Sách

Đời sống - Gia đình Bí quyết dành cho phụ nữ Cẩm nang nuôi dạy trẻ Hạnh phúc gia đình Làm đẹp Làm vườn - Vật nuôi - Nông lâm nghiệp Mang thai & Nuôi con mới sinh & chăm sản phụ Nữ công gia chánh - Thực dưỡng Tâm lý - Giới tính Thể dục - Thể thao Giáo khoa - Giáo trình - Sách tham khảo Giáo trình Cao đẳng - Đại học Luyện thi Cao đẳng - Đại học SÁCH GIÁO KHOA BỘ Sách giáo khoa cấp I Sách giáo khoa cấp II Sách giáo khoa cấp III Tham khảo cấp I Tham khảo cấp II Tham khảo cấp III Ngoại ngữ - Từ điển Tiếng Anh Tiếng Hàn Tiếng Nhật Tiếng Pháp Tiếng Trung Tiếng Việt - Ngoại ngữ khác Từ điển Ngoại văn Children books Cooking - Science - Social - Economic Literature & Fiction Sách Chuyên ngành Khoa học kỹ thuật - Công nghệ Khoa học thường thức Khoa học tự nhiên Khoa học xã hội Ngoại giao - Vấn đề quốc tế Pháp luật - Văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phong thủy - Kinh dịch - Nhân tướng học Tin học - CNTT Tôn giáo - Tín ngưỡng - Tâm Linh Triết - Chính trị - Quân sự - Nhà nước Xây dựng - Kiến trúc Y học - Sức khỏe Sách dành cho Thiếu nhi Kiến thức - Kỹ năng dành cho bé Sách tô màu thiếu nhi Truyện kể cho bé - Đồng thoại Truyện tranh Sách dành cho Thiếu niên - Tuổi mới lớn Kiến thức - Kỹ năng dành cho thiếu niên Manga - Comics Tủ sách teen Sách Kinh tế Đầu tư - Chứng khoán Kế toán - Kiểm toán Khởi nghiệp - Làm giàu Kinh tế học Nghệ thuật lãnh đạo - Nhân sự PR - Marketing - Sales - Brand Quản trị kinh doanh Tài chính - Ngân hàng Sách Rèn luyện bản thân Bài học thành công Bí quyết - Kĩ năng - Cẩm nang - Hướng nghiệp Nghệ thuật sống - Truyền cảm hứng Sách song ngữ Sách tô màu người lớn Văn hóa - Nghệ thuật - Du lịch Âm nhạc Danh nhân - Tác giả - Hồi ký - Tiểu sử - Tự truyện Lịch sử - Địa lý Mỹ thuật - Điện ảnh - Sân khấu - Nhiếp ảnh Phóng sự - Ký sự - Bút ký - Tùy bút - Truyện ký - Tạp bút - Ghi chép Văn hóa - Du lịch Văn học Tác phẩm kinh điển Thơ - Bình thơ - Nghiên cứu - Tiểu luận - Phê bình văn học Toàn tập - Tuyển tập - Hợp tuyển thơ văn - Biên khảo Truyện Chương hồi - Kiếm hiệp Truyện cười - Truyện tiếu lâm - Truyện dân gian - Truyện trào phúng Truyện dài - Tiểu thuyết Truyện ngôn tình - Light Novel Truyện Thần thoại - Dã sử - Truyền kỳ - Huyền bí - Giả tưởng Truyện trinh thám - kinh dị - điều tra - vụ án Truyện vừa - Truyện ngắn - Tản văn

 

THƯ VIỆN ẢNH

> <

ẢNH MINH KHAI

> <

BẢN TIN MINH KHAI

WEBSITE LIÊN KẾT







 

TÌM KIẾM

Sách > Truyện dài - Tiểu thuyết

Con Mắt Rỗng - Tiểu Thuyết (Đỗ Phấn) (Tủ Sách Tác Phẩm Mới) (Hết hàng)
Tác giả: Đỗ Phấn

Thể loại: Truyện dài - Tiểu thuyết
ISBN: 9786046904427
Xuất bản: 8/2013
Trọng lượng: 300 gr
NXB: Văn học
Số trang: 300 trang - khổ: 13,5x20,5 cm
Giá bìa: 68,000 đ (-5%)
Giá bán: 64,600 đ

Hắn nhìn mình gườm gườm trong gương. Xa lạ. Có một chút oán hờn. Và nghi kị. Nhận ra nhau mà lại như không phải là...

Nếu không có cơn mưa dữ dội ban chiều thì giờ này hắn đã về đến nhà từ khá lâu rồi. Có thể đã đặt nồi cơm điện. Tắm rửa xong xuôi. Ngồi thảnh thơi trên ghế xa lông vừa ăn vừa xem TV. Chương trình FashionTV. Nơi trí tưởng tượng của con người được đẩy đến mức sắp sửa rơi ra khỏi đầu óc. Những bộ trang phục chẳng rõ có mặc hay không hờ hững trên ngực trần những cô người mẫu có số đo nhân chủng vào loại kì dị gần đến độ quái thai. Những cái đầu quá nhỏ đậu trên nguềnh ngoàng chân tay kheo khư rón rén thả bước. Mong manh như sắp vỡ vụn.

Cơn mưa chiều dập tắt những ồn ào trên phố. Khách kéo vào có đến quá nửa không phải vì bia. Quán chật căng. Lướt thướt người. Bập bùng tiếng mưa dữ dội trên mái tôn át hết nói cười rôm rả. Phố sững lại. Những vòm cây quằn quại hân hoan. Ngạc nhiên, hắn nhìn ra con phố bên ngoài. Dưới ánh đèn cao áp là màn mưa xa hút. Thành phố biến mất. Hay đã hóa thành cơn mưa với muôn vàn tiếng động. Ràn rạt trên mặt đường. Thì thụp trên những mái hiên di động như có một cuộc đấm lưng tập thể. Mưa xiên qua tán cây bàng già những tiếng kêu rách nát giận dữ. Lác đác vài đốm đèn xe chói sáng lướt đi không tiếng động như những quả pháo xịt bắn ngang chọc thủng màn mưa. Cái miệng cống gần ngay cửa quán lọc ọc kêu như bị chọc tiết. Dòng nước hút vào tất cả những rác rưởi trên đường tạo thành một cái xoáy sặc sỡ. Chậm dần. Chậm dần. Đứng lại. Một mạch nước ngầm đen đặc sủi lên miệng cống lại đẩy ra mặt đường toàn bộ những gì đã cuốn vào trước đó.

