Phật Cồ Đàm (Lịch sử và sự thức tỉnh của Người với nhân sinh) - Thiền Và Nghệ Thuật Đối Diện Với Cuộc Đời
(Hết hàng)
Tác giả: Osho. Sưu tầm và biên dịch: Phương Liên, Minh Đức Thể loại: Khoa học thường thức ISBN: 8936052310458 Xuất bản: 6/2011 Trọng lượng: 200 gr NXB: Đồng Nai Số trang: 184 trang, kích thước: 14.5x20.5 cm Giá bán: 45,000 đ |
|
Gautam Buddha (Phật Cồ Đàm) được đặt tên là Siddhartha (Tất Đạt Đa). Gautama là họ cho nên tên họ đầy đủ của người là Gautama Siddhartha. Buddha (Phật) không phải là tên, mà là sự thức tỉnh của người. Phật có nghĩa là “người đã tỉnh ngộ”. Phật Cồ Đàm là người giác ngộ nổi tiếng nhất nhưng không có nghĩa là người giác ngộ duy nhất. Có rất nhiều phật trước người và sau người – chừng nào mỗi con người đều có thể trở thành một vị phật, chừng đó những vị phật mới sẽ tiếp tục nảy sinh trong tương lai. Ai cũng có tiềm năng… chỉ cần chờ đến đúng thời điểm. Một ngày kia, bị tra tấn bởi thực tế bên ngoài, buồn bã khi chứng kiến mọi chuyện và chẳng tìm thấy được điều gì, bạn sẽ quay về với nội tâm. Từ Buddha (phật) có nghĩa là “trí thông minh tỉnh ngộ”. Từ Buddhi (trí tuệ), cũng xuất phát từ một nguồn gốc. Từ gốc Budh rất đa nghĩa. Không có từ tiếng Anh nào có thể dịch được. Ý nghĩa của từ rất đa dạng và nên thơ. Không ngôn ngữ nào có từ tương tự như budh, vốn có ý nghĩa rất phong phú, ít nhất năm ý nghĩa. Nghĩa thứ nhất là thức tỉnh, tự mình thức tỉnh, thức tỉnh người khác, tỉnh ngộ. Hiểu theo nghĩa hẹp, nó trái với ngái ngủ, là sự thức tỉnh từ một giấc ngủ mơ màng ảo ảnh. Đó là ý nghĩa đầu tiên của trí tuệ, budh: tạo nên sự tỉnh ngộ trong bạn. Người bình thường thì ngái ngủ. Ngay cả khi bạn nghĩ bạn đang tỉnh táo, bạn cũng không tỉnh táo. Đi bộ trên đường, bạn hoàn toàn tỉnh táo – theo tâm trí bạn. Nhưng theo cách nhìn của một vị phật, bạn buồn ngủ rất nhanh, vì ngàn lẻ một giấc mơ và ý tưởng đang ấp ủ bên trong bạn. Ánh sáng nội tâm của bạn bị che mờ bởi một loại mơ ngủ. Vâng, mắt bạn đang mở, rõ ràng là thế, nhưng người ta có thể đi trong mơ, trong lúc ngủ, với đôi mắt mở to. Phật nói bạn cũng đang mộng du với đôi mắt mở to. Nhưng con mắt nội tâm của bạn không mở. Bạn không biết bạn là ai. Bạn không xem xét hiện thực của riêng bạn. Bạn không thức tỉnh. Một trí tuệ đầy ắp những nghĩ suy thì không thức tỉnh, không thể tỉnh táo. Chỉ có trí tuệ đã buông bỏ mọi ý tưởng và suy nghĩ – xua tan mây mù để mặt trời chiếu sáng rạng rỡ giữa bầu trời quang đãng – mới là trí tuệ thông minh, mới là tỉnh ngộ. Trí thông minh là khả năng sống trong hiện tại. Càng sống nhiều với quá khứ hay tương lai, bạn càng kém thông minh. Trí thông minh là khả năng sống ngay tại đây, ngay lúc này, chứ chẳng phải nơi nào khác. Đó là tỉnh ngộ. Ví dụ, bạn đang ngồi ở trong nhà, ngôi nhà đột nhiên bốc lửa, sự sống của bạn bị đe dọa. Trong khoảnh khắc, bạn sực tỉnh. Trong khoảnh khắc đó, bạn không suy nghĩ gì nhiều. Trong khoảnh khắc đó, bạn quên phắt quá khứ. Trong khoảnh khắc đó, bạn sẽ không còn nghe thấy tiếng ồn ĩ của những ký ức