Sách

Đời sống - Gia đình Bí quyết dành cho phụ nữ Cẩm nang nuôi dạy trẻ Hạnh phúc gia đình Làm đẹp Làm vườn - Vật nuôi - Nông lâm nghiệp Mang thai & Nuôi con mới sinh & chăm sản phụ Nữ công gia chánh - Thực dưỡng Tâm lý - Giới tính Thể dục - Thể thao Giáo khoa - Giáo trình - Sách tham khảo Giáo trình Cao đẳng - Đại học Luyện thi Cao đẳng - Đại học SÁCH GIÁO KHOA BỘ Sách giáo khoa cấp I Sách giáo khoa cấp II Sách giáo khoa cấp III Tham khảo cấp I Tham khảo cấp II Tham khảo cấp III Ngoại ngữ - Từ điển Tiếng Anh Tiếng Hàn Tiếng Nhật Tiếng Pháp Tiếng Trung Tiếng Việt - Ngoại ngữ khác Từ điển Ngoại văn Children books Cooking - Science - Social - Economic Literature & Fiction Sách Chuyên ngành Khoa học kỹ thuật - Công nghệ Khoa học thường thức Khoa học tự nhiên Khoa học xã hội Ngoại giao - Vấn đề quốc tế Pháp luật - Văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phong thủy - Kinh dịch - Nhân tướng học Tin học - CNTT Tôn giáo - Tín ngưỡng - Tâm Linh Triết - Chính trị - Quân sự - Nhà nước Xây dựng - Kiến trúc Y học - Sức khỏe Sách dành cho Thiếu nhi Kiến thức - Kỹ năng dành cho bé Sách tô màu thiếu nhi Truyện kể cho bé - Đồng thoại Truyện tranh Sách dành cho Thiếu niên - Tuổi mới lớn Kiến thức - Kỹ năng dành cho thiếu niên Manga - Comics Tủ sách teen Sách Kinh tế Đầu tư - Chứng khoán Kế toán - Kiểm toán Khởi nghiệp - Làm giàu Kinh tế học Nghệ thuật lãnh đạo - Nhân sự PR - Marketing - Sales - Brand Quản trị kinh doanh Tài chính - Ngân hàng Sách Rèn luyện bản thân Bài học thành công Bí quyết - Kĩ năng - Cẩm nang - Hướng nghiệp Nghệ thuật sống - Truyền cảm hứng Sách song ngữ Sách tô màu người lớn Văn hóa - Nghệ thuật - Du lịch Âm nhạc Danh nhân - Tác giả - Hồi ký - Tiểu sử - Tự truyện Lịch sử - Địa lý Mỹ thuật - Điện ảnh - Sân khấu - Nhiếp ảnh Phóng sự - Ký sự - Bút ký - Tùy bút - Truyện ký - Tạp bút - Ghi chép Văn hóa - Du lịch Văn học Tác phẩm kinh điển Thơ - Bình thơ - Nghiên cứu - Tiểu luận - Phê bình văn học Toàn tập - Tuyển tập - Hợp tuyển thơ văn - Biên khảo Truyện Chương hồi - Kiếm hiệp Truyện cười - Truyện tiếu lâm - Truyện dân gian - Truyện trào phúng Truyện dài - Tiểu thuyết Truyện ngôn tình - Light Novel Truyện Thần thoại - Dã sử - Truyền kỳ - Huyền bí - Giả tưởng Truyện trinh thám - kinh dị - điều tra - vụ án Truyện vừa - Truyện ngắn - Tản văn

 

THƯ VIỆN ẢNH

> <

ẢNH MINH KHAI

> <

BẢN TIN MINH KHAI

WEBSITE LIÊN KẾT







 

TÌM KIẾM

Sách > Danh nhân - Tác giả - Hồi ký - Tiểu sử - Tự truyện

Lê Đức Thọ - Người Cộng Sản Kiên Cường Nhà Lãnh Đạo Tài Năng ( Hồi Ký) (Hết hàng)
Biên tập: Ts Lưu Trần Luân, Triệu Thị Lữ, Võ Văn Bé, Phạm Thị Hương Giang

Thể loại: Danh nhân - Tác giả - Hồi ký - Tiểu sử - Tự truyện
ISBN: 8935211114210
Xuất bản: 10/2011
Trọng lượng: 1300 gr
NXB: Chính trị quốc gia
Số trang: 777 tran g- khổ: 16x24 cm
Giá bán: 223,000 đ

Đồng chí Lê Đức Thọ là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã có nhiều cống hiến lớn cho sự nghiệp cách mạng, để lại cho đồng bào, đồng chí chúng ta những tình cảm vô cùng sâu sắc.


