GIAO ĐIỂM GIỮA HAI NỀN VĂN HÓA VIỆT NAM - NHẬT BẢN
(Hết hàng)
Tác giả: Vĩnh Sinh Thể loại: Khoa học xã hội ISBN: 8935207001432 Xuất bản: 6/2018 Trọng lượng: 340 gr NXB: Khoa học Xã hội Số trang: 222 trang - khổ: 15.5 x 23 cm Giá bìa: Giá bán: 93,750 đ |
|
Tháng 10 năm 2016, tủ sách Biên khảo - Sử liệu đã ấn hành cuốn sách Việt Nam và Nhật Bản giao lưu văn hóa của Nhà nghiên cứu Vĩnh Sính và được đông đảo độc giả đón nhận. Tiếp nối thành công đó, tủ sách Biên khảo - Sử liệu trân trọng giới thiệu đến độc giả cuốn sách thứ hai của ông: Giao điểm giữa hai nền văn hóa Việt Nam và Nhật Bản. Trung Quốc là trung tâm trong trật tự thế giới Đông Á truyền thống và nền văn minh Trung Hoa được xem là “khuôn vàng thước ngọc”. Cùng nằm trên ngoại vi của trung tâm văn minh Trung Hoa, cả Việt Nam và Nhật Bản đều tiếp thu từ nền văn minh này nhiều yếu tố văn hóa quan trọng: chữ Hán, Nho giáo, Phật giáo. Từ rất sớm, Nhật Bản đã ý thức rõ và thể hiện thái độ của một nước đứng ngoài vòng cương tỏa của trật tự thế giới Trung Hoa, xem Trung Quốc như “người thầy phản diện”. Việt Nam thì chấp nhận những khuôn mẫu và tiền lệ văn hóa của Trung Quốc. Trước hiểm họa Tây xâm giữa thế kỷ XIX, độc lập quốc gia là vấn đề tiên quyết và Nhật Bản đã thức thời chọn con đường thoát Á cùng với những nỗ lực canh tân đất nước. Kể từ lúc đó, Việt Nam và Nhật Bản đã đi trên hai con đường khác nhau. Những nhân vật kiệt xuất của Việt Nam trước làn sóng Tây xâm thời cận đại cũng được đề cập đến như Cao Bá Quát, Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp… Nếu Fukuzawa Yukichi là đại diện tiêu biểu cho tinh thần Nhật Bản thời cận đại thì Phan Châu Trinh được xem là một trong hai sĩ phu (cùng với Phan Bội Châu) đi hàng đầu vận động giành độc lập trong 25 năm đầu thế kỷ XX. Châm ngôn của Phan Châu Trinh là “Vọng ngoại tắc ngu, bạo động tắc tử” và “ỷ Pháp cầu tiến bộ”. Phan Châu Trinh chống bạo động, chủ trương duy tân “chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh” và “tự lực khai hóa”, dân trí còn thấp thì có giành được độc lập “cũng không phải là điều hạnh phúc cho dân”. Phan Châu Trinh đi nhiều nơi, mở mang đầu óc và được đọc nhiều Tân thư đưa sở học của Phan Châu Trinh khác xa với giới trí thức cùng thời. Fukuzawa Yukichi thời Minh Trị cũng căn bản Hán học nhưng không bị ràng buộc bởi lối học khoa cử nên tư duy khác trí thức Việt Nam lúc đó. Theo Fukuzawa Yukichi, cách giữ nước hay nhất là “làm cho đất nước tràn đầy không khí tự do độc lập, không phân biệt sang hèn trên dưới, mỗi người gánh vác trách nhiệm quốc gia, người tài kẻ ngu, người sáng kẻ mù, nhất nhất phải ráng sức gánh vác bổn phận của người dân nước đó”. Và ông kết luận “chỉ những người có tinh thần độc lập mới có thể toan tính sâu xa cho đất nước của họ”. Nếu phong trào Duy Tân ở Trung kỳ và Bắc kỳ chú trọng cải cách văn hóa - giáo dục thì phong trào Minh Tân ở Nam kỳ chú trọng cải cách về kinh tế. Ở Nhật Bản, Fukuzawa là một trong những người đầu tiên quan tâm đến kinh tế, xem đó là biện pháp hữu hiệu nhất vừa để đưa Nhật Bản lên cùng hàng với liệt cường, vừa để duy trì độc lập quốc gia của Nhật, “kẻ thù nguy hiểm nhất (keiteki: kình địch) của Nhật không phải là ‘kẻ thù quân sự’ mà chính là ‘kẻ thù thương mãi’”. Minh lục tạp chí ra đời tháng 3 năm 1874 ở Nhật Bản. Mục tiêu là khai sáng, với sự cộng tác của những nhân viên chính phủ: Kato, Mori, Nishi, Tsuda... và tại dã học giả (ngoài chính phủ) Fukuzawa. Những tranh luận trên Meiroku zasshi và Minkan zasshi, giữa Fukuzawa và nhóm học giả chính phủ, với hai đại diện tiêu biểu là Fukuzawa và Kato. Hai quan điểm nhưng chỉ có một nước Nhật. Những tranh luận gay gắt, thẳng thắn giữa các học giả không xa rời thực tế của đất nước, khai sáng quần chúng là điểm chung của họ. Cuốn sách kết thúc ở tùy bút sâu sắc “Việt và Nhật” của tác giả Shiba Ryôtarô (1923) - bút hiệu của Fukuda Teiichi do Vĩnh Sính dịch.
Minh Khai trân trọng giới thiệu |