Đạo Đức Môi Trường Ở Nước Ta Lý Luận Và Thực Tiễn
(Hết hàng)
Tác Giả: Gs.Ts.Vũ Dũng Thể loại: Khoa học xã hội ISBN: 9786049004308 Xuất bản: 9/2011 Trọng lượng: 430 gr NXB: Từ điển bách khoa Số trang: 486 trang - khổ: 14.5x20.5 cm Giá bìa: Giá bán: 64,600 đ |
|
CÁC TIÊU CHÍ CỦA ĐẠO ĐỨC MÔI TRƯỜNG Từ nghiên cứu lý luận về đạo đức học và những yêu cầu bảo vệ môi trường trong bối cảnh toàn cầu hiện nay chúng ta có thể xác định một số tiêu chí cơ bản để đánh giá đạo đức môi trường của con người như sau: 1. Đạo đức môi trường là hành vi thực hiện các chuẩn mực môi trường Khi nói đến đạo đức môi trường trước hết là nói tới những hành vi ứng xử của con người đối với môi trường. Bởi vì, đạo đức của con người phải được thể hiện qua hành vi cụ thể hàng ngày của con người. Những suy nghĩ, tình cảm và thái độ mang tính đạo đức của con người phải thể hiện qua các hành vi cụ thể thì chúng ta mới nhận biết và đánh giá được. Do vậy, suy cho cùng, nghiên cứu đạo đức môi trường là nghiên cứu hành vi ứng xử của con người đối với môi trường. Điều đáng nói ở đây là những hành vi ứng xử của con người đối với môi trường phải là những hành vi mang tính chuẩn mực. Tức là những hành vi thực hiện các chuẩn mực nhằm bảo vệ môi trường. Ở nước ta các chuẩn mực này là: a. Các Công ước quốc tế về môi trường đã được Chính phủ ta chấp thuận. Từ giữa những năm 1980, Việt Nam đã bắt đầu hiện đại hoá hệ thống pháp luật của mình và đi vào tuyến với các quốc gia khu vực châu Á. Một phần của quá trình cải cách này là Việt Nam đã ký nhiều Công ước quốc tế, trong đó có những Công ước về môi trường. b. Các luật và đạo luật về bảo vệ môi trường. Có thể nêu ra một số luật và đạo luật về bảo vệ môi trường hoặc liên quan đến bảo vệ môi trường như: - Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua ngày 10.1.1994. Luật bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua ngày 29.11.2005. Trong Luật Bảo vệ môi trường đã quy định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức xã hội và cá nhân đối với việc bảo vệ môi trường. - Luật Đất đai được thông qua 14.7.1993 và Luật Đất đai sửa đổi tháng 9.2003. - Luật Bảo vệ và phát triển rừng thông qua ngày 19.8.1991. - Pháp lệnh Tài nguyên khoáng sản thông qua ngày 28.7.1996. - Luật Khoáng sản thông qua ngày 20.3.1996. - Pháp lệnh Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản thông qua ngày 25.4.1989.... c. Các Nghị định của Chính phủ, các Chỉ thị, Quyết định của các Bộ ngành về vấn đề bảo vệ môi trường. d. Các Quy định của UBND các tỉnh, thành phố và của các Sở tài nguyên môi trường các địa phương về vấn đề cụ thể bảo vệ môi trường ở địa phương. e. Ngoài các văn bản pháp quy trên còn có các Quy định của các cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường (tổ dân phố, khu dân cư ở đô thị, của các thôn xóm ở nông thôn): các Quy ước hay Hương ước, Luật tục... Có thể nói các ý kiến về chuẩn mực luật pháp về bảo vệ môi trường là rất đa dạng. Đây là những tiêu chí chính thức quan trọng để đánh giá đạo đức môi trường của các tổ chức và cá nhân. Nói cách khác, các chuẩn mực này là cơ sở để đánh giá hành vi ứng xử của cá nhân, tổ chức với môi trường có phù hợp với đạo đức con người hay không. Đạo đức môi trường không chỉ là những hành vi mang tính chuẩn mực đơn thuần, mà nó khác với các hành vi chuẩn mực khác (hành vi chuẩn mực được thực hiện một cách bắt buộc) là nó được chủ thể (cá nhân hoặc tổ chức) thực hiện một cách tự giác, thực hiện với tinh thần trách nhiệm. Chẳng hạn, một người trong công viên ăn quà xong bỏ rác vào