Quê Nội - Võ Quảng
(Hết hàng)
Tác giả: Võ Quảng Thể loại: Văn học ISBN: 8935036625441 Xuất bản: 11/2010 Trọng lượng: 360 gr NXB: Kim Đồng Số trang: 364 trang - khổ: 12,5x20,5 cm Giá bán: 56,000 đ |
|
Trong vườn văn học viết cho thiếu nhi Việt Nam từ sau 1945, tôi chưa thấy có ai, cuốn sách nào viết hay và sinh động, tha thiết thế, cuộc đời vĩ đại đã diễn ra vào tháng Tám 1945 của dân tộc Việt Nam như trong bộ sách 2 tập Quê nội và Tảng sáng của Võ Quảng. Bộ sách ấy, Quê nội và Tảng sáng dựng lại cảnh sắc, sinh hoạt một vùng quê có tên là Hòa Phước, cũng chính là quê hương tác giả. Nhà văn Nguyễn Tuân, trong lời tựa cho Tảng sáng in lần thứ hai, từng nói đến cái hình ảnh “dằng dặc và cuồn cuộn của con sông Thu Bồn” từng thấy “nhớ nhớ quê Quảng” qua những trang Tảng sáng viết về cuộc sống làm ăn cần cù của người ven sông, thuyền neo đậu nơi bến bãi mướt dâu xanh và rộn rã tiếng gieo thoi đập lụa. Chợ Quảng Huế, vạn Hòa Phước, làng Hòa Phước óng ánh lên cái tình đất nước”. Thế nhưng đối với Võ Quảng, riêng mà vẫn chung. Và dường như Võ Quảng không cố ý thu hút ta vào cái riêng. Sát gần đến chi tiết, nhớ kĩ từng dáng nét, từng sắc màu, từng âm thanh, từng tiếng động của một vùng quê, đồng vọng lại từ một quá khứ xa xưa, nhưng không khô héo mà càng đằm thắm trong một tình yêu, một nỗi niềm nhớ thương vời vợi và sâu thẳm, truyện của Võ Quảng dường như không chú ý, hay nói đúng hơn không nhằm lạm dụng cái lạ, cái riêng trong dấu ấn của từng vùng. Hòa Phước là của tác giả Võ Quảng, của một người con vùng quê Ngũ Hành Sơn, sông Thu Bồn, cửa Hàn, cửa Đại… nhưng cũng là của anh, của tôi, của chung tất cả. Nghe chuyện Hòa Phước của Võ Quảng, cũng như nghe kể về quê hương của chính mình. Những trang Võ Quảng chan chứa một tình yêu quê, và cũng là chan chứa một tình yêu Tổ quốc. Rõ ràng không dễ gợi được một cảm xúc trữ tình nồng đậm nếu người viết không sống một tuổi thơ đằm thắm với quê hương. Nhưng nếu như chỉ có một tuổi thơ giàu có những kỉ niệm về quê hương thôi, vẫn chưa đủ. Điều quan trọng còn là phải có khả năng lưu giữ gần như nguyên vẹn, và khả năng rung động trước tất cả những gì còn dự trữ được nơi kí ức về quê hương. Nhân vật chính ở Quê nội, rồi đi suốt Tảng sáng, tham gia vào tất cả các sự cố, gắn nối với các mảng khối hành động – đó là hai cậu bé có tên Cục và Cù Lao. Cả hai dường như có hao hao hình bóng tác giả. Trong hình ảnh Cục và Cù Lao xem ra có sự hiện diện, sự hóa thân, sự sống động trở lại của tất cả tuổi thơ chúng ta, mỗi người có thể có một khuôn mặt riêng không giống nhau, nhưng ai lại chẳng có ít nhiều cái ngộ nghĩnh ấy, cái tinh nghịch ấy, cái ham say chơi đùa ấy, cái khôn ranh hoặc vụng dại ấy… Ai trong chúng ta lại chẳng có một tuổi thơ tuy thiếu nghèo hoặc no đủ về vật chất và tinh thần có khác nhau, nhưng đều có cùng một khao khát muốn làm việc tốt, muốn được khẳng định về nhân cách, muốn vươn lên những việc quá sức mình, muốn nhanh chóng thành người lớn, muốn