Đồng chí là một cán bộ lãnh đạo có tài năng về nhiều mặt. Cuộc đời hoạt động kiên cường, năng động, sôi nổi với tinh thần lạc quan cách mạng của đồng chí là tấm gương sáng về lòng thiết tha yêu nước, yêu dân, về tinh thần quốc tế cao cả.


Trải qua hơn 60 năm hoạt động cách mạng lâu dài, gian khổ và rất quang vinh, đồng chí Lê Đức Thọ đã giữ những trọng trách lớn của Đảng và có những cống hiến đặc biệt quan trọng cho cách mạng Việt Nam.


Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh (10-10-1911 – 10-10-2011) và 21 năm ngày mất (13-10-1990 – 13-10-2011) của đồng chí Lê Đức Thọ, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Trung ương, các cơ quan hữu quan và gia đình đồng chí Lê Đức Thọ tổ chức biên soạn và xuất bản cuốn sách Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng (Hồi ký) nhằm tưởng niệm về một tấm gương trung thành, tận tụy với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân ta.


Cuốn sách tập hợp các bài viết dưới dạng hồi ký, hồi tưởng của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước ta qua các thời kỳ, của đồng chí, đồng đội, những đồng nghiệp đã từng cộng sự thân thiết với đồng chí Lê Đức Thọ trong suốt hành trình cách mạng trường kỳ, gian khổ cho tới ngày thắng lợi huy hoàng, cũng như trong sự nghiệp kiến tạo, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu của chúng ta trên con đường hướng tới mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam thực sự hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.


Với kết cấu gồm sáu phần, các bài viết được tập hợp theo sáu cụm chủ đề lớn:


- Phần thứ nhất: Lê Đức Thọ với cách mạng Việt Nam


- Phần thứ hai: Lê Đức Thọ với miền Nam


- Phần thứ ba: Lê Đức Thọ với công tác tổ chức xây dựng Đảng


- Phần thứ tư: Lê Đức Thọ với công tác ngoại giao


- Phần thứ năm: Lê Đức Thọ với công tác quốc phòng - an ninh


- Phần thứ sáu: Về thơ Lê Đức Thọ


Cuốn sách giúp người đọc hiểu rõ về chân dung một người cộng sản kiên cường, một chiến sĩ đấu tranh vì hòa bình được thế giới ghi nhận, một nhà lãnh đạo tài năng của Việt Nam.


Đồng chí Lê Đức Thọ tên thật là Phan Đình Khải, sinh ngày 10-10-1911 tại xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định (nay là xã Nam Vân, thành phố Nam Định). Với lòng yêu nước thương dân và hoài bão của tuổi trẻ, đồng chí đã sớm dấn thân trên con đường cách mạng vinh quang và gian khổ. Được hoạt động và rèn luyện trong tổ chức cách mạng, năm 1929, khi tròn 18 tuổi, đồng chí vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, thuộc lớp những đảng viên cộng sản đầu tiên của Đảng ta.


Với sự nghiệp cách mạng Việt Nam - Một nhà chính trị, tham mưu chiến lược tài năng


Trong quá trình hoạt động cách mạng, qua các thời kỳ, với nhiều cương vị công tác trên nhiều địa bàn hoạt động khác nhau, đồng chí Lê Đức Thọ luôn tỏ rõ là một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, có tài năng trên nhiều lĩnh vực: quân sự, ngoại giao, tổ chức... Đồng chí được Bác Hồ và Trung ương giao nhiều trọng trách, phụ trách nhiều lĩnh vực quan trọng của Đảng, của đất nước. Ở cương vị công tác nào, đồng chí cũng tỏ rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần lạc quan cách mạng và một dũng khí chiến đấu kiên cường, đầy nhiệt huyết.