thùng rác vì anh ta nhìn thấy tấm biển "Nếu vứt rác bừa bãi sẽ bị phạt 100.000 đồng". Đây chưa phải là hành vi mang tính đạo đức môi trường vì nó được thực hiện một cách bắt buộc, miễn cưỡng. Song, hành vi vứt rác vào thùng rác của anh ta sẽ được coi là hành vi mang tính đạo đức khi anh ta không nhìn thấy tấm biển phạt, khi anh ta tự ý thức được sự cần thiết phải bỏ rác vào thùng, nếu không sẽ gây ra ô nhiễm môi trường và anh ta thực hiện hành vi này hoàn toàn mang tính tự giác. Ở nước ta hiện nay trước yêu cầu bảo vệ môi trường và thực hiện các chuẩn mực chung của quốc tế và các chuẩn mực của Việt Nam, các hành vi đạo đức môi trường cần hướng tới thực hiện các chuẩn mực cụ thể sau: a. Tạo một môi trường sống xanh: Trong những năm gần đây người ta nói nhiều đến môi trường xanh. Đây là môi trường đảm bảo cân bằng về sinh thái, không bị ô nhiễm, không khí trong lành. Môi trường xanh cũng là điều kiện quan trọng để phát triển một cách bền vững của các quốc gia. Để có môi trường xanh chúng ta cần: Chính sách xanh, công nghệ sạch, sản xuất xanh, tăng trưởng xanh, đời sống xanh, môi trường trong lành, không ô nhiễm. Đây là một tiêu chí quan trọng để đánh giá đạo đức môi trường trong sản xuất và phát triển của chúng ta hiện nay. Tiêu chí môi trường xanh phải được thể hiện trong việc hoạch định các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như của các địa phương, trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, trong hoạt động của các tổ chức xã hội, trong cuộc sống của các cộng đồng dân cư, trong sinh hoạt của các gia đình và mỗi người dân. Đó là những hoạt động phải hướng tới thiết lập và bảo vệ màu xanh cho cuộc sống. Theo tiến sỹ Stefannos Fotiou, Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) thì một nền kinh tế xanh ở Việt Nam hiện nay là nền kinh tế phải hướng tới sự tăng trưởng bền vững toàn diện, phục vụ lợi ích của người dân, nhằm phát triển bền vững về sinh thái. Đó là nền kinh tế chú trọng đến tăng trưởng nhưng không làm hại đến vốn tự nhiên, không tiêu dùng vốn tự nhiên, bảo tồn vốn tự nhiên, tăng trưởng kinh tế đi đôi với việc bảo tồn môi trường. Một nền kinh tế như vậy sẽ dẫn tới sự tăng trưởng xanh. b. Sự phát triển của môi trường có tính bền vững Những hành vi đạo đức môi trường là những hành vi hướng đến sự phát triển môi trường có tính bền vững. Phát triển môi trường bền vững là phát triển phải đảm bảo hài hoà giữa kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và bảo vệ môi trường. Phát triển môi trường bền vững phải chú ý đến các tiêu chí như: đảm bảo rừng là lá phổi của hệ sinh thái, điều hoà nước, giữ đất khỏi bị rửa trôi, đảm bảo sự sống của các loài động vật... (PGS.TS. Hà Huy Thành, 2009). Một nền kinh tế xanh mà chúng ta nói ở trên là một điều kiện để phát triển môi trường có tính bền vững. Để phát triển môi trường có tính bền vững chúng ta cần có ý thức trong việc khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Chính các hành vi có ý thức này của con người tạo nên các hành vi đạo đức môi trường. c. Hành động của con người vì môi trường tự nhiên Những hành vi đạo đức môi trường của con người cũng là những hành vi vì môi trường tự nhiên. Trong các định nghĩa về đạo đức môi trường của các tác giả nước ngoài mà chúng ta đã nói tới ở trên thì chúng đều nói tới mối quan hệ mang tính đạo đức giữa con người và tự nhiên. Đã có một thời chúng ta cho rằng con người là trung tâm, là đứng trên tự nhiên. Con người có quyền khai thác, kể cả phá huỷ môi trường tự nhiên để phục vụ lợi ích của mình. Điều này