được giao những việc quan trọng… ở Cục và Cù Lao, quả Võ Quảng đã phát hiện được một cái gì thật nghiêm trang và hệ trọng, và cũng thật là điển hình cho cả một thế hệ trẻ thơ, trong cái vẻ riêng, ngộ nghĩnh, không lắp lại của nó. Nguyễn Tuân đã rất có kí khi tỏ ý muốn chọn thay cho Võ Quảng một cái tên truyện mới là Truyện của hai em Cục và Cù Lao. Còn gì vui sướng hơn, đối với nhà văn, khi nhân vật, vốn là đứa con tinh thần của mình, có được sự sống riêng. Tôi nghĩ đến những Dế Mèn của Tô Hoài, Gaveroche của Victor Hugo, Tom Sawyer của Mark Twain… Một nhà phê bình Pháp, bà Alice Kahn, trong một bài viết giới thiệu Quê nội (được dịch và trích in trên báo Pháp) có nói đến niềm vui thích của mình khi đọc Quê nội rồi đưa ra sự so sánh giữa đôi bạn Hucklebery Finn và Tom Sawyer của Mark Twain với Cục và Cù Lao, và tỏ ý thích Cục và Cù Lao hơn… Một xã hội đang trong một cuộc chuyển mình, do vậy mà chất chứa biết bao là âm thanh và giọng điệu. Một giọng điệu trầm buồn, và đôi khi có gì như hiu hắt nữa cứ bám riết và hằn in lên nửa cuộc đời của số không ít nhân vật truyện, nơi phía bên kia bóng tối chế độ cũ, mà bản lề là Cách mạng tháng Tám 1945. Không dễ nói cái vui hôm nay nếu không gợi nỗi buồn ngày xưa. Do vậy những trang buồn, đôi khi có hắt hiu đi nữa, vẫn là chuyện có thể chấp nhận được. Quê nội không thiếu những trang buồn. Nhưng điều đáng chú ý là sự xen cài, sự chiếm ưu thế, sự tăng dần lên của niềm vui, của những trang vui. Có điều, nơi Võ Quảng, đó không phải là những trang ồn ào, huyên náo, cả tiếng to giọng. Mà là những trang vui, đôi khi chỉ có róc rách thành tiếng như một mạch nhỏ len lỏi nơi khe núi, có lúc lại thầm thì như một nỗi niềm… Trên 40 năm chuyên tâm viết cho thiếu nhi, Võ Quảng là hình ảnh một khách bộ hành chung thủy trong cuộc đi vẫn còn nhiều vất vả. Vất vả nhưng ông vẫn cứ là người thuộc trong số hiếm hoi gắn nối được với văn mạch dân tộc và khởi tiếp cho nó một dòng chảy mới sau 1945. Văn mạch dân tộc đó gồm các hồi ức, tự truyện và truyện viết về thế giới trẻ con đã từng có lúc xuất hiện thật là dồn dập vào những năm cuối 30, đầu 49 với Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng, Gió đầu mùa, Hai đứa trẻ của Thạch Lam, Chân trời cũ của Hồ Dzếnh, Chuyện một người hàng xóm và Một đám cưới của Nam Cao, Sống nhờ của Mạnh Phú Tư, Cỏ dại và Dế Mèn phiêu lưu kí của Tô Hoài… Từ Nguyên Hồng, Thạch Lam, Hồ Dzếnh, Nam Cao, Mạnh Phú Tư, Tô Hoài… cho đến Võ Quảng là một chặng đường ngót 60 năm. Đó là một dòng chảy không đứt đoạn – cố nhiên còn có sự giúp sức và tiếp nối của nhiều tên tuổi khóc và của các lớp người viết sau ông. Nhưng ở đây tôi muốn ghi nhận một cái mốc lớn, mốc Quê nội, ở thời điểm ra đời của cuốn sách, thập niêm 70. Đó là bộ sách không chỉ viết cho các thế hệ thiếu niên hôm nay mà còn là cho cả biết bao thế hệ đã từng qua tuổi thiếu niên cùng đọc. Đó là bộ sách viết về một thế hệ trẻ thơ có thêm một ngày khai sinh nữa là Cách mạng tháng Tám. |