "E ra ngoài ổng sung sướng vui vẻ quá rồi không còn nhớ ai nữa". Đó, chị thấy oan cho anh Ba chưa? Quyên nói với chị ruột của mình một cách vội vàng và mừng rỡ. Coi cô như bênh anh rể, nhưng chính là cô mừng cho chị cô. Cô gái chia xẻ và vun vào cái niềm vui lớn mà suốt bảy năm trời nay chị của cô mới có được. Lúc đó, đôi bàn tay đầy đặn của cô lát lát lại hoa lên, mắt cô long lanh, và đôi khi môi cô mím lại. Cầm cái thư đưa trả cho chị, Quyên giữ lại tấm ảnh. Cô thoắt bước tới túm lấy con bé Thúy từ ngoài bậc thang nhà, kéo nó lại với cô, chìa tấm ảnh ra: - Nghe dì út hỏi nè, ông này là ông nào đây? - Ba của con! Con bé nói, đưa đôi bàn tay nhỏ nhắn cầm tấm ảnh, nhìn đau đáu. Nó thì thào nhắc lại: - Ba của con mà! - Sao con biết? - Má nói... má nói đó là ba của con! Con bé ngước đôi mắt đen tròn như hai hột nhãn lên: - Có phải thiệt là ba của con không, hở dì út? Quyên không đáp. Cô bế thốc cháu lên bộ ván, đặt nó ngồi yên trên đùi mình, rồi mới gật nhẹ đầu: - Phải rồi, ba của con đó. Từ giờ này phải nhớ cho kỹ nghe! Vậy là hai cha con biết mặt nhau rồi. Quyên day sang chị: - Chị Ba, theo như thơ anh Ba nói thì ảnh đã nhận được cái thơ sau cùng của chị, cả tấm hình chị chụp với con Thúy... Trời ơi, bảy năm ảnh mới biết mặt con Thúy đó nghe! Rồi Quyên xỉa yêu ngón tay trỏ vào trán con Thúy: - Bảy năm trời ba mày mới biết cái mặt mày rồi đó Thúy à. Hồi ba mày đi thì đã có mày đâu, hồi đó chưa đẻ mày mà... Nghe em gái nói, chị Sứ liền nhớ lại hết sức rõ rệt những ngày cuối cùng anh San chồng chị trở về nhà trước khi lên đường tập kết. Những hôm ấy, cũng tại cái nhà sàn lát ván cũ kỹ này, anh San vẫn nói chuyện như thường, vẫn cười cái cười cởi mở như ngày thường. Riêng Sứ, chị mới hiểu sự bình thường ấy làm sao. Chồng chị cứ lặp đi lặp lại mấy lần: - "Hai năm thì có lâu la gì!". Nhưng trong đêm chót, anh mới nói thực điều anh đã nghĩ: - "Em à, nói vậy để má đừng lo, tội nghiệp má. Chớ với em, thì anh nói anh không tin ở hạn định hai năm đâu. Có khi chưa tới một năm thì súng sẽ nổ lại, nhưng có khi không phải hai năm mà là bốn hoặc năm năm. Nên tụi mình phải chuẩn bị tinh thần...". Anh ấy còn bảo: - "Hễ cái chuyện gì mà mình có tính trước thì chừng xảy ra mình vẫn vững hơn". Sau đó, trong đêm khuya, anh co cánh tay kéo đầu chị ngả sát vào. Lâu sau, chợt nghe anh nói, như tự nhủ: - "Không biết ở ngoài Bắc có cây trái như ở trong mình không? có soài, có măng cụt, có bưởi không? Cái gì chớ bưởi thì chắc có rồi nghe. Mà không biết bưởi ngoài đó tháng nào đâm bông, chưa chắc là gần giáp Tết như trong mình đâu...". Thoạt nghe, Sứ cho rằng anh cố nói lảng đi, nhưng liền đó chị biết. Chị