XÃ HỘI ĐÔNG NAM BỘ - TỪ KHỞI THỦY ĐẾN ĐẦU THỂ KỶ XXI
(Hết hàng)
Tác giả: Huỳnh Ngọc Đáng Thể loại: Khoa học xã hội ISBN: 9786043773965 Xuất bản: 11/2022 Trọng lượng: 460 gr NXB: Tổng hợp Thành Phố Hồ Chí Minh Số trang: 383 trang - khổ: 20.5 x 14.5 cm Giá bìa: Giá bán: 128,000 đ |
|
Dẫn nhập: Miền Đông Nam Bộ là vùng đất nằm trên nửa phía Đông của Nam Bộ, có diện tích tự nhiên 23.552,8 km2 và dân số hơn 17,9 triệu người (năm 2019), ngày nay thuộc địa bàn các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh. Về tự nhiên, Đông Nam Bộ có diện tích rừng chiếm diện tích một phần ba đất tự nhiên với khoảng 1.900.000 ha, địa hình có phân tầng từ cao đến thấp với hệ thống sông Đồng Nai - Vàm Cỏ xuyên qua các vùng; có đường bờ biển dài với 36 cửa biển và cửa sông, ngoài khơi có đảo lớn là Côn Đảo; có đường biên giới chung với Vương quốc Campuchia dài 615,527 km trên địa hình chủ yếu là bằng phẳng với nhiều cửa khẩu quốc tế. Nơi đây cũng là trung tâm các trục giao thong thủy bộ nối liền các vùng miền và khu vực trong, ngoài nước. Về phân vùng văn hóa, Đông Nam Bộ thuộc vùng văn hóa Nam Bộ. Tuy nhiên, đó là một tiểu vùng có những đặc điểm khác biệt so với Đồng bằng sông Cửu Long. Điều kiện tự nhiên và môi trường sinh thái Đông Nam Bộ không mang “tính sông nước”, hoàn toàn không phải là “thế giới nước” hay “biên giới nước” (Walter Frontier) như các học giả phương Tây đã xác định đối với Tây Nam Bộ. Thay vào đó, đây là một thế giới của đồi gò, rừng rậm, đất đỏ ba-zan; của những nhánh sông có thượng lưu nước ngập tràn bờ vào mùa mưa và trơ đáy vào mùa khô nên không dễ dàng thông thương; của vùng bờ biển Mô Xoài - Bà Rịa, và Cần Giờ chỉ phát triển thành cảng buôn bán nội vùng, chưa từng là cảng thị giao thương quốc tế nổi tiếng như Óc Eo. Tự nhiên và môi trường sinh thái đó chi phối mạnh mẽ lịch sử, văn hóa của con người địa phương. Nơi đây, từ xa xưa là nơi sinh sống của các dân tộc bản địa, chủ nhân của văn hóa Đồng Nai, nền văn hóa cùng thời và có độ sáng rực rỡ tương đương với Sa Huỳnh, Đông Sơn; nó từng là một thế giới có phần biệt lập với bên ngoài, nơi ít chịu ảnh hưởng của cả Phù Nam và Chân Lạp. Mặt khác, đây cũng là vùng đệm giữa Chân Lạp và Champa. Đến thời thực dân, đây là vùng được người Pháp ưu tiên phát triển trong cả hai cuộc khai thác thuộc địa, tạo ra những chuyển biến kinh tế - xã hội sâu sắc so với cả nước. Sau đó nơi này trở thành một trong những những vùng trọng điểm ác liệt của chiến tranh Việt Nam và là Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của Việt Nam hậu chiến, nơi từng là cái nôi của công cuộc Đổi Mới và công nghiệp hóa, hiên đái hóa đất nước.
Minh Khai trân trọng giới thiệu |