Người đàn ông quá chén ngồi bàn bên cạnh hắn vơ vội nắm giấy ăn cắm trên chiếc đế gỗ tìm con đường ngắn nhất lao ra cửa quán chúi đầu xuống miệng cống. Ào ạt nôn. Miệng cống cũng nôn trả. Cống thắng người thua. Nước tràn lên vỉa hè ướt sũng đôi giày dèn dẹt cong vắt của gã. Mái hiên di động bập bềnh đột ngột trút xuống bụng nước phụng phịu tràn đầy. Nước bò dần lên mấp mé bậc cửa. Người đàn ông mặt tái xám ngật ngưỡng đánh một vòng ngoài cửa quán. Bây giờ để tìm được con đường trở về chỗ của mình cũng không dễ nữa rồi. Thực ra là chỗ ngồi của gã đã ngay lập tức được người khác tiếp quản. Một đàn bà đứng tuổi không có vẻ gì liên quan đến bia rượu và cũng không liên quan đến ai hùng hục lách mình vào đúng khe hẹp gã vừa tạo ra. Bà ta chống tay lên cằm ngồi tư lự phớt lờ chủ nhân chiếc ghế và cốc bia còn uống dở trên mặt bàn. Những người thản nhiên lấp vào chỗ trống như thế bây giờ ở Hà Nội quán nào cũng có. Về một nghĩa cơ học thì Hà Nội bây giờ không còn chỗ trống nếu đem chia bình quân diện tích đất đai cho đầu người. Người đàn ông nhìn dáng ngồi đầy tự tin của bà ấy bất giác nhoẻn miệng cười thất vọng. Vẻ mặt thân phận của gã khiến hắn tin rằng đó là nét thanh lịch cuối cùng ở thành phố này.

Có tiếng còi xe nghèn nghẹt trong màn mưa. Chiếc xe bốn chỗ ngồi phăng phăng xé nước ngang qua cửa quán. Sóng tràn qua bậc thềm lênh láng rác rưởi. Những người đứng ngoài cửa quán vội vã kéo cao gấu quần. Cô gái trẻ gương mặt nhòe nhoẹt phấn son rướn người trên đôi guốc chênh vênh cao. Chẳng khó khăn gì để nhận ra cô ấy không còn cách nào khác. Chiếc quần bò bó sát ấy người ta không thiết kế cho việc kéo lên. Thời trang bít tất mấy năm nay thịnh hành. Mặc cho đường phố năm nào cũng ngập lụt. Mà dù có mặc quần ống rộng thì rất nhiều năm rồi hắn cũng không thấy đàn bà nào kéo ống quần lên nữa. Kĩ thuật ấy đã hoàn toàn thất truyền. Kéo quần ở hướng ngược lại thường được tôn vinh về mặt thẩm mĩ. Nhưng lại làm cho các nhà đạo đức học nổi khùng.

Những bong bóng nước ọp ẹp lêu đêu quẩn quanh trên mặt đường chẳng biết phải trôi về đâu. Mùi người, mùi cống rãnh trộn lẫn mùi thức ăn trong quán nồng nặc. Hắn biết không thể ngồi lại lâu hơn nữa. Đã bắt đầu thấy cay cay lờm lợm loang trong cuống họng. Hắn đứng bật dậy cố ghìm hơi thở chạy ào ra cửa. Nước đã ngập đến gầm máy chiếc xe hắn dựng trên vỉa hè. Chỉ chậm ít phút nữa thôi là có thể nước sẽ tràn vào ống xả. Điều đó đồng nghĩa với việc dắt xe ra về.

Cắm chìa khóa điện đề cho máy nổ. Hắn cài số 1. Chiếc xe chồm lên quay ngoắt đầu phóng xuống lòng đường. Những ánh mắt kinh dị ngoài cửa quán ném theo hắn những cái nhìn lo lắng. Nhâng nháo phớt lờ, hắn không ngớt tay ga. Cứ để cho máy xe gầm rú xé nước phăng phăng chạy. Kinh nghiệm này hắn đã học được từ người thợ sửa xe vài năm trước. Thành phố bây giờ rất hiếm những ông thợ sửa xe ấm áp lương tâm như thế. Vài ông còn kiêm luôn cả nghề rải đinh.

Phố xá hai bên lững thững lùi lại. Trong màn mưa, ánh đèn sau những khuôn cửa nhòe đi liền vào với thành một bức tường hư ảo khiến hắn có cảm giác đứng yên một chỗ. Lõa lồ trong căn phòng chói lóa.

Hắn đi theo trí nhớ. Rất đúng đường. Mình phì cười định chỉ cho hắn lối rẽ về nhà gần nhất. Đi qua vài quãng phố ngược chiều. Một mình trên đường chẳng cần phải đi đúng luật lệ. Cảnh sát giao thông đương nhiên cũng vắng mặt trong mưa. Nhưng mình kịp dừng lại. Hắn đang cầm lái. Cầm sinh mạng của cả mình và hắn trong tay.

Cuối cùng thì cũng về đến nhà. Khoảnh sân khu tập thể chứa chan ngập không thể nhìn thấy con đường bên dưới. Bây giờ thì trí nhớ của hắn phát huy giá trị. Bánh xe êm ái ào ào lăn trên con đường lát gạch trong tưởng tượng giữa hai hàng cây bằng lăng thấp tè trồng đã hàng chục năm không thèm lớn. Cửa căn hộ tầng 1 gửi xe để ngỏ, hắn thốc ga cho xe chồm hẳn vào trong nhà. Cô chủ nhà luống cuống chạy ra, bác cứ để xe đấy tôi xếp, nãy giờ lau nhà mấy lượt rồi! Hắn gẩy chân chống cạnh. Tắt máy. Chuồi ra phía sau yên xe tụt nhanh xuống đất lao đầu chạy về phía cầu thang. Óc ách nước chảy ra từ hai ống quần xuống mặt bậc thang thành một vệt dài kéo suốt ba tầng gác.

*

Mình cũng nhìn hắn trong gương. Nét mặt hắn dần giãn ra thư thái. Những nếp gấp trên trán sau cơn buồn nôn đã trở thành những vệt mồ hôi lem nhem tràn vào nhau xóa nhòa ranh giới. Bao nhiêu bia rượu và ầm ĩ quán xá từ chiều đến giờ hắn đã thải ra hết. Vẫn còn chút hặm hặc trong cổ. Rùng mình. Giờ thì mình không để cho hắn quyết định mọi việc nữa. Mình phải đánh răng. Bơm kem lên chiếc bàn chải cùn ngoe ngoét lông cho vào miệng. Nhưng thật không ngờ. Mùi kem đánh răng và mấy chiếc lông bàn chải ngo ngoe trong miệng lại làm hắn dội lên cơn buồn nôn ứ nghẹn. Chảy nước mắt.

Mình khạc vội cả bàn chải và bọt kem ra ngoài. Súc miệng ba bốn lần cho hết cơn ngứa cổ. Quay vào phòng ngủ lấy viên Efferalgan thả vào cốc nước lạnh. Những bọt nhỏ li ti xì xèo bào mòn viên thuốc. Uống một hơi cạn cốc. Vị thuốc ngang ngang mằn mặn tẩy rửa dọc theo cuống họng.

