Cá Voi Và Hồ Nước
(Hết hàng)
Tác giả: Thái Trí Hằng Thể loại: Văn học ISBN: 8936024918095 Xuất bản: 2/2012 Trọng lượng: 560 gr NXB: Thời đại Số trang: 510 trang - khổ: 14.5x20.5 cm Giá bán: 100,000 đ |
|
“Nếu em là cá voi, anh nhất định phải là biển lớn” tôi nói. “Nếu em là cá voi, em sẽ ở lại hồ nước, chứ chẳng bơi ra biển lớn làm gì” em cười. “Bơi ra biển lớn sẽ có tự do, nhưng rời khỏi hồ nước thì rất cô đơn. Với em, tự do tuy cũng tốt đấy, nhưng cô đơn lại càng tệ hơn.” Chuyện kể rằng Cá voi và Hồ nước dù yêu nhau nhưng chẳng thể ở bên nhau, bởi sống trong Hồ nước, Cá voi rồi sẽ chết vì không đủ nước, còn Hồ nước cũng cạn đi vì nước tràn ra nhiều quá… Quen nhau qua cuộc bình chọn “Thập đại mỹ nữ” của trường đại học, ngay trong cuộc hẹn đầu tiên, Tú Cầu đã có cảm tình với Người đẹp số 6 thông minh, cởi mở lại hay có dự cảm bất ngờ. Một thời đại học qua đi, cho tới khi bước vào đời, giữa hai người luôn là sự thấu hiểu kỳ lạ cùng một cảm giác ngọt ngào mơ hồ ấm áp… Song câu chuyện về Cá voi và Hồ nước kia lại là lý do khiến Tú Cầu mãi không đủ can đảm bày tỏ lòng mình… Tình yêu chẳng nói thành lời đó, từ lãng mạn ban đầu tới đợi chờ nhớ mong hiện tại, được kể lại qua giọng văn hóm hỉnh nhẹ nhàng đặc trưng của Thái Trí Hằng, khiến ta thật sự mong rằng hạnh phúc sẽ là câu trả lời sau tất cả. *** Đôi nét về tác giả Thái Trí Hằng Thái Trí Hằng, còn được biết đến với biệt danh “Đầu gấu Thái”; sinh năm 1969, là nhà văn tiểu thuyết mạng nổi tiếng của Đài Loan dù tốt nghiệp tiến sỹ chuyên ngành Công trình thủy lợi. Năm 1998 với tiểu thuyết đầu tay “Lần đầu thân mật”, Thái Trí Hằng đã làm nên cơn sốt trong cộng đồng văn học Hoa ngữ. Hai tiểu thuyết “Lần đầu thân mật” và “Hoa hồng đêm” của ông đều đã được dựng thành phim. Tác phẩm của Thái Trí Hằng được Nhã Nam xuất bản: - Cá voi và hồ nước - Chỉ gọi tên em *** Đây là cuốn sách thứ 10 của tôi, con số 10 này quả rất nhạy cảm, khó tránh khiến người ta liên tưởng tới “thập toàn thập mỹ”. Lúc viết tuy tôi cũng có ý thức đến điều này, nhưng tâm trạng viết vẫn giống như mọi khi, hoàn toàn không mang ý đồ gì, chỉ muốn kể câu chuyện cho thật hay. Song nếu như cuốn sách thứ 10 của một tác giả bắt buộc phải đóng một vai trò đặc biệt nào đó, ví như sâu sắc hơn hay tốt đẹp hơn, vậy thì cuốn sách này đã làm tròn vai trò của nó. - Thái Trí Hằng *** Trích Cá voi và hồ nước Bốn rưỡi chiều, cơn bão Changmi đang hoành hành ở miền Tây Nam Đài Loan, tiếng gió mưa làm tôi giật mình tỉnh giấc. Có lẽ tại ngủ trưa lâu quá, đầu óc tôi hơi u mê, toàn thân uể oải. Phòng ngủ hơi tối, tôi gượng lấy lại tinh thần nhảy xuống giường, hướng ánh mắt ra ban công. Quần áo treo ngoài ban công nhảy múa trong gió, như muốn vùng thoát khỏi mắc áo bay vút đi xa tít tắp. Mở cánh cửa sổ kiểu Pháp ra, gió mạnh ập thẳng vào mặt trong nháy mắt khiến tôi hoàn toàn tỉnh táo. Mớ quần áo ướt sũng nằm dướt đất, vẫn không yên phận phập phồng trong gió bão. Còn nhớ lúc ăn cơm trưa xong là khoảng 1 giờ, gió mới chỉ phất qua từng cơn, cũng hơi