tâm lý của bạn: rằng trước đây bạn từng được một phụ nữ ba mươi tuổi yêu tha thiết, và bạn có một đứa con trai, thật tuyệt vời! Hay vào một ngày khác, bạn đang ở trong một nhà hàng Trung Quốc, lòng còn vấn vương hương vị thơm ngon của thức ăn đang được nấu nướng. Bạn sẽ không sống với những ý nghĩ đó. Không, khi nhà của bạn đang cháy, bạn không thể tơ tưởng đến những ý nghĩ đó được. Đột nhiên bạn vội vã xộc vào thời điểm này: Ngôi nhà đang cháy và sự sống của bạn đang ngàn cân treo sợi tóc. Bạn không mơ mộng đến tương lai hay nghĩ đến việc mình sẽ làm vào ngày mai. Ngày mai chẳng liên quan gì cả, ngày hôm qua cũng chẳng liên quan gì – thậm chí ngày hôm nay cũng không liên quan nữa! Chỉ có thời điểm này, giây phút này. Đó là ý nghĩa đầu tiên của buddha, trí thông minh. Kế đến là ý nghĩa thâm thúy khác. Một người muốn tỉnh ngộ, muốn thành phật, phải sống từng giây phút với xúc cảm mãnh liệt y như lúc đang sống trong giây phút cực kỳ hiếm hoi lúc lâm nguy. Ý nghĩa đầu tiên trái với mơ ngủ. Tất nhiên, bạn chỉ có thể thấy hiện thực khi không ngủ. Bạn có thể đối diện với nó, có thể nhìn bằng con mắt chân lý – hay gọi nó là “Trời Đất” – chỉ khi bạn thức tỉnh. Bạn có hiểu ý nghĩa cốt lõi của xúc cảm mãnh liệt, ý nghĩa cốt lõi của việc sống giữa đám cháy không? Hoàn toàn tỉnh ngộ, đó là sáng suốt. Sự sáng suốt này đem lại tự do; sự sáng suốt này đem lại chân lý. Người thông minh không quan tâm lắm đến thông tin và kiến thức. Người thông minh quan tâm nhiều đến khả năng hiểu biết. Anh ta chỉ một mực quan tâm đến việc hiểu biết, chứ không phải kiến thức. Hiểu biết giúp bạn thấu hiểu, còn kiến thức chỉ cho bạn cảm giác thấu hiểu chứ không cho bạn sự thấu hiểu đích thực. Kiến thức là tiền giả, là sự lừa dối. Nó chỉ cho bạn cảm giác bạn hiểu biết, song bạn lại không hiểu gì cả. Bạn có thể thu thập kiến thức thật nhiều, bạn có thể tiếp tục tích trữ, bạn có thể trở nên cực kỳ am hiểu. Bạn có thể viết sách, có nhiều bằng cấp, nhiều bằng tiến sĩ và hơn cả tiến sĩ, nhưng bạn vẫn cứ là kẻ dốt nát, ngu muội như con người bạn vẫn thế. Bằng cấp không làm bạn đổi thay, chúng không thể thay đổi bạn. Thực ra, bạn càng ngu dốt hơn, bây giờ là sự ngu dốt có bằng cấp! Sự ngu dốt có thể tự khẳng định mình qua mớ bằng cấp. Nó không thể tự khẳng định bằng cuộc sống, mà chỉ bằng xấp giấy chứng nhận. Nó không thể khẳng định điều gì bằng bất cứ cách nào, mà sẽ mang theo bằng cấp, chứng nhận, sự công nhận của xã hội. Người ta nghĩ bạn hiểu biết, và bạn cũng nghĩ mình hiểu biết. Bạn chưa hiểu điều này ư? Những người được thiên hạ cho là hiểu biết hơn người cũng ngu dốt như bất cứ người nào, đôi khi còn ngu dốt hơn. Hiếm khi tìm thấy người thông minh ở giới học thuật, rất hiếm khi. Tôi từng ở trong giới học thuật và tôi nói bằng kinh nghiệm của mình. Tôi từng thấy những nông dân thông minh, nhưng tôi chưa từng thấy những giáo sư thông minh. Tôi từng thấy những thợ xẻ thông minh, nhưng tôi chưa từng thấy giáo sư thông minh. Tại sao? Có điều gì sai với những con người