Đồng chí đã có những đóng góp rất quan trọng và là một trong những cán bộ lãnh đạo chủ yếu của cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử. Cùng với Trung ương Đảng lãnh đạo công tác chuẩn bị và tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đồng chí là một trong những lãnh đạo chủ chốt của cách mạng trên chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ; một nhà ngoại giao tài ba, sắc sảo; gần cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí đã dành nhiều thời gian, tâm sức cho công tác tổ chức xây dựng Đảng. Trong bất cứ lĩnh vực nào, đồng chí Lê Đức Thọ cũng để lại những dấu ấn nổi bật, sáng tạo và sâu sắc.


Là một phái viên chiến lược toàn năng, có thể ví Lê Đức Thọ như một tướng quân tài ba thao lược. Dày dạn kinh nghiệm, tinh thần quả cảm, quyết đoán, cùng với tư tưởng tích cực tiến công mạnh mẽ quyết liệt được thể hiện rất rõ ở ông trong những năm chiến tranh. Nắm vững đường lối chỉ đạo của Trung ương, ông đã cùng với cấp ủy các tỉnh, thành vận dụng sáng tạo kết hợp 3 mặt trận: đấu tranh chính trị, đấu tranh quân sự, đấu tranh ngoại giao.


Sau khi Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết (27-1-1973), đế quốc Mỹ phải rút hết quân khỏi miền Nam (29-3-1973), cục diện chiến tranh hoàn toàn có lợi cho ta để có thể sớm “đánh cho ngụy nhào”, kết thúc cuộc kháng chiến đã kéo dài gần 2 thập kỷ. Hoàn thành xuất sắc vai trò Cố vấn đặc biệt tại cuộc đàm phán Pari, đồng chí Lê Đức Thọ trở về cùng Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương xây dựng kế hoạch chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đặt vào bối cảnh tình hình chiến sự lúc đó đang diễn biến rất nhanh chóng và dường như không thể dự kiến trước được, mới thấy hết tài trí và sự quyết đoán cũng như tầm nhìn chiến lược của các đồng chí lãnh đạo Đảng, quân đội ta lúc đó. Để tăng cường sự chỉ đạo trực tiếp cho chiến trường, đồng chí Lê Đức Thọ được phân công vào chiến trường B2, cùng các đồng chí Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng, thay mặt Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo chiến dịch giải phóng Sài Gòn, với một ý chí quyết tâm “phải thắng, thắng mới trở về”.


Việc Bộ Chính trị cử đồng chí Lê Đức Thọ, một đồng chí lãnh đạo am hiểu tình hình miền Nam, có tầm nhìn chiến lược bao quát, am tường cả lĩnh vực quân sự và ngoại giao, vào miền Nam cùng hai đồng chí Ủy viên Bộ chính trị nữa là Phạm Hùng, làm Chính ủy, Văn Tiến Dũng, làm Tư lệnh chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định, chỉ đạo trận đánh quyết định vào sào huyệt của chế độ Sài Gòn, là một quyết định đúng đắn, phù hợp, củng cố niềm tin cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân miền Nam. Có thể nhận thấy, đồng chí Lê Đức Thọ đã đóng một vai trò rất quan trọng, cùng tập thể Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ chỉ huy Miền, lãnh đạo, chỉ đạo toàn dân, toàn quân ta thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giành thắng lợi to lớn, nhanh chóng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc.


Với tầm nhìn chiến lược sắc sảo, bao quát, với tác phong sâu sát, cụ thể, thực tế, với tư cách là Đại diện Bộ Chính trị trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, đồng chí Lê Đức Thọ đã làm hết sức mình vì trọng trách cao cả và to lớn đó, xứng đáng được coi là một trong những “kiến trúc sư” chủ chốt của Đại thắng mùa Xuân năm 1975.


Một nhà ngoại giao tài ba


Nói đến Lê Đức Thọ, ông còn được trong nước và thế giới biết đến như là một nhà ngoại giao, một nhà đàm phán kiệt xuất.