biết anh đã nghĩ gì trước khi anh nói ra cái câu tưởng như bâng quơ ấy. Hai năm trước đó, trong bữa tiệc bà con Hòn Đất thết bộ đội đánh thắng ở chiến trường Long Châu Hà trở về, lúc Sứ bưng dọn thức ăn ra cho bộ đội, chị có ngờ đâu anh San đã để ý tới chị. Theo lời anh, thì lúc đó anh đã nghe thấy mùi hương bông bưởi thoang thoảng mà Sứ đã cẩn thận gội lên mái tóc dày mượt lạ thường của mình. Hai người quen nhau trong buổi liên hoan tối đó. Về sau gặp lại Sứ, lựa lúc vắng người, anh San cười hỏi khẽ: - "Sao lóng rày cô Ba Sứ không gội bông bưởi nữa?", Sứ mím môi cười, thẹn đỏ mặt. Chuyện của hai người là thế. Mối tình đó bắt đầu chớm hé giữa các chiến thắng ngày càng dồn dập trong cả nước, mối tình đó nảy nở giữa tháng chạp các vườn bưởi Hòn Đất đang độ ra hoa. Hai năm sau họ làm đám cưới. ấy là một đám cưới vui nhất ở vùng Hòn, đúng vào lúc ta đại thắng giặc Pháp ở Điện Biên Phủ. Từ bấy đến nay đã hơn bảy năm. Hai người gần gũi nhau nhiều lắm là một tháng. Mãi tới hôm nay họ mới được tin nhau qua một bức thư mỏng và gặp lại nhau qua một tấm ảnh nhỏ. Bảy năm trời! Nghe em gái mình nói, Sứ hầu như không tin thời gian ấy là có thực. Chị thẫn thờ bảo: - Mau quá!... Mới đó mà đã bảy năm! - ồ... mà chị nè, chắc anh Ba ảnh đâu biết tụi mình ở trong này gian nan ra sao đâu hả chị! Phải ảnh mà biết cái năm tụi nó bắt chị lên quận ép làm tờ ly khai chồng, cái trận mà chị bị nhốt "chuồng cọp", "chuồng sấu"... Cha, ảnh mà biết!... Sứ mỉm cười hiền hậu: - Biết gì được... Thì chắc cũng có nghe nói, mà không rõ được đâu! Giữa lúc hai chị em nói chuyện với nhau, con bé Thúy se sẽ tụt khỏi lòng Quyên. Nó lồm cồm bò tới bên cái rổ may, mò mẫm tìm trong rổ may lấy ra một chiếc gương tròn. Rồi nó men vào trong góc, chỗ bộ ván áp sát vách. Nó ngồi một mình, lặng lẽ. Lát sau, nó mới từ từ giơ tấm ảnh lên còn tay kia nó cầm chiếc gương soi. Con bé nó coi mặt nó trong gương và coi mặt ba nó trong ảnh. Nó coi đi coi lại, coi nó với ba nó có giống nhau không, từ mắt đến mũi, từ miệng đến vành tai. Nó thấy mắt và chân mày ba nó sao không giống nó lắm. Mắt nó thì tròn, mắt ba nó thì hơi dài mà sắc. Còn chân mày của ba nó thì rậm quá. Song nó mừng rơn lên khi thấy mũi và miệng ba nó giống nó ghê. Hớn hở con bé lại nhìn, lại tìm kiếm những nét giống khác. Nó hy vọng rằng mọi nét giữa nó và ba nó đều giống. Vì nó yêu ba nó lắm. Tình yêu ấy được gieo vào tâm khảm trẻ thơ của nó bắt đầu từ khi nó được biết trên đời này nó còn có một người cha. Nó vẫn tin rằng ba nó cũng tốt, cũng hay, và nhất định là ba nó yêu nó hơn cả. Hồi sáng, khi mẹ nó đưa nó xem tấm ảnh, bảo người trong ảnh là ba nó thì nó tin