này? Chỉ có một điều sai: Họ có thể lệ thuộc vào kiến thức. Họ không cần trở thành người hiểu biết, họ có thể dựa vào kiến thức. Họ tìm thấy một phương pháp cũ. Sự mới mẻ cần sự dũng cảm. Sự mới mẻ, sự hiểu biết, chỉ rất ít người có được – những người mạo hiểm, những người vượt ra khỏi lối mòn mà đám đông chen chúc, những người mở ra những con đường hẹp đi vào khu rừng rậm của điều không thể biết. Điều nguy hiểm là họ có thể bị lạc lối. Nguy cơ rất cao. Khi bạn có thể có kiến thức đã dùng rồi, tại sao phải nhọc công? Bạn có thể ngồi yên trên ghế. Bạn có thể đến thư viện hay trường đại học, bạn có thể thu thập thông tin. Bạn có thể tạo ra một đống thông tin và ngự trên đó. Nhờ kiến thức mà bộ nhớ của bạn càng lúc càng lớn hơn, nhưng trí thông minh của bạn không lớn thêm. Đôi khi, khi bạn không hiểu biết nhiều, khi bạn có ít kiến thức, bạn lại thông minh hơn. Tôi từng nghe… Một phụ nữ đã mua một hộp trái cây và không sao mở được cái hộp. Bà không biết phải làm sao để mở được nó nên đã lục lọi đi tìm một cuốn sách dạy nấu ăn. Sau khi lật giở nhiều trang sách để tìm kiếm, tham khảo, bà quay lại với cái hộp, thì thấy người giúp việc đã mở nó ra rồi. Bà hỏi: “Làm sao anh mở nó ra được vậy?” Người giúp việc đáp: “Thưa bà, khi không biết đọc, bà phải dùng đến trí tuệ”. Vâng, đó là cách sự việc diễn ra! Đó là lý do vì sao những nông dân, thợ làm vườn, thợ xẻ thất học mù chữ đã tỏ ra thông minh hơn. Có một sự tươi mới xung quanh họ. Họ không biết đọc, cho nên họ phải dùng đến trí tuệ của mình. Người thì phải sống, còn người thì phải dùng đến trí tuệ của người khác. Ý nghĩa thứ ba của budh là hiểu biết, nghĩa là thấu hiểu. Đức Phật đã thấy được điều này. Người thấu hiểu điều này, và sự thấu hiểu của người thoát khỏi mọi sự gò bó, lệ thuộc. Điều đó có nghĩa là gì? Nếu muốn rũ bỏ nỗi sợ hãi, bạn phải thấu hiểu nỗi sợ. Nhưng nếu bạn muốn trốn tránh sự thật rằng nỗi sợ đang có đó, rằng nỗi sợ chết đang có đó… nếu bạn sợ hãi ở trong lòng, bạn sẽ phải tạo ra một cái gì rắn rỏi quanh bạn kiểu như một cái vỏ cứng, để không ai biết được rằng bạn đang sợ hãi. Và đó không phải điểm quan trọng duy nhất – bạn cũng sẽ không biết rằng bạn đang sợ vì cái vỏ cứng. Nó sẽ che chở bạn trước người khác và che chắn bạn trước sự thấu hiểu của bạn. Một người thông minh không trốn tránh bất kỳ một sự thật nào. Nếu đó là nỗi sợ hãi, anh ta sẽ đi sâu vào đó, vì con đường thoát ra là đi xuyên qua. Nếu cảm thấy nỗi run sợ nảy sinh trong lòng, anh ta sẽ gạt bỏ mọi thứ sang một bên: Trước tiên phải vượt qua nỗi sợ hãi này. Anh ta sẽ đi sâu vào nó, sẽ cố gắng thấu hiểu. Anh ta sẽ không cố tìm cách để không sợ hãi, anh ta sẽ không đặt ra vấn đề này. Anh ta chỉ tìm hiểu một câu thôi: “Nỗi sợ này là gì? Nó ở đó, nó là một bộ phận của tôi, nó là hiện thực của tôi. Tôi phải đi sâu vào nó, phải tìm hiểu nó. Nếu không thấu hiểu nó thì tôi sẽ vẫn không hiểu gì về một bộ phận của tôi. Và tôi sẽ hiểu con người tôi như thế nào nếu cứ mãi né tránh không tìm hiểu về những bộ phận của chính