Điệp Khúc Cơn Đói (Tiểu Thuyết)
(Hết hàng)
Tác giả: J.M.G. Le Clezio .Người Dịch: Bằng Quang Thể loại: Văn học ISBN: 8936024917388 Xuất bản: 2/2012 Trọng lượng: 300 gr NXB: Phụ nữ Số trang: 270 trang - khổ: 13x20.5 cm Giá bìa: Giá bán: 43,200 đ |
|
Nobel Văn chương 2008 Paris 1931. Một cuộc đời được dựng nên qua các mảnh ký ức. Cô bé Ethel thăm triển lãm thuộc địa cùng ông chú họ. Cuộc sống đầy đủ trong gia đình dân gốc đảo Maurice. Chủ nghĩa Đức quốc xã. Gia đình sa sút. Mối tình đầu. Chiến tranh. Cuộc trốn chạy về miền Nam nơi cơn đói khát hiện hữu. Tất cả đẩy một thiếu nữ, dù không muốn, trở thành anh hùng khi vừa tròn đôi mươi. Lối viết thi vị nhưng tái hiện đầy sức nặng hình ảnh nước Pháp trước ngưỡng cửa một đoạn lịch sử cùng cực, đã khiến Điệp khúc cơn đói trở thành một trong những tác phẩm đặc biệt nhất, gây xúc động nhất của nhà văn giành giải Nobel 2008. *** Đôi nét về tác giả Le Clézio Jean-Marie Gustave Le Clézio sinh ngày 13 tháng Tư năm 1940 tại Nice. Được mệnh danh là “nhà văn du mục”, J. M. G. Le Clézio chưa bao giờ ngừng viết từ tuổi lên bảy lên tám: thơ, truyện kể, truyện ngắn, nhưng không tác phẩm nào trong số đó được công bố trước Le procès-verbal (tạm dịch: Biên bản), cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông xuất bản vào tháng Chín năm 1963 và đoạt giải Renaudot. Đến nay, ông đã cho ra mắt khoảng ba mươi tác phẩm. Năm 2008 ngay sau khi xuất bản Điệp khúc cơn đói, ông vinh dự được nhận giải Nobel Văn chương. *** Lời khen tặng dành cho Điệp Khúc Cơn Đói “Một cuốn sách lạ lùng, riêng tư, đầy bất ngờ. Le Clézio khiến độc giả ngạc nhiên rồi mê hoặc họ.” - Madame Figaro “Làm thế nào để diễn tả được sức lôi cuốn khôn cưỡng của cuốn tiểu thuyết hơn hai trăm trang này?” - france2.fr “Cám ơn Le Clézio vì một tác phẩm hoàn hảo đến vậy.” - CritiquesLibres.com *** Trích Điệp Khúc Cơn Đói NGÔI NHÀ MÀU TÍA Ethel. Cô bé đang đứng trước lối vào công viên. Bây giờ là buổi chiều tối. Ánh sáng dìu dịu, màu ngọc trai. Có lẽ sắp có giông trên sông Seine. Cô bé nắm thật chặt tay ông Soliman. Cô bé vừa tròn mười tuổi, vẫn còn thấp bé, đầu Ethel mới chỉ cao ngang hông người đàn ông, là ông trẻ của cô bé. Phía trước họ, nom như có một thành phố nằm giữa những cây đại thụ của khu rừng Vincennes, người ta trông thấy nào tháp, nào tòa, nào vòm. Trên những đại lộ vây quanh, đám đông chen chúc nhau. Đột nhiên, cơn mưa rào ập xuống, cơn mưa ấm nóng làm bốc lên một làn hơi nước bao trùm thành phố. Chỉ trong chốc lát, hàng trăm cây dù màu đen bật mở. Người đàn ông quên không đem theo cây dù của mình. Trong khi những giọt mưa lớn bắt đầu rơi xuống, ông lưỡng lự. Nhưng Ethel vẫn kéo tay ông, và hai ông cháu cùng nhau băng qua