TẠM BIỆT HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH
(Hết hàng)
Tác giả: Jinwon Lee. Dịch giả: Hải Đường Thể loại: Y học - Sức khỏe ISBN: 8935280905665 Xuất bản: 5/2020 Trọng lượng: 350 gr NXB: Công Thương Số trang: 277 trang - khổ: 20.5 x 14.5 cm Giá bìa: Giá bán: 69,300 đ |
|
Trong y học hiện đại, chúng ta trị liệu theo cách phân chia cơ thể con người thành nhiều cơ quan, và những cơ quan đó lại tiếp tục được chia ra các đơn vị nhỏ hơn. Từ đó tìm ra vai trò của những đơn vị này, nếu thấy cần thì bồi bổ, còn nếu thấy thừa thì phải ức chế bớt đi. Tóm lại, Tây y tập trung vào việc phân loại theo hệ thống để tìm ra thành phần và chức năng của các cơ quan. Đông y thì lại tiếp cận theo cách khác. Bộ phận tiêu hóa gồm có dạ dày (vị), ruột già (đại tràng), ruột non (tiểu tràng)… nhưng chúng không được phân ra thành những bộ phận nhỏ nữa và nền y học này cũng không cố gắng tìm kiếm thành phần cấu tạo nên chúng. Tất nhiên là ở thời kỳ Đông y phát triển thì chưa có kỹ thuật để tìm ra những bộ phận này, nhưng vì sự khác nhau trong tư tưởng nên kể cả nếu thời đó có kính hiển vi, nền Đông y cũng không phát triển theo hướng này. Thay vào đó, nó tập trung nhiều hơn vào việc tìm hiểu các mối liên quan và sự ảnh hưởng của các cơ quan với nhau. Do Đông y đã có một lịch sử dài tập trung vào nghiên cứu mối liên quan và sự ảnh hưởng của các cơ quan nên việc điều trị cũng phát triển theo một hướng đặc biệt. Tây y phân tích các thành phần và khu vực bệnh, dùng thuốc để tác động trực tiếp lên vùng bị bệnh, còn Đông y lại tập trung chữa trên vùng bệnh và vào các tạng phủ liên quan. Ví dụ, nếu đau đại tràng thì sẽ sử dụng thuốc có tác dụng với gan, dạ dày và thận để điều trị. Tất nhiên là Tây y cũng có sử dụng cách chữa trị dựa vào mối liên quan của các cơ quan nội tạng và Đông y cũng có lúc sử dụng phương pháp dùng thuốc tác động trực tiếp lên vùng bị bệnh. Nhưng đây chính là điểm khác biệt đầu tiên trong phương pháp tiếp cận bệnh của hai nền y học. Mặc dù sự khác biệt trong phương pháp tiếp cận không phải là quá lớn, nhưng chính nó lại khiến việc kết hợp hai nền y học với nhau trở nên rất khó khăn. Ngày nay trong y học hiện đại, một loại thuốc (hoặc một thành phần nhất định nào đó) nếu muốn được kiểm chứng một cách khoa học thì phải được sử dụng chính xác vào vùng bị bệnh. Sau khi biết chính xác quá trình hoạt động cũng như cách thức tác động, nó sẽ được thử ứng dụng trên cơ thể người. Đến khi không còn bất kỳ triệu chứng lạ nào thì thuốc đó sẽ được chứng nhận. Đây là phương pháp hợp lý, chính xác và an toàn. Vấn đề là không thể áp dụng phương pháp kiểm chứng này trong Đông y. Đầu tiên, nó không chỉ sử dụng một loại thảo dược với nhiều thành phần mà còn pha trộn nhiều loại thảo dược với nhau. Và những loại thuốc này không tập trung tác động vào vùng bị bệnh mà tác động vào những vùng lân cận gián tiếp ảnh hưởng đến vùng bị bệnh. Vì là loại thuốc pha trộn từ nhiều thảo dược khác nhau nên rất khó có thể biết được tác dụng riêng của từng thành phần. Kể cả có phân tích ra được tác dụng của từng thành phần thì việc thành phần đó không có tác động trực tiếp lên bộ phận bị bệnh cũng là chuyện hay gặp, cho nên việc tìm ra được nguyên lý tác động càng khó khăn hơn. Thành thử, việc kiểm chứng phương pháp chữa trị của Đông y theo tiêu chí của khoa học hiện đại ngày nay là rất khó khăn. Đó chính là trở lực trong việc kết hợp hai phương pháp chữa bệnh Tây y và Đông y. Hi vọng trong tương lai, khi nền khoa học kỹ thuật phát triển hơn thì chúng ta có thể sáp nhập hai nền y học làm một. Còn một điểm khác biệt nữa là ở cách quan niệm về thể chất và tinh thần. Đông y phát triển dưới sự ảnh hưởng của Phật giáo và Đạo giáo, điều này đã trở thành một trong những lợi thế lớn nhất của Đông y, đó chính là y học thể xác – tâm hồn (y học tâm thể). Trong Tây y, khi có bệnh người ta chỉ quan tâm tới cơ thể và không chú ý nhiều đến sự liên hệ với cảm xúc. Gần đây, người ta đã chứng minh được rằng căng thẳng hoặc trầm cảm có thể dẫn đến bệnh tật, do đó mọi người nên cẩn trọng. Từ xa xưa, Đông y đã cho rằng bệnh tật là do cảm xúc. Và mọi vấn đề về cảm xúc đó đều trực tiếp gây bệnh cho cơ thể. Do đó trong Đông y, hầu hết các vị thầy thuốc Đông y sử dụng các loại thuốc có tác động tích cực đến cảm xúc, kèm với đó là các phương thức quản lý cuộc sống. Tất nhiên mục đích là để điều chỉnh các rối loạn về cảm xúc. Tình trạng căng thẳng và trầm cảm có ảnh hưởng nặng nề, dẫn tới hội chứng ruột kích thích, đó cũng là lý do tại sao cần có thuốc Đông y. Bây giờ chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem làm thế nào để có thể hiểu đúng về hội chứng ruột kích thích.
Minh Khai trân trọng giới thiệu |