Mình nằm xuống giường kéo chiếc chăn mỏng đắp. Bịn rịn mồ hôi. Lâng lâng gió…

Mình mê man thả bộ trên cồn cát giữa hai ngôi làng. Cồn cát mọc lên sau trận lụt vỡ đê từ ngày mình còn bé tí. Những cọng cỏ mía vàng ươm ngọt lịm thấp thoáng ẩn mình dưới cát. Lũ trẻ nhà quê ngày ấy dạy mình khéo léo bới lên tìm đến tận gốc. Lượng đường ngoài tiêu chuẩn tem phiếu dù rất nhỏ nhoi làm dịu đi cơn khát giữa chang chang nắng.

Vượt qua cồn cát mênh mông mình gặp lại cái miếu hoang trơ trọi giữa cánh đồng. Người già trong làng bảo đó là miếu thờ một vị dũng tướng. Chẳng biết vào đời nào và đánh giặc gì. Chỉ biết ông tướng ra trận bị giặc chém gần rụng đầu bèn một tay giữ cổ phóng ngựa về ngang qua cánh đồng này. Nửa đêm, đến đúng chỗ ngôi miếu bây giờ thì dừng lại. Xuống ngựa. Buông tay cho chiếc đầu rơi xuống. Sáng hôm sau chỉ còn lại một gò mối cao ngang ngực thò ra mấy cái móng ngựa. Dân làng đắp thêm đất. Lập miếu thờ.

Trong miếu còn một ngai thờ mục nát và một con ngựa đắp sơn ta lòi hết cả cốt tre ra ngoài. Dân làng đã bỏ hương khói từ rất lâu rồi. Không ai còn nhớ đến ngôi miếu nữa như họ đã từng chẳng biết tên tuổi của vị dũng tướng và kẻ thù của ông ấy. Giờ thì mình đã biết kẻ thù của ông ấy là ai rồi. Mấy nghìn năm đất nước mình chỉ có một kẻ thù thôi. Dù có đổi thay bao nhiêu triều đại thì kẻ thù vẫn ở đấy. Và những ông tướng rụng đầu thì thời nào chả có. Mình rón rén đi vào ô cửa gạch trống hoác đen ngòm. Nền miếu đầy cứt dơi lên mốc trắng như sương muối trên mặt ruộng ngổn ngang tơ nhện. Có tiếng lục bục trong bụng con ngựa sơn khiến mình nổi hết cả da gà. Những con dơi thấy động buông mình bay chao chát đổi chỗ trên xà nhà ám khói. Gió lạnh ào ào hắt ra từ bóng tối. Mình bủn rủn quay bước…

*

Cơn mưa bên ngoài đã tạnh từ lúc nào. Hơi nóng hầm hập tuôn ra từ trong toilet. Chẳng hiểu sao người ta lại thiết kế cái lỗ thông gió toilet ra giếng trời của ngôi nhà tập thể. Cái giếng trời kì dị có mái che bằng tôn nhựa. Ánh sáng âm u suốt cả ngày. Mấy chục cục nóng máy điều hòa của cả 6 tầng nhà treo trong giếng trời làm nhiệt độ của nó luôn cao hơn cả trong nhà lẫn ngoài trời. Mồ hôi toát ra như tắm. Hắn đã đạp chăn ra từ lúc nào.

*

Mình trở dậy đóng cánh cửa toilet. Bật chiếc quạt khe khẽ trên đầu giường. Nhớ về giấc mơ ban nãy.

Mình nhớ ra rằng ở làng mình không chỉ có ngôi miếu thờ vị dũng tướng bị bỏ hoang. Ngày nhỏ lang thang ngoài cánh đồng mình còn thấy dấu vết đổ nát của một ngôi miếu khác. Cũng một con ngựa sơn đổ sụm xuống chỉ còn vài mảnh xương cốt bằng tre cháy dở. Những lọn lông đuôi ngựa rối bời bết bát như tóc người vớt lên từ trong quan tài khi cải mả. Lũ trẻ chăn trâu đã dùng nó để nhóm lửa nướng những củ khoai lang tím mót được sau vụ thu hoạch. Trên nền gạch lở lói vẫn còn lăn lóc mấy tảng đá kê chân cột đẽo gọt vụng về. Những viên đá lành lặn vuông vắn người ta đã mang về nhà tái sử dụng. Đó là những gì còn lại của một ngôi miếu có truyền thuyết nhảm nhí nhất trên đời mình đã từng gặp. Gọi là Miếu Bà Chúa Ngựa. Truyền thuyết kể lại rằng ngày xưa có một người đàn bà dâm đãng nổi tiếng khắp vùng. Bao nhiêu đàn ông với bà cũng không đủ. Một mình bà đã làm cho tất cả những đàn ông trong làng không còn yên tâm đèn sách cấy cầy nữa. Dân làng phải nghĩ ra một kế để trừng phạt. Người ta làm hình nộm một con ngựa cái bọc vải nâu cho bà chui vào. Mượn một con ngựa đực dũng mãnh nhất vùng mang đến cho giao phối với người đàn bà ngựa. Những tiếng rên la chói lói phát ra từ trong bụng con ngựa nộm vang động mãnh liệt xé tan cả lớp áo vải nâu bên ngoài. Người đàn bà chết trong tận cùng thỏa mãn. Cặp mắt trắng dã hả hê cười. Dân làng xây miếu thờ ngay tại nơi bà nằm xuống. Hoang đường hết sức. Làm gì có con ngựa nào ngu đến thế?

Mình đã băn khoăn suốt cả một thời trai trẻ về hành động độc ác của dân làng. Nhưng lớn lên thì mình hiểu. Ngôi miếu thờ Bà Chúa Ngựa có thể là một lời ăn năn của họ. Cũng có người bảo rằng đó còn là một lời răn đe với những đàn bà lăng loàn khác. Mình chẳng tin. Chỉ có một điều duy nhất cho đến tận bây giờ mình vẫn không sao hiểu nổi. Người ta thờ phụng bà vì lẽ gì? Thường thì người ta thờ phụng một ai đó là vì công lao của người ấy với cộng đồng. Trong trường hợp này là thờ phụng sự khinh bỉ. Xét về mặt đạo đức nào đó thì Bà Chúa Ngựa cũng là người có công làm cho sự ô nhục còn tồn tại trên thế gian này.