Trong cuộc hội đàm lịch sử kéo dài 5 năm từ 1968-1973 ở Pari (Pháp), Lê Đức Thọ được Bác Hồ và Bộ Chính trị phân công đặc trách chỉ đạo đàm phán với vai trò là Cố vấn đặc biệt cho Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Pari về Việt Nam. Ông đã hoàn thành sứ mệnh của một nhà ngoại giao xuất sắc trong thời đại Hồ Chí Minh.


Cuộc đấu trí này là cuộc thương lượng kéo dài nhất thế giới để chấm dứt một cuộc chiến tranh. Trong suốt 5 năm đàm phán ở Pari, được ví như một vị tướng ngoài biên ải, ông đã thực hiện rất nghiêm túc đường lối chiến lược trong đàm phán mà Bác Hồ đã trực tiếp căn dặn và những chủ trương của Bộ Chính trị đã đề ra. Phần đóng góp của cá nhân ông thật là to lớn. Lịch sử ngoại giao ghi công đồng chí Lê Đức Thọ như một nhà ngoại giao chiến lược tài ba, mưu lược và khôn khéo.


Ông đã có sự vận dụng sáng tạo, luôn luôn giành thế chủ động tấn công, buộc đối phương phải đi vào đàm phán theo cách của mình; nắm vững ngũ tri (5 điều biết: biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng và biết biến hóa). Ngũ tri và “dĩ bất biến, ứng vạn biến” là điều mà Bác Hồ luôn căn dặn các nhà ngoại giao Việt Nam. Ở đồng chí Lê Đức Thọ những điều đó hình như đã nhập tâm, đã nhuần nhuyễn. Cái bất biến trong thương lượng của ông với Kítxinhgiơ là “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” nhưng muốn bảo vệ được cái bất biến đó thì cần phải biết cách vạn biến và trí tuệ của ông được thể hiện chính là ở đây và điều này cũng toát lên tài trí và sự khôn khéo của nhà ngoại giao tài ba Lê Đức Thọ.


Đồng chí Lê Đức Thọ là nhà lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm nên ông biết mình lắm, biết rõ chỗ mạnh, chỗ yếu của Việt Nam ở chiến trường và những nơi khác. Biết người, ông tinh tường lắm, ông biết Mỹ đang bế tắc tìm lối ra trong vũng lầy chiến tranh nhưng lại muốn ra trong thế mạnh và bảo toàn cho đồng minh của mình. Ông nắm vững thời thế lúc đó, khi phong trào chống chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam lan rộng ra toàn thế giới và trong lòng nước Mỹ buộc chính quyền Mỹ phải sớm kết thúc đàm phán với Việt Nam. Đàm phán có lúc rất căng, ông phê phán Mỹ hết sức gay gắt nhưng ông biết dừng đúng chỗ, đúng lúc. Khi đàm phán đi vào bế tắc, ngõ cụt nhất là việc Mỹ đòi quân đội miền Bắc rút khỏi miền Nam như quân đội Mỹ. Đó là điều không thể được. Nhưng ông biết biến hóa để phá vỡ bế tắc. Ông đưa ra sáng kiến vấn đề lực lượng vũ trang ở miền Nam Việt Nam do các bên Việt Nam giải quyết với nhau. Cuối cùng Mỹ không có sự lựa chọn nào khác đành phải chấp nhận phương án đó. Đó là dũng khí của một chiến sĩ cách mạng kiên cường, của một nhà thương lượng ngoại giao đầy bản lĩnh. Trong suốt quá trình thương lượng, phía Mỹ không ít lần đưa ra những lời đe dọa. Đồng chí Lê Đức Thọ đã không ngần ngại đáp lại: “Chúng tôi đã đánh nhau với các ông 10 năm và cũng đã đàm phán 5 năm rồi. Nay các ông có sẵn sàng mới đi đến giải quyết, không thể dùng đe dọa với chúng tôi được đâu”. Và đúng như vậy, dưới mái đầu bạc trắng như mây, vẫn toát lên những lời nói đanh thép, nhiều lần Kítxinhgiơ phải cúi gằm mặt xuống nghe đồng chí Lê Đức Thọ nói với những từ ngữ khá nặng nề như lừa dối, ngu xuẩn, tráo trở, lật lọng… Thật là dũng cảm! Không có dũng khí không làm được. Khi nghỉ giải lao, Kítxinhgiơ hỏi đồng chí Lê Đức Thọ: “Ông có bao giờ mắng cán bộ mình như mắng tôi không?”. Đồng chí Lê Đức Thọ nói: “Tôi chỉ nói lên tiếng nói của nhân dân tôi thôi. Cán bộ của tôi có quay quắt, lật lọng, tráo trở đâu mà tôi mắng họ”. Đã có lúc Kítxinhgiơ phải thốt lên: “Tôi có thể làm tốt hơn nếu như đối diện trên bàn đàm phán không phải là ông Lê Đức Thọ”, “đàm phán với ông Thọ quả là cân não!”.