mình? Tôi sẽ không hiểu nỗi sợ, tôi sẽ không hiểu cái chết, tôi sẽ không hiểu sự giận dữ. Tôi sẽ không hiểu nỗi oán ghét của tôi, tôi sẽ không hiểu nỗi ghen tỵ của tôi, tôi sẽ không hiểu điều này điều kia…”. Còn bạn sẽ hiểu bản thân bạn như thế nào? Tất cả những thứ này đều là bạn, là con người bạn. Bạn phải đi sâu vào mọi chuyện đang diễn ra, tận cùng mọi ngóc ngách. Bạn phải khám phá nỗi sợ hãi. Cho dù bạn đang run sợ cũng chẳng có gì đáng để lo lắng: Run sợ, nhưng cứ tiến sâu vào. Thà run sợ vẫn tốt hơn là trốn chạy, vì khi bạn trốn chạy, bộ phận đó sẽ vẫn cứ mù mờ bí ẩn đối với bạn. Và bạn sẽ càng lúc càng trở nên sợ phải tìm hiểu nó, vì nỗi sợ sẽ tiếp tục tích lũy. Càng lúc nó càng lớn lên thêm nếu bạn không tìm hiểu nó ngay bây giờ, ngay lúc này. Ngày mai nó sẽ sống thêm hai mươi bốn tiếng đồng hồ nữa. Hãy coi chừng! – nó sẽ đâm chồi mọc rễ trong lòng bạn, nó sẽ đâm cành nảy nhánh, ngày càng lớn mạnh, và rồi rất khó xử lý. Thà làm ngay lúc này. Cũng đã muộn rồi. Đi sâu vào tìm hiểu nó… Và tìm hiểu nghĩa là không thành kiến. Tìm hiểu nghĩa là bạn không quy kết nỗi sợ là xấu ngay từ thưở ban đầu. Ai biết được? – điều đó không xấu – ai biết nó như thế? Nhà thám hiểm phải đón nhận mọi khả năng, anh ta không thể có một đầu óc hẹp hòi. Óc hẹp hòi và mạo hiểm không đi cùng với nhau. Anh ta sẽ tiến sâu vào. Nếu gặp khổ sở đau đớn, anh ta sẽ ráng chịu đau đớn nhưng vẫn tiến sâu vào. Run sợ, ngập ngừng, nhưng anh ta vẫn tiến sâu vào: “Đây là lãnh thổ của tôi, tôi phải biết nó như thế nào. Có thể nó sẽ đem lại cho tôi một kho tàng vô giá chăng? Có thể nỗi sợ ở đó chỉ để bảo vệ kho tàng vô giá đó”. Đó là kinh nghiệm của tôi, là sự thấu hiểu của tôi: Nếu bạn đi sâu vào nỗi sợ bạn sẽ tìm thấy tình yêu. Đó là lý do tại sao khi bạn đang yêu, bạn không thấy sợ. Khi bạn sợ, bạn không thể yêu. Điều đó nghĩa là gì? Một phép tính đơn giản – sợ hãi và tình yêu không tồn tại cùng nhau. Nghĩa là chắc chắn một năng lượng tương đương đã biến thành sợ hãi, nên không còn năng lượng nào dành cho tình yêu. Khi năng lượng trở thành tình yêu, thì không còn gì dành cho nỗi sợ. Đào sâu vào mỗi ý nghĩ tiêu cực, bạn sẽ tìm thấy điều tích cực. Và hiểu biết điều tiêu cực và tích cực, rốt cục điều thứ ba cũng xảy ra – sự tiên nghiệm. Đó là ý nghĩa của thấu hiểu, budh, trí thông minh. Ý nghĩa thứ tư là được khai sáng và khai sáng. Phật là ánh sáng, người đã trở thành ánh sáng. Và vì người là ánh sáng và đã trở thành ánh sáng, người cũng bày tỏ ánh sáng đó cho người khác – một cách tự nhiên, rõ ràng. Người là sự soi sáng. Bóng tối của người đã biến mất; ngọn lửa nội tâm của người bừng cháy sáng rực. Ngọn lửa không có khói. Ý nghĩa này trái với bóng tối cùng sự mù lòa, ngu dốt. Đây là ý nghĩa thứ tư: Trở thành ánh sáng, trở nên được khai sáng. Bình thường bạn là bóng tối, một lục địa của bóng tối, một đại lục tối tăm, chưa được khám phá. Con người hơi lạ lùng: Họ không ngừng khám phá đỉnh Hymalaya, không ngừng khám phá Thái Bình Dương, không ngừng bay lên mặt trăng