đã dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng đối với cuộc sống con người (bão, lũ lụt, thay đổi khí hậu, bệnh tật...). Ngày nay chúng ta đã và đang thay đổi mối quan hệ của mình với tự nhiên. Đó là mối quan hệ phải tôn trọng và vì môi trường tự nhiên. Khi chúng ta ý thức được điều này và biến thành những hành động cụ thể trong thực tế ứng xử với tự nhiên thì có nghĩa là đã hình thành được những hành vi mang tính đạo đức môi trường. Hành động vì môi trường tự nhiên còn thể hiện ở chỗ tôn trọng sự phong phú, đa dạng của môi trường sinh thái, hệ sinh thái. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng. Điều này sẽ tạo ra sự cân bằng sinh thái. 2. Ý thức về nghĩa vụ của con người đối với việc bảo vệ môi trường Tiêu chí quan trọng thứ hai để xác định đạo đức môi trường của con người là tự ý thức của con người về nghĩa vụ của mình đối với việc bảo vệ môi trường trong các hoạt động thực tiễn của mình. Thực hiện nghĩa vụ đạo đức của con người đối với môi trường có nghĩa là trong ý thức và tình cảm của con người phải thể hiện sự tự nguyện, tự giác thực hiện các chuẩn mực bảo vệ môi trường. Ở đây, con người tự ý thức được trách nhiệm, sự cần thiết, những việc mình cần phải làm để bảo vệ môi trường. Việc thực hiện nghĩa vụ đối với bảo vệ môi trường còn thể hiện ở tình yêu của con người đối với môi trường, sự quan tâm của con người đối với việc bảo vệ môi trường khi con người khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, khi con người phát triển kinh tế, xã hội. Việc thực hiện nghĩa vụ đối với bảo vệ môi trường còn thể hiện ở chỗ con người luôn ý thức được về mối quan hệ hài hoà giữa nhu cầu và lợi ích của cá nhân cộng đồng, xã hội với yêu cầu của việc bảo vệ môi trường. Khi thực hiện nghĩa vụ đạo đức đối với môi trường, con người luôn có cảm giác hạnh phúc, hài lòng vì tình cảm cao thượng, vì lòng tự trọng và phẩm giá của con người. Nghĩa vụ đạo đức của con người đối với môi trường có mối liên hệ chặt chẽ với nghĩa vụ pháp lý. Tức là, các nghĩa vụ theo các chuẩn mực bảo vệ môi trường của Nhà nước (Luật bảo vệ môi trường, các nghị định, quy định của Chính phủ, các Công ước quốc tế về bảo vệ môi trường...). Nghĩa vụ đạo đức và nghĩa vụ pháp lý của con người đối với môi trường đều có chung mục đích là nhằm điều chỉnh hành vi của con người cho phù hợp với quy tắc, chuẩn mực về bảo vệ môi trường. Nghĩa vụ bảo vệ môi trường của con người không hình thành một cách tự nhiên, nhất thời mà nó được hình thành và hoàn thiện trong cả quá trình giáo dục, tự giáo dục, rèn luyện trong hoạt động thực tiễn của mỗi cá nhân, thậm chí qua quá trình đấu tranh, thử thách của cuộc sống. 3. Ý thức tự giác, tự nguyện của chủ thể đối với việc bảo vệ môi trường Tiêu chí thứ ba xác định đạo đức môi trường của con người là thực hiện các hành vi bảo vệ môi trường của mình không phải là bắt buộc, mà có tính tự giác, tự nguyện. Trong thực tiễn cuộc sống, nhiều hành vi của con người được thực hiện một cách bắt buộc. Chẳng hạn, học sinh đi học, công chức đến cơ quan phải đúng giờ quy định, khi tham gia giao thông trên đường mọi người phải chấp hành theo các tín hiệu, chỉ dẫn giao thông, mọi người không được xả rác bừa bãi, không được phá rừng đầu nguồn… Đó là những hành vi được thực hiện một cách bắt buộc. Nó là bắt buộc vì nếu không thực hiện như vậy thì các cá nhân hay tổ chức phải bị xử phạt theo các chuẩn mực đó. Trên thực tế, hành vi xã hội của con người lúc đầu là hành vi có tính bắt buộc, song trong quá trình thực hiện con người ý thức được sự cần thiết, tầm