Bây giờ thì đã không còn bất kì một dấu tích nào của cồn cát và những ngôi miếu khiến người ta có thể tưởng tượng ra vị trí xa xưa của nó. Một con đường liên xã trải nhựa uốn lượn ngoằn ngoèo như một lần nữa làm mất phương hướng của tưởng tượng. Những ngôi nhà bê tông đồ sộ bám theo mặt đường thậm chí còn làm mình mất hết cảm giác đi qua một ngôi làng. Những ngôi chùa và đình làng được xây mới hoàn toàn theo phong trào nở rộ trùng tu di tích mấy năm nay trên toàn quốc. Người ta trùng tu theo trí nhớ về những công trình kiến trúc làng xã xa xưa mà bản vẽ thiết kế luôn nằm trong đầu các thợ cả. Họ đã mang theo về với đất từ tám đời. Hơn thế, vài anh nhà giàu mới nổi chán ngán với đền chùa miếu mạo công cộng mỗi khi đi lễ phải chầu chực chen chúc. Họ đua nhau chế tạo ra những chốn linh thiêng cho riêng mình. Hùng dũng viết tên trên biển cổng “Việt Nam quốc tự”. Thật lạ là mạo danh cả một quốc gia mà chẳng ai bảo gì. Tượng phật nhập khẩu. Kiến trúc nhập khẩu. Hệ thống điều hành chùa chiền cứ như một công ti cúng bái đồ sộ với đủ nhân lực và kĩ thuật tiên tiến. Tuyên truyền quảng cáo trên mạng internet qua các cổng thông tin điện tử hết sức rầm rộ. Tự nhiên mình cũng mong một anh thừa tiền nào đó phục dựng lại hai ngôi miếu thờ trên cánh đồng làng. Phục dựng lại ý nghĩa lớn lao nhất của hai công trình ấy. Sự vô nghĩa.


2.


Cái thứ rượu thuốc ngòn ngọt ngai ngái mùi men sống ở quán này không hấp dẫn hắn. Rượu “cuốc lủi” rẻ tiền chủ quán mỗi ngày nhập về hai can 40 lít. Lên phố thuốc bắc mua mấy lạng sâm đại hành, kì tử, táo tàu hổ lốn đổ vào bình thủy tinh chẳng theo bất kì một loại đơn từ định lượng của thày lang nào cả. Sáng ngâm chiều bán. Chiều ngâm mai bán. Nhiều hôm hết rượu bí quá cho thêm thìa nước hàng. Màu rượu vàng nâu óng ả rót ra những vỏ chai whisky thủy tinh dẹt bán với giá gấp mười lần “cuốc lủi”. Vài chú tây ba lô thỉnh thoảng mò vào nếm náp gật gù. Quán trở thành nổi tiếng.

Hắn đến quán vì mấy thằng bạn nghệ sĩ nửa mùa. Gọi là nghệ sĩ nửa mùa bởi họ mang danh họa sĩ nhưng vẫn đang phải làm lụng kiếm sống bám vào vài cơ quan nhà nước. Cũng có anh giàu lên nhờ cơ quan có nhiều khoản thu nhập ngoài lương rất bí hiểm. Phần lớn còn lại chỉ đủ tiền uống rượu thuốc. Gặp họ ở đây đều thấy cách tiêu pha hết sức nhã nhặn. Nghĩa là chỉ rượu thuốc nhâm nhi với mấy củ lạc rang đóng túi sẵn để rất lâu ngày. Sặc mùi húng lìu và bở bùng bục như đất sét khô trong miệng. Cũng có hôm hứng chí làm thêm hai ba viên chả nhái Khương Thượng. Thứ đặc sản quê ấy bây giờ cũng hết sức ngờ vực về xuất xứ. Đào đâu ra con nhái ở một vùng miên man toàn cao ốc với phố xá nhiều khi chỉ vừa lọt bàn chân người chen chúc. Chỉ riêng nước thải sinh hoạt của cư dân vùng ấy thôi cũng đủ để tận diệt hơn một loài nhái.

Hắn đến quán chiều nay lúc phố đã nhập nhoạng. Dòng người sôi sục chồng lấn trên đường khiến hắn phải từ bỏ ý định rẽ về nhà. Ngồi quán rượu sẽ tránh được khói bụi chen lấn ngoài kia. Rượu không ngon thì ít nhất cũng còn mấy thằng bạn tán phét. Mà hình như từ rất lâu rồi hắn đến quán rượu cũng chỉ là để nhăng cuội với mấy thằng bạn. Bạn nhắm với rượu thì đúng hơn. Ở thành phố bây giờ có rất nhiều nơi không tồn tại như tên gọi. Nhà hàng quán nhậu mở tràn lan vào cả những công sở uy nghi tôn kính. Trường học chỉ là nơi học sinh đến để làm thủ tục có mặt sau khi đã học thêm ở nhà cô giáo về. Bốt điện thoại công cộng là chỗ kín đáo dành cho mấy anh say vạch chim ra tè. Và cả cái thành phố mênh mông bờ cõi này cũng không còn nhiều thứ giống với tên gọi ban đầu.

Ngọn đèn vàng khè trong quán hắt xuống gương mặt bủng beo ngờ nghệch mấy thằng bạn. Họ uống đúng liều lượng và rất đúng giờ. Vừa đủ cho những gương mặt bén sắc tê bì và đường xá bên ngoài thông thoáng có thể ra về là thôi. Ngồi lâu năm với họ, hắn có thể đoán chắc ai sẽ là người đứng dậy đầu tiên qua nét mặt.

Quán khá đông khách nhưng trật tự. Những gương mặt chả ra dửng dưng không ra hồ hởi cặm cụi bên những chiếc ghế gỗ vuông quanh năm ẩm ướt màu rượu thuốc. Một bức thư pháp bồi lụa vân quăn queo lõng thõng trên tường viết chữ Tâm hán tự kèm theo dòng lạc khoản dài thườn thượt và chiếc triện đỏ chót như được đóng bằng mực dấu cơ quan. Bức chữ như một lời thanh minh cho thứ rượu rất mập mờ xuất xứ pha trộn ở đây. Vài bức tranh sơn dầu vẽ phong cảnh làng quê với những ô ruộng lúa chín vuông vắn như xắt khúc và những người gánh lúa trông như bù nhìn cứng đờ. Những chiếc khung gỗ soi lòng máng gờ chỉ phủ màu khói thuốc ám cạnh. Vài năm nay những quán cà phê trong thành phố đã bắt đầu chú ý đến phần trang trí nội thất. Vài dây hoa giả và ảnh phong cảnh nhập về từ Trung Quốc và Thái lan. Bể cá cảnh có máy sục khí và vài lồng chim phủ vải điều treo trước cửa quán. Quán rượu này là nơi tụ tập của các nghệ sĩ nên chủ quán hình như cũng muốn chứng tỏ đẳng cấp thẩm mĩ của mình. Tất nhiên hắn biết ẩn sâu trong tính toán của chủ quán là câu chuyện có liên quan đến chi phí. Những đồ vật trang trí nội địa sản xuất bao giờ cũng rẻ hơn nhập ngoại rất nhiều.