và Hỏa tinh, duy chỉ một nơi họ chưa bao giờ thử – khám phá nội tâm. Con người đã đặt chân lên mặt trăng, nhưng chưa bao giờ chạm tới con người riêng của mình. Điều này thật lạ. Có thể đặt chân lên mặt trăng chỉ là một lối thoát, leo lên đỉnh Everest chỉ là một lối thoát. Có thể con người không muốn đi vào nội tâm vì quá e sợ. Con người thay thế bằng những cuộc mạo hiểm khác để cảm thấy hài lòng; nếu không, người sẽ thấy có tội. Bạn leo lên một ngọn núi và cảm thấy hài lòng – nhưng ngọn núi cao nhất ở ngay trong lòng bạn và vẫn chưa có người leo lên! Bạn lặn xuống biển sâu Thái Bình Dương, nhưng Thái Bình Dương sâu nhất ở ngay trong lòng bạn và vẫn chưa có ai lặn xuống, chưa có ai đưa vào bản đồ. Và bạn bay lên mặt trăng – thật ngớ ngẩn làm sao! Bạn đang phí hoài năng lượng của mình để bay lên mặt trăng, trong khi mặt trăng thật sự ở ngay trong lòng bạn – vì ánh sáng thật sự ở ngay trong lòng bạn. Người thông minh sẽ hướng vào nội tâm trước tiên. Trước khi đi bất cứ đâu, bạn sẽ đi sâu vào chính con người mình. Đó là việc trước tiên, và lẽ ra đó phải là điều ưu tiên số một. Chỉ khi thấu hiểu bản thân mình bạn mới có thể đi đến bất cứ nơi nào khác. Và ở những nơi bạn tới, bạn sẽ mang theo cả một trời hạnh phúc, một trời bình an, thanh tĩnh và ca tụng. Ý nghĩa thứ tư là được khai sáng. Trí thông minh là một tia sáng. Được trợ giúp và hợp tác, nó trở thành ngọn lửa sáng sủa và ấm áp. Nó có thể trở thành ánh sáng, trở thành sự sống, trở thành tình yêu – tất cả đều bao gồm trong từ khai sáng. Một người được khai sáng không còn những ngóc ngách tối tăm trong con người hắn. Tất cả đều giống như buổi sáng – mặt trời ngự ở đường chân trời, bóng tối và những cảnh tượng buồn thảm, ảm đạm của đêm tối đều biến mất, và bóng đêm cũng biến mất. Trái đất lại thức dậy. Là phật, là đạt tới buổi sáng, bình minh trong lòng bạn. Đó là trách nhiệm của trí thông minh, trách nhiệm tối cao. Ý nghĩa thứ năm của budh là thăm dò. Có một chiều sâu trong lòng bạn, một chiều sâu không đáy cần được thăm dò. Ý nghĩa thứ năm cũng có thể là thâm nhập, là phá bỏ những trở ngại, bế tắc và xuyên thấu đến cốt lõi bên trong con người bạn. Con người cố gắng thâm nhập nhiều thứ trong cuộc sống. Ước muốn của bạn, ham muốn tình dục của bạn cũng chỉ là một kiểu thâm nhập. Nhưng đó là sự thâm nhập vào người khác. Sự thâm nhập tương tự cũng phải xảy ra cho chính bản thân bạn – bạn phải thâm nhập chính mình. Nếu bạn thâm nhập người khác, bạn có thể nhận được một ý niệm lờ mờ thoáng qua, nhưng nếu bạn thâm nhập chính mình, bạn có thể đạt tới niềm hân hoan bao trùm cả vũ trụ, trời đất cứ còn mãi, còn mãi và còn mãi. Một người đàn ông gặp một phụ nữ bên ngoài, và một phụ nữ gặp một người đàn ông bên ngoài: Đây là cuộc gặp gỡ rất hời hợt – cho dù rất có ý nghĩa, cho dù nó đem lại nhiều giây phút vui vẻ. Trừ khi người phụ nữ bên trong gặp gỡ người đàn ông bên trong… Và khi bạn chứa đựng cả hai bên trong mình: Một nửa của bạn là nữ, còn nửa kia là nam. Cho dù bạn là nam hay nữ, điều đó