quan trọng của vấn đề dẫn đến con người đã thực hiện nó một cách tự nguyện và tự giác. Ở đây, còn một khía cạnh nữa cần lưu ý là khi con người thực hiện các hành vi một cách lặp đi lặp lại thì chúng trở thành thói quen. Chính thói quen này cũng góp phần tạo nên ý thức tự giác của con người. Chẳng hạn, thói quen vứt rác vào thùng, thói quen không ngắt hoa, bẻ cành ở những nơi công cộng. Những hành vi bảo vệ môi trường mang tính tự giác, tự nguyện của con người là những hành vi mang tính đạo đức và chỉ khi nào con người thực hiện như vậy thì mới được coi là đạo đức môi trường, còn khi con người vẫn thực hiện nó một cách bắt buộc thì chưa được coi là hành vi đạo đức môi trường. Do vậy, khi đánh giá hành vi đạo đức môi trường của con người chúng ta cần xem mức độ thực hiện hành vi đó như thế nào. Ở nước ta trong thời gian qua một số doanh nghiệp sau khi bị cơ quan môi trường yêu cầu đã phải xây dựng khu xử lý nước thải tập trung trước khi thải ra sông hồ, vì thế hành vi này không được coi là hành vi đạo đức môi trường. Trong khi đó có một số doanh nghiệp ngay từ khi xây dựng đã thiết kế khu vực xử lý nước thải, chú ý đến diện tích cây xanh... thì những hành vi này được coi là hành vi đạo đức môi trường. Vì nó xuất phát từ ý thức tự giác, tự nguyện của chủ thể. 4. Sự tác động của lương tâm chủ thể đối với việc bảo vệ môi trường Một trong các phạm trù cơ bản của đạo đức con người là lương tâm. Đối với hành vi đạo đức môi trường thì lương tâm là một tiêu chí cơ bản khác để đánh giá. Sự tác động của lương tâm trong hành vi đạo đức môi trường thể hiện ở những khía cạnh sau: a. Tự ý thức của chủ thể về những điều cần làm để bảo vệ môi trường b. Sự lo lắng, sợ hãi, xấu hổ của chủ thể khi có hành vi trái với những quy định về bảo vệ môi trường. c. Sự tự phán xét, tự đánh giá của chủ thể về những hành vi của mình đối với việc bảo vệ môi trường. Thực tế ở nước ta trong thời gian qua đã có những hành vi của cá nhân và doanh nghiệp đối với môi trường không có tính lương tâm. Chẳng hạn, hành vi xả nước ra sông Thị Vải, Đồng Nai suốt hơn 10 năm, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho dòng sông và cuộc sống của người dân khu vực này là hành động vô lương tâm. Nói là vô lương tâm vì nó là hành vi lệch chuẩn, là hành vi được thực hiện một cách cố ý, giấu diếm và có chủ đích. Có thể nói lương tâm là một tiêu chí đánh giá hành vi đạo đức của con người. Nhờ có lương tâm mà con người thực hiện các chuẩn mực một cách tự giác với tinh thần trách nhiệm cao. 5. Bảo vệ môi trường gắn với việc hài hòa lợi ích - hài hòa lợi ích của con người và lợi ích của thiên nhiên Lợi ích là động lực quan trọng của hành vi con người. Khi nói đến hành vi đạo đức môi trường của con người chúng ta cần chú ý đến vấn đề lợi ích. Con người khai thác, sử dụng và phá huỷ môi trường cũng vì lợi ích của riêng mình và để phục vụ cho lợi ích của mình. Con người bảo vệ môi trường cũng xuất phát từ lợi ích của mình. Vì khi môi trường được bảo vệ thì cuộc sống của con người được đảm bảo. Điều quan trọng là phải đảm bảo được sự hài hoà về lợi ích của con người và tự nhiên. Nếu chỉ nghiêng về một phía thì không thể thực hiện được mục tiêu bảo vệ môi trường. Đây là mối quan hệ tương hỗ: Môi trường phục vụ cho lợi ích của con người và con người bảo vệ môi trường (đảm bảo lợi ích của hệ sinh thái, quyền sinh sống của thực, động vật...). Hành vi đạo đức môi trường là hành vi thể hiện được sự hài hoà lợi ích giữa con người và môi trường tự nhiên. 