mạnh nhưng chưa đến nỗi quá lớn, vả lại trời cũng chưa đổ mưa, không ngờ vừa ngủ một giấc dậy, gió mây đã đổi màu. Thôi kệ, đợi tạnh mưa rồi ra dọn dẹp sau. Đóng cửa lại, ra khỏi phòng ngủ. Lúc bước vào phòng sách, tôi tiện tay bật đèn lên. “A!” Tôi rú lên thảm thiết lao tới bên cửa sổ, cuống cuồng thu nhặt sách vở và mấy thứ linh tinh bị nước mưa hắt vào ướt hết. Sau đó chạy vào bếp lấy giẻ ra lau mấy vũng nước đọng trên mặt bàn và dưới sàn nhà, giẻ thấm đẫm nước thì đi vắt cho khô, vắt khô rồi lại lau, lặp đi lặp lại mười mấy lần mới tạm coi như không còn vết nước. Nhưng nước mưa vẫn rỉ vào qua khe cửa sổ đóng chặt, tụ lại thành dòng, tràn qua mép cửa sổ. Tôi lại vào nhà tắm lấy ra hai cái khăn bông khô và mấy thứ quần áo cần giặt, nhét khăn vào khe hở trên cửa, trải quần áo lên bàn sách và sàn nhà. Vậy chắc là được rồi, tôi thầm nghĩ. Tôi thở hắt một hơi, bắt đầu lau mồ hôi trên trán. Từ phòng khách hình như vẳng ra tiếng chuông điện thoại di động, hoà lẫn trong tiếng mưa gió nên đã mất đi sự vang dội thường ngày. Tôi nghiêng tai lắng nghe ba giây, quả nhiên là tiếng chuông điện thoại. Trong đầu vừa sượt qua ý nghĩ không hiểu ai lại đi gọi điện cho mình giữa cái tiết trời quỷ quái này, tôi đã ra đến phòng khách, cầm máy lên. Màn hình hiển thị tên người gọi là “Lại Đức Nhân”, bạn đại học kiêm đồng môn ở viện nghiên cứu của tôi. “Gì thế?” Tôi nhấn nút nghe. “Giờ cậu không có chuyện gì chứ?” “Tớ sống khoẻ lắm, không có chuyện gì, cám ơn quan tâm.” “Không phải ý đó. Tớ hỏi là, giờ cậu không bận việc gì chứ?” “Cậu muốn gì?” “Đến chỗ tớ đi.” “Bây giờ đang bão to đấy, cậu có lầm không thế?” “Đến đi mà. Tớ có cái chương trình chạy mãi không được.” “Thế thì liên quan khỉ gì đến tớ.” “Thế là sao?” “Liên quan khỉ gì đến tớ?” “Ừ, đến là được rồi, không liên quan.” “Tớ không muốn đi.” “Đến giúp tớ đi mà. Tớ đợi cậu trong phòng nghiên cứu. Tối nay ăn cơm chung luôn.” “Tớ không muốn.” “Đi xe cẩn thận nhé. Tớ đợi đấy.” “Tớ không…” Chưa nói hết câu, cậu ta đã gác máy. Chửi thầm mấy câu xong, tôi vẫn ngoan ngoãn mặc áo mưa, đội mũ bảo hiểm, xuống nhà lấy xe. Trên đường đâu đâu cũng toàn cành lá bị gió thổi rụng, tôi thường phải nghiến qua cả một mảng xanh. Đèn giao thông một ngã tư bị hỏng, cứ nhấp nháy đèn xanh mãi không ngừng, tôi giảm tốc, từ từ băng qua. Lái xe trong thời tiết này phải cẩn thận, bằng không lúc bị đụng nằm văng ra vệ đường, nhất định sẽ rất nhớ nhung mặt trời. Tuy đã vũ trang từ đầu đến chân, nước mưa vẫn thấm được vào ống quần, mắt kính cũng cứ mờ mờ mịt mịt. Dọc đường mưa to gió lớn, tôi hoàn toàn không nghe thấy tiếng động cơ xe, chỉ nghe thấy tiếng mình rủa xả. 15 phút sau, cuối cùng cũng an toàn đến được toà nhà của khoa. Vào bên trong, tôi liền cởi áo mưa, vắt lên tay vịn cầu thang. Kế đó, tháo kính ra lau khô, xắn ống quần đến đầu gối, rồi bắt đầu bước lên. Tôi leo thẳng lên tầng bốn, tầng này có bốn phòng nghiên cứu, mỗi phòng ngồi được mười hai người. Tôi khẽ khàng mở cửa gian phòng thứ hai, thò đầu vào xem, nghĩ chắc chẳng