Sau khi Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết ngày 27-1-1973, cả thế giới ca ngợi tài trí ngoại giao của đồng chí Lê Đức Thọ. Cũng trong năm 1973, Ủy ban giải thưởng Nobel đã quyết định trao giải Nobel Hòa bình, một giải danh giá nhất thế giới cho đồng chí Lê Đức Thọ. Với bản lĩnh và sự nhạy cảm chính trị của mình, ông đã từ chối nhận giải với lý do lúc đó Việt Nam chưa thực sự có hòa bình.


Những gì ông cống hiến cho nền ngoại giao Việt Nam là những bài học vô cùng quý giá cho các thế hệ ngoại giao hiện tại và tương lai. Học tấm gương sáng của ông, các nhà ngoại giao cần phải: suốt đời phục vụ cho lợi ích của đất nước, của nhân dân; có bản lĩnh vững vàng, kiên cường bất khuất trong đấu tranh để bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; không ngừng học tập để nâng cao tri thức về mọi mặt; quyết liệt trong mọi công tác được giao phó để hoàn thành bằng được nhiệm vụ dù khó khăn đến đâu.


Những đóng góp trong công tác tổ chức xây dựng Đảng


Đồng chí Lê Đức Thọ đã dành nhiều tâm sức và gần như cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình đối với công tác tổ chức xây dựng Đảng, đặc biệt là nhiệm vụ xây dựng tổ chức cơ sở của Đảng. Ngay trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ ở miền Bắc, đồng chí đã đề xuất và chỉ đạo thực hiện cuộc vận động xây dựng chi bộ, đảng bộ cơ sở “bốn tốt” (sản xuất, chiến đấu tốt; chấp hành chính sách tốt; công tác quần chúng tốt và củng cố Đảng tốt). Cuộc vận động đã đem lại những kết quả quan trọng: tổ chức cơ sở đảng được củng cố, phát huy tác dụng lãnh đạo sâu sát, toàn diện đối với mọi hoạt động ở cơ sở, bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sản xuất, chiến đấu và chính sách của Đảng, của Nhà nước, tăng cường mối liên hệ giữa Đảng với quần chúng nhân dân. Thông qua thực tiễn cuộc vận động, nhiều cấp ủy đảng đã khắc phục được thái độ xem nhẹ công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, nhận thức sâu sắc hơn về vai trò của tổ chức cơ sở đảng, quan tâm chỉ đạo, củng cố cơ sở đảng một cách sâu sát, thiết thực hơn.


Với phương pháp làm việc khoa học, thái độ nghiêm túc, sâu sát trong công việc, nắm vững ưu, khuyết điểm, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ; tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của đồng sự, của cấp dưới; quyết đoán trong sắp xếp, bố trí, kiên trì trong tham mưu, đổi mới trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đồng chí Lê Đức Thọ đã góp phần tích cực xây dựng được đội ngũ cán bộ bảo đảm tính kế thừa và sự vững vàng của Đảng trong mọi tình thế. Đồng chí Lê Đức Thọ đặc biệt quan tâm xây dựng, đào tạo, lựa chọn đội ngũ cán bộ trẻ tuổi để chuẩn bị cho các giai đoạn cách mạng tiếp theo, tính toán đến cả một số đồng chí có triển vọng chuẩn bị cho các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị.


