NGÔI NHÀ, NƠI TRÚ NGỤ CỦA TRÁI TIM - TÂM LÝ HỌC NHÀ Ở VÀ NỘI THẤT
Tác giả: Tomoda Hiromichi. Dịch giả: Khánh Huyền - Khánh Giang Thể loại: Xây dựng - Kiến trúc ISBN: 9786048273439 Xuất bản: 6/2023 Trọng lượng: 470 gr NXB: Xây Dựng Số trang: 281 trang - khổ: 20.5 x 20.5 cm Giá bìa: Giá bán: 160,650 đ |
|
… Từ góc độ mang tên tâm lý học tầng sâu đó, tôi chọn phân tích những ngôi nhà truyền thống điển hình của người Nhật, chẳng hạn như nhà cổ truyền vùng nông thôn, kiểu nhà phố hay kiểu nhà có hành lang giữa. Ngoài ra, tôi chọn kiểu nhà có sân vườn ở giữa của Hàn Quốc làm đối tượng điều tra so sánh. Những ngôi nhà truyền thống có các không gian đặc sắc như sảnh sinh hoạt, vườn hành lang, hành lang giữa, sân giữa, đồng thời mang kết cấu kiến trúc rõ ràng. Tuy nhiên, trong các ngôi nhà hiện đại ngày nay, hành lang giữa ngày càng bị thu nhỏ, chưa kể bộ khung phân chia các không gian cũng bị lược bỏ đi rất nhiều. Vì vậy, phòng khách trở thành không gian ấn tượng nhất trong các ngôi nhà hiện đại và tôi cho rằng, ý nghĩa về mặt không gian này sẽ tác động đến bộ khung của những ngôi nhà hiện đại. Bên cạnh đó, nhà ở hiện đại chú trọng vào công năng của từng không gian khiến cho các yếu tố văn hóa dần mờ nhạt đi cũng là một vấn đề vô cùng nghiêm trọng cần phải suy ngẫm. Đồng thời, việc đi sâu tìm hiểu kiến trúc nhà ở của thời đại tiếp theo cũng là mục tiêu chính của nghiên cứu này. Thế nhưng, đối với bất kỳ ai, ngôi nhà không phải là kết quả của những sự chọn lựa chính xác tuyệt đối tích luỹ trong một thời gian dài. Bởi vì, trong suốt cả quá trình sẽ có lúc thăng lúc trầm khiến chúng ta không thể biết được mình sẽ đi về đâu trong thời đại tiếp theo đó. Nếu ngược dòng lịch sử chúng ta sẽ thấy, kiến trúc nhà ở được hình thành bởi những lựa chọn phù hợp nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, nếu nhìn trong ngắn hạn thì nhà ở hiện đại được cho là một loại hàng hóa, trở thành đối tượng của sự mơ ước và xu hướng. Từ quan điểm “hiện tượng bề mặt” và xu hướng, tôi đã tìm hiểu về ngôi nhà mơ ước. Nhìn chung, khi mua một ngôi nhà, dù chưa từng sống ở đó nhưng người mua luôn lựa chọn ngôi nhà mà họ đã ao ước bấy lâu: “Tôi muốn một ngôi nhà xây bằng bê tông cốt thép, tôi thích ngôi nhà kiểu phương Tây trong những câu chuyện cổ tích, tôi đang tìm ngôi nhà có căn bếp được lát bằng đá cẩm thạch”. Ngày nay, thay vì chọn một “ngôi nhà an toàn, thiết thực và tiện nghi“ người ta có nhiều mối quan tâm hơn về diện mạo bên ngoài và thiết kế nội thất bên trong ngôi nhà. Và như vậy, ngôi nhà dần được xem như những hàng hóa thông thường khác. Trong cuộc điều tra, khi tôi chỉ vào từng bức hình ghi lại diện mạo bên ngoài hay không gian nội thất bên trong ngôi nhà và hỏi về ấn tượng đối với bức hình đó, tôi đã nhận được những đánh giá mang tính tâm lý như “không muốn ở/ có muốn ở”. Từ đây, xét một cách tổng thể, tôi có thể hiểu được tâm lý tầng sâu thông qua những trải nghiệm chung, giá trị quan và ý thức thẩm mỹ của người Nhật. Từ sự khác nhau trong ý thức thẩm mỹ hay giá trị quan được sinh ra bởi nhiều kinh nghiệm đã được tích luỹ đó, tôi chọn lọc ra một nhóm đối tượng có chung giá trị quan. Bằng những suy nghĩ để tìm ra thiết kế nhà phù hợp với nhóm này, tôi lại có những ý tưởng mới về nhà ở. Mặc dù đây là một cuốn sách ghi lại những kết quả nghiên cứu về các vấn đề xoay quanh tâm lý giữa các cá nhân, tâm lý không gian, những hình dung liên tưởng, xu hướng nhưng đồng thời, kết quả này cũng cung cấp cho độc giả một cái nhìn mới về lĩnh vực nhà ở. Với ý nghĩa đó, tôi hy vọng rằng nghiên cứu này sẽ là cơ sở cho nhiều ý tưởng thiết kế mới trong tương lai.
Minh Khai trân trọng giới thiệu |