Cuốn sách được xuất bản nhằm cung cấp cho bạn đọc có thêm tài liệu nghiên cứu về cuộc cách mạng trong ngành tâm lý học đạo đức.
Sách chia làm ba phần, bạn có thể coi như là ba cuốn sách khác nhau - chỉ có điều mỗi phần sẽ dựa vào những gì đã thảo luận trong phần trước đó. Mỗi phần đưa ra một nguyên tắc quan trọng của tâm lý học đạo đức.
- Phần I nói về nguyên tắc đầu tiên: trực giác đến trước, lý lẽ đến sau. Những trực giác về đạo đức xuất hiện một cách tự động và gần như ngay lập tức, rất lâu trước khi quá trình suy luận logic bắt đầu diễn ra và những trực giác đầu tiên đó thường quyết định kết luận của chúng ta sau này. Nếu bạn cho rằng, chúng ta lập luận về đạo đức để tìm ra chân lý, bạn sẽ luôn bực mình bởi sự ngu ngốc, thành kiến và phi logic của người khác khi họ bất đồng với bạn. Nhưng nếu bạn nghĩ lập luận về đạo đức là một kỹ năng mà con người có được từ quá trình tiến hoá để lập nên các giao thức xã hội - để biện minh cho hành vi của mình và để bảo vệ đội, nhóm của mình – thì mọi thứ sẽ trở nên dễ hiểu hơn nhiều. Hãy nhớ đến trực giác và đừng cho rằng lập luận về đạo đức của một người thể hiện tính logic của họ. Thường những lập luận này được dựng nên để phù hợp với quyết định của trực giác, để phục vụ cho một hoặc nhiều mục đích phía sau.
- Phần II nói về nguyên tắc thứ hai của tâm lý học đạo đức, đó là đạo đức không chỉ có thiệt hại và công bằng. Hình ảnh ẩn dụ của Phần II là bộ óc chính nghĩa giống như một cái lưỡi với sáu thụ cảm vị giác.
Tư tưởng đạo đức thế tục phương Tây giống như những phong cách ẩm thực tập trung vào một hoặc hai trong số các vị giác này - mối quan tâm về thiệt hại và sự đau khổ, hoặc mối quan tâm về công bằng và công lý. Nhưng con người có rất nhiều mối quan tâm mạnh mẽ khác liên quan đến đạo đức, chẳng hạn như sự tự do, lòng trung thành, quyền lực và thánh thần. Tôi sẽ giải thích sáu thụ cảm này đến từ đâu, vì sao chúng tạo nên nền tảng của nhiều “phong cách ẩm thực” đạo đức trên thế giới và tại sao chính trị gia cánh hữu mặc định là có sẵn lợi thế khi cần nấu những “món ăn” mà cử tri mong muốn.
- Phần III nói về nguyên tắc thứ ba: Đạo đức kết nối con người lại với nhau nhưng cũng làm cho chúng ta mù quáng. Hình ảnh ẩn dụ cho bốn chương của phần này là con người có 90% từ loài vượn và 10% từ loài ong. Những bản năng của con người được đúc kết và chọn lọc qua quá trình tiến hoá ở hai lớp khác nhau. Cá nhân cạnh tranh với cá nhân trong cùng một nhóm và chúng ta là con cháu của những cha ông tiền sử đã chiến thắng trong những cuộc cạnh tranh ấy. Đây là phía tối của bản chất con người, phần thường được nhắc đến trong các sách về tiến hoá của loài người... Nhưng bản chất con người cũng được hình thành thông qua việc cạnh tranh giữa các nhóm với nhau. Như Darwin đã nói từ xưa, những nhóm đoàn kết và hợp tác tốt thường đánh bại những nhóm gồm toàn cá nhân ích kỷ chỉ nghĩ đến lợi ích bản thân.
Minh Khai trân trọng giới thiệu
|