RONG CHƠI TRỜI PHƯƠNG NGOẠI
(Hết hàng)
Tác giả: Thích Nhất Hạnh Thể loại: Tôn giáo - Tín ngưỡng - Tâm Linh ISBN: 8932000118121 Xuất bản: 6/2013 Trọng lượng: 170 gr NXB: Hồng Đức Số trang: 156 trang - khổ: 13x21cm Giá bán: 45,000 đ |
|
Kinh Rong Chơi Trời Phương Ngoại là một phẩm của Kinh Pháp Cú Hán tạng có tên là Nê Hoàn Phẩm. Nê Hoàn là Niết Bàn (Nirvana, Nibbana). Trong bản dịch, có chữ trời phương ngoại. Trời phương ngoại là cái không gian vượt ra ngoài không gian, chữ Hán gọi là thiên ngoại thiên hay phương ngoại phương. Phương là không gian, phương ngoại là ngoài không gian, nghĩa là không gian nằm ngoài không gian. Rong chơi trời phương ngoại là đi chơi trong thế giới không gian ngoài không gian. Trong không gian này không có sinh, không có diệt, khống có tới, không có đi, không có còn, không có mất, không có ta, không có người, không có sự phân biệt kỳ thị. Không gian đó bao la vô cùng, gọi là Niết Bàn. 1. Nhẫn là biện pháp hay nhất để tự bảo hộ Niết bàn là cái mà Bụt khen ngợi là cao đẹp nhất. Buông bỏ nếp sống trần tục, sống đời phạm hạnh, không phạm giới, Làm lắng dịu được tâm ý, thì không có gì có thể xâm phạm được đến mình. 2. Không bệnh là cái lợi tức lớn nhất Tri túc là cái giàu có to nhất Trung thực là người bạn tốt nhất Niết bàn là cái hạnh phúc cao nhất. 3. Đói là cái bệnh khó chịu đựng nhất Tâm hành là cái gây khổ đau nhiều nhất Cứ nhìn vào sự thực mà tìm hiểu Thì Niết bàn là cái lạc thú lớn nhất. 4. Ở đời, ít người được đi trên nẻo thiện, Trong khi ấy, kẻ đi trên đường ác thì nhiều. Cứ nhìn vào sự thực mà tìm hiểu Thì Niết bàn là nơi an toàn nhất. 5. Các cõi trời do tạo tác nhân lành mà mình được sinh lên, Các ác đạo cũng do ác nhân mà mình bị đọa xuống Niết bàn cũng như thế Do nhân duyên tu tập mà có Niết bàn. 6. Hươu nai nương đồng quê Chim chóc nương trời mây Sự vật nương phân biệt mà biểu hiện Các bậc chân nhân nương vào Niết bàn để sống thảnh thơi. 7. Thấy được cái không trước, không sau Không là, không không là Cái đó là vô đắc Cũng là cái không thể tư duy được. 8. Tâm khó thấy, nhưng thói quen có thể nhận ra, Kẻ nhận diện được dục ý thấy được đầy đủ rằng Không tìm thú vui trong dục lạc thì tránh được mọi thứ khổ Và ái dục luôn luôn làm tăng trưởng niềm đau. 9. Sáng suốt, không để cho tâm ý bị nhiễm ô Một khi đã được thanh tịnh hóa thì chế ngự được mọi dục ý. Lúc ấy không còn phải tiếp cận với thế giới đau khổ nữa Tuy rằng thấy thì vẫn thấy, nghe thì vẫn nghe, Nhớ thì vẫn nhớ, và biết thì vẫn biết. 10. Đạt được cái vô trước và vô phân biệt, Một khi buông bỏ được mọi ý niệm rồi thì sẽ vào được cõi ấy Vượt thắng được ý niệm về ngã, Điều phục được các tâm hành có tác dụng gây đau nhức Và dứt bỏ được hoàn toàn cái tập khí nhận thức phân biệt kỳ thị, thì khổ đau không còn. 11. Ở trong hoàn cảnh động mà giữ được tâm thanh hư thì vẫn là tĩnh Trong cái động, không tiếp cận được Niết bàn, cũng không có an lạc. Ý niệm về cái vui và cái khổ đã vượt qua rồi thì mới thực sự có cái tịch tĩnh Vượt qua được cái ý niệm tịch tĩnh thì sẽ không còn cái qua lại nữa. 12. Cái qua lại đã hết, thì cái sinh tử cũng hết Sinh tử hết thì làm gì còn phân biệt cái này cái kia ? Cái này và cái kia, cả hai ý niệm đều chấm dứt Cái tịch diệt tuyệt đối là cái vắng mặt của cảnh giới đau khổ. 13. Vị tỳ khưu vì có ý niệm về hữu nên thấy có thời gian và không gian Vì cái hữu ấy cho nên mới có hành động tạo tác Cái ý niệm hữu vô sinh ra cái hữu vô Nếu không có cái tác thì làm gì có cái sở tác ? 