TÁC NGHIỆP BÁO CHÍ TRONG MÔI TRƯỜNG TRUYỀN THÔNG HIỆN ĐẠI
Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi Thể loại: Khoa học xã hội ISBN: 8935217109043 Xuất bản: 2/2019 Trọng lượng: 300 gr NXB: Thông tin và truyền thông Số trang: 252 trang - khổ: 14,5x20,5 cm Giá bán: 85,000 đ |
|
Sự ra đời các phương tiện truyền thông mới đã và đang tác động sâu sắc đến “bữa tiệc thông tin” của công chúng hiện đại, ảnh hưởng trực tiếp đến sự “sinh tồn” của các phương tiện truyền thông truyền thống, đặt ra cho các tòa soạn và nhà báo những thách thức chưa từng có. Hiện nay, cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ kỹ thuật số, Internet đã và đang tác động sâu sắc, đa dạng, phong phú đến “món ăn” tinh thần hàng ngày của công chúng truyền thông hiện đại. Đặc biệt, với sự ra đời của các thiết bị di động, những màn hình tương tác trở thành phương tiện truyền thông thông minh để mỗi giây, cư dân mạng có thể tải và chia sẻ hàng tỉ byte thông tin. Điều đó khiến cuộc va chạm giữa phương tiện truyền thông truyền thống và mới, giữa báo chí chính thống và truyền thông xã hội trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Dù thừa nhận hay không, truyền thông xã hội vẫn là một thực thể truyền thông đã và đang ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống truyền thông hiện đại, tâm lý tiếp nhận thông tin của công chúng, tác động không nhỏ đến ngành báo chí truyền thông thế giới đương đại. Có thể thấy, truyền thông Internet ra đời tạo ra xu hướng hội tụ truyền thông và đa phương tiện, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự vận động và phát triển của báo chí truyền thông hiện đại. Vậy, hội tụ truyền thông là gì? Sự xuất hiện của kỷ nguyên truyền thông số đã khiến nghiệp vụ báo chí truyền thông có những thay đổi căn bản. Những thay đổi đó tác động như thế nào đến tiến trình hội tụ truyền thông? Từ tòa soạn đơn loại hình đến đa phương tiện rồi phát triển tới tòa soạn hội tụ là sự phát triển tiệm tiến từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp. Trong bối cảnh chung đó, các tòa soạn báo ở Việt Nam nên sắp xếp và thay đổi mô hình tổ chức như thế nào để thích ứng với xu thế phát triển chung của thế giới hiện đại? Đây là những vấn đề đang được báo giới, học giả cũng như các nhà báo hết sức quan tâm. Có thể khẳng định, sự xuất hiện thời đại truyền thông hội tụ không làm thay đổi bản chất của báo chí, mà báo chí vẫn cần sự phát hiện và khai quật của nhà báo chuyên nghiệp, vẫn cần sự gia công trong khâu biên tập và khâu xuất bản, vẫn phải thông qua phương tiện truyền thông để đưa sản phẩm báo chí tới công chúng. Và sự thay đổi của nó là tốc độ truyền phát thông tin và phương thức tiếp nhận thông tin. Nắm vững các kỹ năng làm báo hiện đại vẫn là yêu cầu quan trọng nhất của người làm báo trong môi trường truyền thông hiện nay. Trong môi trường hội tụ truyền thông, những nghiên cứu về sự thay đổi và bất biến của nghiệp vụ báo chí truyền thông ở nước ta vẫn còn khá ít ỏi. Cuốn sách TÁC NGHIỆP BÁO CHÍ TRONG MÔI TRƯỜNG TRUYỀN THÔNG HIỆN ĐẠI của nhà báo, tiến sĩ Nguyễn Thành Lợi giới thiệu với độc giả những nét khái quát nhất về các vấn đề khá mới mẻ đang được nghiên cứu rộng rãi trên thế giới nhiều năm - nhiều thập kỷ qua như truyền thông xã hội, các lý thuyết truyền thông, hội tụ truyền thông, tòa soạn hội tụ, đồng thời trình bày đặc điểm và những kỹ năng cần thiết đối với “nhà báo đa năng” trong môi trường hội tụ truyền thông. Tác giả đã giới thiệu những kỹ năng cơ bản trong viết báo đa phương tiện, thông qua cách viết ngắn gọn, dễ hiểu, với những ví dụ minh họa sinh động của các hãng truyền thông nổi tiếng trên thế giới, tác giả đã làm rõ cách thức xây dựng kế hoạch truyền thông cho một chủ đề cụ thể, phương thức sử dụng đa phương tiện, thông tin đồ họa cho báo chí hiện đại. Kết cấu của cuốn sách rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với các nhóm đối tượng là sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, phóng viên, biên tập viên và những người muốn nghiên cứu lĩnh vực này. Tìm tòi, trình bày và giải thích là mục đích của tác giả viết cuốn sách này, khi tiếp xúc với những vấn đề mà nhà nghiên cứu cảm thấy xa lạ, hoặc khi bản thân vấn đề đó còn khá mới mẻ, người nghiên cứu sẽ phải có những nhận thức sơ bộ đối với đề tài. Sau khi những nhận thức dần được hình thành, hoạt động nghiên cứu không thể chỉ dừng lại ở khâu miêu tả và đánh giá lý thuyết của nước ngoài, mà cần có sự áp dụng sâu hơn vào thực tiễn đào tạo và làm báo của nước nhà. Nghiên cứu khoa học bắt nguồn từ quan sát, nhưng cuối cùng phải giải thích về sự vật mình quan sát được, cần áp dụng phương pháp nào đó để giải thích, ví dụ phương pháp xã hội học, phương pháp tâm lý học truyền thông. Góc độ phân tích phương pháp nghiên cứu của mỗi người mỗi khác mới cho ra đời những quan điểm mới mẻ, có tác dụng gợi mở cho độc giả và ngành khoa học. Công trình nghiên cứu của nhà báo, tiến sĩ Nguyễn Thành Lợi đã đưa ra những vấn đề mới mang tính gợi mở cho các cuộc thảo luận tiếp theo của các nhà khoa học, các đồng nghiệp và độc giả trong nước. Đây là hướng đi khá mới mẻ, cũng là một sự thử nghiệm rất đáng quý.
Minh Khai trân trọng giới thiệu |