Từ Điển Bách Khoa - Đất Nước Con Người Việt Nam ( Trọn Bộ 2 Tập- Bìa Cứng)
(Hết hàng)
Tác Giả: Gs.NGND. Nguyễn Văn Chiển - Ts.Trịnh Tất Đạt Thể loại: Từ điển ISBN: 9786049002236 Xuất bản: 12/2011 Trọng lượng: 2090 gr NXB: Từ điển bách khoa Số trang: 2983 trang - khổ: 19x27 cm Giá bìa: Giá bán: 646,000 đ |
|
LẠNG SƠN Tỉnh miền núi ở đông bắc Việt Nam, giáp với Trung Quốc. Toạ độ địa lí từ 20o27'B - 22o19'B và 106o06'Đ - 107o21'Đ. Phía bắc giáp tỉnh Cao bằng; phía đông giáp Trung Quốc và tỉnh Quảng Ninh; phía nam giáp tỉnh Bắc Giang; phía tây giáp Bắc Kạn và Thái Nguyên. Diện tích 8.305,25km2. Gồm 1 thành phố (Lạng Sơn), 10 huyện (Tràng Định, Bình Gia, Văn Lãng, Bắc Sơn, Văn Quan, Cao Lộc, Lộc Bình, Chi Lăng, Đình Lập, Hữu Lũng). Dan số 747.500 người (2008), gồm các dân tộc: Tày, Nùng, Dao, Hoa, Ngái, Mông, Kinh... Địa hình chủ yếu là đồi núi thấp; đồi núi chiếm trên 70% diện tích xen một số vùng trũng thấp. Độ cao trung bình toàn tỉnh 252m, nơi thấp nhất 20m ở phía nam huyện Hữu Lũng, nơi cao nhất trong dãy núi Mẫu Sơn (1.541m). Tỉnh có ba khu vực địa hình: Khối núi đá vôi Bắc Sơn, Máng Cao Lạng và thung lũng sông Thương tạo nên địa hình phức tạp. Sông chính chảy qua: Sông Kỳ Cùng, Bắc Giang, Bắc Khê, Thương. Khí hậu nhiệt đới gió mùa, có mùa đông lạnh. Tài nguyên có một số loại gỗ quý, khoáng sản và động vật quý hiếm: gỗ có lim, lát; động vật có hổ, báo, sơn dương (nhưng hiện nay rất hiếm); khoáng sản có vàng, bạc, đồng, chì, kẽm, bauxit, than nâu. Kinh tế bao gồm nông - lâm nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Nông nghiệp có các cây trồng chính: lúa, ngô, lạc, thuốc lá, mía; chăn nuôi trâu, bò. Lâm nghiệp: khai thác gỗ và lâm sản, nổi tiếng là hồi. Lạng Sơn có cửa khẩu Hữu Nghị Quan thông thương với Trung Quốc. Đường giao thông chính chạy qua: quốc lộ 1A, 1B, 4A, 4B (400km), đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng (87km), liên vận Hà Nội - Bắc Kinh. Lạng Sơn có nhiều di tích lịch sử và thắng cảnh: Chi Lăng, xã Vũ Lăng, đèo Bông Lau, chùa Tam Thanh, động Nhị Thanh, hòn Vọng Phu, chùa Tiên (giếng Tiên)... Từ thời Lý, thành lập các lộ Lạng Giang tương đương với Lạng Sơn ngày nay; thời Trần, đổi làm tran Lạng Sơn; thời thuộc Minh, đổi thành phủ; thời Lê Sơ, thuộc Bắc Đạo; năm 1466, đặt thừa tuyen Lạng Sơn; năm 1490, đổi làm xứ; khoảng những năm 1509 - 16, đổi thành trấn. Minh Mạng năm thứ 12 (1831), đổi thành tỉnh Lạng Sơn. Năm 1975, sáp nhập với Cao Bằng thành tỉnh Cao Lạng. Năm 1978, tách ra thành một tỉnh riêng. TUYÊN QUANG Tỉnh ở Đông Bắc Bắc Bộ Việt Nam. Toạ độ địa lí từ 21o30'B đến 