Đám bạn rượu hôm nay có thêm một cô gái ngồi bên chiếc bàn quen thuộc góc quán yên lặng uống. Thằng Thắng lí nhí giới thiệu, đây là em Thu bạn tôi! Hắn gật đầu hờ hững. Bàn rượu vẫn thỉnh thoảng có thêm một đàn bà như thế. Những đàn bà ngổn ngang tâm sự trên nét mặt. Có người huyên náo cười cợt vẫn không giấu diếm được nỗi buồn chỉ chực ào ra. Tốt nhất không nên có bất kì một lời nói cử chỉ nào đụng chạm đến những thùng nước mắt ấy. Đã có lần hắn ân cần rót rượu mời một cô gái ngồi cùng bàn như vậy. Cô ấy đon đả nói cười tự giới thiệu, em là bạn của anh Minh, anh ấy hẹn em ở đây! Hắn bảo, trong lúc chờ thì cứ uống với các anh vài chén! Hắn rót rượu. Cô ấy hào sảng uống một hơi cạn chén. Lại rót. Lại cạn. Rót. Cạn. Bỗng cô ấy đứng phắt dậy chứa chan nước mắt. Gương mặt đỏ phừng và mấy sợi tóc mai quăn tít bên má khiến ai ai cũng nghĩ đến một trận hỏa hoạn sắp xảy ra đến nơi. Và nó đã đến. Cái miệng méo xệch rít lên, các anh coi em là loại gái gì…hư…hư…! Thằng Thắng cười cợt vỗ về, thì em là bạn anh Minh, bọn anh biết rồi! Các anh là một lũ dối trá, em thừa biết các anh nghĩ gì! Cô ấy nói đúng. Chả ai dám cãi. Bạn thằng Minh đương nhiên là cave như xưa nay vẫn thế.

Hắn đủng đỉnh ngồi xuống chỗ của mình. Thằng Thắng rót cho hắn một li mới, ông đến muộn thế, bọn tôi uống khá nhiều rồi! Thì cứ uống tiếp đi, tôi mời cả nhà! Nâng li rượu lên trước mặt. Tiếng thủy tinh chạm vào nhau đùng đục nhẫn nại. Dù sao thì ở quán rượu tiếng động ấy cũng gây cảm hứng hơn hẳn những ồn ào. Nó làm cho ồn ào lắng lại vài giây. Làm cho chủ quán nở một nụ cười đắt hàng.

Đèn điện phụt tắt. Chiếc quạt trần thong thả đếm những vòng quay cuối cùng trước khi dừng lại. Bầu không khí lập tức đặc sánh. Chìm xuống. Khói thuốc và hơi men sóng sánh đến mức có thể với tay bắt lấy. Thằng Quân nhanh nhẹn tợp hết rượu đặt li xuống bàn. Nó lần tìm chiếc bật lửa. Tiếng bánh xe máy lửa loẹt xoẹt trong góc tối bắn ra những tia lửa đỏ cạch. Chủ quán cầm ra một cây nến đúng lúc ngọn lửa nõn nà trên tay thằng Quân tỏa sáng. Ngọn nến hồng trong chiếc cốc đựng đầy bụi bẩn lung lay hiu hắt. Hắn ngồi khuất mặt sau thằng Minh chăm chú quan sát người đàn bà duy nhất trên bàn rượu. Gương mặt Thu bời bời ẩn ức. Nước da trắng nhợt nhạt hầu như không có phản ứng gì với ánh nến. Thu không còn trẻ. Nụ cười gượng gạo làm hằn sâu thêm khóe môi tiếc nuối xuân xanh. Cặp mắt mơ hồ trống rỗng như nhìn vào đâu đó bên trong muộn phiền. Mái tóc uốn tỉa những lọn lớn đỏ hoen màu rỉ sắt lướp xướp cứng.

Nhưng trái ngược với gương mặt phong trần ấy là một thân thể vẫn còn những nét sục sôi tươi trẻ. Bờ vai nhỏ lộ ra trắng hồng dưới chiếc cổ áo phông khoét rộng lam nham màu cỏ úa. Có lẽ cô ấy là người hiếm hoi ở thành phố này có thể hợp được với thứ mốt kì dị mới du nhập từ Hongkong về. Áo quần mòn bạc xác xơ rách cố tình hở ra những phần thân thể. Cặp vú đầy đặn cồn lên trên cổ áo một khe hẹp nông nhóng nhánh gọi mời.

Thằng Thắng cầm chai rượu liên tục rót vào li của hắn, ông đến muộn, uống với chúng tôi mỗi người một chén! Hắn biết đây là luật lệ. Thứ luật lệ duy nhất tìm đến sự công bằng ở thành phố này. Và cũng là sự công bằng đáng sợ nhất. Uống quay vòng với đủ năm người ngồi đây có nghĩa là dốc vào cổ liền tù tì nửa lít rượu. Nhưng chả sợ. Hắn đùa tay chủ quán, còn chỗ cho tôi gửi xe máy lại đây không ông chủ! Chủ quán vui vẻ, ông muốn gửi cả ông ở đây cũng được! Hắn quả quyết nâng li. Đến người cuối cùng là Thu, hắn chậm rãi, em gái có cần anh uống đỡ? Thu nhìn hắn mỉm cười, em uống đỡ anh một nửa nhé! Cả bọn nhao nhao, nào, gặp phải “hàng rắn” rồi, cố lên!

Hết hai vòng chạm chén, hắn thừ người chùng lưng xuống cố giữ thăng bằng. Thoang thoảng bên tai là tiếng ồn ào bất tận của những câu chuyện không đầu không cuối. Tiếng chúc tụng. Tiếng khà và chép miệng. Thỏa mãn và nuối tiếc. Những bóng người đan vào nhau rối tinh trước mắt như một cuộc làm tình tập thể khao khát và hờ hững. Hân hoan và tuyệt vọng. Một cánh tay trần con gái nhẹ nhàng luồn xuống sau gáy hắn nồng nàn. Hắn ngả người nhắm mắt chờ đợi. Những hình ảnh mơ hồ thời niên thiếu bảng lảng hiện về. Dòng sông đục ngầu cuộn sóng. Cái bến vắng ngoài bãi sông không còn dấu tích những chiếc thuyền đinh nặng nề uể oải như không muốn một lần nữa rời khỏi nơi này. Những cánh buồm nâu lì lợm nhân đôi nhân ba nhân bốn cái hình ảnh vá víu thương cảm tròng trành sông nước. Một cuộc trở về sắp kết thúc. Một cuộc ra đi sắp bắt đầu…

Những giọt mồ hôi tí tách bò trong ngực áo. Mở mắt. Tự nhiên hắn thấy căn phòng chợt rộng ra thoáng đãng. Những tiếng rì rầm chuyện trò huyên náo ban nãy như lùi xa. Rất xa. Gió thoảng từng cơn mỏng. Hắn ngước nhìn lên chiếc quạt trần. Bốn cái cánh gỗ nhom nhoem mạng nhện uể oải rung lắc xa vời. Tiếng người đồng thanh ồ lên, có điện rồi! Hắn choàng tỉnh nhìn xung quanh. Quán đã vợi khách. Chỉ còn lại hai người đàn ông lớn tuổi ngồi ngây ngô như tượng đất nhìn ra dòng sông người chảy thao thao ngoài phố. Lũ bạn đã ra về hết. Chỉ còn lại mình Thu. Cặp mắt Thu lại trở về trống rỗng xa xăm.