Trên cương vị người phụ trách công tác tổ chức, cán bộ của Đảng trong nhiều năm, đồng chí Lê Đức Thọ đã có những đóng góp quan trọng cho Đảng trong việc hoạch định đường lối, chính sách về tổ chức, cán bộ của Đảng qua các thời kỳ cách mạng và chỉ đạo tổ chức thực hiện trong thực tiễn. Tư tưởng, tác phong, phương pháp làm việc của đồng chí Lê Đức Thọ để lại nhiều bài học quý cho những người làm công tác tổ chức xây dựng Đảng.


Muốn đánh giá đúng đức và tài của một cán bộ trước hết là phải căn cứ vào điều kiện rèn luyện qua thực tế công việc mà Đảng giao phó, qua từng thời kỳ. Không đánh giá đức, tài qua bằng cấp, qua lời nói, qua cảm tính mà phải bằng hành động và hiệu quả công việc, coi hiệu quả công việc của cán bộ là sợi chỉ đỏ để đánh giá đức, tài. Tránh cảm tình cá nhân, bà con dòng họ và địa phương cục bộ. Vì cấp ủy là hạt nhân lãnh đạo chính trị, là linh hồn của Đảng bộ nên việc tuyển chọn phải rất thận trọng theo phương châm “thà ít mà tốt”.


Để làm tốt việc chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của toàn Đảng, của hệ thống chính trị, đồng chí Lê Đức Thọ luôn dành nhiều thời gian, tâm sức cho công tác xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác tổ chức xây dựng Đảng. Xác định việc tham mưu nhận xét, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ có phần trách nhiệm rất lớn của đội ngũ này, đồng chí luôn đòi hỏi tất cả cán bộ, đảng viên của ngành tổ chức phải đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu từng cán bộ thuộc trách nhiệm quản lý, phải nắm chắc kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ được Đảng giao phó, ưu điểm, khuyết điểm, triển vọng của cán bộ đó. Đồng chí phê bình cách quản lý hời hợt, chỉ đánh giá cán bộ trên lý lịch “chết” mà không sâu sát công việc của cán bộ, báo cáo chung chung về “lập trường, quan điểm” mà không nắm chắc phẩm chất, năng lực và tính cách của cán bộ thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước.


Không chỉ trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác tổ chức xây dựng Đảng, đồng chí Lê Đức Thọ rất quan tâm đến việc chỉ đạo tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về công tác này; giáo dục, đào tạo cán bộ tổ chức, công tác tư tưởng trong công tác tổ chức. Trong quá trình đảm trách công tác tổ chức xây dựng Đảng qua các thời kỳ cách mạng, đồng chí Lê Đức Thọ luôn tâm niệm một cách nhất quán về mục tiêu, nhiệm vụ của công tác tổ chức xây dựng Đảng là: Công tác tổ chức xây dựng Đảng phải phục vụ đường lối chính trị; xác định lãnh đạo nhiệm vụ kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt; trong công tác xây dựng Đảng cần coi trọng nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ là trọng tâm, cán bộ cấp chiến lược là quyết định. Những quan điểm, giải pháp và kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng và công tác tổ chức, cán bộ của đồng chí Lê Đức Thọ tới nay vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn. Đó là những bài học kinh nghiệm bổ ích, quý báu đối với công cuộc đổi mới hiện nay.


Đánh giá về những đóng góp to lớn của đồng chí Lê Đức Thọ trong công tác tổ chức cán bộ của Đảng, đồng chí Lê Khả Phiêu nhấn mạnh: “... giữ cương vị Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đồng chí đã có công lớn trong việc tham gia soạn thảo xây dựng Điều lệ Đảng, xây dựng quan điểm cách mạng, đấu tranh kiên quyết chống các quan điểm sai trái, đặc biệt là trong công tác tổ chức - cán bộ. Có thể đánh giá đồng chí Lê Đức Thọ như một “kiến trúc sư” về lĩnh vực này”.


