TÔN GIÁO VÀ XÃ HỘI HIỆN ĐẠI - BIẾN CHUYỂN CỦA LÒNG TIN Ở PHƯƠNG TÂY (HẠT GIỐNG TÂM LINH)
(Hết hàng)
Tác giả: Cao Huy Thuần Thể loại: Khoa học xã hội ISBN: 9786049557576 Xuất bản: 5/2017 Trọng lượng: 200 gr NXB: Hồng Đức Số trang: 144 trang Giá bán: 63,000 đ |
|
Môn xã hội học ra đời ở châu Âu hồi thế kỷ 19 để nghiên cứu một cách có hệ thống và khoa học những biến chuyển đã đưa châu Âu đến "xã hội hiện đại". Khoa học kỹ thuật lúc đó đã phát triển, Thiên Chúa giáo bị phê phán như lạc hậu, "tính hiện đại" là đối tượng của môn nghiên cứu mới, nhưng đồng thời môn nghiên cứu mới đó cũng mang tính hiện đại. Vì vậy, hiển nhiên, câu hỏi về số phận của tôn giáo nằm tận trong căn bản của môn xã hội học vừa khai sinh. Ngay từ khởi thủy, với Auguste Comte, với Emile Durkheim, với Max Weber, khoa xã hội học đã đặc biệt chú trọng đến hiện tượng tôn giáo, và, cùng với sự lớn mạnh không ngừng của khoa học, đã lạc quan tin tưởng có thể thay thế tôn giáo bằng một đạo đức thế tục mang tính khoa học, cởi bỏ những tin tưởng và những hình thức có tính siêu hình, huyền thoại. Môn xã hội học trở thành vừa là một dụng cụ nghiên cứu, vừa là một khí giới hành động, nhắm mục đích hoàn thiện "tính hiện đại". Từ quan niệm dấn thân như vậy vào quá trình "hiện đại hóa", các nhà xã hội học có khuynh hướng xem tính hiện đại như đối kháng với tính tôn giáo. Mà thật vậy, kỹ nghệ hóa, đô thị hóa, lý tính hóa đã chẳng góp phần vào việc phá vỡ những hệ thống tôn giáo vững chắc qua bao nhiêu chục thế kỷ đó sao? Con người hiện đại ở châu Âu đã chẳng trở nên lạnh lùng, khô cứng, đánh mất "thế giới thần tiên" mà nhân loại đã được nuôi dưỡng qua bao nhiêu thời đại đó sao? Trước tình trạng thoái trào càng ngày càng rõ của Thiên Chúa giáo, đâu có gì đáng ngạc nhiên khi các nhà xã hội học dự đoán tôn giáo sẽ bay về trời vào cuối quá trình của hiện đại hóa?
Cả hai phía đối kháng đều đã góp phần vào tiên đoán đó. Về phía các nhà xã hội học, Saint Simon, Comte, Durkheim, và sau đó kể cả Marx, với quan niệm tiến hóa diễn ra qua từng giai đoạn kế tiếp bắt buộc, đã vẽ ra một tương lai trong đó tôn giáo truyền thống sẽ úa tàn, sẽ khuất núi, hoặc sẽ được thay thế bằng một tôn giáo thế tục, khoa học. Về phía tôn giáo, sự chống đối bảo thủ quyết liệt để cố giữ lại vị trí ưu tiên trong Nhà nước rồi trong xã hội, suốt thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, đã góp phần minh chứng luận thuyết Nhà thờ và tính hiện đại không đội chung trời. Khái niệm "thế tục hóa" đã trở thành chìa khóa để các nhà xã hội học nghiên cứu hoàng hôn của tôn giáo trong những xã hội kỹ nghệ hóa. Nhưng có thật "thế tục hóa" và tính tôn giáo chơi với nhau một trận chiến trong đó hễ một người thắng thì người kia thua? Ở Mỹ, không ai thua ai, mà hầu như ai cũng thắng. Ở Nhật, một nước kỹ nghệ hóa từ lâu, tám mươi triệu người vẫn còn giữ truyền thống mỗi dịp Nguyên Đán đi lễ đền một lần để lễ bái và để... xin bùa. Đâu là xã hội "thế tục hóa"? Châu Âu, trong lĩnh vực tôn giáo, là một mô hình riêng, trong đó địa vị toàn trị của Thiên Chúa giáo trong lịch sử đã gây ra phản ứng chống toàn trị của "thế tục hóa". Khảo sát mô hình Âu châu cốt là để so sánh. So sánh lịch sử của tôn giáo ở đó với tôn giáo ở nơi khác; so sánh địa vị của tôn giáo ở mỗi nơi; so sánh thái độ chính trị của mỗi tôn giáo. Gọi là "tôn giáo", kỳ thực bao nhiêu khác biệt giữa hệ thống tín ngưỡng này với hệ thống tín ngưỡng kia. Cái nhìn, chính trị hay khoa học, phải khác.
Minh Khai trân trọng giới thiệu |