Sách

Đời sống - Gia đình Bí quyết dành cho phụ nữ Cẩm nang nuôi dạy trẻ Hạnh phúc gia đình Làm đẹp Làm vườn - Vật nuôi - Nông lâm nghiệp Mang thai & Nuôi con mới sinh & chăm sản phụ Nữ công gia chánh - Thực dưỡng Tâm lý - Giới tính Thể dục - Thể thao Giáo khoa - Giáo trình - Sách tham khảo Giáo trình Cao đẳng - Đại học Luyện thi Cao đẳng - Đại học SÁCH GIÁO KHOA BỘ Sách giáo khoa cấp I Sách giáo khoa cấp II Sách giáo khoa cấp III Tham khảo cấp I Tham khảo cấp II Tham khảo cấp III Ngoại ngữ - Từ điển Tiếng Anh Tiếng Hàn Tiếng Nhật Tiếng Pháp Tiếng Trung Tiếng Việt - Ngoại ngữ khác Từ điển Ngoại văn Children books Cooking - Science - Social - Economic Literature & Fiction Sách Chuyên ngành Khoa học kỹ thuật - Công nghệ Khoa học thường thức Khoa học tự nhiên Khoa học xã hội Ngoại giao - Vấn đề quốc tế Pháp luật - Văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phong thủy - Kinh dịch - Nhân tướng học Tin học - CNTT Tôn giáo - Tín ngưỡng - Tâm Linh Triết - Chính trị - Quân sự - Nhà nước Xây dựng - Kiến trúc Y học - Sức khỏe Sách dành cho Thiếu nhi Kiến thức - Kỹ năng dành cho bé Sách tô màu thiếu nhi Truyện kể cho bé - Đồng thoại Truyện tranh Sách dành cho Thiếu niên - Tuổi mới lớn Kiến thức - Kỹ năng dành cho thiếu niên Manga - Comics Tủ sách teen Sách Kinh tế Đầu tư - Chứng khoán Kế toán - Kiểm toán Khởi nghiệp - Làm giàu Kinh tế học Nghệ thuật lãnh đạo - Nhân sự PR - Marketing - Sales - Brand Quản trị kinh doanh Tài chính - Ngân hàng Sách Rèn luyện bản thân Bài học thành công Bí quyết - Kĩ năng - Cẩm nang - Hướng nghiệp Nghệ thuật sống - Truyền cảm hứng Sách song ngữ Sách tô màu người lớn Văn hóa - Nghệ thuật - Du lịch Âm nhạc Danh nhân - Tác giả - Hồi ký - Tiểu sử - Tự truyện Lịch sử - Địa lý Mỹ thuật - Điện ảnh - Sân khấu - Nhiếp ảnh Phóng sự - Ký sự - Bút ký - Tùy bút - Truyện ký - Tạp bút - Ghi chép Văn hóa - Du lịch Văn học Tác phẩm kinh điển Thơ - Bình thơ - Nghiên cứu - Tiểu luận - Phê bình văn học Toàn tập - Tuyển tập - Hợp tuyển thơ văn - Biên khảo Truyện Chương hồi - Kiếm hiệp Truyện cười - Truyện tiếu lâm - Truyện dân gian - Truyện trào phúng Truyện dài - Tiểu thuyết Truyện ngôn tình - Light Novel Truyện Thần thoại - Dã sử - Truyền kỳ - Huyền bí - Giả tưởng Truyện trinh thám - kinh dị - điều tra - vụ án Truyện vừa - Truyện ngắn - Tản văn

 

THƯ VIỆN ẢNH

> <

ẢNH MINH KHAI

> <

BẢN TIN MINH KHAI

WEBSITE LIÊN KẾT







 

TÌM KIẾM

Sách > Khoa học xã hội

Ngôn Ngữ Văn Hóa Thăng Long Hà Nội 1000 Năm (Hết hàng)
Hội Ngôn Ngữ Học Hà Nội

Thể loại: Khoa học xã hội
ISBN: 8935217100132
Xuất bản: 8/2010
Trọng lượng: 520 gr
NXB: Thông tin và truyền thông
Số trang: 316 trang - khổ: 16x24 cm
Giá bán: 85,000 đ

CÒN MÃI MỘT TÌNH YÊU HÀ NỘI

(Lời giới thiệu cuốn sách “Ngôn ngữ văn hoá Thăng Long – Hà Nội 1000 năm”,

Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2010)


PGS TS Nguyễn Xuân Hoà


Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Hà Nội


Trước hết xin thay mặt Hội Ngôn ngữ học Hà Nội tôi xin gửi lời chào trân trọng đến các nhà khoa học và các vị khách quý. Cuốn sách “Ngôn ngữ văn hoá Thăng Long – Hà Nội 1000 năm” là công sức tập thể của các hội viên Hội Ngôn ngữ học Hà Nội, của các nhà khoa học, giảng viên và cán bộ nghiên cứu Viện Ngôn ngữ học, Khoa Ngôn ngữ học Trường ĐHKHXHNV – ĐHQG Hà Nội, Viện Văn học, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam và các tác giả khác.

Kính thưa các vị khách quý,

Kể từ năm 1010 khi Thái Tổ Lý Công Uẩn xuống Chiếu dời đô từ Hoa Lư, Ninh Bình về thành Đại La và đổi tên Đại La thành Thăng Long, sự nghiệp mở nước Đại Việt luôn xuất phát từ Thăng Long và gắn liền với Kinh đô Thăng Long nằm bên bờ sông Hồng. Từ đó đến nay Thăng Long – Hà Nội đã trải qua biết bao thăng trầm lịch sử.

Nhìn lại Thăng Long xưa từ khi được chọn định đô, địa bàn cư trú chủ yếu của người Hà Nội gốc được coi là hai huyện Vĩnh Thuận và Thọ Xương thuộc phủ Phụng Thiên (từ năm 1469 dưới thời Lê Thánh Tông). Đó chính là khu vực 36 phố phường Hà Nội cổ. Cư dân hai huyện Vĩnh Thuận và Thọ Xương của Thăng Long xưa và hậu duệ của họ hiện nay có thể được gọi là người Hà Nội gốc; và tiếng nói của họ có thể được coi là tiếng Hà Nội gốc.

Song, ngôn ngữ trong tiến trình văn hoá dân tộc tự thân nó vẫn phát triển theo những quy luật riêng nhằm tự hoàn thiện để ngày càng tiện lợi hơn, hiệu quả hơn. Tiếng Hà Nội cũng vậy, nó biết tiếp thu những cái mới và tinh hoa của bốn phương mà trước hết là từ những cộng đồng cư dân gần gũi. Theo thời gian, tiếng Hà Nội không chỉ còn là tiếng nói của hai huyện Vĩnh Thuận – Thọ Xương nữa, mà nó đã hội nhập, chắt lọc để tạo thành cái riêng của mình trong cái chung của ngôn ngữ Việt. Nếu nhìn ở bình diện ngôn ngữ thuần túy thì tiếng Hà Nội cũng giống như tiếng của các vùng miền khác trên đất nước Việt Nam, thuộc một phương ngữ của tiếng Việt. Nhưng, xét từ góc độ chức năng xã hội thì tiếng Hà Nội lại có một vị thế vô cùng quan trọng: là tiếng nói của Thủ đô nghìn năm văn hiến, và trên phương diện này có thể coi nó chính là hạt nhân, cơ sở quan trọng nhất của tiếng Việt tiêu chuẩn.

Nếu coi ngôn ngữ vừa là sản phẩm đồng thời là yếu tố, phương tiện của văn hoá, thì, tiếng Hà Nội là tấm gương phản ánh văn hoá Hà Nội và việc sử dụng ngôn ngữ của người Hà Nội là biểu hiện cụ thể, sinh động văn hoá của người Hà Nội. Nghiên cứu tiếng Hà Nội không tách rời với văn hoá Thăng Long - Hà Nội sẽ góp phần vào việc nghiên cứu các vấn đề của Thăng Long – Hà Nội, nhất là lịch sử Hà Nội, khẳng định truyền thống văn hóa lâu đời của Hà Nội nghìn năm văn vật.

Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng của con người, nhưng đồng thời nó cũng là một bộ phận của văn hoá, gắn bó khăng khít với văn hóa. Những nhân tố văn hoá để lại dấu ấn trong ngôn ngữ, những trầm tích văn hoá đã, đang và sẽ được phát hiện qua những di tích ngôn ngữ văn hoá trên mảnh đất Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay là những cứ liệu ngôn ngữ quý giá góp phần làm sáng tỏ sự tồn tại và phát triển của Thăng Long – Hà Nội trong dòng chảy 1000 năm qua.

Cuốn sách của Hội Ngôn ngữ học Hà Nội được biên soạn theo hai mảng vấn đề chính là ngôn ngữ và văn hoá nhưng cả hai lại quyện chặt, gắn bó hữu cơ với nhau.



1. Mảng vấn đề thứ nhất:


Về phương diện ngôn ngữ, xác định thế nào là tiếng Hà Nội gốc đòi hỏi phải có thời gian, phải được tiến hành bằng các cuộc điều tra cơ bản công phu để có cứ liệu chứng minh một cách thuyết phục. Những vỉa tầng ngôn ngữ ẩn sâu theo lịch đại của tiếng Hà Nội gốc cho đến nay chưa được khai thác. Hội Ngôn ngữ học Hà Nội – một Hội còn non trẻ, mới chỉ bắt đầu nghiên cứu những vỉa nổi của tiếng Hà Nội đồng đại, mới dừng lại ở việc nghiên cứu tiếng Hà Nội trong quan hệ với tiếng Việt văn hóa và chuẩn tiếng Việt. Trong cuốn này có một số bài nghiên cứu tiếng Hà Nội trên bình diện ngữ âm như: Thanh điệu tiếng Hà Nội khu vực phố cổ Quận Hoàn Kiếm; Thanh điệu tiếng Nghi Tàm; Thanh điệu tiếng Đông Thiên (Đông Thiên là một trong ba địa danh thuộc xã Vĩnh Tuy trước đây, nay thuộc phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Tuy nhiên về mặt lý luận trong cuốn sách này của Hội Ngôn ngữ học Hà Nội đã có những bài đề cập đến khái niệm “Tiếng Hà Nội”; Tiếng Thủ đô; Tiếng Hà Nội từ góc nhìn ngôn ngữ - văn hoá học, ngoài ra có bài còn vận dụng lý thuyết làn sóng để nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa Thăng Long – Hà Nội. Tác giả bài viết về khái niệm “tiếng Hà Nội” cho rằng rất khó xác định chất giọng Hà Nội nguyên gốc, nhưng trong nghiên cứu cụ thể có thể xác định được phần nào những từ của tiếng Hà Nội qua các văn bản viết về Hà Nội hoặc ca dao, tục ngữ, địa danh, v.v…Tác giả bài viết về tiếng Thủ đô đã phân biệt các khái niệm tiếng Hà Nội và tiếng Thủ đô và bằng lập luận chặt chẽ tác giả đã giúp người đọc nhận chân được hai khái niệm này để không đồng nhất chúng. Cần nhận thức rằng, tiếng Thủ đô nằm trong phạm trù “ngôn ngữ đô thị” mà về bản chất nguồn gốc vốn là một “phương ngữ đô thị”, nhưng là ngôn ngữ đô thị tiêu biểu nhất trong số các phương ngữ đô thị của cả nước, trong khi đó tiếng Hà Nội bao gồm không chỉ biến thể ngôn ngữ chuẩn mực của tiếng Việt toàn dân mà còn cả những biến thể không chuẩn, trong đó có cả thổ ngữ. Còn tác giả bài viết vận dụng lý thuyết làn sóng trong nghiên cứu ngôn ngữ văn hóa Thăng Long – Hà Nội thì đề cập đến sự tích hợp và lan tỏa trong tiếng Việt ở Kinh đô xưa thời Văn Lang dựng nước, tiếp đến là tích hợp và lan tỏa sự tiếp xúc Việt - Hán dẫn đến sự hình thành cách đọc Hán - Việt mà địa bàn Thăng Long – Hà Nội là nơi tạo ra một cách đọc Hán Việt chính xác nhất.

