SÀI GÒN - MỘT GÓC KÝ ỨC VÀ BÂY GIỜ
(Hết hàng)
Tác giả: Vũ Thế Thành Thể loại: Truyện vừa - Truyện ngắn - Tản văn ISBN: 9786049983092 Xuất bản: 10/2020 Trọng lượng: 300 gr NXB: Tổng hợp Thành Phố Hồ Chí Minh Số trang: 246 trang - khổ: 13 x 20.5 cm Giá bán: 95,000 đ |
|
Tôi sinh ra, lớn lên ở Sài Gòn. Tuổi thơ ở khu Tân Định. Dọn nhà một lần cũng lòng vòng đâu đó, gần cổng xe lửa số Sáu, bên bờ kênh Nhiêu Lộc và ở tới giờ. Ở riết thấy nhàm, tôi thấy Sài Gòn vẫn vậy. Vẫn vậy là kiểu ăn, cách nói, cà phê, quán nhậu…chứ đường xá, nhà cửa…thay đổi nhiều. Trước 1975, đôi khi tôi cũng lêu lổng ở Đà Lạt, mê cảnh núi đồi, ao hồ, sông suối, yên tĩnh và nhịp sống chậm rãi của Đà Lạt, và cũng không loại trừ mê luôn người Đà Lạt hiền hòa và hiếu khách. Tôi nhủ, rồi ngày nào đó sẽ về đây dưỡng già (non). Bây giờ tôi đã về Đà Lạt, cũng hơn sáu năm rồi. Nợ đời chưa dứt, nên khi Sài Gòn lúc Đà Lạt. Sài Gòn và Đà Lạt đều là dân tứ xứ. Ở lâu thì thành người Sài Gòn hay dân Đà Lạt gốc. Mỗi nơi đều có con người và phong cách riêng. Rồi cuộc đời dâu bể, nơi còn nơi mất. Đà Lạt đang mất dần, gượng không nổi, nhưng Sài Gòn còn là Sài Gòn, dù có mất chút đỉnh. Ai ở đâu tới mặc kệ, nhưng Sài Gòn không có đất sống cho ‘bún mắng cháo chửi’, không phân biệt khách Tây khách ta, không giẫm nát hoa hội chợ, phở Hà Nội không thể ‘tuyệt đối đúng’ khi thiếu rau thơm giữa đất Sài Gòn… Trước như vậy, giờ vẫn thế. Nhưng Đà Lạt thì khác, chụp giựt, níu kéo, chém chặt, phân biệt Tây ta…đang hình thành ở những ngày cuối tuần hay lễ hội. Đà Lạt tuổi đời trẻ quá, chưa kịp bén rễ thì bão đời đã làm tản mác con người Đà Lạt. Đà Lạt thiếu ‘con người Đà Lạt’đâu còn gì là hồn Đà Lạt. Đà Lạt chỉ còn thân xác như bức họa đắt giá của Picasso dưới con mắt của kẻ phàm phu. Nói vậy thôi, Đà Lạt vẫn còn vài nơi yên tĩnh, hoa lá núi đồi để tôi còn đọc sách bên tách trà ly rượu. Rồi ngẫm lại mới thấy, sao mà những năm tháng lớn lên ở Sài Gòn êm ả quá. Và rồi cũng nơi đó, những năm tháng cùng cực, cơm áo gạo tiền, cố giữ cho được cái nguyên tắc sống của riêng mình, thiệt vất vả. Ở Sài Gòn tôi nhớ Đà Lạt, nhưng ở Đà lạt tôi lại nhớ Sài Gòn. Hai cái nhớ khác nhau. Nhớ Đà Lạt vì lỡ thương. Còn nhớ Sài Gòn vì duyên vì nợ. Hầu hết những bài trong tập tùy bút này đều được viết ở Đà Lạt. Phải xa Sài Gòn mới ngứa tay viết được, mà viết tùy bút kiểu này cũng coi như một cách tính sổ với cuộc đời. Đà Lạt làm tôi biết nhớ Sài Gòn. Chỉ mới ba trăm cây số Đà Lạt – Sài Gòn, lại còn đi đi về về mà đã thế, huống chi những người ở xa Sài Gòn nửa vòng trái đất, chục năm, hai ba chục năm biền biệt thì sao? Có lẽ chỉ còn cách như người bạn tôi, nửa đêm không ngủ được, gọi phone về, thở dài: Tao nhớ Sài Gòn chết… mẹ! Xa Sài Gòn mới thấm, mới cảm thấy thiếu thiếu cái gì đó, như từ bỏ một thói quen, bứt rứt khó chịu như cai thuốc. Nhớ Sài Gòn chứ sao không! Nhớ con hẻm lầy lội, nhớ tiếng mưa rơi trên mái tôn, nhớ tuổi thơ, nhớ tiếng rao hàng giọng Sài Gòn, nhớ sầu riêng vú sữa, nhớ đủ thứ… Xa rồi mới biết thương biết nhớ…
Minh Khai trân trọng giới thiệu |