Hắn vươn thẳng lưng trên chiếc ghế đẩu gỗ nhỏ và cứng ngắc. Cảm giác như ngồi lên một chiếc cọc. Chủ quán đã tìm ra mẫu thiết kế chiếc ghế đẩu gỗ này sau nhiều năm kinh nghiệm. Nó làm cho khách hàng luôn cảm thấy bất an khi ngồi xuống. Tránh được những lí sự cùn của kẻ say luôn nghĩ mình tỉnh táo. Những anh đã say sẽ chẳng bao giờ đủ khả năng giữ thăng bằng để ngồi lên ghế. Họ buộc phải ra về để nhường chỗ cho người khác. Một tính toán có phần không lương thiện lắm của chủ quán. Người Hà Nội nổi tiếng khắp trong nam ngoài bắc về phong cách bán hàng như đuổi khách. Cái ngạo mạn của những thị dân đầu não dù kín đáo hay lộ liễu vẫn chỉ là một mà thôi.

Chiếc ghế nhích chân cọt kẹt miết xuống nền nhà. Chủ quán đã không bao giờ lường hết được những khách hàng như hắn. Chỉ vài lần tập dượt với mấy cú ngã ngồi hắn đã thành thạo điều khiển chiếc ghế kể cả lúc say nhất. Dễ dàng biến nó thành một phần linh hoạt không tách rời thân thể. Cú vươn vai làm hắn định thần lấy lại thăng bằng. Căn phòng thu nhỏ lại kích thước. Chiếc quạt trần trên đầu đủng đỉnh nhẫn nại quay. Cặp mắt Thu hướng về phía hắn đầy thương cảm, anh đã tỉnh chưa, em xin lỗi đã ép anh uống hơi nhiều! Hắn ngượng ngùng cố nở một nụ cười méo mó, không sao, mấy thằng bạn tôi đâu hết cả rồi? Họ về lâu rồi, bây giờ đã hơn mười giờ tối! Hắn ngạc nhiên, em chưa về? Em không có việc gì ở nhà nên về muộn một chút không sao, em đưa anh về nhé! Lời đề nghị của Thu khiến hắn suýt phì cười. Ở thành phố này nhìn thấy đàn ông ngồi sau đàn bà trên xe máy là chuyện hiếm. Chỉ có mấy anh chở lợn lúc sáng sớm làm như vậy. Nhưng các chị ngồi đằng trước giá để hàng không phải là người lái xe. Chỉ là nhường chỗ cho con lợn cạo trắng hếu nằm vắt trên yên sau.

Nhưng hắn biết cũng chưa thể tự lái xe về được. Muốn thế, vẫn cần phải ngồi lại thêm ít phút. Hoặc nếu có một li rượu ngâm rắn hổ mang chúa thì tuyệt vời. Bài thuốc rã rượu gia truyền của chính mấy nhà hàng bán đặc sản rắn bên Lệ Mật. Ở đây đào đâu ra. Anh đừng ngại, em chạy xe tốt mà! Thu ngước mắt dịu dàng. Hắn đọc rất nhanh trong cặp mắt ấy không chỉ có tấm lòng đầy trách nhiệm của một bạn rượu. Nó an ủi nhiều hơn thế. Kiếm tìm nhiều hơn thế. Và cũng nồng nàn hơn mức cần thiết.

Đoạn đường từ quán rượu về nhà hắn dĩ nhiên gần. Rất gần. Nhưng lần đầu tiên trong đời hắn ngồi sau một đàn bà chạy xe máy ở thành phố. Xấu hổ không lớn bằng nỗi sợ hãi. Đàn bà thành phố đi xe bằng phanh. Nghĩa là chẳng bao giờ quan tâm đến tốc độ và chiều dài con đường. Kể cả tên con đường hình như cũng là thứ không cần đếm xỉa đến. Ngồi lên xe máy việc đầu tiên là rà phanh. Đạp đến chúi đầu xe chỉ để yên tâm là nó sẽ dừng lại đúng như ý muốn. Nhưng đàn bà đi xe máy trong thành phố lại dính tai nạn nhiều hơn đàn ông. Chung qui cũng chỉ tại cái tật đạp phanh thiếu cân nhắc khi người đi đằng sau chưa hề muốn đạp. Thực ra thì hắn cũng lơ mơ biết rằng mỗi lần nhấn phanh, Thu không chỉ muốn biết tính năng hoàn hảo của chiếc xe máy vào loại có thương hiệu. Hắn bám chặt tay cầm phía đuôi xe tránh những cú xô mạnh áp mặt về phía trước. Ở đấy bát ngát một mùi hương khiến hắn nhầm lẫn về không gian hiện tại. Mùi giường chiếu giữa đông vui phố phường cứ như bịa đặt.

Về đến sân khu nhà tập thể, hắn tỉnh táo hoàn toàn. Không chút ngần ngại, hắn đề nghị, em lên nhà anh chơi một lát nhé! Thu gật đầu mủm mỉm, anh có sợ cô nào trông thấy không? Hắn đùa, có đấy, có một cô!

Hắn gửi xe dắt Thu bước nhanh vào ô trống cầu thang tối đen. Chiếc bóng đèn duy nhất ở chiếu nghỉ cầu thang tầng một đã cháy vài tháng nay rồi. Nó sẽ còn tối tăm như thế thêm vài tháng nữa. Nơi ấy không thuộc về trách nhiệm của bất cứ một ai. Thực ra thì toàn bộ khu nhà tập thể này người ta đã bỏ quên nó từ rất lâu. Từ ngày có chủ trương của nhà nước bán hóa giá nhà chung cư. Mỗi người mua và làm chủ cái phần không gian trong bốn bức tường nhà mình. Sơn lại và lát nền. Tự lắp thêm các thiết bị nội thất. Bên ngoài cánh cửa nhà mình nhà nước không bán. Cũng chẳng giữ. Nếu cần có một ví dụ nào đó hoàn hảo cho sự vô chủ thì đấy là mặt ngoài những ngôi nhà tập thể. Bao gồm cả hành lang, cầu thang. Tường quét vôi bên ngoài vẫn giữ nguyên bản từ ngày xây dựng. Rất khó để biết rằng nó đã từng có màu gì. Thật trái ngược với đàn bà vô chủ. Thường thì họ ăn mặc trang điểm cầu kì lộng lẫy gấp nhiều lần khi còn thuộc về riêng một ai đó.