14. Chỉ khi đạt được vô niệm Mới có thể tới được Niết bàn Nếu đã là vô sinh thì không còn hữu nữa Lúc ấy không còn tác, cũng không còn hành. 15. Thấy có sinh, có hữu, có tác, có hành Là chưa đạt tới chỗ thiết yếu Nếu hiểu được thế nào là bất sinh Thì không thấy còn hữu cũng không còn nhu yếu tác và hành. 16. Vì hữu nên mới phải có sinh Và vì sinh cho nên hữu lại tiếp tục Có tác, có hành, thì tử rồi lại sinh Đó là cánh cửa sinh tử mở ra, để đưa đến sự phát khởi của các pháp. 17. Cái gì cũng do thức ăn mà tồn tại Ngay cả cái buồn, cái vui cũng phải cần thức ăn mới có Nếu cái chất liệu thiết yếu ấy không còn Thì không còn dấu vết nào của hành mà mình có thể nhận diện. 18. Nếu khổ đau đã hết và các hành đã diệt Thì hạnh phúc sẽ có mặt một cách lặng lẽ, và sẽ có bình an Vì tỳ kheo đã tự biết mình là ai Thì không còn phải tìm đi vào một cõi nào nữa. 19. Không đi vào cái hư không Không có cái nơi đi vào để đi vào Không đi vào tưởng hay vô tưởng Không đi vào đời này hay đời sau. 20. Cũng không có tri giác ý niệm về mặt trời và mặt trăng đang có mặt Không đi cũng không ở lại Không có một cái ngã để đi và để về Thì không có cái đi và cái về. 21. Nơi không có cái mất đi cũng không có cái còn sinh ra Nơi ấy là Niết bàn. Như thế thì có đối tượng tri giác hay không có đối tượng tri giác Bản chất của cái khổ và cái vui, mình đã hiểu thấu. 22. Cái mình thấy mình không còn sợ hãi nữa Không còn nghi ngờ gì nữa về ngôn từ hay không ngôn từ Mũi tên bắn rơi được cái hữu rồi Thì khi gặp kẻ ngu muội không cần diễn bày gì nữa cả. 23. Đó là cái lạc thú đệ nhất Con đường tịch diệt này không có gì cao hơn Lúc bấy giờ mình có khả năng nhẫn chịu được, tâm mình cũng như đất Và cái hành nhẫn cũng như một thành quách. 24. Thanh tịnh như nước trong không còn chút cấu uế Hết chất liệu luân hồi (sở sinh) thì không tiếp nhận cái kia nữa Cái thắng và cái lợi không còn làm tiêu chuẩn để đi theo Bởi vì dù có thắng có lợi nhưng cái khổ vẫn còn đó. 25. Chỉ nên tự cầu cái thắng lợi về Pháp Đã có pháp thắng thì không còn sở sinh Hết sở sinh rồi thì không tạo tác thêm nữa Muốn không còn luân hồi thì đừng nên có những hành động phóng đãng. 26. Hạt giống một khi bị đốt cháy rồi thì không sinh lại Tâm ý đã dừng lại rồi thì cũng như lửa đã tắt Chốn dâm căn là một biển ô uế Tại sao lại đi tìm lạc thú ở nơi ấy? 27. Tuy phía trên kia có những cõi trời Nhưng cũng không đâu bằng Niết bàn Đã có nhất thiết trí thì cắt bỏ được tất cả Ta không còn vướng mắc nữa vào thế gian. 28. Buông bỏ hết, đã qua bờ diệt độ Trong các con đường, đây là con đường đẹp nhất Bụt đã diễn bày pháp chân đế Kẻ có trí và có dũng có thể làm theo. 29. Sống phạm hạnh, không một vết nhơ Tự biết mình, vượt thời gian, đạt an ổn Trong nếp sống tu tập, trước hết là xa lánh ái dục Phải tự trang bị mình bằng giới luật của Bụt ngay tự bây giờ. 30. Diệt phiền não, thoát ra khỏi thế giới hệ lụy Dễ như con chim cất cánh bay lên không trung Nếu hiểu được pháp cú này Thì hãy đem hết lòng mà đi tới trên con đường đạo. 31. Đó là con đường vượt qua bờ sinh tử Đưa tới chỗ chấm dứt khổ đau hoạn nạn Trong đạo pháp, không còn sự phân biệt thân sơ Không còn hỏi ai có thế lực nhiều, ai không có thế lực. 32. Quan trọng nhất là đừng bám vào tri giác Khi cả hai cái cột và mở đều đã thanh tịnh Thì bậc thượng trí không còn bị kẹt vào cái hình hài dễ tan vỡ này Và thấy nó là một cái gì không chắc thật. 33. Hình hài này đem lại khổ lụy nhiều mà an vui ít Trong chín kẻ hở, không một kẻ hở nào thanh khiết Người có trí tuệ biết bỏ nguy, giữ an Chấm dứt ba hoa, trút được mọi khổ nạn. 34. Thân này một khi đã hủy hoại sẽ trở thành tro bụi Kẻ có tuệ biết buông bỏ không bám víu Quán chiếu thấy được thân này là một công cụ mang theo nhiều hệ lụy Thì sinh lão bệnh tử sẽ không còn là chuyện đau buồn. 35. Buông bỏ được cấu uế, đi trên đường thanh tịnh Thì có thể đạt tới cái an tĩnh lớn Nương tuệ giác, bỏ tà kiến Không tiếp nhận gì nữa thì đạt được tới lậu tận. 36. Sống thanh tịnh, vượt thoát được thời gian, Thì cả hai giới thiên nhân đều nghiêng mình kính nể. Dịch từ kinh Pháp Cú trong tạng chữ Hán Kinh thứ 36: Nê hoàn Phẩm |