đại lộ, chạy về phía mái vẩy của lối vào, đứng trước những cỗ xe ngựa chở khách thuê và dãy ô tô. Cô bé kéo tay trái ông, ông cụ dùng tay phải giữ cho chiếc mũ màu đen ngay ngắn trên cái đầu nhọn của mình. Khi ông chạy, chòm râu bên má màu xám bay phất phơ theo từng nhịp bước khiến Ethel bật cười. Thấy cô bé cười, ông cũng bật cười theo, đến mức phải dừng lại trú dưới một cây dẻ. Đó là một nơi rất tuyệt. Ethel chưa từng nhìn thấy, cũng chưa từng mơ đến thứ gì tương tự. Đi hết lối vào, bước qua cửa ô Picpus, họ men dọc theo tòa nhà viện bảo tàng, đằng trước có đám đông đang chen lấn. Ông Soliman không quan tâm. “Viện bảo tàng thì xem lúc nào chả được”, ông bảo vậy. Ông đã có sẵn trong đầu một dự định. Chính vì thế ông muốn đến đây cùng Ethel. Cô bé đã cố gắng tìm hiểu, từ nhiều ngày qua em đã gặng hỏi ông. Cháu láu lỉnh lắm, đó là câu ông đã nói với cô bé. Em biết cách dò hỏi khéo léo. “Nếu đó là một điều bất ngờ, ta biết nói gì với cháu bây giờ? Nói ra thì còn gì là bất ngờ nữa?” Ethel lại tiếp tục nài nỉ. “Ít ra ông cũng cho cháu đoán thử xem.” Sau bữa tối, ông ngồi trên ghế bành hút xì gà. Ethel thổi bay đám khói xì gà. “Cái đó có ăn được không ạ? Có uống được không? Một chiếc váy dài tuyệt đẹp chăng?” Nhưng ông Soliman vẫn cương quyết không tiết lộ. Ông hút xì gà và uống rượu cô nhắc như mọi tối. “Ngày mai cháu sẽ biết.” Ethel, sau cuộc nói chuyện đó, không thể chợp mắt. Cả đêm em trằn trọc trở mình trên chiếc giường nhỏ bằng kim loại kêu kèn kẹt. Mãi đến buổi bình minh em mới thiếp đi và khó khăn lắm mới thức dậy được vào lúc mười giờ, khi mẹ em tới đón qua nhà các cô dùng bữa trưa. Ông Soliman vẫn chưa thấy tới. Thế nhưng đại lộ Montparnasse không xa phố Cotentin là mấy. Cách có mười lăm phút đi bộ, mà ông Soliman lại đi bộ rất cừ. Ông bước rất thẳng, chiếc mũ đen bắt chặt vào đầu, cùng cây can mũi bịt bạc không hề chạm đất. Bất chấp tiếng ồn ào ngoài phố, Ethel nói em nghe thấy tiếng chân ông từ đằng xa, tiếng động nhịp nhàng của đôi gót ủng bằng sắt gõ trên vỉa hè. Em bảo tiếng động ấy giống như tiếng vó ngựa. Em thích so sánh ông Soliman với ngựa, và điều đó cũng không khiến ông phật ý, thi thoảng, bất chấp cái tuổi tám mươi của mình, ông nhấc bổng em lên vai để đi dạo trong công viên, và bởi ông rất cao lớn, em có thể chạm tới những cành cây sà xuống thấp. Cơn mưa đã tạnh, họ nắm tay nhau bước tới bờ hồ. Dưới vòm trời xám xịt, hồ có vẻ rất rộng, cong cong, trông giống một đầm lầy. Ông Soliman thường nhắc đến những cái hồ và miền đất trũng khi xưa ông đã tới, tận bên châu Phi, thời ông còn là bác sĩ quân y đóng quân tại phần lãnh thổ Công gô thuộc Pháp. Ethel thích nghe ông kể chuyện. Ông Soliman cũng chỉ kể chuyện cho