THƯ TÌNH THỜI HOA LỬA
(Hết hàng)
Tác Giả: Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Biên Soạn: Phạm Thị Như Anh Thể loại: Truyện vừa - Truyện ngắn - Tản văn ISBN: 8934994102377 Xuất bản: 12/2011 Trọng lượng: 400 gr NXB: Giáo dục Số trang: 304 trang - khổ: 16x24 cm Giá bán: 64,000 đ |
|
LTS: Trong cuốn nhật ký "Mãi mãi tuổi hai mươi”, liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc nhắc nhiều đến người thiếu nữ Phạm Thị Như Anh. Cho đến nay, người thiếu nữ ngày xưa ấy vẫn gìn giữ những tình cảm đẹp của liệt sĩ Thạc dành cho bà. NXB Giáo dục Việt Nam vừa xuất bản tập sách do bà Phạm Thị Như Anh giới thiệu và biên soạn có tiêu đề: "Thư tình thời hoa lửa” gồm những lá thư của Nguyễn Văn Thạc gửi cho bà. Dưới đây là bài viết của nhà thơ Nguyễn Thị Hồng về tập sách này. Tình yêu đôi lứa của đôi bạn trẻ trong tác phẩm này cũng chứa đựng những phẩm chất của những mối tình đẹp đẽ trong đời sống cũng như trong những mối tình bất hủ của văn chương: hướng tới sự bất diệt và thủy chung. Ngay trang bìa: "Như Anh yêu dấu! Những con cò này bay mãi, bay mãi với nhau. Đừng bao giờ xa rời, đừng bao giờ xa rời...”. Nhưng cũng như tên tập thơ đã nói lên tất cả. Đây không chỉ là tình yêu đôi lứa đơn thuần, mà là tình yêu thời hoa lửa. Hai từ "hoa lửa” đã cho ta hình dung tất cả cái đẹp, cái hào hùng cũng như cái khắc nghiệt chứa trong nó. Cái đẹp của tuổi trẻ cộng với cái đẹp của lý tưởng sống một thời - cái thời mà trong thư Nguyễn Văn Thạc gửi Như Anh ngày 2- 8 - 1971 đã dẫn thơ Nguyễn Viết Lãm: "Thơm rất xa theo gió thoáng hương trầm/cây trầm đẹp như cuộc đời chiến sĩ/Sống tươi tốt, bao niềm tin bình dị/Thân hy sinh thơm đất thơm trời...”(tr 129). Nhưng "chiến tranh không phải chuyện đùa”, và cậu sinh viên sắp trở thành tân binh Nguyễn Văn Thạc đã cảm nhận được sự khắc nghiệt, sức tàn phá của nó. Trong lòng anh là sự giằng xé khủng khiếp chứ không hề đơn giản "Đi đánh Mỹ là một niềm vui lớn” như một nhà thơ đã từng viết. Anh viết cho Như Anh trong bức thư ngày 4-8-1971: "Thạc chết mất Như Anh à, thật đấy, Thạc không thể sống nổi đâu, khi xung quanh Thạc là cả một thế lực mơ hồ, đen tối, quẳng đến cho Thạc mùi tanh của xác người, của máu, màu đỏ điên cuồng của lửa!” (tr 139). Nhưng rồi một tiếng nói khác đã cất lên trong suy nghĩ của anh, và nó đã chiến thắng, anh viết cho Như Anh trong bức thư ngày 6-8-1971: "Ta hiểu rằng, ta chưa thể vùi đầu vào những dòng tri thức, khi đứng trên tầng gác, ta nhìn rõ những cuộn khói của chiến tranh...” (tr144). Rồi anh cùng bao đồng đội đi vào cái chảo lửa của chiến tranh để giành lấy hòa bình cho toàn dân tộc. Và trong chiến trường lửa đạn đó, anh vẫn dành cho người mình yêu những tình cảm, sự quan tâm thật sâu xa, da diết: "Mônđavi trời lạnh... Tuyết đã rơi, Như Anh có áo ấm, có khăn quàng nhưng đừng để tim mình bị lạnh, đừng để lòng mình lạnh lẽo, nghe Thạc không, nghe Thạc không...”. (thư ngày 4-11-1971 - tr 209). Bao nhiêu ngày hành quân gian khổ, sống trong lửa đạn, là bấy nhiêu ngày đêm anh đau đáu nhớ thương người yêu nơi phương trời xa tít. Đêm đêm anh buông màn, che đèn để viết thư cho người yêu. Có những bức thư đề 2 giờ sáng. Một người tình thật đáng tôn thờ. Và anh hy vọng. Đẹp hơn tất cả là viễn cảnh về ngày mai chiến thắng. Thạc hành quân về gặp Như Anh giữa đường phố Thủ đô...” (tr248). Nhưng thực tế khắc nghiệt nơi chiến trường đã chuẩn bị cho người lính sẵn sàng đón nhận một kết cục tàn khốc nhất có thể đến với mình. Điều này Nguyễn Văn Thạc cũng đã hé lộ trong những bức thư gửi Như Anh... Và rồi kết cục ấy đã đến với anh cũng như đã đến với hàng triệu đồng đội của anh trong cuộc chiến này. Có điều về phương diện tình yêu, anh là người tình thật đáng tôn thờ, và thật may mắn, anh cũng được một người tình như vậy đền đáp lại. Tôi còn nhớ ấn tượng ám ảnh tôi là nét buồn sâu thẳm trong đôi mắt Như Anh từ bức ảnh khi cô mới bước chân vào ngưỡng cửa một trường đại học ở châu Âu. Cô gái trẻ trong ảnh kia vừa chạm tay vào hạnh phúc đầu đời của mình thì đã phải chia xa, trong trái tim cô đầy nỗi buồn đau, nhớ thương và cô quạnh. Dù cả hai có lên gân lên sức mấy thì nỗi đau phải chia xa đối với họ như vết thương mới còn đang ròng ròng máu chảy... Trong suốt 40 năm bôn ba xứ người, với mấy chục lần di chuyển nơi ở, với chiếc vali kéo lê trên tầu hỏa, chị vẫn giữ khư khư được những báu vật của tình yêu. Trong "Lời người biên soạn” của cuốn sách, chị viết: "Bên cạnh cuốn nhật ký còn có gần 70 lá thư của Thạc viết cho Như Anh và cũng ngần ấy của Như Anh viết cho Thạc; gần 800 trang thư của một quãng thời gian ngắn ngủi 18 tháng số phận cho "hai con đom đóm” ấy gặp nhau. Đọc những lá thư của hai người mới hiểu: Người liệt sĩ ấy đã rất hạnh phúc trước khi nhắm mắt, vì mối tình trong trắng và thánh thiện đã được đáp lại bằng một tình yêu nồng nàn không tắt của người Thạc yêu và người yêu Thạc...”. Trước mắt tôi hiện lên hình ảnh hai cây bạch đàn nơi đầu mộ Thạc trong buổi chiều hoàng hôn ở nghĩa trang Từ Liêm và nhớ đến câu tâm tình của Như Anh dành cho Thạc trong thời gian yêu nhau ngắn ngủi "yêu Thạc đến tận cây bạch đàn bé nhỏ...”. Phải chăng con người thật sự bất diệt là nhờ sức mạnh tinh thần, sức mạnh trí tuệ, sức mạnh tình yêu!. |