(BC) TỔ CHỨC BỘ MÁY NHÀ NƯỚC QUÂN CHỦ VIỆT NAM (TỪ NĂM 939 ĐẾN NĂM 1884)
(Hết hàng)
Tác giả: PGS.TS. Nguyễn MinH Tường Thể loại: Khoa học xã hội ISBN: 8935075945760 Xuất bản: 9/2019 Trọng lượng: 2070 gr NXB: Khoa học Xã hội Số trang: 900 trang - khổ: 27 x 19 cm Giá bìa: Giá bán: 468,000 đ |
|
Bộ sách có kết cấu 10 chương, với các nội dung chính như sau: - Chương I: Khái luận về tổ chức Nhà nước quân chủ trong lịch sử phương Đông. Tác giả khảo sát một vài mô hình Nhà nước quân chủ tiêu biểu ở phương Đông, như: Nhà nước quân chủ Trung Quốc, Nhà nước quân chủ Nhật Bản, Nhà nước quân chủ Thái Lan. Đồng thời, tác giả làm rõ sự khác nhau giữa chế độ phong kiến Tây Âu và chế độ quân chủ phương Đông. - Chương II: Tổ chức chính quyền Trung ương (từ thời Ngô đến Lê sơ). Tác giả tập trung làm rõ tổ chức chính quyền trung ương thời Ngô (939-965), thời Đinh (968-980), thời Tiền Lê (981-1009), thời Lý (1009-1225), thời vương quốc Champa từ thế kỷ II đến thế kỷ X và vương triều Phật Thệ (Vijaya), thời Trần (1225-1400), thời Hồ (1400-1407), thời Lê sơ (1428-1527). - Chương III: Tổ chức chính quyền trung ương (từ thời Mạc đến thời Nguyễn). Tác giả làm rõ tổ chức chính quyền trung ương thời Mạc (1527-1592), thời Lê – Trịnh ở Đàng Ngoài (1599-1789), thời Chúa Nguyễn ở Đàng Trong (1558-1777), thời Tây Sơn (1778-1802), thời Nguyễn độc lập (1802-1884). - Chương IV: Tổ chức chính quyền địa phương. Tác giả tìm hiểu về tổ chức chính quyền địa phương các thời: Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Champa, Trần, Hồ, Lê sơ, Mạc, Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài, Chúa Nguyễn ở Đàng Trong, Tây Sơn và Nguyễn. - Chương V: Tổ chức quân đội. Tác giả tập trung giới thiệu mô hình quân đội các thời Đinh, Tiền Lê, Lý, Champa, Trần, Hồ, Lê sơ, Mạc, Lê – Trịnh ở Đàng Ngoài, Chúa Nguyễn ở Đàng Trong, Tây Sơn và Nguyễn. - Chương VI: Vấn đề ban hành luật pháp và thực thi pháp luật. Tác giả làm rõ những cố gắng của những người đứng đầu Nhà nước quân chủ Việt Nam trong việc nghiên cứu, biên soạn luật pháp và đưa pháp luật vào đời sống xã hội. Tác giả cũng phân tích rõ về những thành tựu của nền pháp luật Việt Nam, qua việc biên soạn hai bộ: Quốc triều hình luật (hay Luật Hồng Đức) dưới thời Lê sơ và Hoàng Việt luật lệ (hay Luật Gia Long) dưới thời vua Nguyễn. - Chương VII: Cơ quan kiểm tra, giám sát bộ máy Nhà nước. Tác giả giới thiệu về các cơ quan kiểm tra, giám sát bộ máy Nhà nước (Ngự sử đài, hay Đô sát viện), theo nhóm: Lý – Trần – Hồ; Lê sơ – Mạc; Lê – Trịnh ở Đàng Ngoài; Tây Sơn – triều Nguyễn. Tác giả chứng minh cho biết các triều như: Ngô – Đinh – Tiền Lê và Chúa Nguyễn ở Đàng Trong, do nhiều lý do chưa tổ chức cơ quan kiểm tra, giám sát này. - Chương VIII: Cách tuyển bổ quan lại và lệ phong tước. Do sự hạn chế của sử liệu, nên tác giả chỉ trình bày cách tuyển bổ quan lại và lệ phong tước từ thời Lý đến thời Nguyễn. Tác giả làm rõ 3 phương thức chính tuyển bổ quan lại dưới thời quân chủ là: Nhiệm tử, Khoa cử (hay Tuyển cử) và Tiến cử (hay Bảo cử), trong đó càng về sau, phương thức Khoa cử (hay Tuyển cử) được Nhà nước quân chủ coi trọng hơn. Tác giả cũng làm rõ các hình thức phong tước, từ lệ tập phong, tập tước đến tích phong, truy phong… của Nhà nước quân chủ Việt Nam. - Chương IX: Nhiệm vụ và quyền lợi của quan lại. Tác giả làm rõ trách nhiệm và quyền lợi tinh thần, quyền lợi vật chất của quan lại trong tổ chức chính quyền quân chủ. - Chương X: Vấn đề khảo khóa, thưởng phạt và chế độ hưu trí của quan lại. Trong lịch sử quan chế của Nhà nước quân chủ Việt Nam dưới các thời Ngô, Đinh, Tiền Lê, không thấy sử cũ ghi chép về chế độ khảo khóa quan lại. Do vậy, trong chương này, tác giả chỉ trình bày vấn đề trên từ thời Lý đến thời Nguyễn. Ngoài ra, tác giả còn trình bày về lệ hồi tỵ (né tránh) và chế độ hưu trí của quan lại trong bộ máy Nhà nước quân chủ Việt Nam.
Minh Khai trân trọng giới thiệu |