Viết Về Bè Bạn
(Hết hàng)
Tác giả: Bùi Ngọc Tấn Thể loại: Văn học ISBN: 8936024918484 Xuất bản: 5/2012 Trọng lượng: 540 gr NXB: Hội Nhà Văn Số trang: 480 trang - khổ: 14x20,5 cm Giá bán: 87,000 đ |
|
“Viết Về Bè Bạn” là một cuốn hồi ký. Nhưng khác với những hồi ký quen thuộc -trong đó, nếu không tất cả thì hầu hết những sự việc chính thường xoay quanh thân thế và sự nghiệp của tác giả- trong tác phẩm này Bùi Ngọc Tấn đã chọn những người bạn văn của ông làm đối tượng hồi ký. Và mặc dầu Bùi Ngọc Tấn không công khai bộc lộ, nhưng người đọc hiều ngầm được những lý do sâu xa khiến một người từng ở tù như ông, không hoặc chưa thề trực tiếp viết về mình, ít nữa là trong lúc này. Trong Lời Đầu Sách, tác giả viết: “Thôi thì trong khi chưa hồi ký được về mình hãy “Viết Về Bè Bạn“. Và ông nhấn mạnh: “Nhưng các bạn tôi hầu hết là những người chịu nhiều vất vả, kể cả đắng cay… Đành có sao viết vậy… Tôi viết về sự nhếch nhác trần ai của họ” (VVBB trang 12) Trong đoản văn đầu tiên: Rừng Xưa Xanh Lá, Bùi Ngọc Tấn đã hé mở cho người đọc thấy phần nào cái “nhếch nhác, trần ai” của ba người bạn văn của ông: Đình Kính, Chu lai, hai nhà văn quân đội và Nguyễn Quang Thân, tác giả nhiều thiên tiểu thuyết từng một thời làm say mê độc giả ở quốc nội. Ông viết: “Phải có tiền…..Và cũng chỉ còn một cách kiếm tiền: viết thuê. Dùng nghề nghiệp của mình kiếm sống“. Để có tiền, nói cách khác, để sống còn, “Thôi thì đành gác lại những trang sách vẫn nghiền ngẫm nung nấu, những tác phẩm sẽ được viết ra bằng tim gan mình. Hãy để lại sau. Để đến bao giờ chưa biết, nhưng trước mắt là kiếm sống(VVBB trang 15) Đình Kính, Chu Lai, Nguyễn Quang Thân đã phải ép mình chấp nhận viết thuê cho viên giám đốc một lâm trường quốc doanh. Dĩ nhiên họ không thể viết theo ý mình. Họ phải vận dụng ngôn từ, chủ nghĩa, kể cả những mánh lới mang tính lưu manh, để thỏa mãn ý muốn của người thuê viết, là biến “Rừng xưa lá úa” trở thành “Rừng xưa xanh lá”. “Rừng xưa lá úa. Nhưng những con người đến cùng rừng hôm nay đã thay lá cho rừng. Không phải đất trời, sự vận động của thời tiết, của bốn mùa đã làm nên điều ấy. Mà chính là những con người (…) (…) Con đường mới mở trong rừng đâu phải chỉ làm bằng máy móc. Trước hết, nó được làm bằng trí tuệ, bằng tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội của những người làm việc âm thầm không cần ai biết đến…..Rừng thay lá. Rừng sống lại. Rừng lại hát khúc ca hùng tráng của rừng“. Những cây bút viết thuê này biết rằng họ phải bịa, cho dù phải cúi mặt vì xấu hổ với lương tâm. Nhưng biết làm gì khác hơn khi vợ con, bố mẹ và cả chính mình còn có một thứ nợ đời phải trả. Đó là nợ áo cơm. Bằng mọi gíá họ phải đáp ứng đòi hỏi của người thuê là hoàn tất cuốn sách có tên “Rừng Xưa Xanh Lá” trong thời hạn hai tháng được nuôi ăn, và sau khi hoàn tất được trả công mỗi người đúng một chỉ vàng như đã quy định trong hợp đồng từ lúc khởi đầu. Bùi Ngọc Tấn đã kết thúc câu chuyện với những chi tiết cười ra nước mắt. Chắc chắn ông không bịa chuyện, vì đây là hồi ký với những “người thật, việc thật”. Sau khi ba nhà văn viết thuê hớn hở nhận thù lao mỗi người một chiếc nhẫn đúng một chỉ vàng, họ cẩn thận xỏ vào ngón tay và từ giã viên giám đốc lâm trường ra về. Nguyễn Quang Thân về Cần Thơ. Đình Kính, Chu Lai lên xe đò về Sàigòn. Rời bến xe, Đình Kính, Chu Lai dùng xe đạp đi qua Vườn Bách Thảo. Tại đây họ bị một bầy “chị em ta” vây kín, chèo kéo. Đến khi thoát ra được, đạp xe một đỗi, giơ tay lên với ý định ngắm lại chiến lợi phẩm, Đình Kính tái mặt phát hiện: chiếc nhẫn đã biến mất tự lúc nào! Tất cả tài sản do công khó hai tháng trời chung sức viết thuê kiếm được đã bị mấy “chị em ta” nhanh tay lột mất! Chi tiết của đoạn kết không chỉ nói lên cảnh “chó cắn áo rách” mà nhà văn Đình Kính là nạn nhân. Nó còn là những nét chấm phá về một thực trạng xã hội không mấy đẹp của một thành phố “mang tên bác” ngày nay. Điều đáng nói là tuy tác giả viết về những bè bạn thân thiết, nhưng qua đó, thấp thoáng xuyên suốt tác phẩm, người đọc vẫn thường xuyên bắt gặp chính con người ông. Trong đoản văn Thời Gian gấp Ruổi viết về Mạc Lân, tức Lê Văn Lân, con trai nhà văn Lê Văn Trương, khi đề cập những trường hợp viết thuê khác -cũng được gọi là viết “theo đơn đặt hàng”, Bùi Ngọc Tấn ghi lại như sau: “Cái khoản ấy Lân rành. Chẳng cứ Lân rành. (Và cả tôi nữa, cũng rành). Lê Bầu và Lân làm thành một tổ viết văn chui. Nghĩa là viết văn không cho người khác biết, trừ người đặt hàng mình… Đủ các đề tài. Chuyện chiến đấu trong Nam. Chuyện nhà máy, cải tiến kỹ thuật, mỗi người làm việc bằng hai… Chuyện phong trào hai tốt (dạy tốt, học tốt) ở các trường học...” (VVBB trang 69). Cũng vì chuyện áo cơm, những người bạn văn của tác giả hồi ký “Viết Về Bè Bạn” đã phải chấp nhận làm bất cứ công việc gì, kể cả việc mang tấm thân còm cõi đi…bán máu! Đó là những tên tuổi trong giới văn gia không ít người biết đến trong nền văn chương xã hội chủ nghĩa như Dương Tường, Lê Mạc Lân, Chính Yên, Phan Kế Bảo, Phương Nam… và có nhiều phần chắc là cả tác giả “Chuyện Kể Năm 2000″. Trân trọng giới thiệu. |