VĂN CHƯƠNG SÀI GÒN 1881 - 1924 (TẬP 4: DU KÝ VÀ NHỮNG CHUYỆN KHÁC)
Tác giả: Trần Nhật Vy Thể loại: Khoa học xã hội ISBN: 9786046858010 Xuất bản: 12/2019 Trọng lượng: 690 gr NXB: VĂN HÓA - VĂN NGHỆ TPHCM Số trang: 516 trang - khổ: 22.5 x 15.5 cm Giá bìa: Giá bán: 142,500 đ |
|
Du ký là thể loại văn học quốc ngữ không mới. Thể văn nầy vừa mang tính văn học vừa mang chất báo chí. Đây là thể loại văn khá hấp dẫn bởi nó cung cấp cho người đọc nhiều cái mới, lạ thông qua cái nhìn của người viết. Ông bà ta có câu “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Để chia sẻ được cái sàng khôn ấy cho nhiều người, đòi hỏi người viết phải đi nhiều, biết nhiều, kiến văn phong phú, có sự quan sát sắc bén, lạ ở nhiều góc độ và tất nhiên cách hành văn cũng phải hấp dẫn nữa. Nếu không thì dễ biến thành “đi xa tha hồ nói dóc”. Trong văn quốc ngữ, tập du ký đầu tiên chính là cuốn CHUYẾN ĐI BẮC KỲ NĂM ẤT HỢI 1876 của ông Trương Vĩnh Ký. Dù chưa thật là văn vẻ lắm và vẫn còn mang dáng dấp của một bản “ghi chép gọn”, mà có người cho rằng đây là một “báo cáo” song chúng tôi vẫn xếp CHUYẾN ĐI BẮC KỲ NĂM ẤT HỢI 1876 trong vòng tay “sáng tác văn học của Sài Gòn” bởi đây là cuốn sách du ký mở đầu cho mọi cuốn sách du ký về sau nầy. Người viết du ký bằng chữ quốc ngữ thứ hai chính là ông Trương Minh Ký, học trò ruột của ông Trương Vĩnh Ký, với cuốn NHƯ TÂY NHỰT TRÌNH in tại Sài Gòn năm 1880. Song cuốn nầy chúng tôi không đưa vào sách nầy vì NHƯ TÂY NHỰT TRÌNH viết bằng văn vần! Và sẽ dành lại cho phần sau của loạt Văn Chương Sài Gòn 1881-1924, phần văn vần. Thể loại du ký trong văn học thuở ban đầu của Sài Gòn không nhiều. Có thể do vấn đề giao thông chưa thuận tiện như sau nầy hoặc các tác giả không thích viết loại hình nầy? Mặt khác, có nhiều tác phẩm du ký được viết bằng văn vần, một thể văn rất phổ biến ở nước ta trước đây, mà chúng tôi để qua cuốn sau (tập 5) để các bạn đọc thuận tiện theo dõi. Vì vậy, sách ban đầu dự kiến chỉ chép riêng về các tác phẩm du ký phải thay đổi và có thêm cái đuôi “Những truyện khác”. Những truyện trong cuốn sách nầy chủ yếu chép từ hai tờ báo Nam Kỳ Địa Phận và Trung Lập Báo. Chúng tôi cũng tham khảo một số tự điển như ĐẠI NAM QUẤC ÂM TỰ VỊ của Huỳnh Tịnh Của, TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT do Hoàng Phê chủ biên, TẦM NGUYÊN TỪ ĐIỂN của Bửu Kế. Đọc du ký xưa từ hơn trăm năm trở lại đây, chúng ta sẽ hiểu thêm được cảnh quan, xã hội, lối sống và con người thuở ấy. Hiểu thêm được những nghĩ suy và cách ứng phó của họ trước thiên nhiên và người khác. Đồng thời cũng hiểu thêm sự thay đổi cũng như phát triển của cảnh quan, của xã hội chung quanh ta. Những điều nầy rất có ý nghĩa về mặt lịch sử lẫn văn hóa. Du ký không phải là những ghi chép lịch sử nhưng trong các tác phẩm du ký vẫn mang nặng những dữ liệu lịch sử rất đáng để nghiên cứu, quan tâm. Chữ nghĩa thuở ban đầu của quốc ngữ còn rất nhiều từ ngữ so với ngày nay và mang đặc trưng của tiếng nói Sài Gòn. Cũng như những cuốn trước, chúng tôi sẽ bỏ vào ngoặc [] những chữ xưa có cùng nghĩa với những chữ ngày nay. Riêng các từ ngữ, hoặc các chữ quá lạ thì chú thích riêng ở chân trang. Để đỡ mất công cho các bạn đọc, chúng tôi đã chú giải một phần song e rằng không thể nào làm đầy đủ được. Do vậy, đọc truyện xưa mong các bạn hãy dụng công tìm hiểu thêm tiếng nói của người Sài Gòn để hiểu được toàn bộ nội dung.
Minh Khai trân trọng giới thiệu |
VĂN CHƯƠNG SÀI GÒN 1881 - 1924 (TẬP 2: VĂN XUÔI) Tác giả: Trần Nhật Vy "Các bạn đang cầm trên tay cuốn Tuyển tập truyện bằng chữ quốc ngữ xưa nhứt của nước ta lần đầu tiên được tập hợp lại thành sách. Tuyển tập bao gồm các truyện rất ngắn, truyện ngắn, truyện vừa và truyện dài đăng rải rác trên các tờ Gia Định Báo, Nam Kỳ, Nông Cổ Mín Đàm, Nam Kỳ Địa Phận, Lục Tỉnh ... |
VĂN CHƯƠNG SÀI GÒN 1881 - 1924 (TẬP 1: VĂN XUÔI) Sưu tầm: Trần Nhật Vy Lời tác giả: “Văn chương Sài Gòn bắt đầu là những truyện rất ngắn, nội dung đơn giản, tình tiết cũng giản dị. Lần lần truyện mới dài ra, dài ra, nhiều tình tiết hơn, nhiều éo le, gút mắc hơn và đến thế kỷ XX mới thực sự có những cuốn tiểu thuyết đồ sộ. Đọc lại các truyện thuở bình minh của văn ... |
VĂN CHƯƠNG SÀI GÒN 1881 - 1924 (TẬP 3: MẬT THÁM TRUYỆN) Tác giả: Trần Nhật Vy Trích Lời giới thiệu của Trần Nhật Vy: “Mật thám truyện bắt đầu xuất hiện trên Tân Đợi Thời Báo từ ngày 25-5-1915 và sau đó “chạy” qua Công Luận Báo tiếp tục từ năm 1916 với nhiều truyện hấp dẫn khác nhau. Trong tập truyện này, chúng tôi chỉ giới thiệu hai truyện đầu tiên trong ... |
VĂN CHƯƠNG SÀI GÒN 1881 - 1924 (TẬP 5: ĐÈN ĐIỂN KHÍ - VĂN VẦN) Tác giả: Trần Nhật Vy Nửa cuối thế kỷ XIX trở đi, ở Nam kỳ lục tỉnh nay là khu vực Đông và Tây Nam bộ, người Pháp đã cho phổ biến chữ quốc ngữ trong dân chúng, thứ chữ do các giáo sĩ đạo Thiên chúa sáng tạo ra từ những thập niên đầu thế kỷ XVII. Đặc điểm của chữ quốc ngữ là ghi nhận ngay tiếng nói của người Việt, ... |