ngay. Cũng có phần là vì mẹ nó bao giờ cũng nói thật, nhưng chính khi coi ảnh, nó cứ ngờ ngợ như đã có lần gặp ba nó rồi. Thực ra thì nó chỉ gặp ba nó trong trí tưởng trẻ thơ của nó qua những lời mẹ kể. Về việc này, phải nói là chị Sứ cứ ân hận mãi. Lúc chia tay, chị có giữ một tấm ảnh anh San, chị vẫn cất kỹ tấm ảnh ấy trong bóp. Năm năm mươi sáu, lúc bọn địch bắt chị giải lên quận, chúng xét gặp và xé nát. Năm đó chị mới sinh con Thúy. Ngồi trò chuyện với em, Sứ đã liếc thấy con mình làm gì hết cả. Nhưng chị giả vờ như không thấy. Chị đưa mắt nháy Quyên. Quyên ngoảnh nhìn. Thấy con bé Thúy đang lặng lẽ, chăm chú làm các việc nhận dạng đến mức ấy, thì cô bụm miệng cố nhịn cười. Nhưng lát sau, không nín được, cô cười phì ra. Con bé Thúy đỏ mặt, lúng túng, ngượng nghịu úp tấm ảnh và chiếc gương vào ngực. Sứ không cười. Chị hỏi: - Sao, con? Con với ba có giống nhau không? Con bé ngó lơ chỗ khác, không đáp. Loáng cái đã thấy đôi mắt to đen của nó rân rân. Sứ biết sớm muộn gì con mình cũng khóc. Tính nó hay hờn mát, từ bé đã vậy, mẹ chị vẫn nói: - Con nhỏ nó giống y như mày hồi đó! Chính chị bây giờ, không hiểu sao, khi thốt hỏi con câu vừa rồi, mi mắt chị bỗng cay cay, nóng nóng. Chị đứng dậy bước tới góc bộ ván ôm lấy con. Rồi hầu như cùng một lúc, hai mẹ con đều nức nở. Quyên ngồi mỉm cười. Cô biết giọt nước mắt của chị và cháu mình chảy ra cũng chẳng qua bởi niềm vui đến hôm nay đã gợi dậy những nỗi tủi trong bao năm gian khổ, hy sinh và mong đợi, nên cô không lấy thế làm lo. Lát sau, không muốn để tiếng khóc ảnh hưởng đến tin vui cho chị mình, cho cả nhà, cô đứng vụt dậy, nói: - Khổ ghê, hồi biệt tin tức anh Ba thì chị với con Thúy cứ rủ rỉ thở than với nhau, bây giờ có tin anh Ba thì khóc. Thiệt hết biết hai mẹ con rồi. - Đoạn Quyên quay lưng: - Thôi, hai người ở đó khóc cho đã thèm đi. Tôi đi kiếm má cho má hay coi! - Má hay rồi! - Chị Sứ nói giọng nghẹn ngào, và tiếp: Má đi ra bãi kiếm tôm cá gì đó, nói chiều nay làm bữa cơm. Quyên đứng lại, mặt rạng lên: - Cha!... Mới được một cái thơ của anh Ba mà bà già làm tiệc rồi. Đây tới chừng thống nhất anh Ba về chắc má làm heo... - Tiệc tùng gì, nghe anh Tám Chấn với chú Ngạn về, má mới... - ờ, ờ... sáng nay cuộc hội nghị huyện ủy mở rộng đã bế mạc. Xế xế chắc mấy anh về tới đây. Em có gặp mấy anh ở đội VT3 của anh Ngạn đóng ở ấp hai, mấy ảnh nói anh Tám sẽ về công tác ở đây một thời gian ngắn. Chị Sứ hỏi, giọng đã bình tĩnh trở lại: - Nghe nói kỳ này anh Tám được bầu làm bí thơ huyện rồi phải không? - Phải, ảnh đã được bầu làm bí thơ, phụ trách cả dân vận... Em nghĩ anh Tám làm bí thơ là xứng đáng. Trích Xin trân trọng giới thiệu. |