TRUYỆN NGẮN HAY 2016
(Hết hàng)
Tác giả: Nhiều tác giả Thể loại: Truyện vừa - Truyện ngắn - Tản văn ISBN: 9786046982036 Xuất bản: 8/2016 Trọng lượng: 300 gr NXB: Văn học Số trang: 301 trang - khổ: 13.5 x 20.5 cm Giá bìa: Giá bán: 53,200 đ |
|
TRUYỆN NGẮN HAY 2016 gồm 17 truyện ngắn của 16 cây bút đã thành danh. Đây là tập truyện ẩn chứa những bài học nhân sinh sâu sắc. Hầu hết các truyện ngắn trong tập đều có một nút thắt, mà khi mở ra tất cả đều òa vỡ bởi cái tình, hạnh phúc và sự thấu hiểu! Tình cảm trung hậu của con người ẩn ở thẳm sâu trong tâm tư, và khổ đau cũng cùng ở đó! Hạnh phúc quý giá là hạnh phúc đôi khi không nhìn thấy được. Hãy làm con người sống động, chứ đừng làm những hình nhân, những ký hiệu lấp vào chỗ trống (ĐẰNG NÀO CŨNG CHẾT...). Những phận đời xù xì, bất hạnh, nham nhở kiếm ăn, vật vã từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đi, vẫn gìn giữ trong lòng một ngọn lửa ấm (LỠ, GIÁ CỦA BÁNH GIÒ). Ngọn lửa ấy là chính niềm hy vọng sau cùng. Ở "VÔ VI" của Trần Thanh Cảnh, cảnh tượng khu đô thị hóa Lâm Viên Hồng của Trần đại gia như một bóng ma ám ảnh hù dọa, phá vỡ đời sống một làng ven đô, vốn thanh bình và vẫn còn nền nếp cổ xưa an cư lạc nghiệp, tôn sư trọng đạo, kính trọng cha mẹ ông bà, và vẫn còn tình cảm thôn quê trong tiềm thức. Cơn lốc ào ạt đô thị hóa đã đem tới nơi đây sự vô cảm, sợ hãi, bất an, cái chết và sự chia rẽ. Những cuộc đời nham nhở, đau thương, dở dang, đoản mệnh vì tiền bạc và hoàn cảnh khách quan làm cho đời sống méo mó, biến dạng đi. Con người ta vốn ham thích cái mới, sự giàu sang, sự đổi đời. Có biết đâu, ẩn sâu trong nó là mầm tai họa. Khi con người ta phất lên, có của ăn của để, mở mặt với đời, họ rất đắc thắng, sơ hở và kém hiểu biết, không quan tâm đầy đủ sát sao đến gia đình, nên đã vấp phải một đòn trừng phạt của số phận. Tai họa thảm khốc đến vào lúc ta không ngờ nhất! Năm mẹ con bà cháu đã bị ngộ độc vì thuốc chuột Tàu, người chồng làm chủ gia đình bị chết não, bị điên, và ông chủ lớn Trần đại gia đang đêm bị lạc, mất tích vào lau lách, là một bài học nhãn tiền cho dân chúng! Hãy sống cần cù, khiêm nhu với trời đất, thiên nhiên và đồng loại, nếu không, không biết khi nào tai họa ập đến kéo đi. Một số truyện khác cũng có âm hưởng như vậy. Phong trào đô thị hóa đã dần dần đánh mất nếp nhà, hồn quê, lãng quên nguồn cội (TIẾNG ĐẤT), nên người ta thao thiết tìm lại kỷ niệm tuổi thơ, khao khát giữ gìn hồn cốt quê hương và những giá trị khác (BẢN NHẠC MÕ TRÂU, CON NHÀ LÍNH, ĂN GẪM ĐỊA, HOA TRÊN NÚI ĐÁ...). Nói chung, đời sống đương đại đang bị rạn vỡ, biến dạng bởi cơn lốc đô thị hóa, cái cổ xưa, cái truyền thống còn lại rất ít, như vệt máu khô còn sót lại trên đường! Sự bất an, chết chóc, nguy hiểm luôn rình rập trong xó tối của số phận, khi con người ta chưa có ý thức chuẩn bị đủ đầy. Nguyên nhân thoạt tưởng là do khách quan, do thời cuộc, nhưng té ra lại là do chủ quan con người hết. Họ đã phải gánh chịu, đi đến kết cục bi thảm cuối cùng (VÔ VI, HOA TRÊN NÚI ĐÁ...). Cuộc sống đời thường không phải là mục đích tối hậu của con người, nhưng con người biết trốn đi đâu ngoài cái cuộc sống đời thường?... Con người trốn vào nghệ thuật, vào mộng mơ, vào quá khứ, vào giấc mộng giàu sang muôn thuở! Nhưng những giấc mộng ấy cũng rất mỏng manh, vụt bay thoáng chốc (LƯỠI ĐÊM, GIẤC SƯƠNG, QUẢ TIM CỦA MODIGLIANI...). Đã có rất nhiều sao nhãng và đứt gãy của số phận trong thời khắc đó, tỉnh ra thì đã muộn rồi! Cái mất không bao giờ lấy lại. Nhưng nói chung, vẫn còn sót một ngọn lửa, một hy vọng, một thứ tha và một niềm tin vào cái gì tốt đẹp đang thấp thoáng ở phía trước. Dù niềm hy vọng ấy chỉ nhẹ như một hơi thở, một làn khói, sẵn sàng biến mất bất cứ lúc nào, nếu ta không biết nhìn ra và gìn giữ (RẠNG ĐÔNG, QUẢ TIM CỦA MODIGLIANI, TIẾNG ĐẤT, CÂU CHUYỆN LÚC MỜ SÁNG...).
Minh Khai trân trọng giới thiệu. |