mình em nghe. Tất cả những gì em biết về thế giới này đều thông qua những chuyện ông đã kể cho em. Trên mặt hồ, Ethel nhận thấy vài con vịt, một con thiên nga lông ngả vàng có vẻ buồn chán. Họ đi qua trước một hòn đảo bên trên có xây một ngôi đền Hy Lạp. Đám đông chen lấn để vượt cây cầu gỗ và ông Soliman hỏi, nhưng rõ ràng chỉ để yên tâm: “Cháu có muốn...?” Quá đông đúc, và Ethel kéo tay ông trẻ. “Không ạ, không ạ, chúng ta hãy lập tức đến Ấn Độ thôi!” Họ đi men theo bờ hồ theo hướng ngược lại với dòng người. Đám đông rẽ ra trước người đàn ông cao lớn vận áo khoác dài, đầu đội mũ kiểu cổ, và cô bé tóc vàng diện cái váy dài xếp nếp, mang giày cao cổ. Ethel hãnh diện khi đi cùng ông Soliman. Em có cảm tưởng đang đi cùng một người khổng lồ, một người có thể khai thông lối đi trong bất cứ sự hỗn loạn nào của thế giới. Lúc này, đám đông di chuyển theo chiều ngược lại, về phía cuối hồ. Vươn cao trên những rặng cây, Ethel nhìn thấy những tòa tháp lạ mắt, màu xi măng. Em chật vật lắm mới đánh vần được cái tên ghi trên một tấm biển: “Ang... kor... - Vat! ông Soliman nói nốt. Angkor Vat. Đây là tên một ngôi đền của Campuchia. Trông có vẻ giống đấy nhưng trước hết, ta muốn chỉ cho cháu thấy cái này.” Ông đã có sẵn trong đầu một dự định. Vả lại, ông Soliman không muốn đi cùng hướng với đám đông. Ông dè chừng những chuyển động mang tính tập thể. Ethel thường được nghe người khác nói về ông trẻ em: “Một người thật kỳ quặc.” Mẹ em bênh vực ông, chắc chắn bởi ông là chú ruột của bà: “Ông cực kỳ dễ mến.” Ông đã nuôi dạy bà rất nghiêm khắc. Khi cha bà qua đời, chính ông đã nhận bà về nuôi. Nhưng bà không gặp ông thường xuyên, ông luôn ở xa, tận đầu kia thế giới. Bà quý mến ông. Có lẽ bà còn cảm động hơn bởi người đàn ông già cả này vô cùng yêu chiều Ethel. Như thể bà được chứng kiến trái tim ông rốt cuộc đã rộng mở, vào đoạn cuối của một cuộc đời đơn độc và chai sạn. Cạnh đó, một con đường dẫn ra xa khỏi bờ sông. Người đi dạo mỗi lúc một vãn đi. Một tấm biển đề: CÁC THUỘC ĐỊA CŨ. Bên dưới là những cái tên, Ethel chậm rãi đọc: RÉUNION GUADELOUPE MARTINIQUE SOMALIE NOUVELLE-CALÉDONIE GUYANE INDE FRANAISE Đây chính là nơi ông Soliman muốn đến. Trong một vạt rừng thưa, hơi lùi lại phía sau hồ. Vài căn lều lợp mái rạ, những căn còn lại được xây kiên cố, với những cây cột mô phỏng theo thân cây cọ. Nom như một ngôi làng. Ở chính giữa, một dạng quảng trường được rải sỏi đã bày sẵn nhiều ghế tựa. Một vài khách tham quan ngồi rải rác, những phụ nữ mặc váy dài vẫn mở dù, nhưng lúc này mặt trời đã lên cao và những cây dù dùng để che nắng. Các quý ông trải khăn tay lên mặt ghế để thấm bớt nước mưa. “Đẹp quá!” Ethel không khỏi thốt lên khi đứng trước căn chòi