HÁT HỘI ĐỜN CA TÀI TỬ VÀ CẢI LƯƠNG - CUỐI TK 19 ĐẦU TK 20
(Hết hàng)
Tác giả: Nguyễn Lê Tuyên, Nguyễn Đức Hiệp Thể loại: Âm nhạc ISBN: 8932000118343 Xuất bản: 7/2013 Trọng lượng: 0 gr NXB: Văn hóa - Văn nghệ Tp Hồ Chí Minh Số trang: 144 trang, khổ: 14.5x20cm Giá bìa: Giá bán: 36,000 đ |
|
Dấu ấn đó được cho là kết quả của cuộc “hôn phối” giữa nhã nhạc cung Huế với âm nhạc dân gian, dân ca Trung bộ, Nam bộ. Công trình biên khảo Hát bội, đờn ca tài tử và cải lương cuối TK 19 đầu TK 20 (NXB Văn hóa Văn nghệ TP.HCM) của Nguyễn Lê Tuyên - Nguyễn Đức Hiệp đã góp phần lý giải và chứng minh luận điểm đó. Được biết, tác giả Nguyễn Lê Tuyên, hiện Giảng viên của trường Đại học Quốc gia Úc; Nguyễn Đức Hiệp là nhà nghiên cứu văn hóa người Úc gốc Việt. Ngoài sự kế thừa các công trình nghiên cứu trong nước, hai tác giả còn tiếp cận được một số nguồn tài liệu đáng tin cậy hiện được lưu trữ tại Bảo tàng và Thư viện ở Paris (Pháp). Chính nhờ nguồn tài liệu đó, họ đã góp phần hé mở sự định hình và phát triển của hát bội, đờn ca tài tử và cải lương ở Nam bộ. Chẳng hạn, tài liệu về Hội chợ Thế giới Paris năm 1900. Lúc đó, tài tử Nguyễn Tống Triều cùng ban nhạc tài tử Nam bộ được mời sang biểu diễn và hòa tấu cho Cléo de Mérode múa; nhà nhạc học Julien Tiersot đã ký âm Vũ khúc Đông Dương - được xem là bản ký âm đầu tiên của đờn ca tài tử trên năm dòng kẻ theo kỹ thuật thanh nhạc Tây phương. Sự kiện quan trọng này, nhà văn Maurice Talmeyr đã viết chi tiết. “Tôi đến dự buổi trình diễn ở Nhà hát Đông Dương, được xây dựng chu toàn đầy kỹ lưỡng, tráng lệ và không phải là không có phong cách. Ở sân khấu, trên tấm màn fond vẽ một phong cảnh to lớn làm binh phong có những nhân vật khác thường đang chạy trốn trong cảnh trí thiên nhiên ảo tưởng dị thường. Ở hai bên sân khấu, nơi mà xưa kia các ngài chức vị ngồi trong rạp hát xưa của chúng ta, có mười sáu nhạc công người An Nam, ngồi dưới đất khoanh chân, và chơi giữa hai đầu gối của họ, các dụng cụ âm nhạc chua chát và lạ lùng. Họ trình diễn vở múa “Bague enchantée” (Chiếc nhẫn kỳ diệu)… Dàn nhạc thì quả thật đúng là An Nam. Bạn không thể lầm được, cũng như không thể lầm về diện mạo của những nhạc sĩ, và nhất là diện mạo của ông trưởng đoàn của họ. Ông mặc áo dài màu đen, người mảnh khảnh đến ngạc nhiên, mảnh khảnh như cây vĩ (archet) sống động, với một hình thù như một ngà voi già và cong. Nhưng mà ông ta nói được tiếng Pháp và cho tôi biết về những nhạc sĩ của đoàn ông ta. Tất cả các nhạc sĩ cũng mặc áo dài đen như ông. Có tám người chơi đàn tranh, hay đàn guitare mười sáu dây, một người chơi đàn kim (kìm), hay đàn guitare bốn dây (xưa là 4 dây, ngày nay đàn kìm chỉ có 2 dây), một người chơi đàn co (cò), hay đàn violon hai dây, hai người chơi đàn doc (độc huyền cầm/ đàn bầu) hay violon một dây, một người thổi tieu (tiêu) hay sáo, một người chơi đàn ty (tỳbà) hay guitare chơi với móng tay, một người chơi liou (?) hay đàn violon có vĩ dài (grand archet), một người chơi đàn tam (tam) hay mandoline chơi bằng cách bấm ở đầu một phím lõm (corne)... Ông trưởng đoàn, rất chiều lòng, giải thích cho tôi tất cả các nhạc cụ này, và với các ngón tay dài và nhọn của ông ta, ông đã viết tên những nhạc sĩ của các nhạc cụ này lên tờ giấy trong cuốn sổ”. Rõ ràng, ngay từ đầu thế kỷ 20 loại hình âm nhạc đại chúng đờn ca tài tử và cải lương đã thu hút người Pháp. Về tên gọi “tài tử”, Nguyễn Lê Tuyên và Nguyễn Đức Hiệp cho biết từ điển Đại Nam quấc âm tự vị (in năm 1895 và 1896) của Huình Tịnh Paulus Của, Hán - Việt từ điển giản yếu (thập niên 1930) của Đào Duy Anh, Việt Nam tự điển của Hội Khai trí Tiến đức… đều định nghĩa xoay quanh “người có tài”. Trước đó, Nguyễn Du cũng viết “dập dìu tài tử giai nhân”, Nguyễn Công Trứ thì “tài tử, giai nhân tế ngộ nan”… Khi nghiên cứu, biên soạn tập sách này, hai tác giả tâm sự: “Mục đích của chúng tôi là đóng góp vào công cuộc nghiên cứu và tôn vinh loại hình Âm nhạc tài tử Nam bộ - hiện đang được tổ chức UNESCO xét duyệt để trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của thế giới”. |