Bốn mươi tư bậc cầu thang lên đến tầng ba. Phải mở hai lần cửa vào nhà. Hắn lần tìm công tắc điện. Ánh đèn nê ông leo lẻo xanh ùa ra chói lóa. Hắn lao vội vào phòng khách thu xếp lại mấy tờ báo cũ loi thoi dưới chân chiếc bàn kính. Bật TV kênh HBO. Thu ngạc nhiên, đã làm gì mà phải xem TV ngay thế? Ừ, thói quen, bật lên cho đỡ vắng! Thu đi một vòng quanh bộ xa lông phòng khách. Đến bên chiếc bàn làm việc kê sát góc tường ngổn ngang những tờ phác thảo vẽ hình nguệch ngoạc. Chăm chú lật giở từng tờ, em chưa bao giờ được xem chỗ làm việc của một họa sĩ! Hắn tần ngần, thế em cũng chưa đến nhà cậu Thắng! Thu cười, chiếc lúm đồng tiền mờ nhạt bên má phải như vừa được đánh thức, làm sao em có thể đến được, vợ con anh ấy đầy nhà!

Hắn tìm chai whisky John đỏ uống dở rót ra hai cốc thủy tinh lớn. Thu ngồi xuống cạnh hắn trên chiếc ghế đôi nâng cốc rượu trên tay đắn đo, uống thêm cốc này nữa thì em sẽ say hơn anh đấy, anh sẽ lại phải đưa em về! Hắn phì cười kể cho Thu nghe cái lần cùng thằng Minh uống say ngoài quán. Thằng Minh đưa hắn về nhà và cũng ngồi nán lại uống thêm mấy chén. Kết quả là hắn phải gọi taxi đưa nó về. Đến nhà nó lại lấy rượu ra mời. Quanh co đến sáng thì cả hai thằng ngủ gục ngay tại ghế nhà nó. Điều quan trọng nhất là cho đến khi tỉnh dậy cả hai thằng vẫn nghĩ đang ngủ ở nhà mình. Và đều nghĩ rằng ông bạn mình tối qua say quá không thể về được.

Thật ngạc nhiên là lúc này hắn tỉnh táo hoàn toàn. Cả Thu cũng thế. Sắc mặt cô đã hồng hào lên đôi chút. Nhưng vẫn đượm buồn. Chẳng biết từ lúc nào Thu đã ngả hẳn người lên lòng hắn trên chiếc ghế dài trong bộ xa lông. Cặp mắt rực lên long lanh ướt. Đôi bàn tay với những ngón dài mỏng mảnh đan vào nhau bồn chồn. Dưới con mắt hắn, đôi bàn tay đàn bà không thể giấu được những khát khao khi đan ngón vào nhau bối rối. Khóe môi Thu chợt biến mất nếp gấp hằn sâu. Thay vào đó là một nụ cười tê dại đợi chờ. Hắn chầm chậm đặt lên môi cô một nụ hôn dài. Thu vòng tay xiết chặt. Di day man dại cay nồng trong hơi thở gấp. Tự nhiên, hắn cảm thấy cương cứng bất ngờ, cuống cuồng đến lạc giọng, em…em…ta vào buồng trong!

*

Mình không chắc chắn lắm về phẩm hạnh của một đàn bà ở quán rượu. Cứng cỏi tự tin hay yếu mềm xao động chỉ là nhận xét bề ngoài. Lả lơi đùa cợt hay khép nép thẹn thùng cũng vậy. Bên trong khác hẳn. Nếu không thiệt thòi nếm trải những đau đớn tình trường thì cũng là loại thất bại trong việc làm ăn kinh doanh. Đàn ông đến quán rượu để tìm nhiều thứ. Đầu tiên là chất men cay xốc lại tinh thần và thể xác sau một ngày lặn lội bươn chải. Sau đó là đến những câu chuyện giải trí tục tĩu phần lớn được hư cấu chế tạo ngay tại chỗ. Bằng những vật liệu muôn thuở. Chim và bướm. Vài người biến quán rượu thành nơi gặp gỡ trao đổi những chuyện làm ăn mánh mối kín đáo. Cũng có người tìm đến để làm vợi đi nỗi buồn chuyện gia đình vợ con. Và có những người chỉ là theo thói quen. Buồn cũng đến mà vui cũng đến. Buồn thì uống cho vơi nỗi buồn. Vui thì uống để chia sẻ cùng rượu.

Đàn bà đến quán rượu chỉ có một loại thôi. Nỗi buồn đưa họ đến. Đàn bà vui thường đi shopping hoặc bày vẽ ra nấu nướng li kì. Đàn bà buồn dù có nói năng cười cợt bỗ bã hay âm thầm khép mình nghe ngóng thì cũng chỉ để che giấu nỗi buồn. Nhưng có một đặc điểm chung cho tất cả những đàn bà tìm đến quán rượu. Họ khát khao tình ái. Dù sống sượng tuyên ngôn hay âm thầm đánh tiếng thì việc họ đến quán rượu vẫn tuyệt đối không phải vì rượu. Thu không phải ngoại lệ. Và cô ấy đã tìm đến đúng chỗ.

Những đàn ông trong quán đa phần mình biết là những người không có ý định phản bội vợ. Hoặc không dám thì cũng vậy thôi. Thằng Quân sống hoàn toàn bằng chu cấp của cô vợ là bác sĩ nha khoa. Uống rượu cỡ nó cả tháng chỉ tốn khoản tiền bằng cô ấy trong chớp mắt nhổ một chiếc răng của ai đó. Thằng Thắng có vợ rất xinh đẹp trẻ trung làm ở một công ti nước ngoài. Chỉ phục vụ mình vợ thôi nó cũng đã mệt lử. Thằng Minh dĩ nhiên không cần đến những địa chỉ bất chợt qua đường. Thường sau khi ở nhà nghỉ ra nó vẫn đưa các em rất xinh đẹp quyến rũ về quán rượu ngồi nhấm nháp trước lúc chia tay. Quyến luyến rụng rời đến mức có cave còn tự nhầm là người tình của nó. Cũng giận hờn khóc lóc và mắng mỏ đám bạn rượu bầy hầy tán tỉnh.

Thế nhưng khi đã có rượu vào thì lũ đàn ông luôn sẵn sàng cho một cuộc phiêu lưu tới bến. Ở đâu cũng vậy thôi. Chỉ còn mỗi việc chờ một tín hiệu từ đàn bà. Tín hiệu ấy Thu dành cho hắn là quá rõ ràng. Thậm chí cô còn tự mình lái xe chở hắn và tín hiệu cùng về.