Martinique. Trên trán tường của căn nhà (dựng theo kiểu lều, ở đây cũng vậy) tất cả các loại hoa và quả ngoại lai được bày thành một ụ tròn, dứa, đu đủ, chuối, khóm râm bụt và chim thiên đường. “Đúng thế, rất đẹp... cháu có muốn xem không?” Nhưng cũng như lúc nãy, ông hỏi với giọng ngập ngừng, thêm vào đó ông còn nắm tay Ethel và đứng yên tại chỗ. Cô bé hiểu, em đáp: “Nếu ông muốn thì để sau ạ? - Bất kể thế nào, bên trong cũng chẳng có gì đâu.” Qua khung cửa, Ethel thoáng thấy một thiếu nữ thổ dân đảo Ăng ti đầu đội khăn vành đỏ đang nhìn ra bên ngoài, vẻ mặt nghiêm nghị. Ethel nghĩ thiếu nữ ấy rất muốn nhìn thấy em, chạm vào cái đầm em đang mặc, nói chuyện với em, vẻ mặt cô ấy mới rầu rĩ làm sao. Nhưng em không nói gì với ông trẻ. Ông kéo tay em dẫn đến đầu kia quảng trường, về phía căn chòi Inde franaise. Căn chòi không lớn lắm. Nó không gây chú ý cho khách tham quan. Đám người đi qua không dừng bước, diễu qua một lượt, com lê đen, mũ đen cùng tiếng loạt xoạt khe khẽ phát ra từ những chiếc đầm dài của đám phụ nữ, những chiếc mũ cài lông, cài quả, cài mạng của họ. Vài đứa trẻ lẽo đẽo theo sau, lén liếc sang phía họ, Ethel và ông Soliman đang đi ngược chiều ngang qua chỗ chúng. Họ đi về phía những công trình nghệ thuật, những mỏm đá, những đền miếu, những tòa tháp cao đang vượt lên tán cây đại thụ nom giống hệt những móc gai hàng rào. Em thậm chí không hỏi xem dưới đó là thứ gì. Ông hẳn sẽ lầm bầm giải thích: “Bản sao của đền Angkor Vat, nếu cháu muốn ngày nào đó ta sẽ dẫn cháu đi thăm bản chính.” Ông Soliman không ưa những bản sao, ông chỉ quan tâm đến tính chân thực, tất cả chỉ có vậy. Ông dừng lại trước ngôi nhà. Gương mặt đỏ bừng của ông hiện rõ niềm thỏa mãn trọn vẹn. Không nói một lời, ông nắm chặt tay Ethel rồi họ cùng leo những bậc thang gỗ dẫn lên thềm. Đó là một ngôi nhà rất đơn giản, bằng gỗ sáng màu, bao quanh là hàng hiên đóng cột. Những ô cửa sổ được bố trí cao, có treo những bức sáo bằng gỗ tối màu. Phần mái gần như phẳng, lợp ngói bóng láng, trên chốc mái là một dạng tháp pháo có lỗ châu mai. Khi họ bước vào, bên trong không một bóng người. Chính giữa nhà là một khoảng sân trong, được chiếu sáng nhờ ngọn tháp trên nóc, tắm trong một thứ ánh sáng màu tía kỳ lạ. Bên cạnh khoảng sân trong là một bồn nước hình tròn phản chiếu bầu trời. Mặt nước lặng như tờ, đến độ trong chốc lát Ethel cứ ngỡ đó là một tấm gương. Em dừng bước, tim đập rộn, và ông Soliman cũng khựng lại, đầu hơi ngửa ra sau để quan sát phần đỉnh vòm phía trên. Trong những hốc bằng gỗ được bố trí thành hình bát giác đều, những thanh đèn điện tỏa thứ màu nhẹ, bảng lảng như một làn khói, màu của hoa cẩm tú cầu, màu của buổi hoàng hôn trên biển. Thứ gì đó run rẩy chập chờn. Thứ gì đó chưa hoàn thiện, có chút thần diệu. Dĩ nhiên là không có ai ở đó. Như thể nơi đây chính là ngôi đền thực, bị bỏ quên giữa rừng già, và Ethel ngỡ đã nghe thấy tiếng cây lá xào xạc, những tiếng kêu the thé và khàn khàn, những bước chân êm ru của loài mãnh thú chốn thâm sơn cùng cốc, em rùng mình và nép vào người ông trẻ. Ông Soliman không nhúc nhích. Ông đứng sững chính giữa mảnh sân, dưới vòm ánh sáng, ánh đèn điện lờ mờ nhuộm sắc mặt ông thành tía và nhuộm những chòm râu má của ông thành hai ngọn lửa màu xanh lơ. Giờ thì Ethel đã hiểu: chính cảm xúc của ông trẻ khiến em rùng mình. Trong căn nhà này phải có một bí mật, một bí mật tuyệt diệu vừa nguy hiểm vừa mỏng manh, tới mức một cử động nhỏ nhất cũng khiến mọi chuyện ngừng lại, mới có thể khiến một người đàn ông cao lớn đến thế, mạnh mẽ đến thế phải đứng im bất động. Thế là ông nói như thể tất cả những thứ này đều thuộc về ông. “Đằng kia, ta sẽ kê tủ bàn giấy, kia nữa là hai giá sách... Góc này cây đàn êpinét, trong cùng kia là những bức tượng châu Phi bằng gỗ đen, với ánh sáng thế này thì rất hợp, rốt cuộc ta cũng có thể trải tấm thảm Béc be khổ lớn ra rồi...” Ethel không hiểu lắm. Em theo gót người đàn ông vĩ đại trong khi ông đi từ phòng này sang phòng kia, với tâm trạng nôn nóng em chưa từng thấy ở ông. Cuối cùng ông quay lại khoảng sân trong, rồi ngồi xuống bậc thềm, để quan sát bồn nước in bóng bầu trời, và như thể họ đang cùng ngắm nhìn một buổi hoàng hôn trên đê biển, xa ngái, đâu đó nơi nào khác, tận đầu kia thế giới, bên Ấn Độ, trên đảo Maurice, xứ sở từ thuở ấu thơ của ông. Như một giấc mơ. Khi em nghĩ đến về nó, chính màu tía, và mặt bồn nước hình chiếc đĩa sáng rực phản chiếu bầu trời, tràn ngập trong em. Một bầu không khí hư ảo đến từ thời xa lắc, rất cổ xưa. Giờ thì tất cả đã biến mất. Thứ còn lại, không phải là những kỷ niệm, như thể em chưa từng là bé con. Triển lãm thuộc địa. Em đã giữ những món nhỏ nhặt nhất của ngày hôm đó, khi dạo bước trên lối đi rải sỏi cùng ông Soliman. “Ta sẽ đặt cái ghế xích đu cũ ngay đây, sẽ giống như dưới mái hiên ấy, rồi khi trời mưa ta sẽ ngắm những giọt nước lấm tấm trên mặt bồn. Paris trời hay mưa mà... Thế rồi ta sẽ nuôi lấy mấy con cóc, vừa khéo để nghe chúng nghiến răng báo sắp mưa... - Bọn cóc ăn gì ạ? - Lũ mòng, bướm đêm, nhậy. Paris nhiều nhậy lắm... - Phải có cả cây nữa, loại lá dẹt nở hoa màu tím. - Đúng rồi, hoa sen. Đúng ra là hoa súng, sen thì sang đông sẽ tàn. Nhưng không phải trong cái bồn tròn này đâu. Ta sẽ có một cái bồn khác cho lũ cóc, ở cuối vườn. Cái bồn gương này, ta muốn nó cứ phẳng lì như cái đĩa để bầu trời soi mình trong đó.” Chỉ mình Ethel hiểu được thái độ khăng khăng của ông Soliman. Sau khi xem xong bản đồ Triển lãm, ông đã chọn ngay lầu Ấn Độ, và đã mua nó. Ông đã bác hết những dự định của thằng cháu rể. Không bất động sản trên đất của ông, không có chuyện động đến dù chỉ một thân cây. Ông đã cho trồng cây hông, kim tiền, cúc Ấn Độ. Mọi thứ đã sẵn sàng để chào đón niềm đam mê của ông. “Tôi thì không có thiên hướng làm chủ trại lĩnh canh.” Để chống lại những dự định của Alexandre, ông đã chọn Ethel làm người thừa kế chính thức. Dĩ nhiên là cô bé không hay biết gì chuyện đó. Hay một ngày kia có lẽ ông sẽ nói cho cô bé biết. Ít lâu sau chuyến tham quan của hai ông cháu tới Triển lãm. Các mảnh tháo rời của lầu Ấn Độ thuộc Pháp bắt đầu tập kết trong vườn nhà tại phố Armorique. Để phòng mưa, ông Soliman đã phủ lên một tấm bạt màu đen khổ lớn và xấu xí. Rồi ông dẫn Ethel tới tận hàng giậu che khuất khu vườn. Ông mở khóa cửa, và cô bé nhìn thấy những chồng đen này lóe sáng ở cuối khu đất, em đứng sững lại. “Cháu có biết cái gì đây không? ông Soliman hỏi với giọng đầy ẩn ý. - Đó là Ngôi nhà màu tía.” Ông nhìn em khâm phục. “Vậy thì cháu có lý đấy.” Ông nói thêm: “Ngôi nhà màu tía, vậy thì đó sẽ là tên của nó, chính cháu đã tìm ra đấy nhé.” Ông siết chặt tay em, và em ngỡ đã nhìn thấy cả khoảng sân trong, những hành lang, và bồn nước mặt gương phản chiếu bầu trời xám xịt. “Ngôi nhà sẽ thuộc về cháu. Chỉ thuộc về cháu mà thôi.” Nhưng ông không đả động tới chuyện đó thêm lần nào nữa. Dẫu sao, ông Soliman luôn là vậy. Thường thì ông nói về chuyện gì cũng chỉ một lần, rồi không bao giờ nhắc đến nữa. Ông đã chờ rất lâu. Có lẽ là quá lâu. Có lẽ ông muốn mơ về chuyện tương lai hơn là bắt tay vào thực hiện. Những mảnh rời của Ngôi nhà màu tía vẫn nằm dưới tấm bạt nylon, phía cuối vườn, và những cây ngấy bắt đầu mọc trùm lên. Nhưng ông Soliman vẫn đều đặn đưa Ethel đến khu đất, mỗi tháng ít nhất một lần. Mùa đông đến, những cây đại thụ xung quanh trơ trụi lá, nhưng đám cây cối ông Soliman cho trồng vẫn kiên trì chống chọi. Cây kim tiền và khóm cúc Ấn Độ tạo thành những chùm lá màu xanh thẫm, gợi nhớ lối vào một khu rừng hơn là một khu vườn trong thành phố. Khu đất kế bên thuộc về một ông Conard(1)_ nào đó, chuyện thật chứ không bịa chút nào. Đó là một trong những cư dân lão làng nhất của khu phố, con trai của người đã mở mang khu phố vào năm 1887. Ông ta ngỡ mình được trao quyền của nhà chức trách, một hôm ông ta lên tiếng buộc tội ông Soliman: “Tôi thấy chỉ tại đám lá của mấy thứ cây ngoại lai bên ông mà mấy cây anh đào của tôi phải cấn nắng suốt từ chính ngọ đến ba giờ chiều đấy.” Ông trẻ của Ethel có lời phúc đáp khiến đối phương choáng váng: “Còn tôi ấy mà, thưa ông, tôi mặc xác.” Đó là lần đầu tiên Ethel nghe thấy cụm từ này, sau đó nó được chính bố em vừa cười ha hả vừa nhắc lại. Việc ông trẻ sử dụng thứ ngôn ngữ tục tằn hay đúng hơn là thứ ngôn từ lính tráng (theo lời bình luận của Alexandre) khiến Ethel hết sức vui thích. Cùng lúc đó, em biết mình không được phép thốt nên những câu ấy, nhất là trước mặt những người từng phát ngôn chúng. Nhưng như thế cũng tốt. Trước cả khi công việc lắp ráp Ngôi nhà màu tía có thể bắt đầu, ông Soliman đã ngã bệnh. Lần cuối cùng Ethel cùng ông đến khu đất, em đã nhận thấy một sự lạ. Loại cây dại mọc tràn lan khắp khu vườn đã được xén trụi, và tấm bạt tẩm nhựa đường đã dọn quang đám cây ngấy. Trên cánh cửa bằng gỗ trông ra phố treo tấm biển có dán giấy phép xây dựng. Em vẫn còn nhớ nội dung, giấy phép ghi rõ: “Xây dựng một ngôi nhà ở bằng gỗ, không chia tầng.” Ông Soliman đã phải tranh đấu chống lại kẻ thù Conard, kẻ phản đối dự án mà theo lão, có khả năng kéo theo mối về Paris. Nhưng sự hậu thuẫn của kiến trúc sư đã thiết kế ra ngôi nhà gỗ, một ông Perotin nào đó, đã thuyết phục được sở quy hoạch đô thị, và giấy phép được cấp. Trên khu đất trơ trụi đó, những cây cọc được dựng lên, và giữa những cây cọc này là một mạng lưới dây chăng vạch nên sơ đồ ngôi nhà. Điều khiến Ethel ngạc nhiên là những vệt màu tía đánh dấu trên mặt đất. Lớp phấn phủ ngoài những sợi dây chăng khi đập vào mặt đất đã để lại dấu. Ông Soliman đã chỉ cho Ethel thấy người ta in những vạch này như thế nào. Bằng đầu cây can, nhấc sợi thừng lên, rồi thả rơi, với tiếng động của một cánh cung ta vừa buông tay. Tạo thành một tiếng phựt! trầm đục, phủ thêm một chút phấn bột màu tía trên mặt đất. Đó là lần cuối cùng. Đó là kỷ niệm Ethel còn giữ lại, như thể thứ ánh sáng êm dịu chiếu sáng bên trong Ngôi nhà màu tía đã tô màu cho cả lớp bột phấn đánh dấu trên nền đất vườn. Mùa đông năm ấy, khi Ethel bước sang tuổi mười ba thì ông Soliman qua đời. Thoạt tiên ông ngã bệnh. Ông khó thở. Ông nằm dài trên giường, trong phòng ngủ tại căn hộ riêng nằm trên đại lộ Montparnasse. Em đã thấy ông tái xanh, một gương mặt râu ria xồm xoàm, đôi mắt vô hồn, và em thấy sợ. Ông nhăn mặt, ông bảo: “Chết khó quá... lâu, lâu quá.” Cứ như thể em hiểu được. Về đến nhà, em nhắc lại câu ông Soliman nói với mẹ. Nhưng mẹ em không giải thích gì hết. Bà chỉ thở dài: “Phải cầu nguyện cho ông trẻ của con.” Ethel không cầu nguyện, bởi em không biết phải cầu gì. Cầu cho ông chết nhanh hơn chăng, hay là cầu cho ông khỏi bệnh? Em chỉ nghĩ đến Ngôi nhà màu tía, và mong sao ông Soliman kịp lôi nó ra khỏi tấm bạt tẩm nhựa đường và dựng lên theo dấu. Nhưng tháng Mười trời mưa rả rích, và em nghĩ những dấu vết đã bị xóa sạch. Có lẽ chính vào lúc ấy em hiểu ra ông trẻ sẽ chết. |