Tiếng Hát Người Cá - Tập Truyện
(Hết hàng)
Tác giả:Masatsugu Ono. Người dịch: Lâm Thương Thể loại: Văn học ISBN: 8934974110354 Xuất bản: 3/2012 Trọng lượng: 320 gr NXB: Trẻ Số trang: 289 trang - khổ: 13x20 cm Giá bán: 83,000 đ |
|
Masatsugu Ono - Người kể chuyện "Vũng" "Tại bạo lực, tại hận thù. Bạo lực làm cho người ta to ra đó", ông Iwaya nói. "Cha mẹ đánh con cái bao nhiêu thì từ mỗi cú đánh, hận thù nó hằn vào người làm người phình to ra. Nhưng cái hận thù đó không phải sinh ra từ trong con cái qua mỗi cú đánh của cha mẹ đâu. Con nít làm gì có thứ đó. Cái hận thù này vốn ở trong cha mẹ. Rồi mỗi lần đánh, nó nhiễm vào đứa con. Tức là con cái lãnh trọn cái hận thù của cha mẹ. Lãnh hết. Nhưng mà bản thân cái hận thù mà cha mẹ nhiễm sang con cái cũng không tự có trong cha mẹ. Nó bị di truyền từ cha ông. Bởi bạo lực, bởi từng đón đánh." - "Như vậy thằng nào to con tức là bị cha mẹ đánh nhiều nên mới lớn vậy à?" Ông Someya ngạc nhiên hỏi. Ông Iwaya ngắm cái răng giả trong tay mình, dường như theo nhịp đánh mà răng giả bị tuột ra. - "Đúng như thế. Takeo đánh bao nhiêu Toshikazu cành to bấy nhiêu. Còn thằng Takeo bị bố nó Shei Anh đánh, bị đòn nhiều nên nó mới to ra như thế." - "Vậy thằng nào to lớn đều bị cha mẹ đánh à?" Ông Someya hỏi lại một cách nghiêm túc. - "Đúng như thế, mày thử nghĩ đi Someya. Bố mày có đánh mày lần nào không?" Ông Iwaya hỏi. - "Ờ để tao nghĩ", ông Someya khoanh tay tư lự. - "Ai cũng bảo bố mày là 'ông phật Yoshio'. Bố mày thật là lành," ông Hashimoto chen vào một câu nghe xa vắng. - "Ờ, hầu như tao không bao giờ bị đánh cả... À, nhưng có một lần tao lột trần đứa em gái trói vào cây dã hương trong vườn, tính nhòm vào giữa háng nó thì bị ổng bắt gặp, bị nện cho một cú. Rồi thì... sau đó có thêm một lần nữa. Lúc đó tao đi chơi, từ túp lều củi của Hashimoto trong núi về, tính mang than ba mày cho để vào nhà kho, mở cửa ra thì thấy ba tao với đứa em gái trần truồng. Tao bất ngờ quá. Lúc đó ba tao như con quỷ đỏ mặt gay gắt lên, nện tao một phát. Chỉ nhiêu đó, chỉ hai lần đó thôi. Đúng là ông bố lành như Phật", ông Someya nói một cách tự hào. Đoạn trích trên lấy từ truyện "Trôi trên vịnh" của Masatsugo Ono, nhà văn người Nhật Bản, tiến sĩ nghệ thuật và khoa học ĐH Tokyo, tiến sĩ văn học ĐH Paris VIII - người có buổi giao lưu với độc giả ngày mai tại HN và ngày thứ 5 tại ĐH Hoa Sen - TP HCM nhân tập truyện "Tiếng hát người cá" của anh xuất bản tại VN. Tập truyện gồm 2 truyện vừa (Trôi trên vịnh và Tiếng hát người cá) và 1 truyện ngắn (Từ Vũng đến vườn Mộc Lan) - có thể gọi là tiểu luận sáng tác của Ono. Khác hẳn với văn chương đương đại Nhật Bản mà chúng ta đã đọc qua hai ông Murakami, Banana, Ogawa..., và cũng là đề tài nghiên cứu, thuyết trình của Ono tại VN năm ngoái. Văn chương của anh hoàn toàn khác biệt. Chọn vùng đất quê hương, một làng quê hẻo lánh ven biển, Ono như người kể chuyện làng, nhẩn nha từ chuyện này sang chuyện khác. Tất cả hiện lên sống động, bởi lối kể chuyện tỉnh rụi, ít để lộ quan điểm, (như đoạn trích ở trên). Nhân vật chính trong các tác phẩm của Ono không phải là một con người cụ thể nào đó, mà là "Vũng" - được anh định nghĩa "Bờ biển ngoằn nghèo làm nên nhiều vịnh nhỏ, những nơi biển ăn sâu hình thành những làng đông đúc nhà như con hà bám trên vách đá, gọi là ura - Vũng". Và những câu chuyện từ “Vũng” là những thân phận bị lãng quên, bị nhốt chặt trong cái làng chài ven biển biệt lập với thế giới sôi động bên ngoài, bị đọa đày trong cái cõi ngục trần gian. Những câu chuyện nửa hư nửa thật, được kể lại, được thêu dệt qua những người làng lớn tuổi. “Ai quên quá khứ sẽ dẫm phải quá khứ. Phải nhớ điều đó. Phải đền cho quá khứ. Và đây là cơ hội.” Xin trân trọng giới thiệu. |