Dù chưa được nghiên cứu một cách toàn diện về tiếng Hà Nội, nhưng trong cuốn sách này các bài viết về khái niệm tiếng Hà Nội cho thấy một điều quan trọng là, tiếng Hà Nội là sự hội tụ của bốn phương là tinh hoa của một nền văn hoá. Như thế có thể hiểu rằng, tiếng Hà Nội mà chúng ta vẫn thường dùng lâu nay chính là một thứ tiếng/ biến thể chuẩn mực của tiếng Việt thường được sử dụng ở vùng nội thành của Hà Nội, nó phải là một biến thể tiêu biểu của ngôn ngữ quốc gia thống nhất. Điều này, xét về phương diện ngôn ngữ văn hoá học, có thể được giải thích bằng sự kiện lịch sử của đất nước gắn với tiến trình phát triển văn hoá của dân tộc: sau 1000 năm đô hộ của phương Bắc sức sống của nền văn hóa Thăng Long – Hà Nội vẫn tồn tại và phát triển. Hoàng thành Thăng Long hàng nghìn năm nay vẫn là trung tâm quyền lực của quốc gia, từ nơi đây đã soạn thảo và phát đi những chiếu chỉ, văn kiện quốc gia mà ngôn ngữ được sử dụng là tiếng Việt, trong đó tiếng Hà Nội được sử dụng và được coi là cơ sở của tiếng Việt tiêu chuẩn.


2. Mảng vấn đề thứ hai của cuốn sách đề cập đến văn hoá như đối tượng được ngôn ngữ phản ánh và lưu lại dấu tích qua những cứ liệu ngôn ngữ (các tài liệu viết bằng chữ Hán, chữ Nôm, các văn bia, câu đối, v.v…). Trong bài viết về lịch sử một tên làng gắn với lịch sử Thăng Long xưa các tác giả đã căn cứ trên bài minh văn khắc trên quả chuông ở chùa An Xá (Bắc Biên, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội) để chứng minh rằng, đất An Xá (làng cổ trong thành Đại La, nay là khu vực quanh chùa Một Cột) chính là quê xưa của Lý Thường Kiệt; và tên thật của ông là Ngô Quảng Châu, chứ không phải là Ngô Tuấn như lâu nay ta vẫn gọi căn cứ vào gia phả chưa thật tin cậy nếu xét về mặt khoa học, vì sau khi Lý Thường Kiệt lập công lớn đại phá quân xâm lược Tống vào thế kỉ XI, nhà vua đã lấy chính tên ông để phong tước hầu là Quảng Châu hầu. Trong một bài khác viết về đền Ngọc Sơn, tác giả đã rất công phu giải mã văn bia, câu đối chữ Hán và một số di tích văn hoá ở đền Ngọc Sơn để chứng minh sự đóng góp của giới trí thức Nho học Việt Nam vào tư tưởng văn hoá Thăng Long – Hà Nội, đặc biệt là tư tưởng văn hoá giáo dục mà lâu nay chưa có sự quan tâm đầy đủ đến những di tích ngôn ngữ văn hoá ở Đền Ngọc Sơn về mặt này.