còn ai khác, bèn rón rén bước vào trong, bất ngờ hét lớn: “Này!” Định cho tên Lại Đức Nhân ấy một bài học. Không ngờ lại là một nghiên cứu sinh lạ hoắc ngẩng phắt đầu lên, hoảng hồn đứng bật dậy. “Anh tìm ai ạ?” Giọng cậu ta nghe như thể vẫn chưa định thần lại. “À?” Tôi cũng giật thót cả người. “Tôi tìm Lại Đức Nhân.” “Anh Lại Đức Nhân ở tầng ba ạ.” “Cám ơn.” Tôi hơi ngượng ngùng. “À, cho tôi xin lỗi nhé.” “Không có gì.” Anh ta cười cười. “Nghiên cứu sinh bị giáo sư hướng dẫn doạ quen rồi, tim khoẻ lắm.” Tôi cám ơn lần nữa, rồi ra khỏi phòng nghiên cứu. Chắc tôi bị mưa bão thổi cho u mê đầu óc, quên cả mất Lại Đức Nhân đã hoàn thành khoá thạc sĩ lâu rồi, tất nhiên không còn ở gian phòng ấy nữa. Lại Đức Nhân giờ đang học tiến sĩ, chắc cũng được năm năm rồi. Tầng ba có hai phòng, lần này tôi đã biết điều, gõ cửa phòng thứ nhất trước. “Vào đi,” giọng Lại Đức Nhân cất lên. “Đợi cậu lâu quá.” “Sao biết là tớ?” tôi mở cửa, rồi hỏi. “Thời tiết này còn thằng ngu nào chịu đến nữa đâu?” “Này, cậu gọi tớ đến đấy nhé.” Không gian phòng này rộng hơn phòng trên tầng bốn một chút, nhưng chỉ có chín chỗ ngồi. Bên trái cánh cửa cũng có một hàng giá sách kê dựa vào tường, cao đến trần nhà. Lại Đức Nhân đang ngồi ở trong cùng, sát cánh cửa sổ kiểu Pháp, hai mắt nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính. “Có mỗi cậu thôi à?” tôi hỏi. “Ừ,” cậu ta đáp, “vừa nãy còn một tên nữa, chắc là sang phòng thí nghiệm rồi.” “Chương trình có vấn đề gì?” Tôi bước đến bên Lại Đức Nhân. “Chẳng hiểu.” Cậu ta đứng dậy nhường chỗ. “Thậm chí còn chẳng compile[1] được.” “Lởm quá.” Tôi ngồi luôn xuống, tay phải đặt lên con chuột. Chương trình của Lại Đức Nhân viết hơi quái đản, mà cậu ta lại còn ngồi cạnh tôi hỏi này hỏi nọ, một chốc hỏi tôi tại sao lại như vậy? Lúc sau lại hỏi gần đây tôi khoẻ không? Làm tôi rất khó tập trung. Nửa tiếng sau, cuối cùng cũng xong. “Giải quyết rồi đấy,” tôi nói. “Mời tớ ăn tối đi.” “OK con dê.” Cậu ta đi tới giá sách, lấy ra hai bát mì ăn liền, rồi bước trở lại chỗ ngồi, chìa tay đưa cho tôi một bát. “Mì ăn liền?” tôi nhíu mày hỏi. “Thế cậu không biết à?” cậu ta nói. “Ngày bão ăn mì ăn liền là hạnh phúc nhất đấy.” “Tại sao?” “Vì ngày nắng ăn mì ăn liền vui vẻ nhất, ngày âm u ăn mì ăn liền lãng mạng nhất, ngày mưa ăn mì ăn liền thú vị nhất.” “Tóm lại là cậu chỉ muốn mời tớ ăn mì ăn liền.” “Đúng thế.” Cậu ta cười hì hì. Chúng tôi bưng hai bát mì ra máy nước đầu cầu thang đổ nước sôi, rồi quay lại phòng nghiên cứu. Trong ba phút đợi mì chín, chúng tôi nói chuyện phiếm mấy câu, chủ đề là cơn bão hôm nay. “Mở tí nhạc nền nhé,” cậu ta mở bát mì, rồi nói. Lại Đức Nhân đứng dậy mở toang cửa sổ, tiếng gầm giận dữ của mưa bão điên cuồng bên ngoài tức thì ùa vào. “Cũng không tệ nhỉ.” Cậu ta cười cười, cầm đũa lên. “Lâu lắm không ăn chung rồi, có nhớ tớ không?” Tôi chẳng thèm để ý cậu ta, cúi đầu mở bát mì, cầm đũa lên. “Dạo này có phim gì hay không?” tôi hỏi. “Sáng nay vừa xem Phòng y tế sau giờ tan lớp, cũng được.” “Hả.” “Phim không che