Một tâm hồn giàu cảm xúc


Không chỉ là một nhà lãnh đạo tài năng, một tấm gương sáng ngời của người cộng sản kiên cường, bất khuất, suốt đời trung thành, tận tụy với nước với dân; là một người cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; luôn có tinh thần tiến công, lạc quan cách mạng, chủ động, quyết đoán và sáng tạo; hết lòng thương yêu đồng bào, đồng chí, Lê Đức Thọ còn có một tâm hồn thơ giàu cảm xúc, để lại nhiều tác phẩm có giá trị trong nền thơ ca cách mạng Việt Nam.


Là một chiến sĩ cách mạng yêu thơ, đồng chí Lê Đức Thọ không phải là một nhà thơ chuyên nghiệp, nhưng những sáng tác của ông lại giàu tính tự sự, giàu chất sống thực tế, ngời sáng chất thép, chứa chan tình cảm cách mạng, thiết tha yêu đời, yêu người, tràn đầy cảm hứng trữ tình và thấm đẫm chất nhân văn. Ở ông, con người chính trị và con người văn thơ thống nhất chặt chẽ, sự nghiệp thơ ca gắn liền với sự ngiệp cách mạng. Lê Đức Thọ đã trải lòng với thơ, thông qua những suy nghĩ và trải nghiệm sâu sắc của mình. Đến với thơ bằng những thiết tha ân tình của tâm hồn người chiến sĩ cách mạng dày dạn trong đấu tranh, đồng chí Lê Đức Thọ đã có một tiếng nói riêng đáng quý trong thơ. Trên từng chặng đường lịch sử, những hoạt động cách mạng đều ghi dấu ấn trong thơ ông. Bất kỳ ở cương vị nào, ông đều mang thơ bên mình làm hành trang chiến đấu.


Khi làm thơ thi sĩ phải thật lòng. Không thật thì làm sao có cảm xúc để có những vần thơ hay. Hãy đọc những vần thơ của Lê Đức Thọ. Trong thơ ông giãi bày tình cảm của ông đối với đất nước, quê hương, với đồng bào, đồng chí, với cán bộ, với chiến sĩ… Tình thương của ông là bao la, là chân thật từ trái tim ông. Đó chính là tấm lòng yêu nước sắt son, là nỗi hận thù trào sôi chế độ thống trị, là tình thương những cảnh đời xót xa tủi cực:


Non nước đìu hiu xơ xác quá


Xuân về như vẽ nét thê lương


Biết bao kiếp sống đang quằn quại


Giữa cảnh điêu tàn của máu xương.


Thơ ông toát lên một sức mạnh tinh thần lớn lao, niềm lạc quan cách mạng:


Xích xiềng kia phải quyết phá tan.


Sao cho đời hết lầm than,


Dựng nên xã hội hoàn toàn tự do.


đầy ắp niềm tin vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng, vào tương lai tươi sáng của dân tộc:


Một mùa xuân mới không xa nữa


Nó đã đương về với thế gian


Trăm cánh hoa lòng đều hớn hở


Không còn tiếng khóc với lời than!


ý chí quyết tâm đánh bại mọi kẻ thù xâm lược:


Anh dặn: Ra đi, thắng mới về,


...


Phen này quét hết quân xâm lược,


Bắt bọn tay sai phải cúi hàng.




Quân vượt đèo Ngang quyết diệt tà,


Chiến công nối tiếp nở như hoa.


...


Ngày vui thống nhất không xa nữa,


Nam Bắc sum vầy, ta gặp ta.


*


* *


Trong sự nghiệp hoạt dộng cách mạng gian khổ nhưng hào hùng, đồng chí Lê Đức Thọ đã đem hết tâm sức, tài năng, trí tuệ của mình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc. Cuộc đời và sự nghiệp của ông là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng.





Copyright @1999-2020 MINHKHAI.VN All rights Reserved.
Công Ty TNHH Minh Khai S.G (Nhà sách Minh Khai)
249 Nguyễn Thị Minh Khai, F. Nguyễn Cư Trinh, Q.1, Tp. Hồ Chí Minh
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số: 4102019159
Mã số doanh nghiệp 0303209716 - Đăng ký thay đổi lần 6 ngày 30/07/2010
Ðiện Thoại (028)39250590 - (028)39250591 -Fax: (028)39257837
Website: minhkhai.com.vn
E-mail: [email protected]