Các tác giả bài viết về Đổng Vĩnh – hậu duệ cổ tích đời thứ 13 của Thánh Dóng thì căn cứ vào 3 bản thần phả viết bằng chữ Hán cổ trên giấy bản có nhiều chỗ mờ và có chỗ bị mất chữ, lại bỏ nhiều công sức phiên dịch (hai người dịch ròng rã 6 tháng trời ) để bạn đọc biết được Đức thánh Đổng Vĩnh là vị thần trị thủy có công lớn với nước với dân dưới thời vua Hùng Duệ Vương, tức Hùng Vương thứ 18 của nước Việt cổ.

Bài viết về tên gọi sông Hồng gợi mở cho người đọc những điều thú vị: sông Hồng có đến 10 tên gọi khác nhau mà những tên gọi ban đầu có vẻ như là có gốc gác Nam Á và Thái – Kađai, nhưng những tên gọi Nam Á – Kađai này đều bị Hán hóa rồi bị Hán Việt hóa, trừ trường hợp sông Cái. Rõ ràng tên gọi sông Hồng là một sự hội nhập đan xen văn hóa của những lớp cư dân có nguồn gốc ngôn ngữ khác nhau.

Còn trong bài viết về sông hồ ở Hà Nội thì tác giả lại tìm hiểu đặc trưng ngôn ngữ - văn hóa của những tên gọi các sông hồ trong mối quan hệ với nền văn minh của người Việt và với văn hóa Thăng Long – Hà Nội.

Bài viết về tên phố Hà Nội hôm nay được thực hiện bằng việc điều tra khá công phu về các tên phố ở Thủ đô với sự đề xuất nhiều đề nghị đáng suy nghĩ có liên quan đến việc quyết định đặt tên phố của Hội đồng đặt tên phố thuộc UBND thành phố Hà Nội. Ở một trong bảy đề nghị tác giả bài viết đưa ra nhận xét, Hà Nội là Thủ đô nhưng tên phố phường chưa thể hiện được tính tiêu biểu cho cả nước.

Trong cuốn sách có bài viết của một tác giả trẻ đã khảo sát khá chi tiết và toàn diện các địa danh đường phố Quận Ba Đình, mở ra cho người đọc thấy giá trị tinh thần và đời sống văn hóa của người dân thông qua các tên đường phố. Có thể thấy, mỗi tên đường phố ở Quận Ba Đình là một minh chứng về quá trình hình thành một cộng đồng với những đặc điểm tâm lí, tín ngưỡng, nếp sinh hoạt của cư dân ở đây.


Ở những bài viết khác, người đọc có thể thấy vẻ đẹp của con người và cảnh vật Thăng Long – Hà Nội, của nền văn hiến nước Đại Việt xưa qua áng văn Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, qua bài thơ hào sảng Chương Dương cướp giáo giặc/ Hàm Tử bắt quân thù/ Thái bình nên gắng sức/ Non nước ấy ngàn thu của Trần Quang Khải, hay qua ca dao, tục ngữ của Hà Tây mà từ tháng 8 năm 2008 đã là một phần của Thủ đô Hà Nội. Dù chưa được là toàn cảnh, nhưng cuốn sách đã đem lại cho người đọc một góc nhìn của Thăng Long – Hà Nội, nơi “lắng hồn núi sông” ngàn năm, cơ tầng văn hóa đẹp đẽ và quý giá mà chúng ta ngày nay chưa khai thác hết. Hy vọng cuốn sách là một món quà nhỏ dâng lên hồn thiêng sông núi của Tổ quốc Việt Nam yêu dấu trong ngày Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.





Copyright @1999-2020 MINHKHAI.VN All rights Reserved.
Công Ty TNHH Minh Khai S.G (Nhà sách Minh Khai)
249 Nguyễn Thị Minh Khai, F. Nguyễn Cư Trinh, Q.1, Tp. Hồ Chí Minh
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số: 4102019159
Mã số doanh nghiệp 0303209716 - Đăng ký thay đổi lần 6 ngày 30/07/2010
Ðiện Thoại (028)39250590 - (028)39250591 -Fax: (028)39257837
Website: minhkhai.com.vn
E-mail: [email protected]