*

Hắn đứng dậy bước vào buồng trong. Cởi quần áo vứt bừa trên nền nhà. Nhanh tay vơ vội tấm vải trải giường lật mặt sau lên trải lại. Tấm vải hoen ố màu mồ hôi và loang lổ vết tích của những cuộc làm tình trước đó. Mặt trái của nó có khá hơn về màu sắc nhưng mùi đàn ông độc thân sặc sụa là thứ không thể giấu diếm. Một thứ mùi gây gây lờm lợm luôn làm người ta liên tưởng đến một ồn ào thịt da và cả nhiệt độ vượt trội của nó. Thực ra thì Thu đã phát hiện ra nó từ lúc còn ngồi trong quán rượu. Chính nó chứ không phải hắn dẫn dắt cô đến chốn này. Cô nhẹ nhàng nằm xuống bên hắn. Úp mặt hít hà khá lâu trên chiếc gối nháng bóng bằng vải dày tối màu. Hắn từ tốn giúp cô chui đầu ra khỏi chiếc áo thun cổ rộng nham nhở vết cắt. Kéo chiếc quần bò chật căng xác xơ te tướp chỗ đầu gối vứt xuống chân giường. Cô tự mình cởi tung chiếc áo nịt đen chật chội. Cặp vú nhóng nhánh ùa ra rung gấp gáp. Chiếc quần lót viền đăng ten là một vật khá buồn cười. Nó có ống dài xuống qua khe đùi nhưng lại trong suốt chẳng thể che đậy nổi một nốt ruồi nhỏ như vẩy con ốc mút bên hông. Hắn từ tốn úp mặt lên ngực Thu nếm náp hai đầu vú to và tím lịm màu táo tàu mằn mặn mồ hôi. Có cảm giác như nó phiêu phưởng lênh đênh trên một vùng bát ngát trắng sóng. Thu thầm thì, ngực em xấu lắm anh nhỉ? Hắn lắc đầu vươn người lên hôn vào gương mặt đờ đẫn của Thu, không, thật tuyệt vời! Có một vệt sáng nhoáng ướt trên khóe mắt làm hoen viền bút chì tô đậm. Những đợt sóng dồn dập lan tỏa từ bầu ngực căng tràn của Thu chạy suốt chiều dài cả hai cơ thể. Những chiếc móng sơn màu nhũ tím mỏng manh như vẩy ốc trên bàn tay cô lào rào kiếm tìm ve vuốt khiến hắn đờ ra căng cứng. Hắn nhẹ nhàng tách cặp đùi Thu đang mê man xiết chặt. Dừng tay nấn ná hồi lâu trên gò mu rối bời rậm rạp. Thu rướn người đón nhận những con sóng đầu tiên hối hả trong mình…

*

Mình xua đi tất cả những ý nghĩ bận rộn trong đầu cùng hắn tận hưởng. Chúng mình tận hưởng. Bất giác mình nhớ đến cách xưng hô khiêm tốn vờ vĩnh của đám trí thức nho học ngày xưa. Luôn thay đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất số ít bằng một đại từ cùng ngôi số nhiều. “Chúng tôi”. Một đại từ mà ý nghĩa khiêm tốn của nó đã hoàn toàn mai một cùng với nền khoa bảng nghìn năm. Chỉ còn lại sự nước đôi dò dẫm an toàn cho diễn ngôn thời hiện đại. Mình thích từ “Chúng ta” của các lãnh đạo hơn. Nhưng mình không phải là lãnh đạo. Ở phe mình không có đủ số người để mà xưng “chúng ta”. Chỉ có thể dùng từ “chúng tao” qua điện thoại khi muốn thông báo với mấy thằng bạn rượu mình đang ngồi ở quán nào.


Người ta vừa cho phá đi ba mặt của bức tường nhà tù Hỏa Lò giữa trung tâm thành phố. Chỉ để lại mặt trước với hai cánh cổng nặng nề dưới hàng chữ uốn cong MAISON CENTRALE trên cổng vòm vừa phát lộ quay ra mặt phố Hỏa Lò. Con phố duy nhất trong thành phố chỉ có một số nhà vậy là vẫn còn đủ khái niệm để gọi là một con phố.

Khoảnh đất rộng còn lại của nhà tù ba mặt phố Hai Bà Trưng, Quán Sứ, Thợ Nhuộm được dành cho tòa tháp Hanoi Tower hơn hai mươi tầng mọc lên. Tòa cao ốc đầu tiên giữa trung tâm thành phố như mũi tên vút thẳng lên trời dẫn đường cho sự ra đời hàng loạt của những công trình cao tầng lân cận. Những con phố dựng đứng với số lượng người giàu có áp đảo. Không kể bức tường còn lại phía mặt phố Hỏa Lò thì bản thân tòa tháp đôi cũng là một ngăn cách vô hình. Những văn phòng cho thuê, những siêu thị và cửa hàng khép kín trong tòa tháp như một thành phố khác gần như chẳng có liên quan gì đến Hà Nội. Người ta có thể mua sắm hàng hiệu của các hãng thời trang nổi tiếng thế giới. Có thể vào nhà hàng Fast Food ăn gà rán theo kiểu Mĩ. Có thể tổ chức tiệc cưới với màn trình diễn cô dâu trong bộ cánh thiên thần được thả từ trên cao xuống bằng kĩ thuật đu dây của ngành xiếc. Có thể gửi em bé vào nhà trẻ ở đấy với chi phí 1000USD một tháng.

Quán rượu Dâm dương hoắc của bà O người Quảng Bình đầu phố Thợ Nhuộm rục rịch đóng cửa. Chiếc đàn ghi ta đám nghệ sĩ vỉa hè Hà Nội hay dùng ở đấy đã đứt đến sợi dây cuối cùng.


Trân trọng giới thiệu.


SÁCH NÊN MUA CHUNG

NGÔI NHÀ MA
Tác giả: Hoàng Minh Tường
Biết bao nhiêu lần Phương đi qua ngôi nhà ấy, lần nào cũng vậy, anh đều dừng lại ngắm nhìn nó với nỗi cay đắng, nuối tiếc. Kia căn phòng gác hai, nơi anh và Tú đã cất tiếng chào đời. Kia căn phòng mẹ anh thường ngồi khâu vá và ngóng đợi ba anh mỗi buổi đi làm về... Gần bốn mươi năm rồi anh chưa một lần trở lại.Nhưng Tú, em trai anh thì lại thường xuyên trở lại ngôi nhà ấy. Mỗi lần, Tú đều mang về ...
NÀNG BẠCH TUYẾT VÀ 7 CHÚ LÙN
Tác giả: Nguyễn Hiếu




Copyright @1999-2020 MINHKHAI.VN All rights Reserved.
Công Ty TNHH Minh Khai S.G (Nhà sách Minh Khai)
249 Nguyễn Thị Minh Khai, F. Nguyễn Cư Trinh, Q.1, Tp. Hồ Chí Minh
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số: 4102019159
Mã số doanh nghiệp 0303209716 - Đăng ký thay đổi lần 6 ngày 30/07/2010
Ðiện Thoại (028)39250590 - (028)39250591 -Fax: (028)39257837
Website: minhkhai.com.vn
E-mail: [email protected]