22o41'B và 104o50'Đ đến 105o35'Đ. Phía bắc giáp các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng; phía đông giáp các tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên; phía nam giáp các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc; phía tây giáp các tỉnh Yên Bái, Hà Giang. Diện tích 5.870,4km2. Gồm 1 thị xã (Tuyên Quang - tỉnh lị) và 5 huyện (Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương). Dân số 725.467 (2009), gồm các dân tộc: Tày, Dao, Mông, Nùng, Cao Lan, Sán Dìu, Kinh, Hoa. Địa hình phức tạp với hơn 70% diện tích là đồi núi thấp thuộc cánh cung Sông Gâm, núi cacxtơ và sơn nguyên bóc mòn, thấp dần từ bắc xuống nam theo các thung lũng sông Lô, sông Gâm; có các đỉnh: Cham Chu (1.578m), Núi Lịch (953m). Sông Lô, sông Gâm, Phó Đáy chảy qua. Khoáng sản: thiếc, kẽm, mangan, cao lanh, đá vôi. Trồng lúa, chè, ngô, sắn, mía, lạc, sả, đậu tương. Chăn nuôi; trâu, bò, lợn, ong lấy mật. Chế biến chè, tinh dầu sả, nông sản. Khai thác khoáng sản: cao lanh, thiếc, kẽm..., sản xuất xi măng. Nhà máy thủy điện Na Hang. Trồng rừng, khai thác lâm sản. Thắng cảnh: rừng nguyên sinh Na Hang, suối Mỹ Lâm, khu di tích Tân Trào. Giao thông: quốc lộ 2, 37, 279, 2C, tỉnh lộ 176, 187 chạy qua, đường thuỷ trên sông. Đời Trần là châu thuộc lộ Quốc Oai; thời Lê sơ, từ năm 1469, đổi là thừa tuyên rồi trấn; thời Nguyễn đổi là tỉnh (1831); từ ngày 27.12.1975, hợp nhất với tỉnh Hà Giang thành tỉnh Hà Tuyên; từ 12.8.1991 chia tỉnh Hà Giang trở lại 2 tỉnh cũ. ÁO DÀI Ở Việt Nam, là loại trang phục của nam và nữ, che thân từ cổ đến đầu gối hoặc quá đầu gối. Áo dài có thể có 2 - 5 thân, mở cạnh hoặc giữa; cổ đứng cao, thấp hoặc cổ bẻ, cổ tròn...; vai liền, vai nối hoặc vai bồng; tay dài hoặc không tay; vạt có thể dài, ngắn, rộng, hẹp; gấu gập, vê, thẳng, lượn, góc vuông, góc tròn, vv. Áo dài Việt Nam rất đa dạng: áo dài võ tướng bó sát thân, có trang trí hoa văn; người dân thường mặc loại áo tứ thân, màu đen (áo dài nữ có cổ viền trắng, áo dài nam có cổ viền bằng the thâm), vv. Đầu thế kỉ XX, nam giới thường mặc áo dài 5 thân, cài khuy nách, cổ đứng, tay rộng vừa phải, vv. Thời kì 1930 - 1940, ở thành thị xuất hiện kiểu áo dài tân thời "Lơ Muya" ("Le Mur") cho nữ giới, áo có cổ cao, cổ bẻ, gấu vê, góc tròn, chiết li cho nổi eo. Phụ nữ các dân tộc ít người ở Việt Nam cũng mặc áo dài với các kiểu dáng khác nhau. Có địa phương còn quàng thêm khăn chéo vai và quấn quanh bụng dải thắt lưng màu. Áo dài Việt Nam ngày nay vẫn giữ được bản sắc truyền thống và trở thành biểu tượng cho người phụ nữ Việt Nam. Xin trân trọng giới thiệu. |