PHƯƠNG PHÁP SỬ HỌC: NHỮNG NGUYÊN TẮC CĂN BẢN
(Hết hàng)
Tác giả: Nguyễn Thế Anh Thể loại: Khoa học xã hội ISBN: 9786049437960 Xuất bản: 6/2018 Trọng lượng: 250 gr NXB: Tri Thức Số trang: 212 trang - khổ: 13.5 x 20.5 cm Giá bìa: Giá bán: 60,750 đ |
|
Các danh từ lịch sử, sử ký, sử học thường bị hiểu lầm và thường được sử đụng lẫn lộn. Chúng ta cần phân biệt rõ rệt: - Lịch sử, là quá khứ và tất cả những gì đã xảy ra trong quá khứ. Người Đức dùng danh từ geschichte để chỉ định cả lịch sử và sử học; danh từ này từ động từ geschehen mà ra (geschehen có nghĩa là xảy ra và geschichte là cái gì đã xảy ra). Nó bao gồm các biến cố và các hành vi của con người được coi là đáng ghi nhớ. - Sử ký, là sự ghi chép lại quá khứ, nghĩa là tất cả những gì con người đã nói hay đã viết về quá khứ, hoặc như Jacob Burckhardt đã viết, “cái gì mà một thời đại cho là đáng ghi nhớ trong một thời đại khác”. - Sử học, là ngành học chuyên về sự ghi chép quá khứ. Về điểm này, các danh từ Pháp “histoire” và Anh “history” là từ danh từ cổ Hy Lạp ιστορία mà ra (ιστορία: sử học). Sử học là phương pháp và ngành học cho phép ta luyện nên và lưu truyền lại cho các thế hệ tới sau ký ức của các thời đại đã trôi qua. Sản phẩm của ngành học này là tất cả các văn phẩm chuyên về sự hiểu biết quá khứ. Qua các định nghĩa sơ lược ở trên, chúng ta thấy rằng sử vừa là quá khứ, và cũng vừa là ký ức của quá khứ. Một dân tộc không có lịch sử, hay không biết gì về lịch sử của mình, thật không khác gì một người không có ký ức, không nhớ được gì, bắt buộc phải lập lại những phát minh đã được thực hiện trong quá khứ, phải giải quyết những vấn đề đã được giải quyết và cũng lại vấp phải những lầm lẫn đã vấp phải. Một mặt, chúng ta cảm thấy một dân tộc không có lịch sử nếu đã không đạt đến một trình độ văn minh tương đối, mặt khác chúng ta cũng không thể quan niệm một nền văn minh không có lịch sử. Cho nên mọi nền đại văn minh trong lịch sử của nhân loại đều thấy cần phải ghi giữ lại ký ức của quá khứ.
Minh Khai trân trọng giới thiệu |