không quan trọng, mọi người ai cũng lưỡng tính. Ý nghĩa thứ năm của từ gốc budh là thâm nhập. Khi người đàn ông bên trong bạn thâm nhập người phụ nữ bên trong bạn, có một sự gặp gỡ; bạn trở nên toàn bích, bạn trở thành một. Mọi ước muốn bên ngoài đều biến mất. Trong sự không ước muốn này là tự do, cõi niết bàn. Con đường của Phật là con đường của budh. Nên nhớ rằng, “Phật” không phải là tên của Phật Cồ Đàm. Phật là trạng thái mà người đạt được. Tên của người là Cồ Đàm Tất Đạt Đa. Một hôm người trở thành Phật, một hôm bodhi của người, trí thông minh của người, thăng hoa. “Phật” có ý nghĩa y như ý nghĩa của “Christ” (Ki-tô). Tên của Jesus không phải là Christ; đó là sự thăng hoa tột đỉnh đã xảy ra ở người. Cho nên nó đồng nghĩa với Phật. Còn có nhiều vị phật khác, chứ không chỉ có một Cồ Đàm Tất Đạt Đa. Ai cũng có khả năng thành phật. Nhưng budh, với khả năng hiểu biết, chỉ như một hạt giống trong bạn – nếu nó nảy mầm, lớn lên thành cây, nở hoa, uốn lượn giữa trời, thì thầm với những vì sao, thì bạn là phật. Con đường của Phật là con đường của trí thông minh. Nó không phải là con đường cảm xúc, không, không hề. Không phải những người giàu cảm xúc không thể đạt tới, còn nhiều con đường khác cho họ – con đường hiến dâng, Bhakti Yoga. Con đường của Phật là Gyan Yoga thuần túy, con đường hiểu biết. Con đường của Phật là con đường thiền định, không phải tình yêu. Trí tuệ phải được sử dụng, chứ không thải hồi; nó phải được vượt qua, chứ không bỏ đi. Chỉ có thể vượt qua nó khi bạn đạt tới nấc thang cao nhất. Bạn phải tiếp tục phát triển trí thông minh. Rồi tới một lúc trí thông minh sẽ làm mọi việc nó có thể. Lúc đó, hãy nói lời tạm biệt trí thông minh. Nó đã hỗ trợ một thời gian dài, nó đã đưa bạn đi đủ xa, nó đã là một phương tiện rất tốt. Nó đã là chiếc thuyền đưa bạn qua sông và khi đến được bến bờ bên kia, bạn từ bỏ chiếc thuyền. Bạn không mang vác chiếc thuyền trên lưng, đó là điều đại ngốc. Con đường của Phật đi qua trí thông minh và vượt qua nó. Khi trí thông minh đã trao cho bạn hết tất cả mọi thứ nó có, bạn không còn cần đến nó nữa. Cuối cùng bạn cũng rời bỏ nó, công việc của nó đã hoàn tất. Bệnh đã hết rồi, thì thôi, khỏi cần đến thuốc thang chi nữa. Khi bạn đã khỏi bệnh và cũng khỏi phải uống thuốc, đó chính là lúc bạn được tự do. Đôi khi cũng xảy ra trường hợp tuy đã khỏi bệnh, nhưng bạn bị nghiện thuốc. Đó không phải là tự do. Một cái gai ở gót chân làm bạn đau. Bạn nhận thêm một cái gai khác để nhờ nó mà cái gai nơi gót chân được nhổ bỏ đi. Khi đã nhổ bỏ được cái gai này rồi, bạn phải bỏ luôn cả cái gai kia; chớ có giữ lại cái gai không còn giúp ích gì nữa. Bây giờ nó chẳng còn ý nghĩa gì. Công việc của trí thông minh là giúp bạn nhận biết về bản ngã con người bạn. Khi việc này diễn ra và bản ngã của bạn ở đó, thì không còn cần đến công cụ này. Bạn có thể nói lời tạm biệt, nói lời cảm ơn. Con đường của Phật là con đường của trí thông minh, trí thông minh thuần túy, mặc dù nó vượt lên rất xa điều đó. Xin trân trọng giới thiệu. |