ấy.” “Thật không đấy?” Tôi nghiêm sắc mặt. “Này, nói chuyện gì phù hợp với thân phận của cậu đi.” “Với cậu thì chỉ nói được mấy chuyện này thôi,” cậu ta đáp. “Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy.” Tôi không muốn tiếp chuyện cậu ta nữa, hai tay bưng bát mì, húp nốt chỗ nước còn sót lại. “Ra ngoài hóng gió đi.” Lại Đức Nhân bước ra ban công bên ngoài cửa sổ, dựa người vào lan can. “Bão đấy, gió máy quái gì.” Ngoài miệng thì nói vậy, nhưng tôi vẫn đứng dậy bước ra dựa vào lan can ngoài ban công. Gió mưa vẫn không ngừng, sắc trời đã đen kịt. Ban công hơi ướt, nhưng vẫn khô ráo hơn nhiều so với cái ban công bên ngoài phòng ngủ của tôi. Tôi đứng cạnh cậu ta, tận hưởng cảm giác những hạt mưa thi thoảng theo gió táp vào mặt, man mát, rất dễ chịu. “Dạo này ổn không?” cậu ta đột nhiên hỏi. “Lúc tớ sửa chương trình cậu chẳng hỏi rồi còn gì.” “Nhưng cậu chưa trả lời.” “Tớ chưa trả lời à?” “Ừ,” cậu ta ngoảnh lại nhìn tôi, “dạo này ổn không?” “Vấn đề này quan trọng thế cơ à?” tôi nói. “Phải hỏi những ba lần?” “Rốt cuộc cậu có trả lời không?” “Dạo này là dạo nào?” “Khoảng ba tháng rưỡi nay.” “Ba tháng rưỡi thì không phải ‘dạo này’ rồi.” “OK,” cậu ta nói, “vậy tớ đổi câu hỏi: ba tháng rưỡi nay cậu có ổn không?” “Ba tháng rưỡi là hơn 100 ngày, lâu quá, một lời khó mà nói hết được.” “Đằng nào cậu cũng không muốn trả lời chứ gì.” “Đúng thế.” Tôi bật cười. Cả hai đều im lặng, chỉ nghe tiếng gió thổi vù vù bên tai. “Cho cậu xem cái này.” Cậu ta là người phá vỡ bầu không khí im lặng đó trước. “Phòng học sau giờ tan lớp à?” “Phòng y tế, không phải phòng học.” “Khác nhau à?” “Đương nhiên rồi. Phòng y tế có giường, phòng học đâu có.” “Ờ,” tôi nói, “nhưng mấy thứ đó tớ thích xem một mình hơn.” “Tớ có định cho cậu xem cái ấy đâu!” Cậu ta đi vào phòng, tôi lấy làm tò mò, liền ngoảnh đầu lại nhìn theo. Chỉ thấy cậu ta lôi từ góc giá sách ra một hộp giấy, sau đó lấy trong hộp ra một cái búi màu đỏ. “Còn nhớ thứ này không?” Cậu ta lại quay trở ra ban công, giơ cái búi đỏ ấy ra trước mặt tôi. Đó là một quả tú cầu làm bằng những miếng bìa màu đỏ, to hơn quả bóng rổ một chút. Tiếng gió tiếng mưa bên tai tôi dường như đột ngột ngưng bặt. Đó không phải một quả bóng tròn ghép bằng những miếng bìa dày, nhìn bề ngoài, nó cũng chẳng có hình cầu. Nó gồm những miếng bìa được cắt tua rua dán vào với nhau, tạo thành hình dạng giống kiểu kiến trúc bằng sắt thép hiện đại. Nếu tưởng tượng một chút chút, sẽ thấy những miếng bìa này hợp thành một hình cầu. “Ê!” Lại Đức Nhân hét lên. Tôi chỉ ngẩng đầu lên nhìn cậu ta một cái, không trả lời, đưa tay đón lấy quả tú cầu đỏ. Bên trong quả tú cầu có buộc mấy cái chuông nhỏ bằng kim loại, đã bị gỉ hoét từ lâu. Nhưng khi tôi lắc nhẹ, quả tú cầu vẫn phát ra những tiếng đinh đang trong vắt. Tiếng mưa tiếng gió cũng không nhấn chìm được. Tôi xoay quả tú cầu, quả nhiên bên trên vẫn còn buộc tấm thẻ nhỏ màu đỏ ấy. Trên tấm thẻ viết: Người đẹp số 6 Ông Huệ Đình. Đương nhiên tôi vẫn nhớ, sự thực là, tôi còn chưa từng quên.... |