6. Chia sẻ trách nhiệm để duy trì sự toàn vẹn của môi trường toàn cầu Môi trường là vấn đề liên quan đến mỗi gia đình, mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia. Môi trường là vấn đề xã hội và vấn đề có tính toàn cầu. Do vậy, bảo vệ môi trường là vấn đề mang tính toàn cầu. Hành vi đạo đức môi trường phải là hành vi mang tính cộng đồng, quốc gia và toàn cầu. Vì hành vi gây ô nhiễm môi trường của một cá nhân hay tổ chức nào đó không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức đó mà còn ảnh hưởng đến nhiều người khác, đến các khu vực khác. Chẳng hạn, hành vi đốt phá rừng, chặt phá rừng đầu nguồn không chỉ phá huỷ môi trường, dẫn tới hiện tượng xói mòn đất ở khu vực đó, mà còn gây lũ quét cho các khu vực khác. Hành vi xả nước thải ra sông Thị Vải, Đồng Nai của Công ty Vedan làm ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của dân cư nhiều địa phương dọc theo dòng sông này. Trái lại, hành vi bảo vệ môi trường của một cá nhân hay tập thể nào đó không chỉ đảm bảo môi trường tốt tại khu vực của cá nhân hay tổ chức đó mà còn đảm bảo môi trường cho những người dân khác hay cộng đồng dân cư trong khu vực. Chính vì môi trường có tính toàn cầu mà các quốc gia đã tổ chức nhiều hội nghị quốc tế về vấn đề môi trường. Các hội nghị này nhằm thúc đẩy các quốc gia cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo vệ trái đất - ngôi nhà chung của nhân loại. Có thể nêu ra một số Hội nghị quốc tế quan trọng về bảo vệ môi trường toàn cầu như: - Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường con người Stockholm, Thuỵ Điển từ 6-16.6.1972. Hội nghị đã ra Tuyên bố Stockholm về Môi trường con người. Hội nghị đã nêu ra quan điểm chung, nguyên tắc chung hướng mọi dân tộc trên thế giới trong quá trình gìn giữ và làm tốt đẹp môi trường của con người. - Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường và phát triển Rio de Janneiro, Brazil, 3-4.6.1992. Hội nghị nhằm thiết lập một sự chung sức toàn cầu mới và bình đẳng giữa các quốc gia nhằm tôn trọng quyền lợi của mọi người và bảo về toàn vẹn của hệ thống môi trường và phát triển toàn cầu. Mặt khác, công nhận bản chất toàn bộ và phụ thuộc lẫn nhau của trái đất, ngôi nhà của chúng ta. - Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển bền vững Johannesburg, Nam Phi 26.8.2002. Hội nghị tập trung tìm các giải pháp giải quyết những vấn đề chung của các quốc gia như: nước và vệ sinh, năng lượng, sức khoẻ, đa dạng sinh học, nghèo đói, sức khoẻ và phát triển bền vững. - Năm 2009, Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc tại Copenhagen, Đan Mạch cũng bàn về biến đổi khí hậu và vấn đề bảo vệ môi trường mang tính toàn cầu. Trong những năm qua có nhiều Công ước quốc tế về bảo vệ môi trường đã được các quốc gia thông qua, có thể kể ra một vài Công ước như sau: Công ước bảo tồn các loài động vật di cư hoang dã (1979); Công ước Geneva về ô nhiễm không khí xuyên biên giới trong phạm vi rộng (1979); Công ước Viên về bảo vệ tầng ôzôn (1985); Công ước về bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường tại khu vực Nam Thái Bình Dương (1986); Công ước Basel về quản lý vận chuyển xuyên biên giới và chôn lấp chất thải nguy hại (1989); Công ước về bảo vệ Biển đen tránh khỏi ô nhiễm (1992); Công ước về đa dạng sinh học (1992); Công ước khung về biến đổi khí hậu (1992)... Các hội nghị quốc tế và các Công ước quốc tế trên đã phản ánh tính toàn cầu và khu vực của vấn đề môi trường. Bảo vệ môi trường phải có sự hợp sức của các quốc gia và toàn thế giới.(Tr 62 - 68). Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc |