Học Cách Sống - Khái Luận Triết Học Dành Cho Thế Hệ Trẻ
(Hết hàng)
Tác giả: Luc Ferry. Người dịch: Lê Hồng Sâm Thể loại: Tâm lý - Giới tính ISBN: 8936024915940 Xuất bản: 1/2011 Trọng lượng: 450 gr NXB: Hội Nhà Văn Số trang: 440 trang, kích thước: 14x20.5 cm Giá bán: 81,000 đ |
|
Trong Học cách sống, Luc Ferry đóng vai trò một người đối thoại, như một người thầy, nhưng không rao giảng và áp đặt, mà như thể đang tìm kiếm bạn đồng hành. Xen lẫn những ví dụ sinh động về từ nguyên, lịch sử và đời sống hiện đại, ông cho thấy sự liên quan sâu sắc giữa các tư tưởng tưởng chừng như xa lạ với cội rễ cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Học cách sống khơi dậy niềm hứng thú, chứ không phải nỗi kính sợ, với một môn khoa học nhân văn, dành cho con người để hiểu về con người và thế giới, khi làm một hành trình xuyên suốt triết học phương Tây, từ các nhà khắc kỷ Hy Lạp cổ đại đến các triết gia hậu hiện đại. Các nhà triết học Hy Lạp cổ đại tôn sùng một vũ trụ toàn thể - cái cosmos có tính đúng đắn, đẹp đẽ và vĩnh hằng, không phụ thuộc vào con người. Nối mình và làm khớp mình với cosmos là nguyên tắc của đạo lý và chính trị, vì vậy cái chết không có gì đáng sợ bởi khi già đi và chết đi mỗi chúng ta lại trở thành một mảnh của cosmos, hòa nhập trong trật tự đẹp và bất biến. Tiếp đến là Kitô giáo, tôn giáo có tư tưởng thống trị thế giới phương Tây gần mười lăm thế kỷ. Kitô giáo nhân vị hóa sự cứu rỗi, cái cosmos hoàn hảo được thay thế bằng chúa Kitô, chúng ta không chỉ được cứu rỗi bởi một con người mà còn với tư cách một con người – không phải một mảnh của vũ trụ. Những đặc điểm đạo đức của Kitô giáo đã đặt nền móng cho sự ra đời của triết học hiện đại, chủ nghĩa nhân văn với Rousseau và Descartes, với những nghiên cứu sâu về nhân tính. Con người là sinh thể duy nhất mang tính lịch sử, phẩm cách bình đẳng và lo lắng tinh thần. Không bị quyết định bởi chủng tộc hay xuất thân, con người có những đức tính – như “một cuộc đấu tranh của tự do chống lại tự nhiên tính trong chúng ta”. Kiến thức khoa học và quan niệm về chủ nghĩa cá nhân đã giúp người Hiện đại đảo ngược lại cách nhìn của Cổ nhân: cái cosmos thần diệu và hài hòa không còn tồn tại, quan trọng là con người cần phải bằng mọi giá tìm được vị trí của mình và tự hội nhập. Duy nhất cá nhân là đáng kể, là “mục đích tự nó” và con người sẽ được đánh giá tùy theo khả năng dứt mình ra khỏi logic của sự vị kỷ tự nhiên để xây dựng một thế giới đạo đức nhân tạo – dựa trên sự bình đẳng và lao động. “Tôi tư duy vậy tôi tồn tại” – câu nói nổi tiếng của Descartes mở ra thời kỳ của chủ nghĩa nhân văn hiện đại, trong lòng nó điều mà người ta sẽ gọi là “tính chủ quan” sẽ trở thành chúa tể - thành xác tín không lay chuyển. Cosmos chuyển lại chuyển từ Chúa cứu thế vào tiêu chuẩn của chân lý – cái mà “chủ thể người tin chắc một cách tuyệt đối”. “Sự mong manh và tính hữu hạn của sự tồn tại của con người, với tính phải chết của mọi sự vật ở thế gian này” mãi mãi là thứ khiến con người phải đi tìm sự cứu rỗi. Khi không còn cosmos và Chúa, khi đã chán đặt mình vào trung tâm của vũ trụ, con người lại tiếp tục thất bại nặng nề với các “tôn giáo về sự cứu rỗi trần thế”, khi tìm cách thiêng liêng hóa nhân loại và các khái niệm tương tự để thay thế cho Chúa Trời, nhằm bấu víu vào các “thần tượng”. Ngay cả khi Nietzsche, với sự sắc bén quyết liệt của mình, đánh đổ các thần tượng và những khái niệm mù mờ vốn “xét đoán và cuối cùng kết án bản thân sự sống”, kêu gọi một lối sống mạnh mẽ và nhẹ nhõm, thì rốt cuộc vẫn không có giải pháp rốt ráo nào cho cuộc sống trước hết là của chính bản thân các triết gia. Và thời đại ngày nay, “thế giới của kỹ thuật” dưới mắt Heidegger, khi đúng như Nietzsche mong muốn, mọi thần tượng đã sụp đổ, không còn gì hoàn mỹ và thiêng liêng. Để đối phó với tình thế này, con người cần sự minh mẫn hơn bao giờ hết. Sống, “để mở rộng tầm nhìn, học yêu mến tính dị biệt của những con người cũng như tính dị biệt của các tác phẩm, và thỉnh thoảng, khi tình yêu ấy mãnh liệu, sống tình trạng triệt tiêu của thời gian mà sự hiện diện của tình yêu ấy đem lại cho ta”. Học cách sống – hay khái luận triết học dành cho thế hệ trẻ là một cuốn sách khiêm tốn mà tham vọng. Khiêm tốn, vì chỉ hướng tới một công chúng không chuyên môn, nhưng tham vọng, bởi Luc Ferry không chấp nhận việc đơn giản hóa có thể dẫn tới làm biến dạng những tư tưởng lớn. Kính trọng các học thuyết lớn, nhưng sau khi đã nhận thấy những chân lý toàn trị bị vượt qua, con người hiện đại cần sự tỉnh táo hơn bao giờ hết để hiểu rằng triết học “không phải là công cụ chính trị cũng chẳng phải là chỗ nương tựa cho đạo đức”. Người ta không triết lý để chơi đùa, cũng không chỉ để hiểu mình và thế giới, mà đôi khi “để cứu lấy cái mạng mình”, bởi “trong triết học có những điều thắng được những nỗi sợ làm tê liệt sự sống, và tin rằng ngày nay tâm lý học có thể thay thế được những điều đó là một sai lầm.” Xin trân trọng giới thiệu. |